Trong những năm qua, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (NTD) xảy ra phổ biến ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Một trong những hành vi xâm phạm quyền lợi của NTD gây nhiều bức xúc cho người dân mà tác giả muốn bàn đến trong phạm vi bài viết này đó là hành vi gian lận thương mại, lừa dối khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang ở đâu?
1. Một số vụ việc điển hình xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trong thời gian vừa qua
Thời gian vừa qua, trên phạm vi cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ việc gian lận thương mại, lừa dối khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của người tiêu dùng. Đây là vấn đề gây bức xúc trong xã hội và là lực cản của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính trong tiến trình hội nhập. Tình trạng vi phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu âm ỷ từ nhiều năm nay; hành vi và thủ đoạn của các cơ cơ sở kinh doanh xăng dầu gian lận thường sử dụng để “móc túi” khách hàng như: Pha xăng kiếm lời, làm giả niêm chì xe bồn, gắn chíp điện tử ở cột bơm nhằm làm sai lệch đồng hồ đo, chậm giảm giá bán[1], găm hàng nhằm trục lợi. Có thể kể đến một số vụ điển hình đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý[2]:
– Tháng 10/2008, Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh công bố quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của những cây xăng có hình thức ăn cắp tiền của khách hàng như gắn chíp điện tử trên cột bơm, đong thiếu, pha trộn xăng ăn lời[3]…
– Tháng 10/2009, Công an phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đã tiến hành điều tra, kết hợp với Quản lý thị trường và Chi cục Tiêu chuẩn và đo lường chất lượng thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng xăng dầu Kim Giang của Công ty Xăng dầu chất đốt Hà Nội[4]. Đây cũng chính là đơn vị quản lý cây xăng số 436 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội, nơi 06 năm trước đã từng bị khiếu nại đong thiếu và có sự nhảy số kỳ lạ[5].
– Ngày 28/10/2010, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm Nguyễn Thế Lộc sinh năm 1956, ở phố Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Nguyễn Tuấn Quang sinh năm 1979 và Hoàng Văn Quý sinh năm 1979, cùng ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, về hành vi lừa dối khách hàng. Theo cáo trạng: Ngày 27/7/2010, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Xuân Lộc kinh doanh xăng dầu ở địa chỉ xóm 7, đường Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế, Từ Liêm do Nguyễn Thế Lộc là chủ đã bị cơ quan điều tra bắt quả tang có hành vi gian lận xăng dầu bằng hình thức gắn chip điện vào cột bơm xăng để “móc túi” khách hàng, cơ quan điều tra xác định, số lượng xăng bán thiếu cho khách hàng có tỷ lệ là 7,16% đối với bình chuẩn 10 lít và 7,28% đối với bình chuẩn 20 lít. Từ ngày 01/3/2010 đến ngày 26/7/2010, tại cột xăng số 2, cửa hàng đã bán được tổng cộng hơn 593.000 lít xăng. Như vậy, số xăng bị “ăn cắp” là gần 30.000 lít xăng, tương đương 494 triệu đồng. Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Lộc 24 tháng tù, Quang 21 tháng tù về tội Lừa dối khách hàng. Riêng Quý bị tuyên phạt 18 tháng nhưng cho hưởng án treo[6].
