Phân tích, đánh giá những điểm mới của BLTTDS 2015 về Thẩm quyền theo loại việc của Tòa án

I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ THẨM QUYỀN DÂN SỰ CỦA TÒA ÁN VÀ THẨM QUYỀN DÂN SỰ CỦA TÒA ÁN THEO LOẠI VIỆC

  1. Thẩm quyền dân sự của Tòa án

“Thẩm quyền” là một khái niệm quan trọng, trung tâm của khoa học pháp lý. Có thể nói, không có thuật ngữ nào được sử dụng phổ biến trong pháp luật như thuật ngữ “thẩm quyền”. Có nhiều quan điểm khác nhau về việc giải thích khái niệm này, xét dưới góc độ pháp lý Thẩm quyền có thể được hiểu là quyền chính thức được xem xét để kết luận hoặc định đoạt, quyết định một vấn đề. Với mỗi lĩnh vực, quyền xem xét, kết luận, định đoạt lại được hiểu theo nghĩa khác nhau và theo cơ chế, thủ tục khác nhau.

Trong tố tụng dân sự, Thẩm quyền dân sự của Tòa án nhân dân (Tòa án) là quyền thụ lý, xem xét, ban hành các quyết định khi giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự. Theo quy định của BLTTDS 2015, để xác định đúng thẩm quyền của Tòa án khi thụ lý giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án và đương sự phải xem xét trên các phương diện: Thẩm quyền của Tòa án theo loại việc; thẩm quyền của Tòa án theo cấp quản lý hành chính; thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ hoặc theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu.

Việc xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án có ý nghĩa quan trọng trong việc phân định thẩm quyền giữa các Tóa án, giữa các tòa trong một Tòa án và giữa Tòa án với cơ quan Nhà nước khác và là căn cứ để Tòa án áp dụng thủ tục để giải quyết các vụ việc dân sự. Phân định thẩm quyền góp phần cho Tòa án giải quyết đúng đắn, có hiểu quả, giảm sự chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ, giúp các đương sự lựa chọn chính xác Tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với vụ việc của mình, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí,…

  1. Thẩm quyền dân sự của Tòa án theo loại việc

Thẩm quyền dân sự của Tòa án theo loại việc là loại thẩm quyền dân sự của Tòa án trong đó xác định những loại việc mà Tòa án có thẩm quyền thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự. Việc phân chia thẩm quyền này nhằm phân định thẩm quyền của Tòa án theo thủ tục TTDS với  thủ tục tố tụng hành chính, tố tụng hình sự và thẩm quyền dân sự của Tòa án với trọng tài thương mại, cơ quan quản lý như Ủy ban nhân dân.

Cơ sở dựa trên tính chất của các quan hệ pháp luật nội dung cần được giải quyết tại Tòa án ( dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động) đều có cùng tính chất, thuần túy là quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân giữa các chủ thể với nhau được hình thành dựa trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết và thỏa thận giữa các bên và quyền định đoạt, tự do ý chí của chủ thể tham gia quan hệ pháp luật.

Thẩm quyền dân sự của Tòa án theo loại việc được phân chia theo loại việc có tranh chấp và loại việc không có tranh chấp trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động.

II. NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA BLTTDS 2015 VỀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TÒA ÁN.

Kế thừa Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 và Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự số 65/2011/QH12, BLTTDS 2015  đã có nhiều điểm sửa đổi căn bản, toàn diện về Thẩm quyền dân sự của Tòa án theo loại việc nhằm thể chế hóa, hoàn thiện các quy định cho phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự.

  1. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong lĩnh vực dân sự

a) Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Kế thừa Điều 25 BLTTDS 2004, Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự số 65/2011/QH12, Căn cứ Khoản 2, 3, 7, 8, 9, 14 Điều 26 BLTTDS 2015, ngoài các tranh chấp đã được đề cập tại BLTTDS sửa đổi 2011, BLTTDS 2015 quy định bổ sung các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:

Thứ nhất, tại Khoản 2 Điều 26 BLTTDS 2015 có bổ sung thêm tranh chấp về các quyền khác đối với tài sản. Đây là sự ghi nhận thêm về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về quyền khác đối với tài sản bên cạnh các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản đã được ghi nhận tại Khoản 2 Điều 25 BLTTDS 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011. Sự bổ sung quy định này là dể phù hợp với quy định của BLDS 2015 có hiệu lực sắp tới về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được quy định tại phần thứ hai của Bộ luật này. Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, có thể chia thành động sản và bất động sản. Bất động sản hoặc động sản có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Quyền tài sản là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. BLDS 2015 bổ sung quy định về các quyền khác đối với tài sản, theo đó, các quyền khác đó bao gồm: quyền đối với bất động sản liền kề; quyền hưởng dụng và quyền bề mặt. Như vậy, tranh chấp về tài sản liên quan đến tài sản tồn tại dưới các loại: tranh chấp về tài sản hiện có hoặc tranh chấp về tài sản hình thành trong tương lại (đó là tài sản hình thành từ vốn vay, tài sản đang trong giai đoạn được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm,…); tranh chấp về quyền sở hữu tài sản ( tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà,..); hoặc có thể là tranh chấp về các quyền khác đối với tài sản (quyền đối với lối đi chung của các chủ sở hữu đối với bất động sản liền kề,…).

