Đánh giá tác động của quy định pháp luật về Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường tới hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường (Lý luận và quy định pháp luật hiện hành)

Những năm gần đây, hoạt động phát triển kinh tế – xã hội diễn ra sôi động, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển này đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Hiện nay, môi trường đang bị suy thoái ở nhiều nơi trên khắp đất nước, đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách, hành động cụ thể, phù hợp cấp thiết trong hoạt động bảo vệ môi trường. Thời gian qua, công tác quản lý môi trường đã được Đảng và Nhà nước quan tâm với việc ban hành tương đối đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) như Luật BVMT năm 2014, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, Quyết định số 166/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030, … Trong số các chính sách được thực hiện để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường thì phải kể đến chính sách về ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích bảo vệ môi trường. Để tìm hiểu cụ thể các ưu đãi, hỗ trợ mà các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh được hưởng liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, em đã chọn tìm hiểu đề tài: “Đánh giá tác động của quy định pháp luật về Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường tới hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường (Lý luận và quy định pháp luật hiện hành)” làm đề bài tập học kì của mình.

I. KHÁI QUÁT VỀ ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG KINH DOANH

1. Lý luận về Công cụ kinh tế trong quản lý môi trường và tác động của các công cụ tài chính tới hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường trong kinh doanh

1.1. Khái quát về công cụ kinh tế trong quản lý môi trường

Các hoạt động của con người đã và đang làm cho môi trường trở nên xấu đi và từ đó tạo ra những tiêu cực cho đời sống của con người và sinh vật. Do vậy, nhiều công cụ quản lý đã được sử dụng để giải quyết các vấn đề môi trường, trong đó có công cụ kinh tế. Công cụ kinh tế trong quản lý môi trường được hiểu là việc Nhà nước sử dụng sức mạnh của thị trường để định hướng hành vi thân thiện với môi trường của các chủ thể trên cơ sở gắn kết lợi ích kinh tế với lợi ích môi trường.

Trên thế giới tồn tại nhiều công cụ kinh tế như thuế tài nguyên, thuế môi trường, các loại phí bảo vệ môi trường, ký quỹ, quỹ bảo vệ môi trường, nhãn sinh thái, giấy phép chuyển nhượng,… Có thể hiểu khái quát về một số công cụ kinh tế như sau:

+ Công cụ thuế: hiện nay ở Việt Nam áp dụng hai loại thuế là thuế tài nguyên và thuế bảo vệ môi trường. Thuế tài nguyên là một trong những công cụ kinh tế thể hiện vai trò sở hữu Nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý, giám sát của Nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của các tổ chức, cá nhân. Thuế bảo vệ môi trường góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, thay đổi nhận thức và hành vi của các cá nhân, tổ chức trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm phát thải, khuyến khích người dân sản xuất và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

+Công cụ phí: Trong quá trình sản xuất và tiêu dùng, nhiều chất thải được tạo ra gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Môi trường không có ranh giới lãnh thổ nên những hậu quả xấu của môi trường do cả cộng đồng xã hội cùng phải gánh chịu. Khi đó chủ thể xả thải phải có nghĩa vụ khắc phục những hậu quả đó thông qua các khoản phí là một điều tât yếu. Nhà nước thu các khoản phí này nhằm tạo ra một nguồn thu nhất định để khắc phục hậu quả môi trường do các chủ thể xả thải gây ra. Phí bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay được áp dụng bao gồm: phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải và phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

+Quy định về ký quỹ: là công cụ kinh tế áp dụng cho các ngành kinh tế dễ gây ra ô nhiễm môi trường. Nội dung chính của ký quỹ môi trường là yêu cầu các doanh nghiệp trước khi đầu tư phải đặt cọc tại ngân hàng một khoản tiền nào đó đủ lớn để đảm bảo cho việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và công tác bảo vệ môi trường. Việt Nam đã và đang áp dụng công cụ kinh tế này, cụ thể: Đối với hoạt động khai thác khoáng sản, chủ thể thực hiện hoạt động phải thực hiện ký quỹ một lần hoặc nhiều lần theo quy định. Từ năm 2015 trở đi, việc kí quỹ được áp dụng cả đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu, theo đó chủ thể thực hiện hoạt động này phải thực hiện kí quỹ một lần theo quy định pháp luật.

