Phân tích các quy định pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm và chỉ ra các ý nghĩa của việc đăng kí biện pháp bảo đảm

Đăng kí biện pháp bảo đảm là một trong những cách thức để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ bên nhận bảo đảm mà còn cả bên bảo đảm hay người thứ ba trong quan hệ này. Để hiểu hơn về vấn đề này em chọn đề bài số 3: “Phân tích các quy định pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm và chỉ ra các ý nghĩa của việc đăng kí biện pháp bảo đảm” làm bài thi kết thúc học phần.

1. Khái niệm biện pháp bảo đảm

Biện pháp bảo đảm là việc thoả thuận giữa các bên về việc lựa chọn sử dụng một trong các biện pháp đã được pháp luật quy định để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự với tính chất tác động, dự phòng để bảo đảm; đồng thời ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ gây ra.[1] Các biện pháp bảo đảm gồm: Cầm cố tài sản; Thế chấp tài sản; Đặt cọc; Ký cược; Ký quỹ; Bảo lưu quyền sở hữu; Bảo lãnh; Tín chấp; Cầm giữ tài sản. (Điều 292 Bộ luật dân sự 2015).

Đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm.

2. Phân tích các quy định của pháp luật về đăng kí biện pháp bảo đảm

Theo quy định tại điều 298 Bộ luật dân sự 2015 về việc đăng kí biện pháp bảo đảm thì việc đăng kí biện pháp bảo đảm được thực hiện trên cơ sở sau

Tùy thuộc vào từng loại biện pháp bảo đảm mà việc đăng kí biện pháp bảo đảm có thể là bắt buộc hoặc theo sự thỏa thuận của các bên. Theo quy định tại điều 4 nghị định 102/2017 quy định về đăng kí biện pháp bảo đảm pháp luật chia ra trường hợp phải đăng kí biện pháp bảo đảm và trường hợp được đăng kí khi có yêu cầu. Trong một số trường hợp pháp luật có quy định,việc đăng kí là điều kiện có hiệu lực của giao dịch bảo đảm. Khi giao dịch bảo đảm có hiệu lực pháp luật thì các bên có quyền, nghĩa vụ theo nội dung mà giao dịch bảo đảm đã lựa chọn cho nên các bên phải đăng kí biện pháp bảo đảm đã lựa chọn thì giao dịch bảo đảm đó mới có hiệu lực.

Khi biện pháp bảo đảm được đăng kí, hiệu lực đối kháng với người thứ ba sẽ phát sinh. Quyền và lợi ích của bên nhận bảo đảm được áp dụng biện pháp đăng kí sẽ được pháp luật bảo đảm thực hiện, ngay cả trong trường hợp có tranh chấp xảy ra đối với chủ thể thứ ba thì quyền và lợi ích này vẫn được bảo vệ.

Việc các bên lựa chọn biện pháp bảo đảm là do các bên tự thống nhất, thỏa thuận tuy nhiên việc đăng kí biện pháp bảo đảm theo trình tự thủ tục,thẩm quyền đăng kí, địa điểm đăng kí… như thế nào là do pháp luật quy định. Tùy thuộc vào đối tượng của biện pháp bảo đảm thì việc đăng kí sẽ được thực hiện tại các cơ quan đăng kí khác nhau. Ví dụ đối tượng của biện pháp bảo đảm là máy bay thì việc đăng kí giao dịch phải thực hiện tại Cục Hàng không Việt Nam…

3. Ý nghĩa của việc đăng kí biện pháp bảo đảm

Đối với bên nhận bảo đảm: việc đăng kí biện pháp bảo đảm mang ý nghĩa công bố quyền lợi của bên nhận bảo đảm với người thứ ba và tất cả những ai (người thứ ba) xác lập giao dịch liên quan đến tài sản đó. Ngoài quyền truy đòi tài sản bảo đảm, việc đăng ký giao dịch bảo đảm còn giúp cho bên nhận bảo đảm có được thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm so với các chủ nợ không đăng kí biện pháp bả đảm. Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên nhận bảo đảm được xác định căn cứ theo thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm

Đối với bên bảo đảm: Thông qua cơ chế đăng ký giao dịch bảo đảm, bên bảo đảm vừa đạt được mục đích dùng tài sản để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ, vừa duy trì được hoạt động sản xuất – kinh doanh của mình. Chính nguồn lợi thu được từ việc khai thác tài sản bảo đảm sẽ giúp bên nhận bảo đảm từng bước thu hồi vốn, tái đầu tư và thanh toán được nợ cho bên nhận bảo đảm

Đối với bên thứ ba: Trong nhiều trường hợp, do thiếu thông tin nên bên thứ ba có thể dễ dàng cho rằng tài sản vẫn chưa được dùng để bảo đảm cho bất kỳ một nghĩa vụ nào trên thực tế, vì vậy việc đăng kí những thông tin về giao dịch bảo đảm là rất cần thiết, từ đó giúp cho bên thứ ba hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra, nhất là trong trường hợp tài sản bảo đảm vẫn do bên bảo đảm chiếm giữ, khai thác.

Đăng kí giao dịch bảo đảm có ý nghĩa lớn đối với việc ổn định xã hội, hạn chế các tranh chấp không đáng có trong các quan hệ giao dịch dân sự. Vì vậy pháp luật cần phải quy định chi tiết và đầy đủ hơn các quy định về vấn đề này.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ luật Dân sự 2015, NXB Lao động
  2. Nghị định 102/2017/NĐ-CP quy định về đăng kí biện pháp bảo đảm      
  3. Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập II, Trường đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, 2017
1900.0191