Phân tích Điều 25 của CISG – Bình luận về thực tiễn giải quyết các tranh chấp liên quan tới điều khoản này

Công ước ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất trong quan hệ thương mại quốc tế hiện nay. Gia nhập CISC chính là trang bị công cụ pháp lý hữu hiệu để cho doanh nghiệp Việt Nam thành công trên thương trường thế giới. Kể từ 1/1/2017, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của CISG. Điều này là sự thay đổi không nhỏ trong quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng và quan hệ thương mại quốc tế nói chung đối với các doanh nghiệp Việt Nam.Trong CISG, một bên trong quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế có thể áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng nếu chứng minh được bên còn lại “vi phạm cơ bản hợp đồng”. Trong CISG, Vi phạm cơ bản hợp đồng được quy định tại Điều 25. Tuy nhiên, tính đến nay vẫn chưa có hướng dẫn, giải thích rõ nội hàm của khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng nói trên. Nhiều câu hỏi xoay quanh khái niệm này vẫn chưa có lời giải đáp: thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra đến mức nào thì được coi là vi phạm cơ bản hợp đồng? Mục đích của các bên khi giao kết hợp đồng là gì? Có thể nói rằng, “vi phạm cơ bản hợp đồng” là khái niệm phức tạp và đến nay có tác giả nước ngoài cho rằng vi phạm cơ bản hợp đồng là khái niệm “vô nghĩa, trừu tượng và mơ hồ”. Vậy để trình bày những hiểu biết về điều khoản quy định về “vi phạm cơ bản hợp đồng” trong CISG, cũng như đưa ra những ý kiến bình luận về thực tiễn áp dụng điều khoản này, bài tiểu luận sẽ làm rõ vấn đề liên quan đến đề bài tập số 5: “Phân tích Điều 25 của CISG. Bình luận về thực tiễn giải quyết các tranh chấp liên quan tới điều khoản này”.

1.  “Vi phạm cơ bản hợp đồng” theo quy định của Công ước Viên

Khái niệm “vi phạm cơ bản hợp đồng” được quy định tại Điều 25 Công ước Viên 1980, theo đó “Một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ phi bên vi phạm không tiên liệu được hậu qủa đó và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự”.

Từ quy định trên, xét về mặt lý thuyết, có thể thấy vi phạm cơ bản hợp đồng được xác định dựa trên các yếu tố: (i) Phải có sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng; (ii) Sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng đó phải dẫn đến hậu quả là một bên mất đi điều mà họ chờ đợi, mong muốn có được, đạt được từ việc giao kết hợp đồng ; (iii) Bên vi phạm hợp đồng có khả năng nhìn thấy trước được hậu quả của sự vi phạm đó.

(i) Vi phạm cơ bản hợp đồng phải xuất phát từ sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.  CISG không đưa ra định nghĩa về sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Tuy nhiên, vi phạm nghĩa vụ hợp đồng có thể hiểu là việc một bên giao kết hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng, thực hiện không hết hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng. Ví dụ, các bên thỏa thuận cụ thể về nghĩa vụ giao hàng trong hợp đồng nhưng người bán không giao hàng, giao hàng thiếu, giao sai hàng hoặc giao hàng không đúng chất lượng như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Như vậy, nếu người bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng, như việc hàng hóa được giao thiếu về số lượng hoặc không phù hợp về chất lượng hoặc giao sai chủng loại hàng mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, thì được coi là người bán đã có sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

(ii) Vi phạm cơ bản hợp đồng làm cho bên bị vi phạm không đạt được điều họ chờ đợi, mong muốn đạt được từ việc giao kết hợp đồng có nghĩa phải làm cho bên bị phạm bị thiệt hại đáng kể trên cơ sở hợp đồng. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cho bên bị vi phạm là từ sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của bên vi phạm. Thiệt hại đáng kể là những thiệt hại làm cho bên bị vi phạm mất đi cái mà họ chờ đợi, mong muốn có được, đạt được từ việc giao kết hợp đồng trên cơ sở hợp đồng. CISG không giải thích rõ thiệt hại đáng kể là gì. Vì vậy, việc xác định mức độ thiệt hại là đáng kể hay không đáng kể sẽ do tòa án (hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp) quyết định căn cứ vào từng trường hợp, từng vụ tranh chấp cụ thể. Ví dụ, phải căn cứ vào giá trị kinh tế của hợp đồng, sự tổn hại về mặt tiền bạc do hành vi vi phạm hợp đồng hoặc mức độ mà hành vi vi phạm hợp đồng gây cản trở đến các hoạt động khác của bên bị vi phạm.