Việc ghi nhận bổ sung như trên là hoàn toàn phù hợp. Trước hết, nó phù hợp với quy định của quan hệ pháp luật nội dung là BLDS 2015 trong thời gian tới khi Bộ luật này có hiệu lực thi hành. Đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để Tòa án thực hiện chức năng tư pháp của mình. Không để lọt cho các tranh chấp xảy ra giữa các chủ thể mà không có cơ quan nào đứng ra xem xét, phân định, giải quyết.

Thứ hai, Khoản 3 BLTTDS 2015 bổ sung thêm tranh chấp về giao dịch dân sự. Theo đó, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự. Cách hiểu về giao dịch dân sự và hợp đồng dân sự ở BLDS 2015 vẫn kế thừa BLDS 2005, theo đó: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự; Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, cần phân biệt hợp đồng dân sự theo pháp luật dân sự quy định là hợp đồng dân sự theo nghĩa rộng (tức là gồm cả các hợp đồng dân sự trong các lĩnh vực kinh doanh thương mại, lao động,…). Đối với hợp đồng dân sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 này là các hợp đồng dân sự được hiểu theo nghĩa hẹp nhằm phân biệt với hợp đồng kinh doanh thương mại theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 BLTTDS 2015. BLTTDS 2015 quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về giao dịch dân sự, tức là bao gồm cả các tranh chấp về hành vi pháp lý đơn phương. Tranh chấp về hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Điều 26 này có thể là tranh chấp về hợp đồng vay tiền, mua bán tài sản, hợp đồng tặng cho,… Về hành vi pháp lý đơn phương hiện nay không được định nghĩa cụ thể trong luật. Dựa vào quy định về giao dịch dân sự trong BLDS 2005 cũng như quy định trong BLDS 2015 có thể hiểu hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự trong đó thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Hành vi pháp lý đơn phương ví dụ như: lập di chúc, từ chối hưởng di sản thừa kế, hai cá nhân cùng hứa thưởng,… Vậy, hành vi pháp lý đơn phương có thể thể hiện ý chí của hai chủ thể. Do đó có thể xảy ra tranh chấp và Tòa án sẽ là cơ quan giải quyết tranh chấp này.

Dựa vào ý nghĩa nội hàm của giao dịch dân sự và hợp đồng dân sự của BLDS, có thể thấy rằng quy định này có thể đã gây nên sự trùng lặp vì theo cách hiểu trong pháp luật dân sự thì giao dịch dân sự đã bao gồm cả hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, ở Khoản 3 Điều 26 BLTTDS 2015 này lại quy định có sự phân biệt tranh chấp về giao dịch dân sự và về hợp đồng dân sự. Nếu cơ quan có thẩm quyền không có văn bản hướng dẫn về vấn đề này, thì đây có thể coi là một lỗi trong kĩ thuật lập pháp của nước ta khi xây dựng quy định của pháp luật nước ta khi xây dựng quy định có sự chồng chéo nhau ngay tại một điều luật.

Thứ ba, Khoản 7 Điều 26 BLTTDS 2015 quy định về Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính. Đây là quan hệ tranh chấp được bổ sung đề phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004 và thực tiễn giao lưu dân sự. Theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì biện pháp ngăn chặn hành chính có thể là: tạm giữ người, tạm giữ tang vật,… Khi chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính nếu trên không đúng, gây thiệt hại cho bên bị điều tra thì bên khiếu nại hoặc cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh phải có trách nhiệm bồi thường tùy vào từng trường hợp. Mức bồi thường do bên bị điều tra và bên khiếu nại hoặc cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì bên bị điều tra có quyền khởi kiện tại TA để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự. Người đề nghị và những người có liên quan đến việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng có trách nhiệm bồi hoàn khoản tiền mà cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh đã bồi thường cho bên bị điều tra.

Nhà làm luật bổ sung quy định trên đây, trước hết là đáp ứng yêu cầu thực tiễn giao lưu dân sự, phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh 2004. Bên cạnh đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật hình thức, hợp thức trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của TA trong quy định của BLTTDS. Nhìn nhận khách quan, việc quy định bổ sung này là hoàn toàn hợp lý.

