Người được ủy quyền đứng ra ký Hợp đồng thì Hợp đồng có giá trị hiệu lực như thế nào

Người được ủy quyền đứng ra ký Hợp đồng thì Hợp đồng có giá trị hiệu lực như thế nào (theo thời hạn ủy quyền, theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng hay theo một thời hạn khác)

Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015

Trả lời:

Hiệu lực của hợp đồng được ký kết bởi người được ủy quyền ký kết HĐ được xác định theo thời hạn thỏa thuận trong HĐ, trừ trường hợp HĐ bị tuyên bố vô hiệu. Cụ thể như sau:

Căn cứ vào Điều 140, Điều 141, khoản 1 Điều 117, khoản 1 Điều 401 Bộ luật dân sự năm 2015:

Điều 140. Thời hạn đại diện

1. Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì thời hạn đại diện được xác định như sau:

a) Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó;

b) Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.

3. Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:

a) Theo thỏa thuận;

b) Thời hạn ủy quyền đã hết;

c) Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

d) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;

đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

e) Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật này;

g) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.

Điều 141. Phạm vi đại diện

1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:

a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

b) Điều lệ của pháp nhân;

c) Nội dung ủy quyền;

d) Quy định khác của pháp luật.

2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

Điều 401. Hiệu lực của hợp đồng

1. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

Trước hết, có thể khẳng định thời hạn có hiệu lực của HĐ không phụ thuộc vào thời hạn ủy quyền. Bởi thời hạn ủy quyền (hay thời hạn đại diện) chỉ là thời hạn để người được ủy quyền tiến hành công việc trong phạm vi, nội dung ủy quyền. Thời hạn của hợp đồng chỉ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên hoặc quy định pháp luật nếu có.

Tuy nhiên, vấn đề xác định thời hạn HĐ sẽ không có ý nghĩa nếu đó là HĐ vô hiệu. Nếu vô hiệu thì HĐ sẽ hết hiệu lực ngay tại thời điểm Tòa án tuyên bố HĐ này vô hiệu. Để xác định một HĐ có vô hiệu hay không cần xem xét quy định từ Điều 117 đến Điều 119 và từ Điều 122 đến Điều 130 Bộ luật dân sự năm 2015.

Một vấn đề cũng cần được lưu ý là thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 132). HĐ vô hiệu sẽ được coi có hiệu lực nếu hết thời hiệu luật định mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu:

Điều 132. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:

a) Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;

b) Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;

c) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;

d) Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;

đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

2. Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.

3. Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

Tham khảo thêm:

1900.0191