Một số quy định của pháp luật về trọng tài thương mại cần được hướng dẫn

Một số quy định của pháp luật về trọng tài thương mại cần được hướng dẫn

10/05/2016

Luật Trọng tài thương mại 2010, được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực ngày 01-01-2011 đã tạo ra khuôn khổ pháp lý khá đồng bộ để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện thương mại cũng như các tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài. Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng trong thực tiễn, một số quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (viết tắt Luật TTTM) đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và uy tín của Trọng tài thương mại ở Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, một số quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM) chưa được quy định cụ thể. Điều 49[1] Luật TTTM quy định, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp, cụ thể như biện pháp “Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài”. Vậy những hành vi nào được coi là bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài? Thực tế, việc xác định những hành vi này không phải là dễ vì nó phụ thuộc vào sự đánh giá chủ quan của mỗi cá nhân dưới nhiều góc độ khác nhau. Do vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có quy định rõ về “những hành vi được coi là bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài” trong Luật TTTM nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng trọng tài thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên.

Thứ  hai, Luật TTTM cũng chưa quy định rõ về nội dung trong kết quả giải quyết tranh chấp của Trọng tài. Tại khoản 10 Điều 3 Luật TTTM quy định: “Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài” và một trong những nội dung của phán quyết trọng tài là  “Kết quả giải quyết tranh chấp”. Giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấpKết quả giải quyết tranh chấp theo cách hiểu chung nhất là trong phán quyết trọng tài phải quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên đối với nhau như thế nào. Như vậy, mới có cơ sở để thực thi. Tuy nhiên, thực tế giải quyết tranh chấp, có vụ trong Quyết định trọng tài chỉ ghi "không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn", "không chấp nhận yêu cầu kiện lại của bị đơn" mà không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của các bên như thế nào. Phán quyết trọng tài như vậy, liệu có đảm bảo đúng quy định của pháp luật? Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật TTTM thì: “bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài”. Tuy nhiên, với phán quyết như nêu trên thì không biết cơ quan thi hành án dân sự sẽ thi hành ra sao? Với phán quyết trọng tài khó có thể thực thi như trên, một trong các bên buộc phải thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài để khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, theo quy định của Luật TTTM, để yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài thì phải có căn cứ chứng minh phán quyết đó thuộc một trong các trường hợp hủy quyết định trọng tài theo quy định tại Điều 68 Luật TTTM:

“a) Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;

b) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;

c) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;

d) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;

đ) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.”

Đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn giải quyết tại Tòa án hiện nay thì vấn đề yêu cầu Tòa án hủy quyết định trọng tài quả thực rất khó khăn.

Thứ ba, điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM, quy định: “Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;”. Theo quy định này có thể thấy, nhà làm luật đã phân định rõ hai nội dung sau:Nội dung thứ nhất: Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Nội dung thứ hai: Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài. Hướng dẫn về điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM, tại điểm d khoản 2 Điều 14 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại, có quy định: “Tòa án chỉ xem xét việc xác định chứng cứ giả mạo nếu có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó và chứng cứ đó phải có liên quan đến việc ra phán quyết, có ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết. Tòa án phải căn cứ vào quy định Luật TTTM, quy tắc tố tụng trọng tài, thỏa thuận của các bên và quy tắc xem xét, đánh giá chứng cứ mà Hội đồng trọng tài áp dụng khi giải quyết vụ việc để xác định chứng cứ giả mạo”.

– Nội dung thứ nhất: Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo;

Theo nội dung quy định này, có thể thấy rõ tuy là hai vấn đề nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau, cụ thể: Vấn đề thứ nhất, chứng cứ do các bên cung cấp là giả mạo. Vấn đề thứ hai, Hội đồng trọng tài căn cứ vào chứng cứ giả mạo đó để ra phán quyết thì mới là căn cứ để hủy phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 68 Luật TTTM. Như vậy, việc các bên tuy có đưa ra nhiều chứng cứ, nhưng nếu như phán quyết của trọng tài không căn cứ vào chứng cứ giả mạo đó để đưa ra phán quyết thì phán quyết đó của trong tài không thể bị hủy. Tuy nhiên, xoay quanh cách hiểu nội dung thứ nhất này, hiện vẫn còn có những quan điểm khác nhau.

