Bàn về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (sửa đổi): So sánh với Đạo luật Gia đình Úc
11/11/2013 Hiện nay, dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (sửa đổi) đang được xây dựng để trình Quốc hội thông qua. Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật sửa đổi là việc quy định bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận bên cạnh chế độ tài sản pháp định như Luật hiện hành. Bài viết này sẽ tập trung giới thiệu và so sánh chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo dự thảo Luật sửa đổi và Đạo luật Gia đình Úc năm 1975 (the Family Law Act 1975), đây là quốc gia theo hệ thống pháp luật Án lệ (Common Law) có truyền thống về việc công nhận thỏa thuận của vợ chồng liên quan đến các vấn đề về tài sản. Bài viết gồm ba phần: hệ thống pháp luật Úc điều chỉnh các vấn đề về hôn nhân và gia đình, quá trình công nhận thỏa thuận về tài sản của vợ chồng theo luật liên bang Úc và chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận: So sánh dự thảo Luật sửa đổi và Đạo luật Gia đình Úc.
Hệ thống pháp luật Úc điều chỉnh các vấn đề về hôn nhân và gia đình
Nước Úc có chính phủ liên bang và 8 chính phủ của các tiểu bang và vùng lãnh thổ. Do đó, các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình sẽ được điều chỉnh bởi cả luật của liên bang và luật của các tiểu bang. Theo Hiến pháp của Úc, các vấn đề về hôn nhân, ly hôn và các vấn đề có liên quan đến ly hôn sẽ do luật liên bang quy định.[1] Hiện nay, luật của liên bang điều chỉnh tất cả các tranh chấp liên quan đến việc trông nom và cấp dưỡng cho trẻ em, cho dù bố mẹ chúng đã từng kết hôn hay không. Các vấn đề khác về tài sản khác như tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, thành viên gia đình với bên thứ ba sẽ do tòa án các bang quyết định theo luật của bang. Luật của các tiểu bang cũng điều chỉnh các quan hệ khác như nuôi con nuôi, phòng, chống bạo lực gia đình[2]…
Quá trình công nhận thỏa thuận về tài sản của vợ chồng theo luật liên bang Úc
Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng trong hôn nhân được luật liên bang Úc từng bước công nhận theo các mức độ khác nhau. Trước những năm 1960, tòa án Úc áp dụng nguyên tắc của pháp luật án lệ để giải quyết các vụ việc ly hôn và các vấn đề pháp lý liên quan đến ly hôn như cấp dưỡng, nuôi dưỡng con. Đạo luật về Hôn nhân năm 1959 đã cho phép tòa án công nhận các thỏa thuận phân chia tài sản và các lợi ích khác của vợ chồng khi ly hôn. Khi được tòa án công nhận, các bên có nghĩa vụ thực hiện các thỏa thuận đó, nếu có tranh chấp sẽ khởi kiện ra tòa án để giải quyết theo các quy định về hợp đồng nói chung.
Việc ban hành Đạo luật Gia đình năm 1975 thay thế cho Đạo luật về Hôn nhân năm 1959 đánh dấu bước phát triển thứ hai của việc công nhận thỏa thuận về tài sản của vợ chồng. Theo Đạo luật năm 1975, có hai loại thỏa thuận về tài sản trong thời kỳ hôn nhân được pháp luật công nhận quy định tại Điều 86 và 87. Loại thứ nhất tuân thủ các quy định của Điều 86 của Đạo luật là thỏa thuận về tài sản được đăng ký tại tòa án nhưng không làm mất quyền khởi kiện của các bên khi có tranh chấp xảy ra để yêu cầu tòa án áp dụng chế độ tài sản pháp định đối với vợ chồng.
