Phân tích, đánh giá quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại tại Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015

Phân tích, đánh giá Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại theo quy định của BLTTHS năm 2015.

Làm thế nào để cân bằng giữa lợi ích của bị hại và trừng phạt người phạm tội cũng như răng đe những cá nhân khác là mục đích mà pháp luật hướng đến để xây dựng một xã hội ổn định, an toàn. Chính vì mục đích đó mà hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng hình sự đã qui định một số trường hợp chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại. Bài viết sau đây sẽ phân tích và đánh giá qui định trên, từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề khởi tố theo yêu cầu.

1. Những vấn đề lí luận về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại

1.1. Khái niệm bị hại

Theo qui định tại Điều 62 BLTTHS năm 2015, bị hại là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về thể chất, vật chất, tinh thần do tội phạm trực tiếp gây ra hoặc đe doạ gây ra.

Về vấn đề thiệt hại do tôi phạm gây ra. Thứ nhất, thiệt hại mà tội phạm gây ra bao gồm thiệt hại về thể chất (sức khoẻ, tính mạng), thiệt hại về tinh thần (uy tín, danh dự, nhân phẩm) và thiệt hại về tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của bị hại. Thứ hai, trong vấn đề xác định thiệt hại, ngay cả khi hành vi phạm tội của người phạm tội tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại thì chủ thể có tài sản, thể chất và tinh thần bị đe doạ ấy vẫn có thể trờ thành bị hại.

Về vấn đề chủ thể có thiệt hại do tội phạm gây ra. Hiện nay, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam ghi nhận chủ thể bị thiệt hại và trở thành bị hại bao gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đối với cá nhân thì phải đang tồn tại vào điểm thiệt hại, tức là đang còn sống hay chưa chết. Đối với cơ quan, tổ chức phải được thành lập

theo qui định của pháp luật. Tuy nhiên, trong phạm vi khởi tố theo yêu cầu của bị hại chỉ có cá nhân.

1.2. Cơ sở hình thành qui định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Cơ sở cho sự hình thành qui định của BLTTHS năm 2015 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại bao gồm cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn.

Thứ nhất, cơ sở lí luận. Hiện nay một số quốc gia trên thế giới như Đức, Pháp, Trung Quốc, trong pháp luật tố tụng hình sự thì công tố là chủ yếu, tư tố chỉ là thứ yếu.1 Việt Nam cũng có sự tương đồng như ba quốc gia kể trên. Hầu hết các qui định trong BLTTHS hiện hành là công tố, tuy nhiên Nhà nước chỉ trao cho bị hại một số quyền mang một phần ý nghĩa tương tự “tư tố” đối với việc khởi tố vụ án hình sự.

Thứ hai, cơ sở thực tiễn. Xuất phát từ thực tiễn cân, đo, đong đếm lợi ích đạt được khi khởi tố một vụ án hình sự hay không khởi tố một vụ án hình sự mà giải quyết theo hình thức dân sự. Thêm vào đó là sự tác động của vấn đề quyền con người và đòi hỏi của nền tư pháp Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tổng hoà hai nhân tố trên đã giúp cho qui định về khởi tố vụ án hình sự có chỗ đứng trong BLTTHS năm 2015.

1.3. Ý nghĩa của qui định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Việc qui định về vấn đề khởi tố vụ án hình sự đã tạo nên ý nghĩa to lớn trong việc “góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con ngừoi, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tố chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuận theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.”2

2. Các trường hợp chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Theo qui định tại Điều 155 BLTTHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự thì “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”

Với mục tiêu BLTTHS năm 2015 đặt ra là người phạm tội phải chịu trách nhiệm cho hành vi phạm tội của mình và mục đích giáo dục, răng đe của pháp luật. Một bộ bao gồm ba tiêu chí đã được đưa ra để xem xét loại tội phạm nào thì chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.

Tiêu chí về loại tội, bao gồm tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng. Trong đó tội ít nghiêm trọng là 07 tội, tội nghiêm trọng là 02 tội (tội hiếp dâm theo khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội cưỡng dâm theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Tiêu chí về tính nguy hiểm cho xã hội. Có thể thấy rằng, loại tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hinh phạt do Bộ luật Hình sự qui định là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Loại tội phạm nghiêm trọng là tôi phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khun ghình phạt do Bộ luật Hình sự qui định là từ trên 03 năm đến 07 năm tù.