– Tháng 11/2014, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố, bắt giam Trần Lê Đức và đồng bọn, Trần Lê Đức là tác giả của con chíp điện tử (IC) giả gắn trên rất nhiều các cây xăng từ để ăn bớt xăng dầu. Theo điều tra, kiểm tra hàng loạt trạm kinh doanh xăng dầu tại Nghệ An, cảnh sát bắt quả tang 11 cơ sở gắn chíp điện tử (IC) giả tại các cột bơm để bớt xén từ 4 đến 11% lượng hàng bán cho khách. Quá trình điều tra xác định, thủ đoạn lắp đặt “IC ăn bớt xăng” của nhóm này rất tinh vi. Khác với IC thật, IC này chạy được hai chương trình “đúng và sai” với phương thức vận hành thuận lợi để đối phó cơ quan chức năng. Cơ quan điều tra đã chứng minh được nhóm tội phạm do Đức cầm đầu đã hoạt động hơn 6 năm nay, lắp cho nhiều cây xăng ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định[7]…
Gần đây nhất, ngày 24/12/2015, Đội quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra ba cơ sở kinh doanh xăng dầu thuộc Công ty Cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội. Cụ thể, 3 cơ sở bị kiểm tra gồm cơ sở số 436 Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội), 249 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) và cây xăng Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Tại hai cơ sở 436 Trần Khát Chân[8] và cây xăng Yên Viên, lực lượng chức năng đã phát hiện các cơ sở này sử dụng điều khiển từ xa và chíp điện tử gắn vào các cột bơm nhiên liệu để làm sai lệch lượng nhiên liệu nhằm gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Đoàn kiểm tra đã bơm thử 20 lít xăng nhưng cây xăng chỉ cho ra 19 lít[9]. Lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ bộ điều khiển từ xa và 6 bộ chíp điện tử được gắn vào các cột bơm nhiên liệu. Bằng thủ đoạn tinh vi này, từ tháng 4 năm 2014 đến thời điểm bị bắt cây xăng gian lận trên đường Trần Khát Chân đã ăn chặn được từ khách hàng số tiền lên tới 5 tỷ đồng. Con số gian lận ở cây xăng Yên Viên hiện vẫn đang được thống kê.
Ngày 29/12/2015, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC 46) Công an thành phố Hà Nội đã chính thức khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại 2 cửa hàng xăng dầu thuộc công ty Cổ phần chất đốt Hà Nội (436 Trần Khát Chân) và cửa hàng kinh doanh xăng dầu Yên Viên, bắt 8 người liên quan về hành vi gian lận lượng xăng dầu để xử lý theo đúng quy định của pháp luật[10]. Sáng 31/12, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng Công an thành phố Hà Nội đã bắt khẩn cấp thêm 4 đối tượng trong vụ “móc túi” khách hàng tại 2 cơ sở kinh doanh xăng dầu của Công ty cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội. Trong đó, 2 đối tượng được xác định là người sản xuất và bán chip điện tử cho các cây xăng là Lê Đức Phong (39 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) và Ngô Đức Toàn (36 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Hồ Trọng Tuấn (42 tuổi, Trưởng phòng thị trường Công ty cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội) và Nguyễn Bá Tùng (36 tuổi, nhân viên cửa hàng kinh doanh xăng dầu 436 Trần Khát Chân).
Qua một số vụ việc trên đây đã khẳng định thêm một sự thật đáng buồn là nhiều năm qua, chúng ta chưa bao giờ tiêu diệt triệt để được tệ nạn ăn bớt xăng dầu của khách hàng; các biện pháp chống gian lận bao giờ cũng đi sau các hành vi gian lận. Nghĩa là, khi những kẻ gian lận xăng dầu đã “móc túi” khách hàng đủ rồi, “no bụng” rồi, chúng ta mới có thể phát hiện và có một vài biện pháp xử lý, tuy nhiên chưa thể xử lý dứt điểm được.
2. Các quy định của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và chế tài xử lý hành vi gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu
– Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thìcác doanh nghiệp và các cá nhân trên đã không thực hiện một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp, đó là phải: Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố[11]; thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng[12]. Những hành vi vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép kinh doanh, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường, doanh nghiệp và cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật[13].
– Theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì các doanh nghiệp và cá nhân trên đã vi phạm điều cấm của Luật Bảo vệ người tiêu dùng, đó là: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác[14]…
– Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng thì phạm Tội lừa dối khách hàng[15]. Ở những vụ việc gian lận trên, các chủ cây xăng, những người bán xăng gian lận, biết rõ cây xăng đã được cài IC giả, để thực việc bớt xén xăng dầu và hưởng lợi từ hành vi bớt xén này, như vậy, họ có thể bị truy tố về Tội lừa đối khách hàng.
Trong số các vụ việc trên có hai nhóm tội phạm và hai nhóm hành vi, cụ thể: (i) Nhóm tội phạm thứ nhất, bao gồm: Các chủ cây xăng và bán xăng, là những người trực tiếp lừa dối khách hàng để chiếm đoạt tài sản; (ii) Nhóm tội phạm thứ hai, bao gồm: Những kẻ chế tạo và cài các IC giả để làm thay đổi định lượng các công cụ đo lường. Về hành vi, ở đây có hai hành vi rất rõ: (i) Hành vi thứ nhất là hành vi lừa dối chiếm đoạt tài sản của khách hàng; (ii) Hành vi thứ hai là chế tạo các IC giả tạo điều kiện để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Chế tài và khung hình phạt cho tội lừa dối khách hàng được xử lý theo quy định tại Điều 162, Bộ luật Hình sự năm 1999 (kể từ ngày 01/7/2016 là Điều 198, Bộ luật Hình sự năm 2015: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giam giữ hoặc có thể bị phạt tù[16]. Bên cạnh đó, người phạm tội này còn bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm[17].