(iii) Đối với sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng dẫn đến thiệt hại cho bên bị vi phạm, bên vi phạm hợp đồng có khả năng nhìn thấy trước được hậu quả của sự vi phạm đó. Bởi CISG quy định trường hợp loại trừ được hiểu là mặc dù có hành vi vi phạm hợp đồng dẫn đến thiệt hại cho bên bị vi phạm của bên vi phạm nhưng hành vi vi phạm hợp đồng đó sẽ không bị coi là vi phạm cơ bản hợp đồng nếu bên vi phạm “không thể nhìn thấy trước hậu quả của hành vi vi phạm đó và người ở vào hoàn cảnh tương tự cũng không thể tiên liệu được”. Chính xác hơn, khả năng nhìn thấy trước hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng là yếu tố cần thiết để xác định hành vi vi phạm đó có phải là một sự vi phạm cơ bản hợp đồng hay không. Khả năng tiên liệu trước được những thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra sẽ phụ thuộc vào kiến thức của bên vi phạm về những sự kiện xoay quanh giao dịch[1] như kinh nghiệm, mức độ tinh tế và khả năng tổ chức của bên vi phạm[2].

2. Bình luận về việc áp dụng điều khoản về  vi phạm cơ bản hợp đồng qua thực tiễn giải quyết một số vụ tranh chấp

Như đã trình bày ở phần trên, CISG chỉ nêu ra khái niệm “vi phạm cơ bản hợp đồng” mà không giải thích rõ các yếu tố cầu thành lên vi phạm cơ bản cụ thể ra sao. Cũng bởi vậy vừa tạo lên ưu điểm cho việc áp dụng điều khoản quy định về “vi phạm cơ bản hợp đồng” này, vừa tạo lên hạn chế khi áp dụng nó.

a) Ưu điểm

Thứ nhất, điều khoản về “vi phạm cơ bản hợp đồng” quy định tại Điều 25 CISG được áp dụng linh hoạt theo từng vụ việc cụ thể xảy ra trên thực tế. CISG đưa ra khái niệm “một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ phi bên vi phạm không tiên liệu được hậu qủa đó và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự”, nhưng không giải thích rõ ràng những yếu tố cấu thành của vi phạm cơ bản trong quy phạm trên. Do đó, với mỗi vụ việc khác nhau, tùy theo tình tiết, điều khoản của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, mà khi xảy ra tranh chấp Thẩm phán hoặc Trọng tài viên giải quyết vụ việc sẽ căn cứ vào đó để xác định xem hành vi của một bên có phải là vi phạm cơ bản hợp đồng hay không.

Ví dụ như, theo quy định tại Điều 25 CISG, một trong những yếu tố quan trọng để xác định vi phạm cơ bản là thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây nên lên tới mức làm cho bên bị vi phạm không đạt được cái mà họ chờ đợi từ hợp đồng. Như vậy, tính nghiêm trọng của hậu quả do hành vi vi phạm gây nên được xem như sự thiệt hại đáng kể mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do hành vi vi phạm của bên vi phạm. Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về vấn đề này, tòa án đã sử dụng một số tiêu chí dưới đây để xác định tính nghiêm trọng của hậu quả do hành vi vi phạm gây nên, tức là xác định mức độ “đáng kể” của thiệt hại mà bên bị vi phạm phải gánh chịu.