Tiêu chí về hậu quả của tội phạm đối với bị hại. Đây là tiêu chí quan trọng nhất trong ba tiêu chí trên. Bởi hậu quả mà tội phạm gây ra đối với các vấn đề như tài sản, thể chất và tinh thần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bị hại. Nếu trong trường hợp đã thiệt hại và tiếp tục khởi kiện mà không theo ý chí của bị hại có thể gây nên hậu quả bất lợi nhất định như mất uy tín, danh dự, nhân phẩm. Nếu xử lí bằng cách khác có thể giúp bị hại khôi phục được phần thiệt hại, không gây ra thiệt hại khác ngoài mong muốn của bị hại đồng thời vẫn đảm bảo được hiệu quả răn đe của pháp luật đói với người phạm tội.

Tuy nhiên, xét về mức độ nguy hiểm thì tội phạm qui định tại điểm a và điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể gây nên hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại cho nhiều người, mức độ nguy hiểm đã vượt qua mức giới hạn. Chính vì vậy mà cần xem xét bỏ loại tội này khỏi qui định về khởi tố theo yêu cầu của bị hại.

Như vậy, xét tổng hoà các yếu tố trên, nhất là liên quan đến vấn đề lợi ích của bị hại và tính nguy hiểm của hành vi phạm tội đối với xã hội mà xem xét đưa loại tội phạm nào vào phạm vi khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.

3. Chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự

Bị hại là các cá nhân có khách thể bị xâm phạm chủ yếu trong vấn đề sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm. Và tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS qui định “bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết” có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.

Có thể thấy rằng hiện nay chỉ còn bị hại là cá nhân có quyền khởi tố vụ án theo yêu cầu mà không còn có sự xuất hiện của cơ quan, tổ chức. Bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng hình sự được ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2021 đã bỏ khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 ra khỏi danh mục khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu.

Xét thấy, bị hại là người trực tiếp chịu những tổn thất, tổn thương về thể chất, tinh thần và vật chất. Tức là người có quyền lợi bị xâm phạm nên cần phải có quyền đứng lên để tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách yêu cầu khởi kiện vụ án hình sự đối với người phạm tội. Thêm vào đo, người bị hại có thể ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác giúp mình thực hiện quyền. Chính vì vậy, quyền yêu cầu khởi tố trước tiên được trao cho bị hại, và chỉ khi vì lí do khách quan hoặc chủ quan mà dẫn đến hậu quả họ không thể tự mình thực hiện các quyền của mình thì quyền này mới được trao cho những chủ thể khác. Và quyền này là độc lập giữa các chủ thể với nhau.

Tuy nhiên, theo qui định của luật còn có sự xuất hiện của một số chủ thể khác mà không phải là người trực tiếp chịu thiệt hại như người địa diện của bị hại là người dưới 18 tuổi hay người địa diện của người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Hoặc người đại diện cho quyền lợi của người đã chết. Thông thường người đại diện của người trên theo qui định của pháp luật dân sự có thể là một trong những cá nhân sau đây: Ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em hoặc vợ, chồng. Tuy nhiên lại có một lưu ý đối với người đã chết là bị hại thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ là chủ thể đầu tiên có quyền yêu cầu khởi kiện vụ án hình sự đối với vụ án hình sự chỉ khởi tố theo yêu cầu bị hại; tiếp đến sẽ là những người thuộc hàng thừa kế thứ hai.

4. Hậu quả pháp lí của yêu cầu, không yêu cầu và rút yêu cầu khởi kiện vụ án hình sự

4.1. Bị hại yêu cầu khởi tố vụ án hình sự

Khi bị hại có nhu cầu và mong muốn người phạm tội phải chịu sự răng đe và hình phạt nặng nhất của pháp luật thì sẽ tiến hành yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Nếu bị hại có yêu cầu với cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc khởi tố vụ án hình sự thì sẽ mở ra một quá trình tố tụng theo qui định chung của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Qui định như vậy là hợp lí bởi BLTTHS đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu quản lí nhà nước về xã hội, trừng trị các hành vi phạm tội của người phạm tội nhằm bảo đảm an toàn xã hội. Đồng thời mục đích bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho bị hại cũng đã được xem xét.

4.2. Bị hại không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự

Đối với khởi tố vụ án hình sự phải có căn cứ dấu hiệu tội phạm được qui định tại Điều 143 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại thì cần phỉa xét đến yếu tố có yêu cầu trước tiên.

Trong trường hợp chủ thể bị thiệt hại do tội phạm chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại gây ra thì cơ quan có thẩm quyền không được khởi tố vụ án hình sự. Được qui định cụ thể tại khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157, khoản 1 Điều 158 BLTTHS năm 2015. Tức là người bị thiệt hại sẽ không tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hình sự tại toà án và người phạm tội cũng không bị đưa ra xét xử. Lúc này, cả hai bên sẽ giải quyết tranh chấp với nhau chủ yếu bằng quan hệ pháp luật dân sự.