– Theo quy định của Luật Đo lường năm 2011 thì: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về đo lường thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp vi phạm hành chính về đo lường có số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm lớn hơn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng hình thức phạt tiền với mức bằng từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính đó. Số tiền thu lợi bất chính phải bị tịch thu. Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và thực hiện các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính[18].
– Theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóanăm 2007 thì: Những cá nhân, doanh nghiệp trên đã mua bán sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc[19], mua IC giả để lắp đặt thay thế IC thật làm thay đổi chất lượng định lượng của công cụ đo, không tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với hàng hóa, nhằm mục đích lừa dối chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng.
Qua vụ những việc nêu trên cho thấy, mặc dù đã có rất nhiều biện pháp được đưa ra để phòng, chống nạn gian lận xăng dầu, nhưng trên thực tế các biện pháp đó chưa thực sự ngăn chặn được tệ nạn này. Nhiều năm qua, chúng ta đã xây dựng được được hệ thống văn bản pháp luật quy định về kinh doanh xăng dầu (Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu[20]; Thông tư số 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu) trong đó quy định trách nhiệm liên đới của cả hệ thống đối với việc ngăn chặn gian lận xăng giầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gần như không quản lý được các đại lý và cũng không có quyền trong việc kiểm tra, kiểm soát chống gian lận, thậm chí, các doanh nghiệp cũng không có điều kiện kỹ thuật để kiểm tra, kiểm soát. Các lực lượng quản lý thị trường, thanh tra khoa học công nghệ, công an, biên phòng, hải quan… có quyền và có điều kiện kỹ thuật thì lại quá mỏng, không thể thường xuyên kiểm tra. Chính vì vậy, tại Nghệ An, Hà Nội các cây xăng đã cài IC giả, ăn bớt xăng dầu đến 6 năm mà không ai phát hiện được, mà có phát hiện, nghi vấn thì cơ quan chức năng cũng không có biện pháp xử lý dứt điểm nên nhiều hành vi sai phạm diễn ra trong suốt cả một thời gian dài[21].
Cuộc đấu tranh chống gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu vừa là trách nhiệm, vừa là lợi ích chung của toàn xã hội, trong đó chú trọng vai trò phát hiện của mọi người dân và thông tin của các cơ quan thông tin đại chúng. Mặt khác, cần tăng cường cả về lực lượng lẫn quyền lực của các các ngành Quản lý thị trường, Thanh tra khoa học công nghệ, Công an, Biên phòng, Hải quan… cần sớm bổ sung chức năng điều tra cho các lực lượng này để có thể kịp thời phát hiện sai phạm. Thêm nữa, cần sớm tăng các chế tài xử phạt và tăng cường sử dụng các chế tài pháp luật, mạnh dạn đưa các hành vi gian dối với khách hàng ra xét xử theo quy định của Bộ luật Hình sự. Đó chính là những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tệ nạn gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
3. Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010 cần được hoàn thiện theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013
Qua hơn 5 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010[22] và văn bản quy phạm pháp luật liên quan… vẫn chưa được thực thi nghiêm túc trong đời sống. Các chế tài xử phạt của pháp luật còn thiếu và chưa thực sự đủ mạnh; các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật còn xử lý chưa nghiêm, chưa dứt điểm, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau… Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng chỉ tham gia với vai trò thương lượng khi có đơn khiếu kiện của người tiêu dùng… Dường như “…bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa trở thành trách nhiệm chung của cơ quan chức năng và toàn xã hội”[23], thậm chí còn có quan điểm cho rằng: Nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp; chưa ý thức được rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính là bảo vệ nhân dân, bảo vệ con người, từ trẻ em cho đến người già, mọi tầng lớp trong xã hội, đồng thời góp phần bảo vệ các nhà sản xuất kinh doanh chân chính; chưa xem Hội là một tổ chức có nhiệm vụ tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là “cánh tay nối dài“ của cơ quan nhà nước trong công tác quản lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Bên cạnh đó, một phần cũng do người tiêu dùng đã không hiểu luật, chủ quan không tự bảo vệ được mình, khi quyền lợi bị xâm phạm cũng không mấy mặn mà với việc khiếu nại, khiếu kiện, không nắm rõ quyền, nghĩa vụ của mình đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ; khi bị xâm phạm cũng không biết kêu với ai, khiếu nại ở đâu. Do đó, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, sự thiếu hiểu biết, chủ quan của người tiêu dùng, rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân làm ăn phi pháp, thực hiện những hành vi xâm hại quyền lợi người tiêu dùng.