Thứ tư, trên cơ sở phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước 2012, tại Khoản 8 Điều 26 BLTTDS 2015 đã bổ sung quy định Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước là một quan hệ pháp luật tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của TA. Xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước hiện hành được hiểu là hành vi của một chủ thể xả các chất thải vào các nguồn nước được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Tài nguyên nước 2012. Như vậy, tranh chấp phát sinh trong quá trình khai thác, sử dụng, xã thải vào nguồn nước có thể là tranh chấp về xác định ai có quyền sử dụng, khái thác sử dụng nguồn nước hoặc về bồi thường thiệt hại liên quan đến tài nguyên nước giữa các chủ thể như cá nhân, cơ quan, tổ chức và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sử dụng, quản lý tài nguyên nước, xả thải vào tài nguyên nước. Tuy nhiên, Căn cứ vào Điều 76 Luật Tài nguyên nước 2012, những tranh chấp do nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết là Ủy ban nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án. Vậy, những tranh chấp về khai thác, sử dụng tai nguyên nước, xả thải vào nguồn nước thuộc thẩm quyền giải quyết của TA theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2012 đó là: Những tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước thuộc trường hợp không phải xin cấp giấy phép thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện mà các bên không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp của UBND cấp huyện. Những tranh chấp phát sinh trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND cấp tỉnh; trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Toà án. Những tranh chấp phát sinh trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và môi trường; trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì có quyền khởi kiện tại Toà. Yêu cầu về bồi thường thiệt hại liên quan đến giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước sẽ do Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Vậy, với việc quy định bổ sung thêm quan hệ tranh chấp hoàn toàn mới này vào BLTTDS 2015 so với BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) trước đây đã góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về TTDS phù hợp hơn với các quy định trong Luật Tài nguyên nước 2012, đảm bảo việc quy định đầy đủ các căn cứ pháp lý, tạo điều kiện việc áp dụng pháp luật được hiệu quả, dễ dàng, thuận tiện.

Thứ năm, bên cạnh kế thừa quy định tại Khoản 7 Điều 25 BLTTDS 2004 sửa đổi 2011, Khoản 9 Điều 26 BLTTDS 2015 đã có sự sửa đổi bổ sung thêm tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng  là các quan hệ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của TA. Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 quy định chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất để trồng rừng, cho thuê đất để trồng rừng, công nhận quyền sử dụng rừng, công nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; nhận chuyện nhượng từ chủ rừng khác. Chủ rừng có quyền chung được pháp luật ghi nhận là quyền được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp đối với rừng được giao, được thuê. Tuy nhiên khi có tranh chấp xảy ra ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ rừng, thì không phải tranh chấp nào cũng sẽ do TA giải quyết. Căn cứ Điều 84 Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 quy định “Các tranh chấp về quyền sử dụng rừng đối với các loại rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng do Toà án nhân dân giải quyết. Các tranh chấp về quyền sử dụng đất có rừng, đất trồng rừng được áp dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”. Vậy, căn cứ vào đó, TA có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự liên quan đến quyền sử dụng rừng đối với các loại rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng. Quy định này giúp BLTTDS 2015 phù hợp với quy định trong các văn bản pháp luật nội dung, cụ thể ở đây là Luật bảo vệ và phát triển rừng. Đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để việc áp dụng phát luật nội dung và hình thức có sự đồng nhất, góp phần giải quyết hiệu quả, chính xác các tranh chấp xảy ra khi TA thụ lý giải quyết.

b) Những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của TA

Yêu cầu dân sự là việc giữa cá nhân, cơ quan tổ chức không có tranh chấp, mà chỉ có yêu cầu TA công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự. Khi người yêu cầu nộp đơn yêu cầu giải quyết yêu cầu dân sự thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 27 BLTTDS 2015 thì TA có trách nhiệm xem xét, thụ lý giải quyết theo quy định.

So với Điều 26 BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011), BLTTDS 2015 vẫn kế thừa nhưng có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn và các quy định của quan hệ pháp luật nội dung, cụ thể:

Thứ nhất, tại Khoản 1 Điều 27 BLTTDS 2015 đã bổ sung thêm một nội dung về yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người thuộc đối tượng có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Đây là sự bổ sung phù hợp với quy phạm pháp luật dân sự được quy định trong BLDS 2015. Mặc dù, hiện này BLDS 2005 vẫn còn hiệu lực thi hành, nhưng thời gian tới BLDS 2015 sẽ có hiệu lực. Do vậy, mặc dù bây giờ BLTTDS 2015 được giải quyết trên cơ sở BLDS 2005, nhưng từ thời điểm 1/1/2017 BLDS 2015 có hiệu lực, thì BLTTDS 2015 cũng cần có sự phù hợp tương thích với văn bản pháp luật này. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo cách hiểu của BLDS 2015 là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự. Theo đó, dựa trên yêu cầu của người đó, của những người có quyền lợi liên quan hoặc cơ quan, tổ chức và trên cơ sở giám định pháp y tâm thần chứng minh người đó thì TA sẽ ra quyết định tuyên bố người đó có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Tương tự, với trường hợp hủy bỏ khi có căn cứ họ không còn khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người có quyền yêu cầu yêu cầu TA hủy bỏ quyết định tuyên bố.

Thứ hai, bổ sung thêm yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án . Đây là một yêu cầu hoàn toàn mới trong BLTTDS 2015. Kết quả hòa giải thành vụ việc ngoài Tòa án là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải. Vậy, khi có tranh chấp dân sự xảy ra giữa cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể không thông qua việc khởi kiện mà thông qua việc hòa giải của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải theo quy định của pháp luật hòa giải. Kết quả hòa giải có thể  là hòa giải thành hoặc hòa giải không thành. Khi hòa giải thành cơ quan, tổ chức cá nhân được yêu cầu TA công nhận kết quả hòa giải thành giữa các bên, để kết quả hòa giải này được mang tính pháp lý có tính bắt buộc thực hiện với các bên. TA căn cứ vào quy định tại Điều 417, Điều 418 BLTTDS 2015 ra quyết định công nhận hoặc không công nhận đối với quyết định hòa giải ngoài TA.

