Các bước chuẩn bị hồ sơ khởi kiện hành chính

Các bước chuẩn bị hồ sơ khởi kiện hành chính

Hồ sơ khởi kiện hành chính

Hồ sơ khởi kiện là hồ sơ mà người khởi kiện nộp cho Tòa án khi khởi kiện vụ án. Việc lập hồ sơ khởi kiện nhằm tập hợp một cách có hệ thống các tài liệu chứng cứ và những vấn đề liên quan đến vụ án mà người khởi kiện đang yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết. Hồ sơ khởi kiện cung cấp thông tin giúp Tòa án đánh giá điều kiện khởi kiện của người khởi kiện, là cơ sở để Tòa án quyết định có thụ lý vụ án hay không. Hồ sơ khởi kiện chứa đựng yêu cầu của người khởi kiện và những căn cứ ban đầu chứng minh cho yêu cầu của họ.

Hồ sơ khởi kiện vụ án hành chính thông thường bao gồm:

– Đơn khởi kiện

– Các tài liệu làm cơ sở cho yêu cầu của người khởi kiện hoặc các tài liệu giải trình trực tiếp giải trình trực tiếp cho yêu cầu của người khởi kiện;

– Các tài liệu về tư cách của chủ thể của người khởi kiện; CMTND, hộ khẩu gia đình… nếu người khởi kiện là cá nhân; các tài liệu, giấy tờ xác định tư cách pháp nhân của người khởi kiện, tư cách đại diện nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức (trong trường hợp cần thiết);

– Các tài liệu chứng cứ kèm theo tùy thuộc vào từng loại quan hệ pháp luật;

– Trong trường hợp cần thiết có thể đính kèm theo các tài liệu của người bị kiện và các bên có liên quan;

– Các văn bản pháp luật có liên quan.

Đối với vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính gây ra, ngoài các tài liệu trên, hồ sơ cần có thêm các giấy tờ:

+ Các giấy tờ liên quan đến thiệt hại: Bảng kê các chi phí tính được bằng tiền về những thiệt hại,chứng từ điều trị của bệnh viện; chi phí mai táng, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản, các hóa đơn thu tiền sửa chữa..

+ Các văn bản, tài liệu giải quyết của cơ quan chức năng.

+ Các giấy tờ tài liệu khác..

Các chứng cứ để chứng minh thiệt hại Luật sư cần lưu ý là:

-Hóa đơn thuê phương tiện đi cấp cứu tại cơ sở y tế;

-Các hóa đơn mua thuốc và mua các thiết bị y tế,chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe…kèm theo đơn thuốc chỉ định của bác sĩ…;

-Hóa đơn thu tiền viện phí;

-Hóa đơn về các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, nạng chống…để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng cơ thể (nếu có);

-Các chi phí thực tế, cần thiết khác (nếu có)

Kỹ năng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện hành chính

a. Giúp khách hàng soạn thảo đơn khởi kiện

Đơn khởi kiện là hình thức biểu đạt yêu cầu của người khởi kiện đến Tòa án nhằm giải quyết vụ việc hành chính. Vụ án hành chính phát sinh chủ yếu là do cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khởi kiện của mình bằng việc nộp đơn khởi kiện tại Tòa án. Đơn kiện là cở pháp lý quan trọng để Tòa án xem xét, quyết định thụ lý vụ án hành chính. Vì vậy, về nguyên tắc đơn khởi kiện phải tuân thủ các quy định của pháp luật về nội dung cũng như hình thức theo Điều 105 Luật tố tụng hành chính. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

– Ngày, tháng, năm làm đơn

– Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính;

– Tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện;

– Nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính;

– Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có);

– Các yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết;

– Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Nếu khách hàng là cá nhân người khởi kiện thì luật sư hướng dẫn họ ký tên hoặc điểm chỉ; nếu là cơ quan, tổ chức khởi kiện thì Luật sư yêu cầu người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì hướng dẫn người đại diện theo pháp luật của những người này ký tên hoặc điểm chỉ.