+Quỹ Bảo vệ môi trường: Nhà nước thiết lập các quỹ BVMT với mục đích tạo ra một nguồn tài chính ổn định hỗ trợ cho các hoạt động BVMT. Dựa vào nguồn vốn này, các hoạt động BVMT được thực hiện dễ dàng, khi đó các hậu quả xấu cho môi trường sẽ nhanh chóng được khắc phục. Hiện nay, Việt Nam áp dụng thành lập quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, cụ thể bao gồm: Quỹ bảo vệ môi trường trung ương, quỹ bảo vệ môi trường địa phương và quỹ bảo vệ môi trường cơ sở; được thành lập theo quy định của pháp luật.

+Các biện pháp ưu đãi hỗ trợ trong hoạt động bảo vệ môi trường: là các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các chủ thể thực hiện các hoạt động kinh doanh có lợi cho môi trường. Hiện nay Việt Nam chủ yếu áp dụng các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, tài chính và đối với sản phẩm cho các chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh có liên quan tới hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật.

+Nhãn sinh thái: Nhãn sinh thái là một danh hiệu của nhà nước cấp cho các sản phẩm không gây ra ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất ra sản phẩm hoặc quá trình sử dụng các sản phẩm đó. Hiện nay, nước ta đã có Nhãn xanh Việt Nam chứng nhận cho những sản phẩm thân thiện và an toàn với môi trường. Tuy nhiên, việc dán nhãn chứng nhận hiện nay chỉ dừng ở mức độ khuyến khích các chủ thể kinh doanh thực hiện.

+ Giấy phép chuyển nhượng: Đây là một loại giấy phép xả thải có thể chuyển nhượng được mà thông qua đó, Nhà nước công nhận quyền của các nhà sản xuất – kinh doanh được phép thải chất gây ô nhiễm tối đa có thể cho phép thải vào môi trường, sau đó phân bố cho các nguồn thải bằng cách phát hành các giấy phép. Giấy phép này có thể bán hoặc chuyển giao từ nguồn này sang nguồn khác. Các nhà sản xuất, kinh doanh có thể linh hoạt lựa chọn giải pháp giảm thiểu chi phí đầu tư cho mục đích BVMT bằng cách đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường để đạt tiêu chuẩn cho phép hoặc mua giấy phép chuyển nhượng để được phép thải chất gây ô nhiễm vào môi trường.

1.2. Vai trò của công cụ kinh tế trong hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường

Trong hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường, việc sử dụng các công cụ kinh tế đã có những tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và trong hoạt động quản lý nhà nước về môi trường, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Công cụ kinh tế góp phần làm thay đổi hành vi của chủ thể kinh doanh theo hướng có lợi cho môi trường. Công cụ kinh tế (CCKT) có vai trò trong việc định hướng hành vi xử sự của các chủ thể tiêu dùng và chủ thể sản xuất – kinh doanh theo hướng ngày càng thân thiện hơn với môi trường. Không giống như công cụ hành chính mang tính chất mệnh lệnh, CCKT mang tính mềm dẻo, linh hoạt. Nó khuyến khích người gây ô nhiễm và người hưởng thụ môi trường có các hành vi xử sự có lợi cho môi trường. Công cụ kinh tế tác động trực tiếp tới lợi ích kinh tế của các chủ thể có liên quan nên trước khi sản xuất, kinh doanh, các chủ thể này đều phải tính toán, xem xét đến chi phí đầu tư cho việc BVMT. Khi đó họ sẵn sàng giảm lượng xả thải nếu chi phí đầu tư cho việc BVMT thấp hơn chi phí môi trường phải nộp. Như vậy, nhận thức về môi trường và BVMT của người dân đã được nâng cao nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

Thứ hai, CCKT tạo ra sự chủ động cho các chủ thể trong hoạt động sản xuất, tiêu dùng. Từ những nhận thức về sự cần thiết phải BVMT, các chủ thể chủ động lập kế hoạch BVMT thông qua việc lồng ghép chi phí BVMT vào giá thành sản phẩm để không làm ảnh hưởng tới lợi nhuận kinh doanh.

Thứ ba, các CCKT giúp tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên bởi nó tác động trực tiếp đến quyền lợi kinh tế của các cá nhân và doanh nghiệp nên khi tiến hành sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng, các chủ thể phải tính đến việc sử dụng nguồn tài nguyên như thế nào là tiết kiệm và hiệu quả nhất mà không ảnh hưởng tới lợi nhuận thông qua việc thường xuyên cải tiến công nghệ kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm.

Thứ tư, CCKT được sử dụng có thể làm giảm bớt gánh nặng quản lý cho cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường. Với sức ép mà các vấn đề môi trường Việt Nam đang đặt ra hiện nay cùng với phương thức quản lý mệnh lệnh hành chính là chủ yếu, các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT luôn bị đặt trong tình trạng quá tải về công việc. Nhưng nếu biết sử dụng hợp lý và hiệu quả các CCKT thì sẽ giảm bớt được sự quá tải đó.

Thứ năm, sử dụng các CCKT còn tạo ra được một nguồn tài chính dồi dào và cần thiết từ toàn xã hội để quản lý và BVMT.

2. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường trong kinh doanh

Các ưu đãi hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường nói chung và trong lĩnh vực môi trường trong kinh doanh nói riêng đã được pháp luật quy định và cụ thể hóa tại văn bản quy phạm pháp luật môi trường. Việc áp dụng các ưu đãi, hỗ trợ luôn phải tuân thủ những nguyên tắc đã được pháp luật quy định, cụ thể có các nguyên tắc như sau:

(1) Nhà nước thực hiện ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế đối với hoạt động bảo vệ môi trường; trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường và các ưu đãi, hỗ trợ khác đối với hoạt động bảo vệ môi trường.

 (2) Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ tương ứng cho các hoạt động đó theo quy định tại Nghị định này.

 (3) Trường hợp hoạt động bảo vệ môi trường cùng được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo văn bản có quy định mức ưu đãi, hỗ trợ cao hơn.

(4) Trường hợp pháp luật, chính sách mới được ban hành quy định ưu đãi, hỗ trợ cao hơn so với ưu đãi, hỗ trợ mà nhà đầu tư đã được hưởng theo quy định tại Nghị định này thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt nội dung ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định này.

(5) Mức độ và phạm vi ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được điều chỉnh bảo đảm phù hợp với chính sách về bảo vệ môi trường từng thời kỳ.

3. Đối tượng được ưu đãi hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Khi thực hiện hoạt động kinh doanh, chủ thể kinh doanh phải thực hiện các nghĩa vụ nhất định theo quy định của pháp luật, trong đó có các quy định pháp luật về môi trường trong kinh doanh. Tuy nhiên, đối với một số hoạt động sản xuất kinh doanh có tác động tích cực tới môi trường, thông thường là những hoạt động thân thiện với môi trường sẽ được Nhà nước khuyến khích bằng những ưu đãi, hô trợ nhất định. Pháp luật đã quy định cụ thể các đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ tại Phụ lục III của Nghị định 19/2015/NĐ-CP, cụ thể bao gồm :

  1. Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên;
  2. Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung;
  3. Xử lý chất thải nguy hại, đồng xử lý chất thải nguy hại;
  4. Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng;
  5. Ứng cứu, xử lý sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và sự cố môi trường khác;
  6. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề;
  7. Di dời, chuyển đổi hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;
  8. Quan trắc môi trường;
  9. Dịch vụ hỏa táng, điện táng;
  10. Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường; giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ;
  11. Sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích;
  12. Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận;
  13. Sản xuất xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học được chứng nhận hợp quy; than sinh học; năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác;
  14. Sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường;
  15. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận nhãn sinh thái.

II. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ CÁC BIỆN PHÁP ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể căn cứ chương VII Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ được chia thành 3 nhóm chính, bao gồm:

– Ưu đãi hồ trợ về cơ sở hạ tầng, đất đai

– Ưu đãi, hỗ trợ về Tài chính

– Hỗ trợ về giá và tiêu phụ sản phẩm

1. Ưu đãi, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, đất đai

1.1. Hỗ trợ về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng

Các hỗ trợ về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng được áp dụng với các đối tượng cụ thể theo quy định pháp luật. Căn cứ Điều 39 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, chủ đầu tư dự án xây dựng công trình bảo vệ môi trường trong một số trường hợp sau sẽ được hưởng các hỗ trợ về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, cụ thể:

-Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên;

-Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung;

-Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề.

Khi thực hiện một trong các dự án xây dựng công trình bảo vệ môi trường được nêu trên, chủ đầu tư dự án được hưởng hỗ trợ về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng như sau:

Một là, Nhà nước ưu tiên bố trí quỹ đất gắn với các công trình, hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, năng lượng) sẵn có ngoài phạm vi dự án nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Hai là, Trong trường hợp Nhà nước không bố trí được quỹ đất gắn với các công trình, hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật sẵn có ngoài phạm vi dự án nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực, chủ đầu tư dự án được hưởng chính sách như hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật về đầu tư.

1.2.  Ưu đãi về tiền thuê đất, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng và bồi thường

Ưu đãi về tiền thuê đất, hỗ trợ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được áp dụng theo quy định tại Điều 40 Nghị định 19/2015/NĐ-CP cụ thể đối tượng và nội dung hưởng ưu đãi, hỗ trợ như sau:

 Thứ nhất, Chủ dự án xây dựng hệ thống Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên; Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai như các đối tượng thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và được Nhà nước hỗ trợ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trong trường hợp chủ đầu tư dự án đã ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ được khấu trừ theo quy định của pháp luật về đất đai.

Thứ hai, Chủ dự án xây dựng công trình Ứng cứu, xử lý sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và sự cố môi trường khác;  Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai như các đối tượng thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Thứ ba, Chủ dự án thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sau đây:

-Sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

– Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.

– Sản xuất xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học được chứng nhận hợp quy; than sinh học; năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác.

– Sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường

Khi thực hiện một trong các hoạt động đầu tư xây dựng nêu trên, chủ đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai như các đối tượng thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

2. Ưu đãi, hỗ trợ về vốn, thuế

2.1. Ưu đãi về huy động vốn đầu tư

Ưu đãi về huy động vốn đầu tư được thực hiện dựa trên nguồn huy động vốn đối với các dự án đầu tư khác nhau thuộc danh mục đối tượng được hưởng ưu đãi về huy động vốn theo quy định của pháp luật môi trường trong kinh doanh. Cụ thể, căn cứ Điều 43 Nghị định 19/2015/NĐ-CP, ưu đãi về huy động vốn đầu tư được áp dụng với các đối tượng theo các trường hợp và đối với các nguồn huy động vốn khác nhau như sau:

Thứ nhất, Ưu đãi huy động vốn từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường địa phương và các tổ chức tín dụng khác được áp dụng với các đối tượng và nội dung cụ thể như sau:

Một là, Chủ đầu tư dự án thực hiện hoạt động: Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên; Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung nếu áp dụng công nghệ xử lý có tỷ lệ chất thải phải chôn lấp sau xử lý dưới 30% trên tổng lượng chất thải rắn thu gom thì được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm cho vay, tổng mức vay vốn không quá 80% tổng mức đầu tư xây dựng công trình; được ưu tiên hỗ trợ sau đầu tư hoặc bảo lãnh vay vốn;

Hai là, Chủ đầu tư dự án thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường được quy định tại phụ lục III của nghị định 19/2015/NĐ-CP mà không thuộc trường hợp đối với dự ánxử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên; Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung nếu áp dụng công nghệ xử lý có tỷ lệ chất thải phải chôn lấp sau xử lý dưới 30% trên tổng lượng chất thải rắn thu gom, được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm cho vay, tổng mức vay vốn không quá 70% tổng mức đầu tư xây dựng công trình; được ưu tiên hỗ trợ sau đầu tư hoặc bảo lãnh vay vốn.

Thứ hai, Ưu đãi huy động vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam:

Chủ đầu tư dự án thực hiện các hoạt động trong danh mục đối tượng được hưởng ưu đãi trong hoạt động bảo vệ môi trường được hưởng ưu đãi về tín dụng đầu tư như các dự án thuộc danh mục vay vốn tín dụng đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ ba, Ưu đãi huy động vốn từ nguồn vốn ODA:

Ưu đãi này được áp dụng với các chủ đầu tư dự án thực hiện hoạt động được quy định tại Phụ lục III Nghị định 19/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, không áp dụng với các trường hợp dự án hoạt động xử lý chất thải nguy hại, đồng xử lý chất thải nguy hại; quan trắc môi trường. Nếu các dự án đó là dự án được quy định trong các kế hoạch, chiến lược được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội ban hành và thuộc các lĩnh vực quy định tại Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn thi hành thì được ưu tiên xem xét, sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Tuy nhiên, riêng với dự án của chủ đầu tư dự án thực hiện các hoạt động sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, ngoài việc được hưởng các ưu đãi huy động vốn từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường địa phương và các tổ chức tín dụng khác và Ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định đã được trình bày ở trên, thì chủ dự án còn được Nhà nước hỗ trợ 10% tổng vốn đầu tư thiết bị triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường.

2.2. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp

Bên cạnh chính sách ưu đãi về vốn, đối với các hoạt động kinh doanh bảo vệ môi trường, Nhà nước còn khuyến khích đầu tư thông qua chính sách ưu đãi về thuế thu nhật doanh nghiệp. Cụ thể, căn cứ quy định tại Điều 43 Nghị định 19/2015/NĐ-CP, ưu đãi này áp dụng với Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án đầu tư mới thuộc các trường hợp sau đây:

– Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên;

– Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung;

– Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.

– Ứng cứu, xử lý sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và sự cố môi trường khác.

– Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề.

– Dịch vụ hỏa táng, điện táng.

– Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường; giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ.

Khi được hưởng ưu đãi này, doanh nghiệp thực hiện một trong các dự án nêu trên sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như các đối tượng thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

2.3. Ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Ưu đãi đối với thuế xuất nhập khẩu được quy định tại Điều 44 Nghị định 19/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Một là, ưu đãi thuế nhập khẩu đối với máy móc, phương tiện, dụng cụ, vật liệu dùng cho một trong các hoạt động sau:

– Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường; giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ.

– Sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

– Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.

– Sản xuất xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học được chứng nhận hợp quy; than sinh học; năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác.

– Sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường

 Khi nhập khẩu các máy móc thiết bị thuộc các trường hợp nêu trên, chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh sẽ được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu như các đối tượng thuộc lĩnh vực được đặc biệt khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm được sản xuất ra từ các dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận. Cụ thể, đối với trường hợp này, việc hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu nhập khâu được thực hiện theo Thông tư 128/2016/TT-BTC quy định miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải quy định tại nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật bảo vệ môi trường.

2.4 Ưu đãi thuế giá trị gia tăng

Đối với thuế giá trị gia tăng, các chính sách ưu đãi được áp dụng với hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh từ hoạt động bảo vệ môi trường áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

3. Hỗ trợ về giá và tiêu thụ sản phẩm

3.1. Trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường

Căn cứ theo quy định tại Điều 46 Nghị định 19/2015/NĐ-CP Chủ dự án thực hiện các hoạt động, cung ứng các sản phẩm sau đây nếu đáp ứng các tiêu chí về sản phẩm, dịch vụ công ích thì được trợ giá theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, cụ thể:

– Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung, dịch vụ hỏa táng, điện táng và hoạt động quan trắc môi trường nền;

– Sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường từ hoạt động: Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận và Sản xuất xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học được chứng nhận hợp quy; than sinh học; năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác.

3.2.  Hỗ trợ tiêu thụ đối với sản phẩm

Đối với các sản phẩm được sản xuất từ các hoạt động sản xuất kinh doanh:

– Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.

– Sản xuất xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học được chứng nhận hợp quy; than sinh học; năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác.

Căn cứ theo quy định tại Điều 47 Nghị định 19/2015/NĐ-CP, Nhà nước thực hiện hỗ trợ tiêu thụ đối với sản phẩm từ các hoạt động nêu trên thông qua việc quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm ưu tiên mua sắm công sản phẩm từ các hoạt động bảo vệ môi trường đã kể trên.

4. Các ưu đãi, hỗ trợ khác

Bên cạnh các ưu đãi, hỗ trợ nêu trên, đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo vệ môi trường Nhà nước khuyến khích việc đầu tư thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường thông qua nhiều ưu đãi hỗ trợ khác nhau. Chẳng hạn như: Hỗ trợ quảng bá sản phẩm, phân loại rác tại nguồn,.. Đối với hỗ trợ quảng bá sản phẩm, phân loại rác tại nguồn, căn cứ theo quy định tại Điều 48 Nghị định 19/2015/NĐ-CP, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các hoạt động sau:

– Quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ;

– Sản xuất và phổ biến các thể loại phim, chương trình truyền hình về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường;

– Cung cấp miễn phí các dụng cụ cho người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, sản phẩm thải bỏ tại nguồn.

Vậy, với việc thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh bảo vệ môi trường, các chủ dự án, chủ thể sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau từ hỗ trợ về đất đai, công trình xây dựng thực hiện dự án, đến các ưu đãi về tài chính thực hiện và hoạt động dự án, và các ưu đãi, hỗ trợ về đầu ra của sản phẩm. Từ đó cho thấy, Nhà nước ta luôn quan tâm, khuyến khích và đang thực hiện đẩy mạnh việc thực hiện các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường đặc biệt là hoạt động bảo vệ môi trường trong kinh doanh. Tuy nhiên, để thực hiện những chính sách ưu đãi, hỗ trợ này trên thực tế và đạt được hiệu quả thực sự, thì cần có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, hướng dẫn cụ thể đối với các loại ưu đãi, hỗ trợ để việc thực hiện các chính sách này thực sụ có hiệu quả tác động tới môi trường xã hội hiện nay.

Tham khảo thêm:

1900.0191