Đơn đề nghị di dời cột điện, Đơn đề nghị di dời trụ điện, trạm điện, trạm biến áp, Đơn xin di dời đường dây điện, tủ điện cũ hỏng trước nhà dân, cơ quan, tổ chức, hướng dẫn thủ tục, chi phí và các quy định điều chỉnh có liên quan.
Qua thời gian, các công trình công cộng sẽ ngày một xuống cấp hoặc trở thành vật cản của quá trình phát triển đô thị, vì lẽ đó, người dân hoặc tổ chức khi thấy sự xuất hiện, tồn tại của một cột điện, trạm điện là bất hợp lý, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện di dời sang địa điểm khác hoặc áp dụng các biện pháp hiện đại hơn để đấu nối hệ thống điện đồng bộ, tránh gây nguy hiểm.
Có cách nào để làm Đơn đề nghị di dời cột điện nhanh không
Để việc xử lý đơn được nhanh chóng và giúp bạn sớm đạt được mục tiêu, bạn cần đưa ra những căn cứ chính xác, cấp bách, có tính cấp thiết hoặc gây nguy hiểm cao cho cộng đồng.
Bên cạnh đó đơn cần được gửi tới đúng cơ quan có thẩm quyền và một số cơ quan có liên quan khác như báo chí, Uỷ ban nhân dân, Phòng Quy hoạch, Phòng Quản lý đô thị,…
Chi phí di dời cột điện trước nhà dân
Mức phí di dời cột điện, trạm biến áp hay đường dây điện phụ thuộc nhiều vào quy mô và thông số kỹ thuật, hạ tầng của cột điện, trạm biến áp đó, không có quy định cụ thể. Thông thường người đưa ra yêu cầu sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với chi phí này và chi phí sẽ được cơ quan điện lực tính toán, thống kê, gửi tới bằng văn bản.
Mức phí mà thực tế đã từng được áp dụng dao động thấp nhất là 3.000.000 đồng và cao nhất có trường hợp lên tới 150.000.000 đồng. Hy hữu có một số trường hợp việc đặt cột điện gây cản trở là lỗi của công ty điện lực hoặc việc di dời xuất phát từ lý do cột điện bị hư hỏng qua tác động của thời gian, môi trường, thì các chi phí di dời nếu có sẽ hoàn toàn do bên Cơ quan điện lực chi trả, người dân chỉ cần gửi đơn yêu cầu di dời để cơ quan điện lực có thể nắm bắt được các thông tin thực tế, phát hiện hư hỏng, nhanh chóng khắc phục.
1. Lợi ích từ việc di dời cột điện
Những lợi ích từ việc di dời cột điện có thể xuất phát từ chủ quan hoặc khách quan, tuy nhiên chủ yếu là những mong muốn sau:
– Di chuyển cột điện giúp cột không còn gây ảnh hưởng tới các công trình khác;
– Di chuyển cột điện giúp gia đình bạn, khu dân cư được thuận lợi hơn trong việc đi lại, sinh hoạt;
– Đảm bảo an toàn hành lang lưới điện và đảm bảo mỹ quan cho khu vực, đường phố khu dân cư nội bộ;
2. Các biện pháp thi công di dời cột điện trên đất thổ cư và chi phí dự toán
Để thi công di dời cột điện, đơn vị có trách nhiệm cần làm các bước sau:
- Thẩm tra, đánh giá công trình;
- Lên phương án cắt điện, biện pháp đấu nối tạm thời, thời gian thi công, cơ sở thay thế;
- Lên phương án vị trí mới, lắp đặt sơ bộ cơ cấu hạ tầng chờ;
- Lên phương án thi công, di dời;
- Nghiệm thu, kiểm tra hiệu suất sử dụng;
Chi phí để thực hiện di chuyển cột điện sẽ được căn cứ trên thực tế và các công đoạn phải thực hiện, tại thời điểm tháng 09 năm 2021, chi phí tối thiểu là 3.000.000 đồng và tối đa là 15.000.000 đồng trên một cột điện, trụ điện dân sinh.