Quy định này tạo điều kiện thuận lợi giúp TA giảm tải số lượng vụ án phải giải quyết, tiết kiệm chi phí, tiền bạc cho các bên tranh chấp và cho Nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp, đảm bảo thông tin,bí mật và tình cảm giữa các bên. Vậy, quy định này phù hợp với thực tiễn giải quyết hiện nay, khi nhiều trường hợp các bên có thể thông qua việc hòa giải do một cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ khác đứng ra hòa giải cũng đạt được kết qua như mong muốn của các bên mà không phải thông qua TA tốn kém thời gian và chi phí. Bên cạnh đó, có những trường hợp, các bên tranh chấp thông qua hòa giải có thể bảo mật thông tin cá nhân hơn so với việc TA giải quyết. Do đó, bổ sung quy định này là hòa toàn hợp lý.

Thứ ba, bổ sung quy định TA có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định về thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam tại Điểm đ Khoản 2 Điều 470 BLTTDS 2015. Đây là quy định hoàn toàn mới so với BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011). Sự bổ sung này là để phù hợp với những quy định của BLDS 2015 về nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự liên quan đến những trường hợp xác định quyền sở hữu đối với tài sản trong điều kiện không xác định được chủ sở hữu của tài sản đó. Với quy định này, chủ thể chiếm hữu hay được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật có cơ hội được Nhà nước Việt Nam công nhận quyền sở hữu bằng một quyết định có hiệu lực của Tòa án. Tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó. Chủ sở hữu từ bỏ quyền tài sản được thể hiện qua việc chủ sở hữu tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình việc mình từ bỏ quyền sở hữu với tài sản đó. Khi có căn cứ cho rằng, tài sản mình đang quản lí là vô chủ, người đang quản lý tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy,.. thì người đó có quyền yêu cầu TA tuyên bố tài sản ấy là vô chủ. Căn cứ vào quy định cuat BLDS 2015, TA thụ lý và ra quyết định công nhận quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ.

  1. Thẩm quyền giải quyết theo loại việc của TA trong lĩnh vực Hôn nhân và gia đình

a) Những tranh chấp về HNGĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của TA

So với quy định tại Điều 27 BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) về tranh chấp về HNGĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của TA Điều 28 BLTTDS 2015 đã bổ sung các quan hệ tranh chấp về: chia tài sản sau khi ly hôn; về sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật và sửa đổi quy định về các tranh chấp khác về HNGĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của TA.

Thứ nhất, về việc bổ sung tranh chấp về chia tài sản sau khi ly hôn. Liên quan đến vấn đề tài sản sau khi ly hôn, thực tế có những trường hợp sau khi có bản án giải quyết ly hôn đã có hiệu lực của TA, các bên mới phát sinh tranh chấp về tài sản và yêu cầu TA giải quyết dù trước đó các bên đã tự thỏa thuận, không yêu cầu TA giải quyết. Điều này xảy ra ngày càng nhiều trên thực tế và đây chính là tranh chấp về tài sản sau khi ly hôn được BLTTDS 2015 quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của TA. Trước đây, BLTTDS 2004 sửa đổi 2011 chỉ quy định dạng tranh chấp về chia tài sản khi ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của TA, nên khi dạng tranh chấp về tài sản sau ly hôn phát sinh, các TA thường thụ lý vào nhóm quan hệ tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, trong khi bản chất của các loại tranh chấp này phát sinh từ lĩnh vực HNGĐ. Bởi vậy, việc bổ sung tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn giúp cho quy định BLTTDS 2015 là phù hợp với thực tế, khắc phục được những hạn chế thiếu xót, bất cập qua thực tiễn thi hành BLTTDS 2004 sửa đổi 2011.

Thứ hai, bổ sung thêm tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Lần đầu tiên trong lịch sử, pháp luật HNGĐ Việt Nam đã ghi nhân quyền được sinh con bằng kĩ thuật sinh sản, được nhờ người khác mang thai hộ vì mục đích nhân đạo của những cặp vợ chồng gặp vấn đề về sức khỏe không có khả năng có con theo ý nguyện. Cùng với sự ghi nhận này, thì ắt hẳn sẽ có những tranh chấp mới phát sinh. Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kĩ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.Mang thai hộ có hai hình thức, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tuy nhiên hiện nay pháp luật chỉ thừa nhận và điều chỉnh việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và quy định cho TA có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về hình thức này. Việc sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hiện nay trên thực tế có thể xảy ra những tình huống tranh chấp khi thực hiện mang thai hộ bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm như: người mang thai hộ không giao con cho bố mẹ, hoặc bố mẹ không nhận con khi con được sinh ra, hay ban đầu vì mục đích nhân đạo nhưng sau đó lại đòi tiền công hoặc lợi ích vật chất từ người nhờ mang thai hộ,…. Vậy để phù hợp với quy định mới của pháp luật HNGĐ, cũng đảm bảo thực hiện chức năng bảo vệc công lý của TA, BLTTDS 2015 đã bổ sung quy định cho TA có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp liên quan đến sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây là sự bổ sung hợp lý của BLTTDS 2015.

