Ba mẹ tôi có 1 sổ tiết kiệm trong ngân hàng do mẹ tôi đứng tên. Số tiết kiệm đó là tài sản được hình thành trong thời kì hôn nhân của ba mẹ tôi. Khi ba tôi chết thì không để lại di chúc, nhà tôi có 3 người con, vậy số tiền đó sẽ được chia như thế nào? Nếu không có sự đồng ý của tôi thì mẹ tôi có quyền lấy hết số tiền đó để làm việc khác hay không? Nếu mẹ đã lấy ra hết rồi thì tôi có đòi lại được không?
Gửi bởi: nguyễn cao hưng
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo thông tin bạn cung cấp thì tài sản trên được hình thành trong thời kì hôn nhân và là tài sản chung vợ chồng theo quy định tại khoản 1 điều 33 Luật hôn nhân, gia đình 2014. Như vậy, di sản thừa kế được xác định trong trường hợp này sẽ là 1/2 giá trị sổ tiết kiệm, 1/2 giá trị còn lại thuộc sở hữu của mẹ bạn.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 điều 676Bộ luật dân sự 2005 thì mẹ bạn và 3 anh em bạn sẽ được hưởng giá trị bằng nhau trên nửa giá trị sổ tiết kiệm trên.
Tuy nhiên, sổ tiết kiệm ngân hàng là một trường hợp đặc biệt, nếu mẹ bạn là người đứng tên trong sổ tiết kiệm thì mẹ bạn có quyền tự mình xác lập thực hiện giao dịch theo quy định tại khoản 1 điều 32 Luật hôn nhân gia đình 2014: “Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.”
Nếu di sản thừa kế trên chưa được khai nhận di sản thừa kế, thì theo quy định tại điều 32 Luật hôn nhân gia đình ở trên, mẹ bạn có quyền trong việc sử dụng tài sản trên mà không cần hỏi ý kiến của các bạn.
Nếu di sản thừa kế trên đã được thực hiện khai nhận di sản thừa kế tại cơ quan công chứng, thì khi sổ tiết kiệm trên sẽ thuộc sở hữu chung theo phần của mẹ bạn, bạn và hai người anh em còn lại theo quy định tại khoản 1 điều 216 Bộ luật dân sự 2005: “Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung”. Trường hợp này mẹ bạn chỉ có quyền định đoạt phần tài sản thuộc sở hữu của mình trong khối tài sản trên mà không có quyền tự ý lấy toàn bộ số tiền trên để sử dụng vào mục đích khác nếu không có sự đồng ý của anh em bạn theo quy định tại khoản 1 điều 223 Bộ luật dân sự 2005: “1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật”. Nếu mẹ bạn tự ý tiêu toàn bộ số tiền trên thì bạn có quyền yêu cầu mẹ bạn hoàn trả khoản tiền thuộc sở hữu của mình.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: Phạm Thị Bích Hảo
Tham khảo thêm: