Phân tích quy trình đấu thầu rộng rãi với gói thầu mua sắm hàng hóa theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ theo quy định của pháp luật Việt Nan hiện hành

Mua sắm chính phủ là một hoạt động không thể thiếu trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn rất nhiều bất cập trong vấn đề này, vì vậy để hiểu các hoạt động đấu thầu em xin chọn đề bài: “Phân tích quy trình đấu thầu rộng rãi với gói thầu mua sắm hàng hóa theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ theo quy định của pháp luật Việt Nan hiện hành” làm bài thi kết thúc học phần.

1. Khái niệm về đấu thầu rộng rãi

Đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong đó không hạn chế số lượng nhà thầu, nhà đầu tư tham dự.[1]

Gói thầu mua sắm hàng hóa là gói thầu mua sắm các máy móc, thiệt bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phụ tùng, hàng tiêu dùng, thuốc, vật tư y tế dùng cho các cơ sở y tế.[2]

Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ là phương thức đầu thầu mà các nhà thầu chuẩn bị các đề xuất (kỹ thuật và tài chính) một lần và nộp cùng một thời điểm trong cùng một túi hồ sơ.[3]

Các trường hợp áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ; Chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; Chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; Mua sắm trực tiếp đối với gói thầu mua sắm hàng hóa; Chỉ định thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư.[4]

2. Quy trình đấu thầu rộng rãi với gói thầu mua sắm hàng hoá theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ theo quy định pháp luật Việt Nam

Theo quy định tại điều 11 nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, quy trình đấu thầu rộng rãi với gói thầu mua sắm hàng hóa theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ gồm các bước sau:

1. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu (điều 12,13 nghị định 63/2014/NĐ-CP), bao gồm:

a) Lập hồ sơ mời thầu: khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 điều 12 nghị định 63/2014 thì bên mời thầu tiến hành lập hồ sơ mời thầu. Hồ sơ mời thầu phải quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá), quy định chi tiết tại khoản 3 điều 12 nghị định 63/2014 NĐ-CP). Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

b) Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu: hồ sơ mời thầu phải được thẩm định trước khi phê duyệt, trình tự thẩm định được thực hiện theo quy định tại điều 105 nghị định này. Căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu, cơ quan có thẩm quyền sẽ phê duyết hồ sơ mời thầu, việc phê duyết phải văn bản.

2. Tổ chức lựa chọn nhà thầu (điều 14 nghị định 63/2014/NĐ-CP), bao gồm:

a) Mời thầu: bên mời thầu đăng tải thông báo mời thầu và các thông tin liên quan lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc báo đấu thầu tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể  theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm b Khoản 1 hoặc Điểm a Khoản 2 Điều 8 của Nghị định.

b) Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu: hồ sơ mời thầu sẽ được phát hành cho các nhà thầu tham gia đấu thầu rộng rãi. Trong trường hợp bên mời thầu sau khi phát hành muốn sửa đổi hồ sơ mời thầu thì phải gửi quyết định sửa đổi kèm theo những nội dung sửa đổi hồ sơ mời thầu đến các nhà thầu đã mua. Nếu nhà thầu muốn làm rõ hồ sơ mời thầu thì nhà thầu phải gửi văn bản đề nghị đến bên mời thầu tối thiểu 03 ngày làm việc (đối với đấu thầu trong nước), 05 ngày làm việc (đối với đấu thầu quốc tế) trước ngày có thời điểm đóng thầu để xem xét, xử lý. Sau khi đã làm rõ bên mời thầu sẽ gửi văn bản làm rõ đến các nhà thầu đã mua, nội dung làm rõ hồ sơ mời thầu không được trái với nội dung của hồ sơ mời thầu đã duyệt, Trường hợp sau khi làm rõ hồ sơ mời thầu dẫn đến phải sửa đổi hồ sơ mời thầu thì việc sửa đổi hồ sơ mời thầu thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 14 nghị định này.

c) Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu: Nhà thầu chịu trách nhiệm trong việc chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Bên mời thầu tiếp nhận và quản lý các hồ sơ dự thầu đã nộp theo chế độ quản lý hồ sơ mật cho đến khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; trong mọi trường hợp không được tiết lộ thông tin trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu này cho nhà thầu khác, trừ các thông tin được công khai khi mở thầu. Hồ sơ dự thầu được gửi đến bên mời thầu sau thời điểm đóng thầu sẽ không được mở, không hợp lệ và bị loại. Bất kỳ tài liệu nào được nhà thầu gửi đến sau thời điểm đóng thầu để sửa đổi, bổ sung hồ sơ dự thầu đã nộp đều không hợp lệ, trừ tài liệu nhà thầu gửi đến để làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu hoặc tài liệu làm rõ, bổ sung nhằm chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Khi muốn sửa đổi hoặc rút hồ sơ dự thầu đã nộp, nhà thầu phải có văn bản đề nghị gửi đến bên mời thầu. Bên mời thầu chỉ chấp thuận việc sửa đổi hoặc rút hồ sơ dự thầu của nhà thầu nếu nhận được văn bản đề nghị trước thời điểm đóng thầu. Bên mời thầu phải tiếp nhận hồ sơ dự thầu của tất cả các nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu trước thời điểm đóng thầu. Trường hợp chưa mua hồ sơ mời thầu thì nhà thầu phải trả cho bên mời thầu một khoản tiền bằng giá bán hồ sơ mời thầu trước khi hồ sơ dự thầu được tiếp nhận.

d) Mở thầu: Việc mở thầu phải được tiến hành công khai và bắt đầu ngay trong vòng 01 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu. Chỉ tiến hành mở các hồ sơ dự thầu mà bên mời thầu nhận được trước thời điểm đóng thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trước sự chứng kiến của đại diện các nhà thầu tham dự lễ mở thầu, không phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của các nhà thầu. Việc mở thầu được thực hiện đối với từng hồ sơ dự thầu theo thứ tự chữ cái tên của nhà thầu và theo trình tự sau đây: Yêu cầu đại diện từng nhà thầu tham dự mở thầu xác nhận việc có hoặc không có thư giảm giá kèm theo hồ sơ dự thầu của mình; Kiểm tra niêm phong; Mở hồ sơ và đọc rõ các thông tin về: Tên nhà thầu; số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ; giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu; giá trị giảm giá (nếu có); thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu; thời gian thực hiện hợp đồng; giá trị, hiệu lực của bảo đảm dự thầu; các thông tin khác liên quan. Sau đó bên mời thầu lập biên bản mở thầu và phải được ký xác nhận bởi đại diện của bên mời thầu và các nhà thầu tham dự lễ mở thầu. Biên bản này phải được gửi cho các nhà thầu tham dự thầu. Đại diện của bên mời thầu phải ký xác nhận vào bản gốc đơn dự thầu, thư giảm giá (nếu có), giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của nhà thầu (nếu có); thỏa thuận liên danh (nếu có); bảo đảm dự thầu; các nội dung đề xuất về tài chính và các nội dung quan trọng khác của từng hồ sơ dự thầu.

3. Đánh giá hồ sơ dự thầu (điều 15,16,17,18 nghị định 63/2014/NĐ-CP), bao gồm:

a) Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu: việc kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu được thực hiện theo các nguyên tắc, nội dung và trình tự quy định tại điều 15, khoản 1,2 điều 18 nghị định này. Ngoài ra, sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu.

b) Đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu: sau khi bên mời thầu đã kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu, bên mời thầu sẽ tiến hành đánh giá một số tiêu chí khác như: Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; Đánh giá về kỹ thuật và giá… các tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá được thực hiện theo như quy định trong hồ sơ mời thầu.

c) Xếp hạng nhà thầu: Sau khi đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu, tổ chuyên gia sẽ lựa chọn danh sách xếp hạng nhà thầu và lập báo cáo gửi bên mời thầu để xem xét.

4. Thương thảo hợp đồng: Nhà thầu xếp hạng thứ nhất được mời đến thương thảo hợp đồng. Trường hợp nhà thầu được mời đến thương thảo hợp đồng nhưng không đến thương thảo hoặc từ chối thương thảo hợp đồng thì nhà thầu sẽ không được nhận lại bảo đảm dự thầu. Cơ sở thương thảo, nội dung thương thảo, nguyên tắc thương thảo được quy định tại khoản 2,3,4 điều 19 nghị định này. Trường hợp thương thảo không thành công, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo; trường hợp thương thảo với các nhà thầu xếp hạng tiếp theo không thành công thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định hủy thầu.

5. Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu: Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu trình kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó nêu rõ ý kiến của bên mời thầu về các nội dung đánh giá của tổ chuyên gia (được quy định chi tiết tại điều 20 nghị định 63/2014/NĐ-CP)

6. Hoàn thiện, ký kết hợp đồng: sau khi đã được phê duyệt, các bên sẽ tiến hành hoàn thiện và kí hợp đồng theo khoản 6 điều 20 nghị định này

Pháp luật Việt Nam về đấu thầu công đã và đang hoàn thiện để có thể phù hợp với các tiêu chuẩn chung của quốc tế, từ đó tạo đà cho nước ta có thể tham gia vào các hiệp định về mua sắm chính phủ từ đó thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam vào thị trường quốc tế.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật đấu thầu 2013
  2. Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
1900.0191