3. Quy định về việc đặt cột điện và di chuyển cột điện
Các văn bản pháp luật hiện tại quy định điều chỉnh về việc đặt cột điện, trồng cột điện, vị trí cột điện hay điều kiện di chuyển cột điện bao gồm:
- Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
- Thông tư 14/2014/TT-BCT quy định trình tự xác minh và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng Cơ quan điều tiết điện lực;
- Nghị định 72/2012/NĐ-CP về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật;
- Thông tư liên tịch 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT;
- Thông tư liên tịch 21/2013/TTLT-BXD-BCT-BTTTT;
- Thông tư 03/2013/TT-BXD;
- Luật viễn thông năm 2009;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009;
- Luật Quy hoạch đô thị 2009;
- Luật xây dựng 2003;
- Luật Tổ chức Chính phủ 2001;
4. Hồ sơ xin di dời hệ thống cột, trụ điện, dây điện
Hồ sơ sẽ cần phải có:
- Đơn đề nghị di dời cột điện (theo mẫu);
- Bản sao CMND/CCCD của người làm đơn;
- Bản sao Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú tại địa phương;
- Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hợp đồng thuê nhà đất hoặc văn bản khác có giá trị chứng minh quyền sử dụng hợp pháp thửa đất đang bị ảnh hưởng bởi cột điện;
- Hình ảnh thực tế của cột điện, video, các tài liệu chứng cứ khác chứng minh những thông tin khách quan trong đơn là đúng sự thật;
5. Thời hạn xử lý Đơn đề nghị di dời cột điện
Sau khi tiếp nhận đơn, trong thời hạn từ 10-15 ngày làm việc, đơn vị quản lý sẽ phải có phản hồi với người dân có yêu cầu về việc đồng ý hoặc không đồng ý di dời cột điện, hệ thống điện kèm theo dự toán chi phí di chuyển cột điện.
6. Mẫu Đơn đề nghị di dời cột điện
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————-
Hà Nội, ngày …. tháng …. năm 2021
ĐƠN ĐỀ NGHỊ DI DỜI CỘT ĐIỆN
(V/v: Di dời cột điện nằm trước địa chỉ …….)
Kính gửi | – Đơn vị Điện lực ….. (Công ty Điện lực quận ………..) |
Tôi là:…………………….. Sinh năm ………………..
CMND số: …………………….. cấp ngày ………….. tại ………………….
Hiện đang sinh sống tại địa chỉ……………….
Bằng Đơn này chúng tôi muốn trình bày và đề nghị với Quý cơ quan một việc như sau:
Chiếc cột điện nằm trước nhà tôi hiện đã rất cũ và hư hỏng, đã bị tháo dời các dây điện mắc qua và hiện tại không còn ảnh hưởng gì đến lưới điện quốc gia. Tuy nhiên đã hơn 2 năm nay, vẫn không có cơ quan chức năng nào tới tháo dỡ di dời cột điện đi làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống thường nhật của gia đình tôi. Gia đình tôi đã phải mua cọc tre để rằng kéo lại cột điện tránh đổ, sụt, nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, trông rất mất cảnh quan và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm.
Kính mong Quý cơ quan nhanh chóng có biện pháp xử lý vấn đề trên trả lại cảnh quan đô thị và đảm bảo an toàn cho những hộ dân sinh sống quanh cột điện này.
Tôi xin chân thành cám ơn!
Tài liệu kèm theo Đơn: 1. Hình ảnh cột điện cũ 2. | NGƯỜI LÀM ĐƠN |
7. Mẫu Đơn yêu cầu di dời trụ điện, dây điện
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——–++++———
ĐƠN YÊU CẦU DI DỜI TRỤ ĐIỆN, DÂY ĐIỆN
Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã/phường ….
Đồng kính gửi: Sở điện lực tỉnh/thành phố …
Tôi là Nguyễn Ái Phương,
Hiện đang cư trú tại địa chỉ số 32 Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tôi làm đơn này xin đề đạt nguyện vọng như sau:
Hiện nay gia đình tôi đang có nhu cầu cho thuê căn nhà tại địa chỉ 32 Bà Triệu để kinh doanh, tuy nhiên chếch phía bên trái nhà có một cột điện cũ đã tháo hết dây hạ ngầm nhưng chưa được di dời đi, cột bằng bê tông, cao tầm 6 đến 7m, gia đình đã nhiều lần có thông báo tới tổ trưởng cũng như địa phương mong muốn được tự di chuyển và phục hồi mặt bằng cho người dân đi lại trên vỉa hè được rộng rãi, nhưng vẫn chưa thấy có phản hồi.