Tình huống dưới đây xác định vi phạm cơ bản căn cứ vào tỷ lệ hàng hóa bị tổn thất trên tổng giá trị của hàng hóa được giao:

Vụ Delchi v. Rotorex[3] được xem là ví dụ điển hình trong việc sử dụng tiêu chí về tỷ lệ phần trăm của hàng hóa bị tổn thất khi xác định một vi phạm cơ bản hợp đồng. Vào tháng 1/1988, Rotorex đồng ý bán 10.800 máy nén khí cho Delchi để sử dụng cho máy điều hòa trong phòng. Trước khi ký kết hợp đồng, Rotorex gửi cho Delchi mẫu máy nén kèm theo chi tiết kỹ thuật về hiệu suất sử dụng. Tuy nhiên, trong khi lô hàng thứ hai đang trên đường vận chuyển cho Delchi, Delchi phát hiện rằng một số lượng lớn máy nén của lô hàng thứ nhất có chất lượng không phù hợp với mẫu và tiêu chí kỹ thuật kèm theo. Cụ thể, Rotorex phát hiện có đến 93% số máy nén điều hòa được giao có khả năng làm lạnh yếu và tiêu thụ nhiều điện năng hơn so với hàng mẫu cùng chi tiết kỹ thuật kèm theo hàng mẫu. Tòa phúc thẩm Liên bang đã giữ nguyên phán quyết của Tòa án New York và cho rằng người bán đã có sự vi phạm cơ bản hợp đồng vì khả năng làm lạnh và tiêu thị điện năng của điều hòa là yếu tố quan trọng xác định giá trị về chất lượng sản phẩm.

Tiêu chí căn cứ vào tỷ lệ tổn thất để xác định một vi phạm cơ bản hợp đồng thường được áp dụng đối với những tổn thất của hàng hóa chiếm tỷ lệ lớn (trên 90%) trong tổng giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, khó có thể dự đoán được là tỷ lệ hàng hóa không phù hợp với hợp đồng từ 10% – 50% có bị xem là vi phạm cơ bản hay không, bởi vì trong vụ Christmas trees[4] giữa người bán Đan mạch và người mua Pháp, Tòa án tuyên là có sự vi phạm cơ bản hợp đồng khi tòa án căn cứ vào tỷ lệ 25%-50% hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, tức là chỉ 75% cây thông có chất lượng tốt và 50% cây thông có chất lượng tốt bậc nhì phù hợp với quy định của hợp đồng. Ngày 28/11/2996, giữa người bán và người mua đã ký hợp đồng bằng một thỏa thuận miệng về việc giao cây thông noel cho người mua. Ngày 29/11/1996, người mua đã gửi fax xác nhận những nội dung mà các bên đã thỏa thuận qua điện thoại trước đó và người mua không đưa ra được bằng chứng nào chứng minh là người mua đã từ chối nội dung của bản fax này. Vì thế, tòa án căn cứ vào nội dung của hợp đồng được ký bằng điện thoại, theo đó người bán giao 1.000 đến 1.200 cây thông noel cho người mua, trong đó 40% cây thông có chất lượng tốt nhất, 60% cây thông có chất lượng tốt bậc nhì, cây to không có khiếm khuyết nghiêm trọng với chiều cao từ 1.7m đến 2.2m, giá 100 DKK/1 cây. Tuy nhiên, người bán lại giao hàng với tỷ lệ có tới 25%-50% số cây thông không phù hợp với hợp đồng. Trong vụ tranh chấp này, tòa án tuyên hành vi vi phạm của người bán là vi phạm cơ bản hợp đồng.

Từ những dẫn chứng nếu trên, đã cho ta thấy rằng, việc áp dụng điều khoản về vi phạm cơ bản căn cứ vào tỷ lệ hàng hóa bị tổn thất trên tổng giá trị của hàng hóa được giao nói riêng hay các yếu tố khác cấu thành vi phạm cơ bản nói chung, thì việc áp dụng nó hoàn toàn linh hoạt, không có sự cố định, dập khuôn máy móc khi áp dụng. Điều này giúp cho việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đạt được hiệu quả.

Thứ hai, từ việc không quy định cụ thể, rõ ràng nêu trên cũng giúp cho CISG có thể áp dụng trong thời gian dài, hạn chế sự sửa đổi, bổ sung. Như chúng ta đã biết, việc kí kết, thông qua được một điều ước quốc tế giữa các quốc gia là một điều không dễ dàng, bằng chứng là việc CISG được lý kết năm 1980 nhưng đến năm 1988 mới có hiệu lực sau khi được phê chuẩn bởi 11 quốc gia. Do đó, bên cạnh việc có thể áp dụng linh hoạt, thì quy định như trên giúp nó phù hợp với yêu cầu thực tế trong một khoảng thời gian dài mà không cần sửa đổi, bổ sung so với việc quy định quá rõ ràng cụ thể thường dễ thay đổi do có sự thay đổi của thực tiễn xã hội.