Loại thỏa thuận thứ hai được quy định tại Điều 87 của Đạo luật. Theo đó, các bên có thể thỏa thuận các vấn đề liên quan đến tài sản trong hôn nhân và sau khi ly hôn. Tuy nhiên, khác với loại thứ nhất, sau khi thỏa thuận này được tòa án công nhận, các bên sẽ phải thực hiện thỏa thuận mà không thể yêu cầu tòa án giải quyết theo chế độ tài sản pháp định. Tranh chấp trong việc thực hiện thỏa thuận sẽ được giải quyết theo pháp luật về hợp đồng nói chung.
Việc sửa đổi Đạo luật Gia đình có hiệu lực từ ngày 27/12/2000 đã đánh dấu một sự phát triển mới trong việc công nhận thỏa thuận về tài sản của vợ chồng. Theo đó, Phần VIIIA đã được bổ sung vào Đạo luật, quy định cụ thể về thỏa thuận về tài sản (Financial agreements). Kể từ thời điểm Đạo luật sửa đổi có hiệu lực, các bên có thể giao kết thỏa thuận mang tính bắt buộc trước hôn nhân, trong thời kỳ hôn nhân (bao gồm cả ly thân) và sau khi ly hôn.[3] Việc công nhận thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn được coi là một điểm quan trọng nhất, thể hiện ý chí của nhà nước trong việc tôn trọng quyền tự do của cá nhân liên quan đến vấn đề sở hữu tài sản.
Ngoài ra, Đạo luật sửa đổi năm 2008, có hiệu lực từ tháng 11/2008 đã sửa đổi một số nội dung liên quan đến thỏa thuận về tài sản của vợ chồng. Đáng lưu ý là người thứ ba có thể tham gia như một bên của hợp đồng. Hơn nữa, thỏa thuận về tài sản có áp dụng cả đối với hôn nhân đồng giới.[4]
Các điều kiện để thỏa thuận về tài sản có hiệu lực bắt buộc:
Theo quy định tại Điều 90G của Đạo luật Gia đình Úc, thỏa thuận về tài sản sẽ có hiệu lực bắt buộc nếu thỏa mãn các điều kiện sau đây:
(1) Được ký kết bởi tất cả các bên;
(2) Trước khi ký kết thỏa thuận, các bên đã được tư vấn pháp lý một cách độc lập, liên quan đến hiệu lực của thỏa thuận, các mặt lợi và bất lợi khi ký kết thỏa thuận;
(3) Trước hoặc sau khi ký kết thỏa thuận, các bên được cung cấp chứng nhận của người trợ giúp khẳng định đã trợ giúp cho khách hàng của mình về các nội dung đã nói ở trên. Một bản sao cũng được gửi đồng thời cho bên còn lại (hoặc người trợ giúp) của thỏa thuận;
(4) Thỏa thuận không bị tòa án tuyên vô hiệu.
Nếu thỏa mãn 4 điều kiện nói trên, các bên có nghĩa vụ thực hiện theo đúng thỏa thuận, nếu một bên chết, người đại diện theo pháp luật của người đó sẽ tiếp tục thực hiện các vấn đề liên quan đến tài sản theo thỏa thuận (Điều 90H). Ngoài ra, Đạo luật cũng có các quy định về việc chấm dứt thỏa thuận về tài sản (Điều 90J) và các căn cứ để tòa án tuyên bố thỏa thuận về tài sản của vợ chồng là vô hiệu (Điều 90K).
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận: So sánh dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) và Đạo luật Gia đình Úc
Về chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam, Luật Hôn nhân và gia đình các năm 1959, 1987 và 2000 chỉ quy định một chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ tài sản pháp định. Trong đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định căn cứ xác định tài sản chung (Điều 27), chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung (Điều 28), tài sản riêng (Điều 32), phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn (từ Điều 95 đến Điều 99)…. Chế độ hôn sản pháp định đang được thực hiện là chế độ cộng đồng tạo sản.