Vì thế nay chúng tôi làm đơn này, kinh mong, quý ủy ban và Sở điện lực có câu trả lời cho chúng tôi để chúng tôi nhanh chóng giải tỏa vật cản không còn mục đích sử dụng này, cũng là tránh gây nguy hiểm cho mùa mưa bão sắp tới.
Tôi xin chân thành cảm ơn quý ủy ban.
Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2020
Tập thể gia đình ký tên
8. Công văn đề nghị di dời trụ điện, cột điện trước công ty
CÔNG TY TNHH MẶT TRỜI XANH ———- Số:…./…… (V/v: Đề nghị di dời cột điện trước nhà) | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ———— Phú Thọ, ngày 16 tháng 09 năm 2021 |
Kính gửi: Cơ quan điện lực Huyện …..
(V/v: Đề nghị di dời cột điện đang nằm trước nhà có địa chỉ ……, xã …., huyện ……, tỉnh Phú Thọ)
Công ty TNHH Mặt trời Xanh
Có mã số thuế …. được Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ cấp ngày …/…/…
Địa chỉ trụ sở chính tại ……
Chúng tôi làm công văn này với mong muốn đề nghị quý cơ quan có biện pháp cải tạo di dời phần cột điện còn xót lại một phần trên diện tích nằm phía bên trái cửa ra vào trước mặt tiền công ty chúng tôi.
Cột điện này đã có từ khoảng những năm 2015, sau năm 2019, có được tiến hành hạ ngầm đường dây toàn bộ và chỉ còn lại trụ điện, tới cuối năm 2020, do xe vận chuyển hàng hóa của chúng tôi khi điều khiển vào công ty đã mắc vào thân cột dẫn tới gãy phần ngọn của cột điện, không gây thiệt hại gì về người và tài sản. Chúng tôi ngay lúc đó đã gọi điện thông báo cho quý cơ quan nhưng chưa thấy được giải quyết.
Nay đã qua gần một năm, tình trạng cột hiện trông rất nguy hiểm với độ nghiêng dốc và một phần cột dời ra do va chạm, nếu tiếp tục để vậy sẽ có thể xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Vì thế chúng tôi kính đề nghị quý cơ quan nhanh chóng có biện pháp khắc phục, xử lý, di dời phần trụ điện, cột điện còn lại này.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!
Đại diện Công ty
Giám đốc
Nguyễn Hữu Hướng
9. Luật sư tư vấn cách sử dụng Đơn đề nghị di dời cột điện, đường điện
Theo quy định tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP, việc tự ý di dời cột điện, hệ thống điện có thể bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.
Vì thế khi có nhu cầu di dời cột điện, trụ điện, người dân cần có hồ sơ kèm theo đơn đề nghị gửi tới đơn vị quản lý, vận hành công trình điện tại địa phương.
Công ty Luật LVN – Luật sư Tư vấn trực tuyến – Gọi ngay 1900.0191
10. Cách thu thập chứng cứ cho Đơn đề nghị di dời cột điện
Để tạo lập những chứng cứ cho việc di dời cột điện là cần thiết, cấp thiết, người viết đơn cần có những luận điểm, bằng chứng thuyết phục, cụ thể như hình ảnh, video về hiện trạng, khảo sát tình trạng, độ vững chắc, mật độ người dân đi lại, hay các văn bản, biên bản của người xung quanh về sự đồng tình, nhất trí.
Trong một số trường hợp cấp thiết hơn, người làm đơn còn có thể xin xác nhận của cơ quan chính quyền địa phương như Ủy ban nhân dân cấp xã phường về tình trạng của cột điện. Từ đó có những kiến nghị có cơ sở, thuyết phục và thúc đẩy nhanh quá trình xử lý yêu cầu.