Thứ ba, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp HNGĐ của TA, BLTTDS 2015 cũng đã bổ sung thêm tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật. Cũng là tranh chấp về nuôi con và chia tài sản chung, nhưng khác với Khoản 1 của Điều 28 BLTTDS 2015 đối với quan hệ hôn nhân hợp pháp, ở tranh chấp này, nhà làm luật xét đến quan hệ hôn nhân của hai bên tranh chấp không được pháp luật thừa nhận, bảo vệ. Nam, nữ đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật HNGĐ sống chung với nhau như vợ, chồng mà không đăng kí kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng. Nam, nữ sống chung với nhau như vợ, chồng, có đăng kí kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn, theo yêu cầu bị TA ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật. Hai trường hợp này đều không phát sinh quan hệ vợ chồng, do đó những tranh chấp về quyền nuôi con khi không cùng sống chung, hoặc việc chia tài sản khi không còn sống chung là những tranh chấp xảy ra phổ biến. Việc giải quyết những tranh chấp này được các nhà làm luật trao cho TA là phù hợp với những quy định của pháp luật HNGĐ và thực tiễn xã hội hiện nay.

b) Những yêu cầu về HNGĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của TA

Cùng quy định các loại việc HNGĐ thuộc thẩm quyền của TA, so với Điều 28 BLTTDS 2004 sửa đổi 2011, Điều 29 BLTTDS 2015 đã có sự điều chỉnh và thay đổi như sau:

Thứ nhất, chỉnh sửa, bổ sung về yêu cầu công nhận thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Theo BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011), người yêu cầu chỉ có quyền yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha mẹ. BLTTDS 2015, TA được quyền công nhận thêm các thỏa thuận của các chủ thể khác có liên quan ( cơ quan, tổ chức, cá nhân) về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Vậy, để đảm bảo quyền của con cái được chăm lo, nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển lành mạnh sau khi ly hôn, cha, mẹ hay các chủ thể khác có thể thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con. TA có trách nhiệm xem xét, công nhận sự thỏa thuận này. Việc bổ sung này là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng quyền được nhận những chăm sóc, giáo dục tốt nhất đối với con cái khi quan hệ hôn nhân không còn.

Thứ hai, chỉnh sửa, bổ sung quy định tại Khoản 9 Điều 29 BLTTDS 2015 so với BLTTDS 2004 sửa đổi 2011 như sau: Ngoài bản án, quyết định HNGĐ của Tòa án nước ngoài thì quyết định của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài cũng được TA công nhận cho thi hành hoặc không công nhận khi không có yêu cầu thi hành ở Việt Nam nếu đương sự có yêu cầu. Quy định này đã mở rộng đối tượng mà TA có thẩm quyền công nhân cho thi hành hoặc không công nhận với những bản án, quyết định không do TA hay cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết. Việc quy định này là phù hợp với yêu cầu thực tế đối với những tranh chấp xảy ra ở nước ngoài có thể là do TA nước ngoài hay cơ quan khác có thẩm quyền ở nước ngoài giải quyết thì khi về Việt Nam nó đều được TA Việt Nam xem xét công nhận cho thi hành hoặc không công nhận khi không có yêu cầu thi hành ở Việt Nam nếu có yêu cầu.

Thứ ba, bổ sung thêm loại yêu cầu mà TA có thẩm quyền giải quyết ở các Khoản 6,7,8,10 Điều 29 BLTTDS 2015. Đó là các yêu cầu mới được pháp luật nội dung quy định và phù hợp với thực tế đang xảy ra hiện nay:

Một là, yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật HNGĐ. Bên cạnh việc quy định TA có thẩm quyề giải quyết các tranh chấp về mang thai hộ thì những yêu cầu liên quan đến vấn đề này cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của TA. Những yêu cầu liên quan đến mang thai hộ có thể là: yêu cầu công nhận thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa hai bên, công nhận cha mẹ cho con khi thực hiện mang thai bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản,… Đưa loại việc này vào danh mục những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của TA trong BLTTDS 2015 đã thể hiện được sự tương thích phù hợp với các quy định của của Luật HNGĐ 2014, dự liệu được trước những yêu cầu có thể phát sinh liên quan đến việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã được pháp luật HNGĐ thừa nhận.