Trong các trường hợp sau đây sẽ không khởi tố vụ án hình sự

Thứ nhất, bị hại không yêu cầu khởi tố. Tức là thẩm quyền ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thuộc về bị hại.

Thứ hai, Cơ quan điều tra là nơi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện điều tra sơ bộ ban đầu để xác định có hay không dấu hiệu phạm tội. Đồng thời phải xem xét cả cơ sở để khởi tố vụ án hình sự. Nên, nếu không có yêu cầu khởi tố của bị hại trong trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Thứ ba, Viện kiểm sát có quyền ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự nếu xét thấy yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra không có cơ sở hoặc tự mình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và xét thấy không có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.

Ngoà ra, trong trường hợp Hội đồng xét xử nếu phát hiện ra có căn cứ tại khoản 8 Điều 157 thì Hội đồng xét xử phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ vì đây là một trong những vi phạm tố tụng (Chỉ khởi tố trong trường hợp có yêu cầu của bị hại nhưng lại vi phạm).

Ra quyết định huỷ quyết định khởi tố vụ án hình sự, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án.

Khi có một trong những căn cứ để huỷ quyết định khởi tố vụ án hình sự tại khoản 1 Điều 58, điểm b khoản 1 Điều 161 BLTTHS năm 2015 thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải ra quyết định huỷ quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Đối với vấn đề đình chỉ điều tra. Trước tiên, Cơ quan điều tra cần căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS năm 2015 để đình chỉ điều tra đối với trường hợp khởi tố theoo yêu cầu của bị hại. Tuy nhiên, cần phải chú ý phân biệt được lúc nào sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra, lúc nào ra quyết định huỷ quyết định khởi tố vụ án hình sự. Theo qui định của BLTTHS năm 2015 thì trong trường hợp chưa điều tra thì ra quyết định huỷ quyết định khởi tố vụ án hình sự, trong trường hợp đã tiến hành điều tra thì ra quyết định đình chỉ điều tra. Tức là quan tâm đến vấn đề điều tra hay chưa điều tra để có bước tiếp theo đúng đắn, phù hợp.

Ngoài ra, về vấn đề đình chỉ vụ án. Nếu Viện kiểm sát thấy có căn cứ theo qui định tại khoản 1 Điều 248 BLTTHS năm 2015 thì phải ra quyế định đình chỉ vụ án để đảm bảo phù hợp với qui định của pháp luật. Với Toà án, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm thì Toà án không có thẩm quyền đình chỉ vụ án theo căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 282 hoặc khoản 2 Điều 299. Vì vậy, lúc này Toà án phải ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì có sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tố tụng.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý một vấn đề. Hiện nay, theo như qui định của pháp luật tố tụng hình sự thì bị hại và người đại diện cho bị hại trong trường hợp bị hại dưới 18 tuổi, hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực thì hai chủ thể trên là độc lập về quyền yêu cầu khởi tố với nhau. Quyền rút yêu cầu khởi tố cũng tương tự. Tức khi có một trong hai chủ thể trên yêu cầu khởi tố thì sẽ được khởi tố vụ án hình sự nếu đáp ứng điều kiện khởi tố. Và ai khởi tố thì người đó mới có quyền rút yêu cầu khởi tố.

Thêm vào đó, trong cùng một vụ án có nhiều bị hại và người phạm tội chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của bị hại. Một trong số những bị hại không có yêu cầu khởi tố

Những qui định trên trong BLTTHS năm 2015 là hợp lí, đã đảm bảo được quyền, lợi ích và đáp ứng được tối đa mong muốn của bị hại trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại. Điều đó vừa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay.

4.3. Bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự

Theo quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”. Như vậy, pháp luật tố tụng hình sự hiện hành không đặt ra qui định về thời điểm rút đơn khởi kiện đối với trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Chỉ cần người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu theo qui định của pháp luật thì vụ án sẽ được đình chỉ.

Công văn Số: 254/TANDTC-PC của Toà án nhân dân tối cao về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 của BLTTHS đã đưa ra hai trường hợp cụ thể.

Thứ nhất, tại gia đoạn xét xử sơ thẩm, nếu có yêu cầu rút yêu cầu trước khi mở phiên toà thì Thẩm phấn ra quyết định đình chỉ vụ án theo Điều 45, điểm a khoản 1 Điều 282 của BLTTHS năm 2015. Nếu có yêu cầu rút yêu cầu tại phiên toà sơ thẩm thì căn cứ vào khoản 2 Điều 155, Điều 299 của BLTTHS ra quyết định đình chỉ vụ án.