+ Quan điểm thứ nhất, muốn kết luận chứng cứ mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để đưa ra phán quyết có phải là giả mạo không thì phải được Hội đồng xét đơn xem xét lại chứng cứ đó. Bởi trong hồ sơ có thể có nhiều nhóm chứng cứ hoàn toàn trái ngược nhau do các bên cung cấp. chẳng hạn, phía nguyên đơn cung cấp các chứng cứ thể hiện tính xác thực, khách quan, phản ánh đúng các hành vi, sự kiện đã diễn ra trong quan hệ tranh chấp; phía bị đơn có thể đưa ra những chứng cứ phản ánh sai bản chất quan hệ tranh chấp (chứng cứ giả mạo), như: Hợp đồng giả, hóa đơn giả, lời khai của nhân chứng do phía bị đơn cung cấp bị “nhào nặn” lại theo hướng có lợi cho bị đơn. Do vậy, việc xem xét đánh giá chứng cứ nào là thật, chứng cứ nào là giả mạo đôi khi không chỉ bằng việc đọc, lắng nghe đôi bên trình bày, so sánh đối chiếu các tài liệu để khẳng định bằng “niềm tin nội tâm” của chính mình là đủ, mà trong nhiều trường hợp cần đến việc trưng cầu giám định, mới có đủ cơ sở kết luận tài liệu, chứng cứ thật hay giả mạo.

+ Quan điểm thứ hai, Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài không xem xét, đánh giá lại chứng cứ mà mà Hội đồng trọng tài đã dùng làm căn cứ để ra phán quyết, nhưng nếu không xem xét toàn bộ các tài liệu, chứng cứ mà Hội đồng trọng tài dùng làm căn cứ để đề ra phán quyết thì dựa vào đâu để biết được chứng cứ nào là giả chứng cứ nào là thật, như vậy rất khó khăn khi áp dụng điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM

Theo quan điểm của tác giả, Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài không phải xem xét, đánh giá lại chứng cứ mà Hội đồng trọng tài đã căn cứ vào đó để đề ra phán quyết, bởi lẽ, quy định tại điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM cũng như Nghị quyết 01/2004/NQ-HĐTP TANDTC, hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM, không quy định như vậy. Mặt khác, tại khoản 4 Điều 71 Luật TTTM quy định Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài: “Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào các quy định tại Điều 68 của Luật này và các tài liệu kèm theo để xem xét, quyết định; không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết”. Mặt khác, tại khoản 2 Điều 15 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP có hướng dẫn: “Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn không xét lại nội dung vụ tranh chấp mà cần kiểm tra phán quyết trọng tài có thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM hay không. Nếu xét thấy phán quyết trọng tài thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM và Hội đồng trọng tài không khắc phục hoặc không thể khắc phục được theo yêu cầu của Tòa án quy định tại khoản 7 Điều 71 Luật TTTM, thì Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào điểm tương ứng tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM để ra quyết định huỷ phán quyết trọng tài. Nếu xét thấy phán quyết trọng tài không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM, thì Hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định không huỷ phán quyết trọng tài….”

Do vậy, nếu Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài xem xét lại chứng cứ, đánh giá lại chứng cứ thì đó chính là việc xem xét lại nội dung tranh chấp. Và như vậy, hệ quả tất yếu Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài dù trực tiếp hay gián tiếp cũng sẽ đề cập đến việc sử dụng chứng cứ để đề ra phán quyết của Hội đồng trọng tài, điều này rõ ràng đã vượt quá quyền hạn của Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài được quy định tại khoản 4 Điều 71 Luật TTTM, như đã trích dẫn.

Từ đó, để tạo thống nhất chung về nhận thức và áp dụng, điểm d khoản 2 Điều 68 và khoản 4 Điều 71 luật TTTM rất cần sự giải thích kịp thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vì không còn sự lựa chọn nào khác. Thực tiễn cho thấy, không phải cứ xem xét chứng cứ tài liệu do các bên cung cấp được lưu giữ trong hồ sơ có bị giả mạo không là đồng nghĩa với việc xem xét xem xét lại chứng cứ đó, mà thực chất đó là hoạt động kiểm tra việc thu thập chứng cứ có đúng trình tự theo quy định không, có đúng với tài liệu gốc không. Nghĩa là Tòa án chỉ xem xét về mặt hình thức, trình tự, thủ tục mà không xem xét đến nội dung tranh chấp. Hơn nữa, tại Điều 13 Luật TTTM có quy định:“Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án.”, có nghĩa là, nếu một bên biết hoặc nghi ngờ chứng cứ của bên kia đưa ra là giả mạo, nhưng không đưa ra được bất cứ phản đối “hữu hiệu” nào để Hội đồng trọng tài xem xét trước khi ra phán quyết thì cũng không thể yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, nếu chỉ dựa trên cơ sở đó.

Một tình huống khác cũng được đặt ra, nếu tài liệu chứng cứ của vụ tranh chấp là giả, không chính xác nhưng không phải do phía nguyên đơn hoặc bị đơn cung cấp, như: Tài liệu do nhân chứng cung cấp, do yếu tố kỹ thuật kết luận giám định không chính xác,… nói chung hoàn toàn không thuộc về ý chí chủ quan của người làm chứng, giám định viên. Khi giải quyết tranh chấp Hội đồng trọng tài do không phát hiện nên đã xem xét các chứng cứ, tài liệu này làm cơ sở đưa ra phán quyết trọng tài, thì liệu rằng Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài có áp dụng điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM để hủy phán quyết trọng tài đó không? Xoay quanh tình huống này, có 2 loại ý kiến sau:

+ Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, không thể áp dụng điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM để Hội đồng xét đơn hủy phán quyết trọng tài, vì điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM, chỉ quy định “chứng cứ do các bên cung cấp… là giả mạo”, các bên ở đây là các bên đương sự, chứ không bao gồm cả người làm chứng, giám định viên, vì theo khoản 3 Điều 3 Luật TTTM:“Các bên tranh chấp là cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài tham gia tố tụng trọng tài với tư cách nguyên đơn, bị đơn”. Do vậy, nếu chấp nhận, thì đồng nghĩa với việc mở rộng đối tượng xem xét tất cả các tài liệu, chứng cứ, bất kể được thu thập từ nguồn nào, phía bên nào cung cấp để xem xét, là trái với khoản 3 Điều 3 như vừa trích dẫn. Điều nàycũng đồng nghĩa với việc, Hội đồng xét đơn yêu cầu phán quyết trọng tài “tự do” xem xét, đánh giá lại chứng cứ, trong đó có kết luận giám định thì rõ ràng là không phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 71 Luật TTTM, trong khi đó, căn cứ để hủy phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 68 Luật TTTM là có căn cứ để xác định rằng đã vi phạm về tố tụng, thẩm quyền, đạo đức. Hơn nữa, Hội đồng xét đơn không có nghĩa vụ phải điều tra, thu thập chứng cứ, do vậy, dù đã được yêu cầu nhưng nếu các bên cung cấp không đầy đủ chứng cứ, thì cho dù Hội đồng trọng tài có xét xử sai về nội dung tranh chấp đi chăng nữa, đó cũng không là căn cứ để hủy phán quyết trọng tài.

+ Loại ý kiến thứ hai, Hội đồng xét đơn phải áp dụng điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM đề hủy phán quyết trọng tài do chứng cứ … bị giả mạo. Bởi, theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 46 Luật TTTM: “2. Theo yêu cầu của một hoặc các bên, Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp.