Hai là, Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án. Luật HNGĐ 2014 cho phép vợ chồng trong quan hệ hôn nhân hợp pháp được quyền thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân đồng thời cũng tôn trọng sự thỏa thuận của họ khi họ muốn “trở lại” với chế độ tài sản chung sau khoảng thời gian việc chia tài sản chung đã được công nhận bằng một bản án, quyết định của TA đã có hiệu lực pháp luật. Việc quy định cho TA có thẩm quyền giải quyết yêu cầu này là hợp lý, phù hợp với pháp luật HNGĐ, đảm bảo tôn trọng sự thỏa thuận của các bên vợ chồng và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên. Bản án, quyết định của TA về chia tài sản chung đã được thực hiện, do vậy, để đảm bảo việc chấm dứt hiệu lực của nó thì cần một quyết định có giá trị pháp lý tương đương của TA về vấn đề này, do đó. TA là cơ quan giải quyết việc dân sự này là hoàn toàn hợp lý và phù hợp.

Ba là, Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Việc công nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là một điểm tiến bộ của Luật HNGĐ 2014. Để thỏa thuận này có hiệu lực thì cần phải đáp ứng những điều kiện có hiệu lực của mộ giao dịch dân sự theo quy định pháp luật dân sự và các nội dung có liên quan được pháp luật HNGĐ điều chỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế thỏa thuận có thể vi phạm quy định về hình thức, hoặc ý chí tự nguyện của các bên tham gia thỏa thuận, ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba,… Do đó, để bảo vệ lợi ích của những người có liên quan, phù hợp với quy định của pháp luật nội dung, TA có thẩm quyền giải quyết loại việc này. Việc quy định như vậy là hợp lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của TA.

Bốn là, Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Yêu cầu xác định cha, mẹ, cho con ở đây là yêu cầu dân sự trên cơ sở quan hệ huyết thống, không có tranh chấp xảy ra. Nội dung này không được quy định trong BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) nhưng đã được bổ sung trong BLTTDS 2015, tạo cơ hội cho các đương sự có thêm một giải pháp khác để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Sự điều chỉnh bổ sung này xuất phát từ quy định mới trong Luật HNGĐ 2014 về mang thai hộ và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản,… cũng như thực tế đời sống liên quan đến vấn đề này đặt ra. Do đó. Việc quy định thêm trường hợp thẩm quyền giải quyết của TA cũng là hợp lý.

  1. Thẩm quyền giải quyết theo loại việc của TA trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại

a) Những tranh chấp về KDTM thuộc thẩm quyền giải quyết của TA

Về cơ bản, BLTTDS 2015 kế thừa các quy định của BLTTDS 2004 sửa đổi 2011khi xác định 4 loại quan hệ tranh chấp trong lĩnh vực KDTM thuộc thẩm quyền giải quyết của TA. Bên cạnh đó, BLTTDS 2015 đã có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với bản chất quan hệ KDTM và thực tiễn  ngày càng phát triển các tranh chấp KDTM về cả số lượng và độ phức tạp trong bố cảnh toàn cầu kinh tế hiện nay.

Thứ nhấtKhoản 1 Điều 30 BLTTDS 2015: Khi xác định các tranh chấp KDTM thuộc thẩm quyền giải quyết của TA, Khoản 1 Điều 29 BLTTDS 2004 sửa đổi 2011 đã liệt kê 14 hoạt động của các bên tham gia là cá nhân, tổ chức đăng kí kinh doanh và đều vì mục đích lợi nhuận. Quy định này của BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) vừa mang tính định tính, vừa mang tính định lượng dẫn đến việc quy định vừa thừa, vừa thiếu. Với quy định như thế, nếu muốn phù hợp với thực tiễn thì nhà làm luật phải luôn bổ sung các lĩnh vực tranh chấp mới. Ngược lại, Khoản 1 Điều 30 BLTTDS 2015 đã kế thừa những quy định mang tính định tính khi xác định các điều kiện để xác định một tranh chấp trong lĩnh vực KDTM thuộc thẩm quyền giải quyết của TA đó là Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Đồng thời đã loại bỏ các hạn chế về việc liệt kê các loại tranh chấp trong hoạt động KD. Việc bổ sung này thể hiện tư duy tiến bộ của các nhà làm luật, giúp quy định này phù hợp hơn, tăng thêm tuổi thọ và mang tính phổ quát cao.

Thứ hai là quy định bổ sung thẩm quyền của TA trong vệc giải quyết Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty. Thông thường, người được xem là thành viên của công ty phải có quyền sở hữu đối với phần vốn góp được ghi trong điều lệ của công ty. Để có quyền sở hữu thì người đó với công ty hoặc thành viên khác trong công ty phải phát sinh giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp các bên chỉ mới giao kết giao dịch chuyển nhượng mà chưa thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận làm phát sinh những tranh chấp. Tranh chấp này có thể là về quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc yêu cầu chấm dứt hợp đồng góp vốn và bồ thường thiệt hại phát sinh,… những tranh chấp này sẽ do TA có thẩm quyền giải quyết. Việc bổ sung tranh chấp này giúp quy định thêm đầy đủ và phù hợp với thực tiễn ngày càng phát trển trong quan hệ kinh doanh hiện nay và trong tương lai.

