Nguyên tắc tham vấn người khuyết tật và sự cụ thể hóa trong pháp luật người khuyết tật ở Việt Nam
Nguyên tắc tham vấn người khuyết tật là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật về người khuyết tật Việt Nam. Nguyên tắc này được xây dựng trên cơ sở cam kết của cộng đồng quốc tế trong Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, cụ thể: “Trong việc xây dựng và thực thi luật pháp và chính sách để thực hiện Công ước này và trong quá trình ra quyết định về những vấn đề có liên quan tới người khuyết tật, các quốc gia thành viên cần có sự tham vấn chặt chẽ và tham gia tích cực của người khuyết tật, bao gồm cả trẻ em khuyết tật, thông qua các tổ chức đại diện của họ” (Khoản 3 Điều 4 Các nghĩa vụ chung Công ước về quyền của người khuyết tật 2006).
Nội dung nguyên tắc này được hiểu là khi ban hành hoặc phê chuẩn văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về người khuyết tật các nhà lập pháp, xây dựng chính sách cần tham vấn rộng rãi các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là người khuyết tật và tổ chức đại diện cho họ.
Tham vấn người khuyết tật được hiểu cụ thể là việc người khuyết tật và tổ chức đại diện cho họ tham gia ý kiến, đóng góp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về người khuyết tật; đề xuất các kiến nghị, giải pháp đối với những vấn đề còn mâu thuẫn, vướng mắc và trên cơ sở các ý kiến, đề xuất nêu trên thì các ý kiến, đề xuất của người khuyết tật phải được nghiên cứu tiếp thu, ghi nhận trong các văn bản pháp luật có liên quan đến người khuyết tật.
Quá trình tham vấn có thể phải qua nhiều giai đoạn trước khi cho ra được một bản thảo chính sách hoặc pháp luật mà bộ chủ quản đảm nhận sẽ trình lên Bộ Tư Pháp hoặc một cơ quan có chức năng tương đương, sau đó lên nội các của chính phủ và các ủy ban có liên quan của quốc hội để xem xét. Việc tổ chức góp ý cho luật pháp và chính sách liên quan đến người khuyết tật thường phải có sự tham gia của người khuyết tật và các tổ chức đại diện cho họ cũng như những cơ quan cung cấp dịch vụ liên quan đến người khuyết tật. Tùy từng nội dung cụ thể mà việc tham vấn được tiến hành bằng những phương pháp, cách thức tổ chức tham vấn, giá trị tham vấn có sự khác nhau nhất định. Quá trình này có thể thông qua các tổ công tác được thành lập cho một mục đích cụ thể là tham vấn cho xây dựng pháp luật, hoặc thông qua các uỷ ban, hội đồng quốc gia có sẵn đại diện cho các bộ nghành chính phủ và các tổ chức của hoặc vì người khuyết tật. Trong một số trường hợp, việc tham vấn được thực hiện như hoạt động không định trước, dưới hình thức một hoặc nhiều cuộc họp do chính phủ chủ trì.
Tổng hợp lại của quá trình tham vấn, người làm luật, hoạch định chính sách có cái nhìn tổng quát hơn để giải quyết các vẫn đề liên quan đến người khuyết tật trên cơ sở sự hài hòa giữa quyền của người khuyết tật với những lợi ích chung của cộng động, xã hội, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể của đất nước. Cũng như đối với từng nội dung tham vấn cụ thể khác nhau, thì tùy thuộc vào các mô hình tổ chức của mỗi quốc gia mà phương pháp, cách thức tổ chức tham vấn, vị trí cũng như cách thức xác định giá trị của tham vấn là khác nhau.
Việt Nam là một trong những nước tham gia Công ước về quyền của người khuyết tật từ rất sớm. Tuy nhiên, Luật Người khuyết tật năm 2010 không có điều luật quy định trực tiếp, cụ thể nguyên tắc tham vấn người khuyết tật, nhưng trên cơ sở nội dung pháp luật hiện hành việc cụ thể hóa nguyên tắc này được thể hiện trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật người khuyết tật Việt Nam nói riêng như sau:
Trước hết, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện trên cơ sở pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định về nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và vấn đề tham gia đóng góp ý kiến xây dựng văn bản pháp luật như sau:
Tại Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 về một trong các nguyên tắc xây dựng pháp luật như sau: “Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Cụ thể về vấn đề tham gia đóng góp ý kiến, thì tại Điều 6 Luật này đã quy định:
“2. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật.
3.Ý kiến tham gia về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo văn bản”.
Mà căn cứ vào Điều 4 Luật Người khuyết tật 2010 có quy định về quyền của người khuyết tật được tham gia bình đẳng các hoạt động xã hội, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng,.. Như vậy, với sự quy định về quyền được tham gia ý kiến đóng góp chung trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm tính công khai, dân chủ, tiếp nhận ý kiến và phản hồi ý kiến của các cá nhân trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì người khuyết tật cũng là một trong những đối tượng được hưởng quyền trong đó. Điều này cho thấy, mặc dù pháp luật không quy định trực tiếp về việc tham gia đóng góp ý kiến riêng của người khuyết tật, nhưng trên cơ sở quy định nêu trên thì người khuyết tật vẫn được đảm bảo quyền của mình trên phương diện bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia vào ý kiến, đóng góp, đề xuất, kiến nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Việc tham vấn người khuyết tật có thể được thực hiện thông qua chính các tổ chức đại diện cho họ và các tổ chức vì người khuyết tật, do đó, khi xây dựng pháp luật về người khuyết tật mà cụ thể là Luật Người khuyết tật năm 2010, trên cơ sở nội dung cam kết tại Công ước nêu trên, tại Điều 9 Luật Người khuyết tật Việt Nam năm 2010 đã quy định:
“1. Tổ chức của người khuyết tật là tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên là người khuyết tật, tham gia xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật.
2.Tổ chức vì người khuyết tật là tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật”.
Các tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật được thành lập với mục đích giúp đỡ người khuyết tật vượt qua khó khăn và hòa nhập cộng đồng xã hội. Trong đó, tổ chúc của người khuyết tật đại diện quyền và lợi ích của người khuyết tật, đại diện thể hiện tiếng nói của người khuyết tật trong một số vấn đề xã hội trong đó có việc tham gia vào đề xuất, ý kiến, kiến nghị những chính sách, giải pháp theo hướng có lợi và phù hợp hơn cho người khuyết tật. Các tổ chức vì người khuyết tật hoạt động với mục đích trợ giúp người khuyết tật, do đó có những hiểu biết, nắm bắt được nhu cầu của người khuyết tật để trên cơ sở đó đề xuất những chính sách phù hợp và có lợi hơn cho người khuyết tật.
Trên cơ sở quy định quyền tham gia xây dựng, giám sát thực hiện chính sách pháp luật người khuyết tật nêu trên của tổ chức của người khuyết tật và các tổ chức vì người khuyết tật, thì đây chính là sự ghi nhận nguyên tắc tham vấn người khuyết tật trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh việc thể hiện nguyên tắc tham vấn người khuyết tật trong việc ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, nguyên tắc tham vấn người pháp luật còn được thể hiện cụ thể trong một số lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người khuyết tật như sau:
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 177 Bộ luật lao động năm 2012 có quy định:“Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ”. Như vậy, nguyên tắc tham vấn người khuyết tật trong một trong những vấn đề thiết yếu đối với người lao động đó là vấn đề việc làm đã được các nhà làm luật quan tâm và xây dựng khi người lao động tham gia vào quan hệ việc làm với tư cách là người lao động.
Nhìn chung, việc cụ thể hòa nguyên tắc tham vấn người khuyết tật trong pháp luật của Việt Nam chưa thực sự cụ thể, rõ ràng và trực tiếp. Nguyên tắc này mới chỉ được thể hiện mang tính chất quy định chung mà chưa đưa vào nội dung chi tiếp trong các lĩnh vực đời sống thiết yếu đối với người khuyết tật. Bên cạnh đó, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể việc thực hiện tham vấn đối với người khuyết tật sẽ được thực hiện như thế nào, do đó, việc mặc dù đã có quy định mang tính chất quyền chung, nhưng thực tế thực hiện gần như rất ít. Vì vậy, cần phải có sự quy định chi tiết về vấn đề tham vấn sao cho phù hợp với các dạng khuyết tật của người khuyết tật và việc thực hiện tham vấn được thực hiện trên thực tế thông qua cơ sở hay tổ chức cụ thể nào đó để đáp ứng quyền của người khuyết tật cũng như thể hiện đầy đủ nhất nguyên tắc tham vấn người khuyết tật mà nội dung của nó muốn hướng tới.
Tham khảo thêm:
- Phân tích mối quan hệ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư với ngân hàng thương mại trong hoạt động đầu tư và đề xuất ý kiến pháp lý nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động đầu tư tài chính của các chủ thể nêu trên
- Thủ tục đầu tư theo Luật đầu tư 2014 và sự phát triển của Luật Đầu tư 2014 so với Luật Đầu tư 2005
- Biện pháp bảo lãnh phân tích quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng
- Doanh nghiệp cổ phần A có quyền sử dụng 5ha đất trong khu công nghệ cao X để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử
- Phân tích và tư vấn những vấn đề pháp lý có liên quan đến quyền có lối đi qua bất động sản liền kề để đi ra đường công cộng
- Bình luận khái niệm tranh chấp lao động theo quy định của BLLĐ 2012
- Quá trình hình thành và phát triển công chứng ở Việt Nam
- So sánh nhãn hiệu với chỉ dẫn địa lý
- Năm 2010, Công ty X (Việt Nam) nộp đơn đăng ký nhãn hiệu MANLI và hình cho dược phẩm (nhóm 05), tuy nhiên đơn bị từ chối vì bị coi là tương tự với nhãn hiệu MANLYX của công ty Y (Thái Lan) đã được bảo hộ cũng cho sản phẩm dược phẩm nhóm 05
- Đánh giá tác động của quy định pháp luật về Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường tới hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường (Lý luận và quy định pháp luật hiện hành)