Lúc sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”[24]. Nhà nước đã coi việc: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội”[25], nhiệm vụ đó đã được ghi nhận và khẳng định hơn nữa tại Chương 2 – Hiến pháp năm 2013 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Với việc đề cao quyền con người và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân[26]. Lần đầu tiên hai chữ “Nhân dân” được viết hoa trong Hiến pháp cũng chính là nhằm khẳng định hơn nữa bản chất của “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”[27]. Theo đó: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân[28]; “mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác”[29], đó là: Quyền được sống, quyền được bảo vệ thân thể, tính mạng, sức khỏe[30]. Khi phát hiện có những việc làm trái luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân… mọi người có quyền khiếu nại tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và có quyền được bồi thường về thiệt hại do hành vi trái luật gây ra… các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận giải quyết khiếu nại, tố cáo…[31].
Ngày 15/3 hàng năm đã được coi là Ngày quốc tế Quyền của người tiêu dùng (ra đời ngày 15/3/1960). Bởi vậy, bên cạnh việc người tiêu dùng cần hiểu luật để tự bảo vệ mình, thì người tiêu dùng và các doanh nghiệp hoạt động chân chính luôn hi vọng, tin tưởng Nhà nước và các cơ quan thực thi pháp luật bằng quyền lực, trách nhiệm của mình và những quy của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và các luật hiện hành khác (Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Sở hữu trí tuệ…) sẽ tìm lại sự công bằng và bảo vệ người tiêu dùng không chỉ trong một ngày (15/3), mà trong suốt cả 365 ngày. Bên cạnh đó, các nhà làm luật cần căn cứ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và các luật liên quan đến việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trong đó có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – công cụ pháp lý của Nhà nước thực sự đi vào đời sống, thực sự phát huy được sức mạnh trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Vũ Hải Việt
Danh sách tài liệu tham khảo
[1]Đại Huệ –Hồng Anh: Chậm giảm giá bán xăng, bị lộ tẩy là đại lý rởm – http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/cham-giam-gia-ban-xang-bi-lo-tay-la-dai-ly-rom-2694726.html
[2]Ngọc Châu: Công khai 27 cây xăng móc túi khách hàng – http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/cong-khai-27-cay-xang-moc-tui-khach-hang-2695133
[3] Hải Yến: Thành phố Hồ Chí Minh tịch thu giấy phép 11 cây xăng gian lận -http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/tp-hcm-tich-thu-giay-phep-11-cay-xang-gian-lan-2695
[4] Xem Nhật Minh: Bắt quả tang cây xăng gắn chip điện tử -http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/bat-qua-tang-cay-xang-gan-chip-dien-tu-2701708.html
[5] Xem Nhật Minh: Nhảy số kỳ lạ ở cây xăng Trần Khát Chân, Hà Nội – http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/nhay-so-ky-la-o-cay-xang-tran-khat-chan-ha-noi-2700796.html
[6] Tiến Nguyên: Chủ cây xăng “móc túi” khách hàng số lượng kỷ lục lĩnh án – http://dantri.com.vn/su-kien/chu-cay-xang-moc-tui-khach-hang-so-luong-ky-luc-linh-an-1288558573.htm
[7] Xem bài: Gắn “IC ăn bớt xăng dầu”, ai phạm tội, theo tội danh nào? – http://anninhthudo.vn/phap-luat/gan-ic-an-bot-xang-dau-ai-pham-toi-theo-toi-danh-nao/582283.antd
[8]Cây xăng436 Trần Khát Chân cũng chính là cây xăng mà cách đây 6 năm đã bị người tiêu dùng phản ánh về tình trạng: Đồng hồ tổng số tiền dừng lại ở 38.000 đồng rồi “biến” thành 50.000 đồng trong tích tắc.