Thứ ba, ở Khoản 4 Điều 30 BLTTDS 2015, so với quy định tại Khoản 3 Điều 29 BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011), BLTTDS 2015 có sự bổ sung thêm một quan hệ tranh chấp mới thuộc thẩm quyền giải quyết của TA là “tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần”. Quy định này là phù hợp và thống nhất với Luật Doanh nghiệp 2014, đó là thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch HĐTV, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và cán bộ quản lý của công ty; Cổ đông, nhóm cổ đông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khời kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Tuy nhiên, không phải tất cả cổ đông, nhóm cố đông điều có quyền khởi kiện mà chỉ có cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong 6 tháng mới được pháp luật trao quyền và chỉ khi thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty vi phạm một trong những nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014 thì TA mới có căn cứ thụ lý giải quyết.

b) Những yêu cầu về KDTM thuộc thẩm quyền giải quyết của TA

Với lần sửa đổi này của BLTTDS 2015, các yêu cầu KDTM thuộc thẩm quyền của TA đã mở rộng thêm hai yêu cầu mới bên cạnh những yêu cầu đã được quy định tại Điều 30 BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011).

Thứ nhất, tại Khoản 1 Điều 31 BLTTDS 2015 về Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Quyền yêu cầu hủy quyết định của Đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp nhất định là một quyền quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi của cổ đông nói chung và cổ đông thiểu số nói riêng vì không phải mọi quyết định của Đại hội đồng cổ đông cũng đúng quy định pháp luật và điều lệ của công ty hay đảm bảo quyền lợi cho tất cả các cổ động trong công ty. Tuy nhiên TA cần lưu ý một số vấn đề khi tiếp nhận cũng như giải quyết yêu cầu này, đó là: Về thời hiệu yêu cầu hủy bỏ quyết định là trong thời hạn 90 ngày kể tự ngày nhận được biên bản hợp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên. Về chủ thể có yêu cầu là cổ động hoặc nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 10% cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỉ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty. Nội dung vi phạm pháp luật khi ban hành quyết định của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của HĐTV: về trình tự thủ tục triệu taaoj họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng quy định tại Khoản 2 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2014, nội dung vi phạm quy định pháp luật hoặc Điều lệ công ty. Và đơn yêu cầu phải đáp ứng đươc một số nội dung theo quy định của pháp luật. Như vậy, những yêu cầu đáp ứng những điều kiện trên sẽ do TA xem xét, ra quyết định.

Quy định mở rộng này đảm bảo sự tương thích của BLTTDS 2015 với Luật Doanh nghiệp 2014, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm bảo vệ quyền và lợi ích cho những cổ đông, nhóm cổ đông đông yếu thế trong quan hệ pháp luật này.

Thứ hai, mở rộng thêm Yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam, về hàng hải Việt Nam, trừ trường hợp bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án. Yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển trên thực chất là yêu cầu Tòa án áo dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo giải quyết vụ án của đương sự. Đương sự yêu cầu bắt giữ tàu biển là để đảm bảo giải quyết khiếu nại, thi hành án dân sự, thực hiện ủy thác tư pháp của TP nước ngoài. Khi có yêu cầu, TA cấp tỉnh nơi có cảng biển, cảng thủy nội địa mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp có nhiều bến cảng thuộc địa phận các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau thì TA tỉnh nơi có bến cảng mà tàu bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển đó. Để đảm bảo lợi ích của chủ nợ, chủ sở hữu, người thứ ba ở mặt đất bị thiệt hại hoặc người có quyền, lợi ích đối với tài bay hoặc để thi hành án dấn sự theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam, cơ quan, tổ chức cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền bắt giữ tàu bay tại cảng biển hàng không.

  1. Thẩm quyền giải quyết theo loại việc của Tòa án trong lĩnh vực lao động

a) Những tranh chấp về LĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của TA

So với quy định của BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) thì những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của TA được quy định theo hướng mở rộng hơn. TA không chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp LĐ ( bao gồm tranh chấp LĐ cá nhân, tranh chấp LĐ tập thể về quyền) mà còn có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến lao động, tranh chấp về đình công bất hợp pháp và các tranh chấp khác về lao động. Có thể thấy, hầu hết các tranh chấp LĐ đều thuộc thẩm quyền của TA. Cụ thể, bên cạnh những tranh chấp được giữ nguyên hoặc kế thừa có sửa đổi phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật nội dung hiện nay từ quy định của BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011), BLTTDS 2015 có mở rộng thêm tranh chấp như sau:

Thứ nhất, mở rộng thẩm quyền của TA giải quyết các tranh chấp liên quan đến lao động bao gồm: tranh chấp về học nghề, tập nghề; về cho thuê lại lao động; về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn; và về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Những tranh chấp này không phải tranh chấp LĐ vì không phát sinh giữa các chủ thể của quan hệ LĐ, về quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong quan hệ LĐ, nhưng những tranh chấp này thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động. Khác với tranh chấp LĐ, các tranh chấp này không phải thông qua thủ tục tiền tố tụng trước khi yêu cầu TA giải quyết. Đây là quy định mới hoàn toàn so với BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) của BLTTDS 2015. Thực tế cho thấy, đó là những tranh chấp đang xảy ra rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày, tuy nhiện lại không quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền sẽ đứng ra giải quyết những vụ việc có liên quan nêu trên. Việc quy định bổ sung này, giúp cho pháp luật đầy đủ, hoàn thiện hơn, không bỏ xót những trường hợp xảy ra trên thực tế.