Thứ hai, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, “Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của BLTTHS năm 2015 hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.3

Hướng dẫn trên đã góp phần giúp cho các toà án cấp dưới chủ động hơn trong quá trình xét xử. Bởi đã có hướng dẫn cụ thể và hướng dẫn này phù hợp với qui định của pháp luật tố tụng hình sự. Thẩm quyền đình chỉ vụ án trước khi mở phiên toà sơ thẩm thuộc về thẩm phán được phân công là hợp lí, đúng qui định. Thêm vào đó, trong gia đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm thì thẩm phán được phân công chỉ có thể ra một trong hai loại quyết định, bao gồm quyết định đình chỉ hoặc quyết định đưa vụ án ra xét xử. Chính vì vậy, hướng dẫn trên là phù hợp với qui định tại khảon 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015. “Tuy nhiên, ở giai đoạn phúc thẩm thì không thể đình chỉ khi đã có bản án sơ thẩm theo yêu cầu của bị hại, nay nếu đình chỉ vụ án thì không thể giải quyết yêu cầu của bị hại về việc rút yêu cầu khởi tố vụ án. Chính vì thế, cần phải tiến hành phiên tòa xét xử theo thủ tục phúc thẩm mặc dù có yêu cầu rút yêu cầu khởi tố.”4

Ngoài ra, căn cứ để đình chỉ vụ án ở giai đoạn xét xử phúc thẩm do Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn chỉ hợp lí ở khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015, hai điều khoản còn lại là chưa hợp lí. Tại Điều 358 BLTTHS năm 2015 qui định về các trường hợp huỷ bản án sơ thẩm và điều tra lại hoặc xét xử lại không có căn cứ do bị hại rút yêu cầu khởi tố trong trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Tại Điều 359 BLTTHS năm 2015 chỉ dẫn chiếu ngược về các trường hợp qui định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 157 BLTTHS năm 2015 và không dẫn chiếu đến khoản 8 Điều 157 BLTTHS năm 2015. Từ đó, nếu căn cứ vào Điều 359 thì lại không có cơ sở để huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

5. Đề xuất nhằm hoàn thiện qui định pháp luật về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

5.1. Đề xuất hoàn thiện hệ thống các qui phạm pháp luật tố tụng hình sự

BLTTHS năm 2015 đã phát huy được hiệu quả đảm bảo cân bằng giữa lợi ích của bị hại và tính răng đe, quản lí của nhà nước. Tuy nhiên vẫn cần phải sửa đổi, bổ sung thêm một số điều để pháp luật tố tụng hình sự ngày càng hoàn thiện.

Để nâng cao hiệu quả pháp luật và tính răng đe của pháp luật, cần thiết phải bỏ qui định tại điểm a và điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 ra khỏi qui định về chỉ khởi tố vụ án hình sự khí có yêu cầu của bị hại bởi tính nguy hiểm cao của loại tội phạm này.

Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng qui định quyền khởi kiện, quyền rút yêu cầu khởi kiện là quyền chung, thể hiện ý chỉ của cả bị hại và người đại diện cho người dưới 18 tuổi. Bởi mối tương quan giữa bị hại và thiệt hại của bị hại không thể do mỗi người đại diện quyết định cách thức giải quyết.

Thêm vào đó, cần phải cụ thể hoá qui định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 để có hướng giải quyết chung tố nhất.

5.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật tố tụng hình sự

Các nhà làm luật cần phải cập nhật, bổ sung các qui định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của BLTTHS. Đồng thời phải đánh giá ưu, nhược điểm nhằm phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Thêm vào đo, cần có các văn bản hướng dẫn chung nhằm thống nhất cách hiểu các qui định không rõ ràng trong BLTTHS năm 2015

Ngoài ra, cần phải nâng cao hiểu biết của người dân về pháp luật nhằm hiểu đúng, hiểu đủ các qui phạm pháp luật để bảo đảm tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Qui định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, chế định trên góp phần bảo vệ tốt hơn lợi ích của bị hại và đảm bảo tạo nên cách xử sử sao cho hạn chế nhất bất lợi đối với bị hại.

Danh mục tài liệu tham khảo

  • Bộ luật Hình sự năm 2015
  • Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
  • Công văn Số: 254/TANDTC-PC của Toà án nhân dân tối cao về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 của BLTTHS
  • Ngũ Hồng Quang (2009), Tư tố trong tố tụng Hình sự Trung Quốc, Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội – Luật học
  • Nguyễn Tiến Long , Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luận văn thạc sĩ Luật học
  • Trần Văn Trung, Bàn về việc bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án, https://coquandieutravkstc.gov.vn/ban-ve-viec-bi-hai-rut-yeu-cau-khoi-to- vu-an/ , truy cập lúc 10h41’ ngày 23/12/2021
1900.0191