Xem: Nhật Minh: “Nhảy số kỳ lạ ở cây xăng Trần Khát Chân, Hà Nội” – http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/nhay-so-ky-la-o-cay-xang-tran-khat-chan-ha-noi-2700796.html?utm_source=detail&utm_medium=box_topic&utm_campaign=boxtracking
[9]Tiến Nguyên: Hà Nội: Phát hiện 2 cây xăng gắn chíp để gian lận – http://dantri.com.vn/su-kien/ha-noi-phat-hien-2-cay-xang-gan-chip-de-gian-lan-20151224170528708.htm
[10] Tiến Nguyên: Bắt 8 người vụ 2 cây xăng tại Hà Nội gắn chip “móc túi” khách hàng – http://dantri.com.vn/phap-luat/bat-8-nguoi-vu-2-cay-xang-tai-ha-noi-gan-chip-moc-tui-khach-hang-20151229085231686.htm
[11] Khoản 5 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[12] Khoản 9 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2014.[13]Điều 210 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[14]Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010.
[15] Điều 162 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tới đây là Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ Luật này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016).
[16] Xem Điều 162 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 là Điều 198).
[17] Khoản 3 Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 – Bộ luật Hình sự năm 2015đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 http://luatvietnam.vn/VL/662/Bo-luat-Hinh-su-cua-Quoc-hoi-so-1002015QH13/9C32C75C-CB1F-48A5-9FDB-0434C737BA29/default.aspx
[18]Điều 52 Luật Đo lường năm 2011 –
http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=2&mode=detail&document_id=162349
[19] Khoản 3 Điều 8 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007. [20]Trước đây là: – Thông tư số: 14/1999/TT-BTM ngày 07/7/1999 của Bộ Thương mại hướng dẫn về Điều kiện kinh doanh xăng dầu – http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Thong-tu-14-1999-TT-BTM-huong-dan-dieu-kien-kinh-doanh-xang-dau-45438.aspx;
– Quyết định số 1505/2003/QĐ-BTM ngày 17/11/2003 của Bộ Thương mại về việc ban hành Quy chế Đại lý kinh doanh xăng dầu – http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Quyet-dinh-1505-2003-QD-BTM-Quy-che-dai-ly-kinh-doanh-xang-dau-51610.aspx;
– Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu – http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=91049
[21]Cách đây hơn 06 năm, tại thời điểm năm 2009, cây xăng436 Trần Khát Chân đã bị người tiêu dùng phản ánh về tình trạng: Đồng hồ tổng số tiền dừng lại ở 38.000 đồng rồi “biến” thành 50.000 đồng trong tích tắc. Tại thời đó, Ông Vũ Như Hạnh, Phó giám đốc phụ trách thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội cho biết: “Với những nghi vấn đã được đặt ra, chúng tôi sẽ sớm triển khai thanh tra toàn diện hoạt động của cây xăng nói trên cũng như hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố”. Tuy nhiên, mãi đến tận ngày 24/12/2015, những kẻ gian lận đã kiếm đủ rồi, no bụng rồi, chính thức bị phát hiện vạch trần hành vi phạm tội.
[22] Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011.
[23] Khoản 1Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010.
[24] Chiến thắng: “Sao cho được lòng dân?” – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000 t.4, tr.55
[25] Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010.
[26]Chương 2 Hiến Pháp năm 2013.
[27] Điều 2 Hiến pháp năm 2013.
[28] Điều 3 Hiến pháp năm 2013.
[29] Khoản 2 Điều 15 Hiến pháp năm 2013.
[30] Điều 19, Điều 20 Hiến pháp năm 2013.
[31] Điều 30 Hiến pháp năm 2013.
Bài liên quan:
- Pháp luật thế giớivề phạm vi chủ thể trong trách nhiệm sản phẩm
- Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán
- Thực trạng quy định và áp dụng Bộ luật Hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực tài chính – Những vấn đề cần được sửa đổi
- Bàn về thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chiết nạp gas và các giải pháp ngăn chặn
- Pháp luật về bảo hộ tên thương mại của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm đối với Việt Nam
- Nhận diện tranh chấp thương mại