Thứ hai, bổ dung thêm tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp. Đình công là quyền của tập thể lao động. Tuy nhiên, trường hợp đình công bất hợp pháp theo quy định tại Điều 215 BLLĐ 2012 mà gây thiệt hại cho người sử dụng lao động, thì tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Nếu người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn lãnh đạo cuộc đình không không thống nhất được trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra do đình công bất hợp pháp thì một trong hai bên có quyền yêu cầu TA giải quyết. Đây là quy định hoàn toàn mới của BLTTDS 2015 so với BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011), theo đó, trước đây, những tranh chấp có liên quan đến việc đình công được áp dụng theo quy định của BLLĐ 2012, thì Tòa án nhân dân không có thẩm quyền trong việc giải quyết, xử lý việc đình công. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc đình công bất hợp pháp, vấn đề thiệt hại là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi, do đó, việc nhà làm luật quy định thêm việc Tòa án giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại là hợp lý đảm bảo cho những thiệt hại xảy ra từ việc đình công bất hợp pháp sẽ được giải quyết hợp lý và đúng pháp luật.

b) Những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của TA

So với quy định của BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011), phạm vi những yêu cầu về LĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của TA tại Điều 33 BLTTDS 2015 được quy định theo hướng mở rộng hơn. Trong các yêu cầu về LĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của TA thì yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định LĐ của TA nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của TA nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam ở khoản 3; Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết lao động của Trọng tài nước ngoài ở khoản 4 là những yêu cầu đã quy định trong BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011). Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu; yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công là những yêu cầu mới được bổ sung trong BLTTDS 2015.

Thứ nhất, về Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu. Yêu cầu này được hiểu là việc người LĐ, tập thể LĐ, người sử dụng LĐ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có đơn yêu cầu TA tuyên bố hợp đồng LĐ, thỏa ước LĐ tập thể vô hiệu. Sở dĩ BLTTDS 2015 bổ sung yêu cầu này vào nhóm yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của TA vì: trước thời điểm BLLĐ 2012 được ban hành, thẩm quyền tuyên bố hợp đồng LĐ vô hiệu thuộc về thanh tra lao động, thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu thuộc về cơ quan lao động cấp tỉnh. Đến khi BLLĐ 2012 được ban hành, thẩm quyền tuyên bố hợp đồng LĐ vô hiệu, thỏa ước LĐ tập thể vô hiệu thuộc về Thanh tra lao động và TA , riêng tuyên bố thỏa ước LĐ tập thể vô hiệu chỉ thuộc về TA. Tuy nhiên, thời điểm BLLĐ 2012 ra đời thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS đã có hiệu lực pháp luật. Đến này, khi BLTTDS 2015 ra đời và có hiệu lực, căn cứ Khoản 1 Điều 516 thì thẩm quyền tuyên bố hợp đồng LĐ, thỏa ước LĐ tập thể vô hiệu chỉ thuộc về TA, thẩm quyền của Thanh tra lao động bị bãi bỏ.

Thứ hai, về yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Đây cũng là yêu cầu mới được bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của TA. Yêu cầu này có thể được hiểu là việc tổ chức đại diện tập thể LĐ, người sử dụng LĐ có đơn yêu cầu TA xét tính hợp pháp của cuộc đình công khi cuộc đình công đang diễn ra hoặc sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày cuộc đình công chấm dứt. Mặc dù đây là yêu cầu mới nhưng không phải đến khi BLTTDS 2015 có hiệu lực thì TA mới có quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Mà TA được trao cho quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công kể từ ngày 1/7/2007- ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLLĐ 1994 có hiệu lực. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công được quy định trong luật nội dung, hiện nay là BLLĐ 2012, ngoại trừ một số quy định liên quan đến thủ tục gửi đơn yêu cầu xem xét tới TA., việc thay đổi Thẩm phán của Hội đồng xét xử xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công được quy định trong BLTTDS. BLTTDS 2015 đã bổ sung các quy định về thẩm quyền giải quyết, trình tự thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công, đảm bảo việc áp dụng chung, thống nhất trong một văn bản. Cùng với đó là quy định về trình tự, thủ tục này trong BLLĐ 2012 sẽ hết hiệu lực.

Vậy, bên cạnh kế thừa, quy định mở rộng thêm các yêu cầu mới và việc sửa đổi trường hợp loại trừ đối với các yêu cầu khác, có thể thấy, thẩm quyền giải quyết yêu cầu lao động của TA đã được mở rộng tối đa, hầu hết các yêu cầu đều thuộc thẩm quyền giải quyết của TA. Việc mở rộng này là hoàn toàn phù hợp với chứng năng của TA và các nguyên tắc cơ bản trong TTDS, đồng thời đáp ứng tình hình thực tiễn các yêu cầu xảy ra trên thực tế.

Tham khảo thêm:

1900.0191