b) Hạn chế

Thứ nhất, việc không quy định cách hiểu rõ ràng về điều khoản này dẫn đến sự khó khăn trong việc áp dụng. Bởi CISG là một điều ước quốc tế đa phương, không có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể thế nào là “sự vi phạm”, thế nào là thiệt hại “trong một chừng mực đáng kể” như trong quy định tại Điều 25. Cho nên, nó dẫn đến cách hiểu không thống nhất giữa các bên, cũng như giữa cơ quan tài phán khi áp dụng quy định này.Vì các bên, ai cũng muốn được lợi cho mình mà cơ quan tài phán cũng khó xác định nếu không có những tình tiết rõ ràng mà chủ yếu dựa vào sự lập luận của các bên và ý chí chủ quan của mình để phán đoán, đưa ra kết luận.

Thứ hai, cũng vì sự quy định không rõ ràng nêu trên, mặc dù được áp dụng linh hoạt trong khi giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, thì nó cũng là nguyên nhân dẫn đến hạn chế. Bởi sự quy định không rõ ràng, nên việc áp dụng điều khoản về vi phạm cơ bản phụ thuộc vào ý chí chủ quan, trình độ của cơ quan tài phán mà cụ thể là Thẩm phán, trọng tài viên trực tiếp xem xét, giải quyết vụ việc. Đôi khi, Thẩm phán, trọng tài viên của vụ việc này coi một hành vi vi phạm của một bên là vi phạm cơ bản, nhưng ở một vụ việc khác, do Tòa án khác giải quyết thì nó lại không được xác định là một vi phạm cơ bản.

Ví dụ như, xác định vi phạm cơ bản căn cứ vào tỷ lệ hàng hóa bị tổn thất trên tổng giá trị của hàng hóa được giao đã trình bày. Trong vụ Christmas trees sự vi phạm dẫn tới tỷ lệ 25-50% hàng hóa không phù hợp lại được Tòa án xác định là một vi phạm cơ bản hợp đồng. Trong vụ tranh chấp Frozen Meat giữa người bán Đức và người mua Thụy Sĩ, mặc dù 25% chất lượng thịt đông lạnh không phù hợp với quy định trong hợp đồng, thậm chí thịt đông lạnh quá béo và ướt, giá trị thịt đông lạnh giảm đi 25% tương ứng nhưng tòa án tuyên quyết định rằng thiệt hại đó là chưa đủ “đáng kể” và hành vi vi phạm hợp đồng của người bán không cấu thành một sự vi phạm cơ bản hợp đồng[5].

Từ đây, có thể thấy việc áp dụng điều khoản về vi phạm cơ bản này phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan, trình độ của Thẩm phán, trọng tài viên nói riêng và cơ quan tài phán nói chung khi tham gia giải quyết các vụ tranh chấp liên quan tới hợp đồng mua bán quốc tế.

 

Vi phạm cơ bản hợp đồng là Thuật ngữ pháp lý này có lẽ không còn xa lạ với giới nghiên cứu luật pháp cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, thậm chí là các doanh nghiệp khi thuật ngữ này được quy định trong Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 và được Quốc hội khóa 11 thông qua ngày 14/6/2005. Có thể nói rằng, nội hàm khái niệm “vi phạm cơ bản hợp đồng” theo quy định của Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 cũng như của CISG là rất rộng. Tuy nhiên, qua thực tiễn giải quyết một số vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có áp dụng CISG, Tòa án các nước thành viên cũng đã đưa ra được một số căn cứ thực tiễn làm cơ sở cho việc giải thích nhằm làm rõ khái niệm này. Mặc dù vậy, Tòa án của các nước khác nhau có quan điểm không giống nhau hoàn toàn khi gặp vấn đề liên quan đến vi phạm cơ bản hợp đồng. Với Việt Nam, việc quy định “vi phạm cơ bản” trong Luật Thương mại năm 2005 là cần thiết để xử lý những trường hợp vi phạm hợp đồng và là cơ sở để tuyên bố tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng. Việc áp dụng khái niệm này trong thực tiễn sẽ có thể gặp không ít khó khăn nếu không có được những hướng dẫn, giải thích cụ thể.

Tham khảo thêm:

1900.0191