Theo đó, những tài sản do mỗi bên vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân (trừ những tài sản mà mỗi bên được tặng cho riêng, được thừa kế riêng là tài sản riêng) thuộc sở hữu chung của vợ chồng; vợ và chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong việc quản lý, định đoạt tài sản chung; đối với một số giao dịch liên quan đến tài sản chung, việc một bên vợ, chồng thực hiện phải có sự đồng ý của của người kia. Về nguyên tắc, đây là chế độ tài sản trong hôn nhân duy nhất được pháp luật thừa nhận; vợ chồng không thể thỏa thuận để xác lập một chế độ tài sản trong hôn nhân khác với chế độ hôn sản pháp định.[5]
Việc Luật Hôn nhân và gia đình chỉ quy định một chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ tài sản pháp định có một số hạn chế. Thứ nhất, quy định của Luật hiện hành không bảo đảm quyền tự định đoạt chủ sở hữu tài sản được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Về nguyên tắc, mỗi cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình theo ý chí của mình, miễn sao không xâm phạm lợi ích của người khác, không trái với đạo đức xã hội.
Thứ hai, việc chỉ áp dụng một chế độ hôn sản pháp định cho tất cả các trường hợp không đáp ứng được nhu cầu của một số cặp vợ chồng. Thực tế, có những trường hợp mà hai người kết hôn muốn tất cả tài sản mà mỗi bên có trước khi kết hôn cũng như trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung; ngược lại, có những trường hợp mà người kết hôn có nhiều tài sản riêng có nguồn gốc từ gia đình mình, có con riêng hoặc vì lý do kinh doanh riêng, nên muốn thực hiện một chế độ tách riêng tài sản và thỏa thuận với nhau về việc đóng góp cho đời sống chung của gia đình.[6]
Tuy nhiên, cũng có ý kiến e ngại về việc quy định vợ chồng có quyền lựa chọn chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân, cho rằng quy định này có thể làm phá vỡ đi tính cộng đồng của hôn nhân và không bảo đảm được lợi ích chung của gia đình, đặc biệt là của con cái. Trong bối cảnh kinh tế – xã hội và pháp luật chung hiện nay ở nước ta, cần nghiên cứu sâu hơn về sự cần thiết phải quy định thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn, hay nên tiếp tục kế thừa và phát huy những quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Tình nghĩa vợ chồng là vấn đề chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững (Điều 18 Luật năm 2000), nếu quy định cụ thể vấn đề chia tài sản trước khi kết hôn trong Luật, sẽ dẫn đến việc “thực dụng hóa” một vấn đề cao quý của con người, đó là hôn nhân.[7]
Tiếp thu ý kiến của đa số các Bộ, Ngành và địa phương trong quá trình tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và học hỏi kinh nghiệm quốc tế, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) đã bổ sung quy định về áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng (Điều 26a) vào dự thảo như sau:
1. Vợ chồng có quyền lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hoặc theo luật định.
2. Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng trong trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận về xác lập chế độ tài sản hoặc thỏa thuận đó bị Tòa án tuyên bố vô hiệu.
Theo đó, vợ chồng có thể thỏa thuận về chế độ tài sản với các nội dung: thành phần của khối tài sản riêng, tài sản chung; tài sản để bảo đảm những điều kiện vật chất cho nhu cầu thiết yếu của gia đình; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản; xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu chung của gia đình và các giao dịch khác liên quan đến tài sản riêng, tài sản chung; thanh toán, phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản (Khoản 1 Điều 26k dự thảo). Thỏa thuận về xác lập chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập trước khi đăng ký kết hôn và chỉ có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn (Khoản 1 Điều 26i). Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Căn cứ vào văn bản thỏa thuận đã được công chứng, chứng thực Cơ quan đăng ký hộ tịch ghi chú việc lập thỏa thuận về tài sản của vợ chồng vào Sổ bộ hộ tịch (Khoản 1 Điều 26l dự thảo).