Khi giúp khách hàng soạn thảo đơn khởi kiện, Luật sư cần chú ý:

– Trong đơn kiện, Luật sư phải đặc biệt chú trọng phần diễn biến vụ việc và yêu cầu của người khởi kiện. Phần diễn biến sự việc tránh kể lể dài dòng, chỉ nêu các sự kiện có tính chất là mốc thơi gian nhưng cũng không được quá sơ sài khiến người đọc không nắm bắt đươch diễn biến của vụ việc. Phần yêu cầu của người khởi kiện phải được trình bày rõ ràng, ngắn gọn, đồng thời mang tính đề xuất để Tòa án xem xét giải quyết, tránh tình trạng đưa ra các yêu cầu phi thực tế, các yêu cầu không thể thực hiện được, các yêu cầu trái với quy định của pháp luật.

– Địa chỉ của người khởi kiện, của người bị kiện, của người có quyềnn lợi liên quan phải là địa chỉ liên lạc được với người đó. Trường hợp không có địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì phải nói rõ trong đơn.

– Hình thức đơn khởi kiện: Đơn khởi kiện có thể viết tay, có thể đánh máy. Đơn kiện phải có chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận ý chí của người khởi kiện theo quy định của Điều 105 LTTHC.

Sau khi người khởi kiện tự viết xong đơn khởi kiện hoặc Luật sư soạn thảo giúp đơn kiện, luật sư soạn thảo giúp đơn kiện, luật sư và đương sự cần trao đổi, xem lại lần cuối trước khi gửi đơn cho Tòa án có thẩm quyền.

Mẫu đơn kiện áp dụng tương tự mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập-Tự do-Hạnh phúc

_________________

…..(1), ngày….. tháng…..năm…..

ĐƠN KHỞI KIỆN

Kính gửi: Tòa án nhân dân(2)………………………………………………………………..

Họ và tên người khởi kiện:(3)………………………………………………………………..

Địa chỉ:(4)…………………………………………………………………………………………..

Họ và tên người bị kiện:(5)……………………………………………………………………

Địa chỉ:(6)…………………………………………………………………………………………..

Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau đây đối với người bị kiện(7)

…………………………………………..

Những tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện gồm có: (8)

1……………………………..

2……………………………..

(Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án) (9)

……………………………….

Người khởi kiện(10)

Hướng dẫn sử dụng mẫu:

– Ghi địa điểm làm đơn khởi kiện (ví dụ: Hà Nội, ngày… tháng… năm….)

– Ghi tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện gì thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B), nếu là Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên) và địa chỉ của Tòa án đó.

– Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi họ và tên; nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.

– Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú

– Nếu người bị kiện là người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thì ghi chức danh đó, nếu người bị kiện là cơ quan nhà nước thì ghi tên cơ quan đó.

– Ghi địa, chỉ cơ quan của người có thẩm quyền bị kiện nếu người có thẩm quyền là người bị kiện. Ghi địa chỉ của cơ quan nhà nước nếu cơ quan nhà nước là người bị kiện.

– Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết.

– Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu gì và phải đánh số thứ tự (ví dụ: các tài liệu kèm theo đơn gồm có: bản sao quyết định hành chính như quyết định xử phạt, quyết định thu hồi đất…, đơn khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…)

– Ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án.

– Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó; nếu là cơ quan tổ chức khởi kiện, thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.

b. Sắp xếp các giấy tờ trong hồ sơ khởi kiện hành chính

Theo quy định tại Điều 5 Luật Tố tụng hành chính, người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Vì vậy, Luật sư cần hướng dẫn cho khách hàng thu nhập các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ tương ứng với từng yêu cầu cụ thể, từng quan hệ pháp luật cụ thể, sắp xếp theo một thứ tự hợp lý trong hồ sơ khởi kiện. Các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ có thể được sắp xếp theo thứ tự ngày tháng , nội dung hoặc theo hình thức… của chúng. Đối với tài liệu, chứng cứ là bản gốc duy nhất, Luật sư cần hướng dẫn cho khách hàng phô tô, có chứng thực bản sao từ bản gốc. Đối với các tài liệu không phải bằng tiếng Việt cần hướng dẫn khách hàng thuê dịch có công chứng để tăng thêm giá trị của tài liệu. Tất cả các tài liệu, chứng cứ mà khách hàng thu thập phải được nhân lên nhiều bản: một bản nộp cho Tòa án, các bản còn lại Luật sư và khách hàng giữ.

1900.0191