11. Tự ý di dời cột điện bị xử phạt bao nhiêu
Việc di dời cột điện bắt buộc phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý, trong mọi trường hợp, việc tự ý di dời dẫn tới hậu quả hay không có hậu quả đều sẽ bị xử phạt.
Mức phạt hiện nay theo quy định tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP thấp nhất là 5.000.000 đồng và cao nhất là 10.000.000 đồng, bên cạnh đó còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục trạng thái ban đầu, bồi thường, thay thế, lắp đặt lại các thiết bị, vật tư bị hư hỏng do di chuyển.
Cụ thể quy định tại Điều 6 Nghị định 134/2013/NĐ-CP:
“Điều 6. Vi phạm các quy định về xây dựng, lắp đặt công trình điện
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cản trở tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, thi công công trình điện.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lắp đặt, sửa chữa, di dời công trình điện mà không thỏa thuận với chủ tài sản công trình điện hoặc đơn vị quản lý, vận hành công trình điện;
b) Tự ý lắp đặt hệ thống đường dây, trạm điện, các thiết bị điện ngoài phạm vi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lắp đặt và đưa vào vận hành các vật tư, thiết bị điện không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
b) Tự ý ban hành và bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn liên quan đến xây dựng, lắp đặt công trình điện không phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi khởi công xây dựng công trình điện không có trong quy hoạch phát triển điện lực đã được duyệt, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
5. Ngoài các hình thức xử phạt chính, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này;
b) Buộc thay thế, lắp đặt các vật tư, thiết bị điện đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các hành vi quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này.”
Điều 6 Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
12. Thủ tục xin di dời cột điện, trạm biến áp, đường dây điện
Thời gian cần thiết: 15 ngày
Thủ tục di dời cột điện, trạm biến áp bao gồm:
- Chuẩn bị Đơn đề nghị di dời cột điện và tài liệu kèm theo
Xác lập Đơn đề nghị di dời cột điện và chụp ảnh, quay video, lập sơ đồ khu vực, hiện trạng cột điện, trạm điện, đường dây diện bị xuống cấp, hư hỏng hay đang gây cản trở sinh hoạt, kinh doanh.
- Nộp hồ sơ tới Cơ quan điện lực
Nộp 1 bộ hồ sơ bản chính theo phương thức trực tiếp tới Cơ quan điện lực cấp quận huyện địa phương có cột điện, trạm điện cần di chuyển.
- Thanh toán chi phí phát sinh nếu có theo Thông báo
Cơ quan điện lực sẽ lên dự toán về các chi phí để thực hiện việc di dời và gửi Thông báo cho cá nhân, tập thể, đơn vị có yêu cầu.
Việc chi trả, nộp phí sẽ thực hiện theo hướng dẫn và lưu lại cơ sở làm căn cứ. - Thực hiện di dời cột điện, trụ điện
Sau khi nhận thanh toán chi phí, Cơ quan điện lực sẽ phân công chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tiến hành di dời cột điện, trụ điện sang vị trí mới thuận tiện hơn.
- Đánh giá tác động, xem xét sự ảnh hưởng, hiệu quả của việc di dời cột điện, trạm biến áp
Sau khi di dời thực tế, người có yêu cầu di dời trước đó có thể xem xét hiệu quả của việc di dời và phản ánh ngay lập tức nếu phát hiện các hậu quả không đáng có, tác động xấu hay suy giảm hiệu suất của mạng lưới điện.
Cơ quan điện lực có trách nhiệm khắc phục, đảm bảo hiệu năng và sửa chữa những vấn đề phát sinh sau đó.
13. Một số vấn đề liên quan tới Đơn đề nghị di dời cột điện
Phí di chuyển cột điện được tính dựa theo tình hình thi công thực tế nhưng tối thiểu là 3.000.000 đồng và tối đa là 150.000.000 đồng căn cứ vào các biện pháp được áp dụng để di dời hiện nay.
Thời gian để xử lý đơn yêu cầu di dời cột điện và trả lời cho người dân là từ 10-15 ngày làm việc.
DỊCH VỤ SOẠN THẢO ĐƠN, HỢP ĐỒNG, CÔNG VĂN CHỈ 500 NGÀN ĐỒNG -> LIÊN HỆ 1900.0191
Tham khảo thêm: