Giới hạn của mức phạt vi phạm hợp đồng

Giới hạn của mức phạt vi phạm hợp đồng (ví dụ: giá trị hợp đồng là 1 tỷ đồng, mức phạt có thể là 1,5 tỷ đồng không?)

Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

– Luật Thương mại năm 2005;

– Luật Xây dựng năm 2014;

– Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng;

– Luật Đấu thầu năm 2013;

Trả lời:

Tùy vào loại hợp đồng các bên giao kết, ta xác định được thỏa thuận phạt vi phạm có mức giới hạn theo luật định hay không. Cụ thể:

+ Đối với hợp đồng dân sự: không có giới hạn cho mức phạt vi phạm.

Căn cứ vào Điều 418 Bộ luật dân sự năm 2015:

Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm

1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải

nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không

phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải

chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Theo khoản 2 Điều 418, mức phạt vi phạm cao hay thấp hoàn toàn tùy theo sự thỏa thuận của các bên. Bởi trong các giao dịch dân sự, pháp luật tôn trọng tối đa sự thỏa thuận giữa các bên nên không quy định giới hạn phạt vi phạm. Tuy nhiên, mức phạt vi phạm vẫn có thể chịu sự ràng buộc của một số luật liên quan: “trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”. Cụ thể đó là pháp luật thương mại, xây dựng và đấu thầu.

+ Đối với hợp đồng thương mại: giới hạn của mức phạt vi phạm là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm hoặc 10 lần thù lao dịch vụ giám định.

Căn cứ vào Điều 301, Điều 266 Luật Thương mại năm 2005:

Điều 301. Mức phạt vi phạm

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.

Điều 266. Phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại trong trường hợp kết quả giám định sai

1. Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định.

Như vậy, pháp luật thương mại có quy định mức giới hạn cho thỏa thuận phạt vi phạm. Luật Thương mại quy định 2 mức như sau:

1/ Đối với chủ thể không hoạt động kinh doanh dịch vụ giám định, mức phạt tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

2/ Đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định, mức phạt tối đa là 10 lần thù lao dịch vụ giám định.

+ Đối với hợp đồng xây dựng: giới hạn của mức phạt vi phạm là 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Giới hạn này chỉ áp dụng với các công trình sử dụng vốn nhà nước.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014:

Điều 146. Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng

2. Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 1 Nghị định 37/2015/NĐ-CP:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

 2. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xác lập và quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng (bao gồm cả hợp đồng xây dựng giữa nhà đầu tư thực hiện dự án BOT, BTO, BT và PPP với nhà thầu thực hiện các gói thầu của dự án) sau:

a) Dự án đầu tư xây dựng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp nhà nước;

c) Dự án đầu tư xây dựng không thuộc quy định tại Điểm a, b Khoản này có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án;

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên quan đến hợp đồng xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác áp dụng quy định tại Nghị định này.

Vậy pháp luật xây dựng có quy định mức giới hạn cho thỏa thuận phạt vi phạm. Mức giới hạn này là 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm và chỉ áp dụng đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hợp đồng xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác thì được tự do thỏa thuận mức phạt, song nhà nước vẫn khuyến khích áp dụng mức tối đa 12% như trên.

+ Đối với hợp đồng đấu thầu: giới hạn của mức phạt vi phạm là từ 2% đến 10% giá trúng thầu đối với nhà thầu và từ 1% đến 3% tổng mức đầu tư của dự án đối với nhà đầu tư.

Căn cứ vào Điều 66, Điều 72 Luật Đấu thầu năm 2013:

Điều 66. Bảo đảm thực hiện hợp đồng

1. Bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng đối với nhà thầu được lựa chọn, trừ nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, nhà thầu được lựa chọn theo hình thức tự thực hiện và tham gia thực hiện của cộng đồng.

2. Nhà thầu được lựa chọn phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực.

3. Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo mức xác định từ 2% đến 10% giá trúng thầu.

4. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc ngày chuyển sang thực hiện nghĩa vụ bảo hành đối với trường hợp có quy định về bảo hành. Trường hợp cần gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, phải yêu cầu nhà thầu gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.

5. Nhà thầu không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng trong trường hợp sau đây:

a) Từ chối thực hiện hợp đồng khi hợp đồng đã có hiệu lực;

b) Vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Thực hiện hợp đồng chậm tiến độ do lỗi của mình nhưng từ chối gia hạn hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Điều 72. Bảo đảm thực hiện hợp đồng

1. Nhà đầu tư được lựa chọn phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực.

2. Căn cứ quy mô, tính chất của dự án, giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo mức xác định từ 1% đến 3% tổng mức đầu tư của dự án.

3. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng tính từ ngày hợp đồng được ký chính thức đến ngày công trình được hoàn thành và nghiệm thu hoặc ngày các điều kiện bảo đảm việc cung cấp dịch vụ được hoàn thành theo quy định của hợp đồng. Trường hợp cần gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, phải yêu cầu nhà đầu tư gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.

4. Nhà đầu tư không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng trong trường hợp sau đây:

a) Từ chối thực hiện hợp đồng khi hợp đồng đã có hiệu lực;

b) Vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Thực hiện hợp đồng chậm tiến độ do lỗi của mình nhưng từ chối gia hạn hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Có thể thấy, pháp luật đấu thầu không ghi nhận cụ thể thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, các trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư không được hoàn trả giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng chính là các trường hợp vi phạm hợp đồng và do đó tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng mang bản chất của một khoản tiền phạt vi phạm. Vậy có thể khẳng định pháp luật đấu thầu có quy định mức giới hạn cho thỏa thuận phạt vi phạm. Luật Đấu thầu quy định 2 mức như sau:

1/ Đối với nhà thầu được lựa chọn, mức phạt tối đa là từ 2% đến 10% giá trúng thầu.

2/ Đối với nhà đầu tư được lựa chọn, mức phạt tối đa là từ 1% đến 3% tổng mức đầu tư của dự án.

Tham khảo thêm:

1900.0191