3. Hội đồng trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền trưng cầu giám định, định giá tài sản trong vụ tranh chấp để làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp. Phí giám định, định giá do bên yêu cầu giám định, định giá tạm ứng hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ.

4. Hội đồng trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền tham vấn ý kiến của các chuyên gia. Chi phí chuyên gia do bên yêu cầu tham vấn tạm ứng hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ”.Tác giả đồng thuận với loại ý kiến này. Vì từ những quy định vừa trích dẫn, có thể hiểu Hội đồng trọng tài trước khi đưa ra phán quyết đều phải có sự xem xét thận trọng, tỉ mỉ, khách quan và toàn diện các chứng cứ tài liệu thu thập được, gồm cả chứng cứ, tài liệu do người làm chứng cung cấp, kể cả trường hợp kết luận giám định nếu có căn cứ để nghi ngờ là thiếu khách quan, không chính xác thì tự mình hoặc theo yêu cầu của một bên hoặc các bên Hội đồng trọng tài có quyền trưng cầu giám định để làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp được chính xác hoặc cũng có thể tham vấn ý kiến của nhà chuyên môn…Nhưng Hội đồng trọng tài đã không làm điều đó, dẫn đến đưa ra phán quyết không chính xác. Do vậy, trong trường hợp này phải áp dụng điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM để hủy phán quyết trọng tài là mới thật sự khách quan và phù hợp với thực tế.

– Nội dung thứ hai: Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài.

Vậy với trường hợp Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cả bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài thì giải quyết như thế nào? Tất nhiên, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trong trường hợp này không phải là khoản thù lao mà Trọng tài viên được nhận theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Luật TTTM. Theo quan điểm của tác giả, thông thường nếu đã nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên nào đó thì rất nhiều khả năng, Trọng tài viên khi giải quyết tranh chấp sẽ giải quyết theo hướng có lợi hơn cho bên đó. Tuy nhiên, luật chỉ quy định hậu quả của việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của Trọng tài viên làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài, thì mới là căn cứ áp dụng điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM, mà không quy định cụ thể sự “ảnh hưởng” đó đến mức độ nào, ngay cả hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP cũng không “định lượng” yếu tố gây ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài. Tại điểm c khoản 1 Điều 42 Luật TTTM có quy định: “Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, khách quan;” thì Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên giải quyết tranh chấp. Song, nếu như Hội đồng trọng tài vẫn không chấp nhận đề nghị này của một hoặc các bên việc Trọng tài viên đã nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác điều đó sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài, dù đã đưa ra chứng cứ để chứng minh có tính thuyết phục, thì chắc chắn rằng phán quyết của trọng tài đó sẽ bị khiếu nại yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Như vậy, đương nhiên trường hợp này Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài sẽ chấp nhận đơn khiếu nại. Ngược lại, nếu khiếu nại liên quan đến việc Trọng tài viên nhận tiền, tài sản,… chỉ là sự nghi ngờ thiếu bằng chứng thuyết phục, mặc dù có thể phán quyết trọng tài đó chưa thật sự khách quan, công bằng thì không là căn cứ để  áp dụng điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM.

Phạm Thị Hồng Đào – Văn phòng luật sư Thạnh Hưng

 

 


[1]Điều 49. Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Theo yêu cầu của một trong các bên, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp.

2. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm:

a) Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;

b) Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;

c) Kê biên tài sản đang tranh chấp;

d) Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;

đ) Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;

e) Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

3. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu một trong các bên đã yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều này mà sau đó lại có đơn yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng trọng tài phải từ chối.

4. Trước khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Hội đồng trọng tài có quyền buộc bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính.

5. Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác hoặc vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bên yêu cầu mà gây thiệt hại cho bên yêu cầu, bên bị áp dụng hoặc người thứ ba thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

 
1900.0191