Như vậy, so với Đạo luật Gia đình Úc năm 1975, dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) có một số khác biệt là:
– Thứ nhất, thỏa thuận về tài sản của vợ chồng của dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam (sửa đổi) hạn chế hơn so với Đạo luật Gia đình Úc. Theo đó, nếu như theo Đạo luật của Úc, thỏa thuận về tài sản có thể được lập trước, trong và sau thời kỳ hôn nhân thì dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) quy định thỏa thuận về xác lập chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập trước khi đăng ký kết hôn và chỉ có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn.
– Thứ hai, quy định về thỏa thuận về xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) chặt chẽ hơn so với Đạo luật của Úc. Theo đó, thỏa thuận phải được công chứng hoặc chứng thực và phải được cơ quan đăng ký hộ tịch ghi chú vào Sổ bộ hộ tịch. Trong khi đó, Đạo luật của Úc không quy định về các nội dung này.
– Thứ ba, chủ thể tham gia thỏa thuận về tài sản theo dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) cũng hạn chế hơn so với Đạo luật của Úc. Theo dự thảo Luật sửa đổi, nam, nữ muốn kết hôn với nhau và lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì họ sẽ lập thỏa thuận về chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn. Thỏa thuận này chỉ có 2 người tham gia mà không có bên thứ ba. Ngược lại, theo Đạo luật của Úc, người thứ ba, không phải vợ, chồng có thể tham gia như một bên của hợp đồng. Hơn nữa, thỏa thuận về tài sản còn được áp dụng với cả các trường hợp hôn nhân đồng giới.
Như vậy, so với Đạo luật Gia đình Úc, dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) có quy định hạn chế hơn (thời điểm lập thỏa thuận) và chặt chẽ hơn (sự tham gia của Nhà nước trong việc công nhận thỏa thuận). Tuy nhiên, việc lựa chọn quy định như trên của cơ quan soạn thảo là hợp lý, bảo đảm vừa có tính kế thừa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, vừa tiếp thu học hỏi kinh nghiệm của pháp luật của các quốc gia trên thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là khi vẫn còn có ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Có thể thấy rằng, các quy định của dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) khá cụ thể, rõ ràng, có thể áp dụng ngay khi được ban hành và có hiệu lực. Tuy nhiên, đối với các nội dung dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết như Điều 26l và Điều 26n thì Chính phủ cũng cần sớm chuẩn bị, có phương án quy định cụ thể để khi Luật sửa đổi được ban hành và có hiệu lực các quy định về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng trong thực tế, hạn chế các khó khăn, vướng mắc khi phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Tạ Đình Tuyên
[1] Điều 51(xxi) và 51(xxii) Hiến pháp Úc.
[2] Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành ở tất cả các bang và vùng lãnh thổ của Úc.
[3] Điều 90B và 90C Đạo luật Gia đình Úc.
[4] Xem Chương “Thỏa thuận hôn nhân và quyền cá nhân tại Úc” của Owen Jessep, trong sách của tác giả Jens M Scherpe, “Thỏa thuận hôn nhân và quyền cá nhân tại Úc – nhìn từ phương pháp so sánh”, NXB Hart (Oxford) 2012, trang 31.
[5] Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Chuyên đề “Những vấn đề lớn phát sinh trong thực tiễn chưa được Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 điều chỉnh” tại Hội nghị tổng kết 12 năm thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, trang 1 [“Chuyên đề”].
[6]Chuyên đề, trang 2.
[7] Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 của Bộ Tư pháp, trang 41.
Tham khảo thêm các bài viết:
- Bàn về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (sửa đổi): So sánh với Đạo luật Gia đình Úc
- Chồng có quyền hạn chế quyền định đoạt tài sản riêng của vợ không?
- Sau khi vợ chết, chồng lập di chúc định đoạt tài sản
- Con mấy tuổi thì khi ly hôn được tự lựa chọn sống với bố hay mẹ
- Những câu hỏi tòa sẽ hỏi khi ly hôn
- Giá dịch vụ ly hôn trọn gói cực kỳ hấp dẫn tại Hà Nội nhanh, rẻ, dễ dàng