Một số vấn đề cần lưu ý về công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vì vậy, công tác này đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm, tổ chức tốt việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số đơn vị chưa đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Hơn nữa, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao, vẫn còn để tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp. Một trong những nguyên của những tồn tại, hạn chế trên là do một bộ phận cán bộ tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị chưa nhận thức đúng về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; một số cán bộ làm công tác này chưa hiểu rõ quy trình xử lý đơn thư đặc biệt là các đơn thư phức tạp, có nhiều nội dung khác nhau. Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, bài viết này sẽ tập trung giới thiệu, phân tích một số vấn đề cần lưu ý khi xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác này.
1. Cần phải phân biệt rõ khiếu nại và tố cáo
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại:
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo:
Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Căn cứ vào các quy định trên và các quy định khác của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản khác có liên quan, khiếu nại, tố cáo có thể được phân biệt như sau:
Khiếu nại | Tố cáo | Lưu ý hoặc ví dụ | |
1. Về chủ thể KN, TC | – Công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức; – Bị xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp (phải có liên quan). | – Công dân (không cần liên quan đến mình). | – Ví dụ: Một công ty, một cơ quan hay trường học nào đó có thể tố cáo không? Không Vì Điều 2 Luật Tố cáo quy định “Người tố cáo là công dân thực hiện quyền tố cáo”. Tuy nhiên, các thành viên của công ty, cơ quan hay trường học đó có quyền tố cáo với tư cách là công dân. |
2. Về đối tượng bị KN, TC | – Quyết định hành chính, hành vi hành chính; quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; – Trái pháp luật và xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể. | – Hành vi vi phạm pháp luật; – Gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. | – Ví dụ 1: Người không có liên quan đến quyết định hành chính mà không được uỷ quyền thì có được đi khiếu nại thay không? Không – Ví dụ 2: Tham gia giao thông, bị người khác vượt đèn đỏ gây thương tích thì có khiếu nại được không? Không |
3. Về tính chất và mức độ nghiêm trọng | – Thường thì mức độ nhẹ hơn. | – Nhìn chung cấp độ sai phạm cao hơn, mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn. | Ví dụ: Tố cáo hành vi tham nhũng. |
4. Về quyền và nghĩa vụ của người KN, TC | – Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết (Điểm a K2 Điều 12); – Có quyền rút khiếu nại; – Người khiếu nại họ không phải chịu trách nhiệm khi họ khiếu nại không đúng (thua kiện). | – Không có nghĩa vụ phải tố cáo tại đúng cơ quan có thẩm quyền; – Người tố cáo được bảo vệ (quy định thành 1 chương riêng của Luật Tố cáo); – Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình (Điểm c K2 Điều 9); – Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật. | Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A khiếu nại quyết định kỷ luật hạ bậc lương đến Chủ tịch UBND huyện B theo đúng thẩm quyền. Chủ tịch UBND huyện B ra quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung không chấp nhận khiếu nại của ông A (bác khiếu nại). Hỏi: Khi đó, ông A có phải chịu trách nhiệm về việc khiếu nại không đúng của mình không? Không |
5. Về thẩm quyền giải quyết KN, TC | – Khiếu nại được giải quyết lần đầu tại chính nơi có thẩm quyền ra quyết định hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật. | – Không có thẩm quyền giải quyết đối với đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của chính bản thân mình. | – Ví dụ: Đơn tố cáo Chủ tịch UBND xã A vi phạm pháp luật về đất đai thì Chủ tịch UBND xã A có quyền giải quyết tố cáo không? Không – Ngược lại đơn KN QĐHC của Chủ tịch UBND xã A thì Chủ tịch UBND xã A có được giải quyết không? Có |
Tình huống 1:
Ông Nguyễn Văn A là viên chức công tác tại Đại học B (là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ T). Ngày 01/01/2013 ông A có Đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ T đề nghị giải quyết xem xét, giải quyết đối với hành vi trái pháp luật của ông C là Hiệu trưởng Đại học B cụ thể: ban hành và thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ của Đại học B trái pháp luật. Việc ban hành và thực hiện Quy chế gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công chức, viên chức của Đại học B.
Thường trực tiếp công dân của Bộ T nhận được đơn và tiến hành xử lý, trong quá trình xử lý đơn, có các quan điểm sau:
– Quan điểm 1: Đây là đơn tố cáo vì đã thỏa mãn các tiêu chí của tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo:
Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
+ Có hành vi báo cho cá nhân có thẩm quyền là Bộ trưởng Bộ T: thể hiện bằng đơn;
+ Có hành vi vi phạm pháp luật của Hiệu trưởng Đại học B: ban hành và thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ của Đại học B trái pháp luật;
+ Hành vi vi phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại: gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công chức, viên chức của Đại học B.
Do đó, phải xác định đây là tố cáo và giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo.
– Quan điểm 2: Đây là kiến nghị vì ông A chỉ đề nghị Bộ trưởng Bộ T giải quyết hành vi vi phạm của Hiệu trưởng. Đơn cũng có tiêu đề là kiến nghị, không có phải là tố cáo.
– Quan điểm 3: Đây là đơn kiến nghị liên quan đến tố cáo vì Đơn có tiêu đề là kiến nghị và nội dung tố cáo.
Quan điểm của tác giả: Đây là đơn tố cáo và phải giải quyết theo trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Tố cáo như đã phân tích ở trên.
2. Lưu ý về “Đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo”
Theo Điều 5 Thông tư số 04/2010/TT-TTCP ngày 26/8/2010 của Thanh tra Chính phủ quy định Quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo, theo nội dung đơn được phân loại thành:
a) Đơn khiếu nại;
b) Đơn tố cáo;
c) Đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo;
d) Đơn có nhiều nội dung khác nhau.
Mặc dù vậy, Thông tư không giải thích thế nào là Đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo do đó hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về loại đơn thư này:
– Quan điểm 1: Đơn có nội dung phản ánh. kiến nghị liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (một vụ việc cụ thể). Chẳng hạn, trong quá trình giải quyết khiếu nại của ông Vũ Văn K đối với quyết định thu hồi đất của UBND huyện M, ông K cho rằng khiếu nại của Ông đã quá thời hạn nhưng chưa được giải quyết. Do đó, ông K làm đơn kiến nghị đến Chủ tịch UBND huyện M đề nghị giải quyết đơn của Ông theo đúng quy định. Trong trường hợp này Đơn của ông K được xác định là kiến nghị liên quan đến khiếu nại.
– Quan điểm 2: Đơn có tiêu đề là phản ánh, kiến nghị nhưng có nội dung là khiếu nại, tố cáo thì được phân loại là Đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo.
Tác giả cho rằng quan điểm 1 nêu trên thuyết phục hơn vì đã căn cứ vào bản chất, nội dung của đơn để phân loại và xử lý là phản ánh, kiến nghị có liên quanđến khiếu nại, tố cáo. Quan điểm 2 là không đúng vì nếu nội dung đơn là khiếu nại, tố cáo thì phải phân loại là đơn khiếu nại, đơn tố cáo (hoặc có nhiều nội dung) để phân loại và giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định, không thể phân loại thành đơn kiến nghị, phản ánh. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn nhiều tranh luận, nên cần phải có hướng dẫn cụ thể của Thanh tra Chính phủ về vấn đề này.
3. Lưu ý khi xử lý đơn thư có nhiều nội dung khác nhau
Thực tiễn xử lý đơn thư cho thấy, có nhiều trường hợp đơn thư có nhiều nội dung khác nhau, chẳng hạn đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo; đơn vừa có nội dung tố cáo, vừa có nội dung kiến nghị, phản ánh. Vậy việc xử lý những đơn này được thực hiện như thế nào?
Hiện nay, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành không quy định về việc phân loại đơn thư có nhiều nội dung khác nhau như khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Do đó, cán bộ xử lý đơn thư căn cứ vào Thông tư số 04/2010/TT-TTCP ngày 26/8/2010 của Thanh tra Chính phủ quy định Quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo:
Đối với đơn có nhiều nội dung khác nhau thì cán bộ xử lý đơn phải tách riêng từng nội dung trong đơn để xử lý. Việc xử lý nội dung khiếu nại, nội dung tố cáo, nội dung phản ánh; kiến nghị thực hiện theo quy định của Thông tư này.
Mặc dù Thông tư nói trên căn cứ vào Luật Khiếu nại, tố cáo (sửa đổi, bổ sung) và Nghị định số 136/2006/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành nhưng quy định của Thông tư không trái với Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành nên vẫn được áp dụng. Do đó, khi gặp các đơn có nội dung khác nhau, cán bộ xử lý đơn sẽ căn cứ Điều 17 Thông tư số 04/2010/TT-TTCP để tách từng nội dung đơn để xử lý theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Nếu đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo thì ta phải tách nội dung khiếu nại ra để giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và nội dung tố cáo phải giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo.
4. Xử lý đối với các đơn thư có tiêu đề và nội dung không thống nhất
Trong quá trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo, có nhiều trường hợp tiêu đề và nội dung của đơn thư không có nội dung thống nhất, chẳng hạn:
– Đơn có tiêu đề là kiến nghị, đề nghị, phản án…nhưng lại có nội dung khiếu nại, tố cáo;
– Đơn đề là tố cáo nhưng lại có nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh;
– Đơn có tiêu đề là kiến nghị, đề nghị nhưng lại có nội dung tố cáo như Tình huống 1 đã phân tích ở trên.
Để xử lý các đơn thư dạng này theo đúng quy định của pháp luật, đòi hỏi cán bộ xử lý đơn thư phải hiểu rõ và phân biệt được thế nào là khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Từ đó, căn cứ vào nội dung đơn thư để phân loại và giải quyết theo đúng quy định. Nếu đơn có nội dung khiếu nại thì xác định là đơn khiếu nại, nếu có nội dung tố cáo thì xác định là đơn tố cáo để giải quyết theo quy định. Ví dụ:
– Trường hợp tiêu đề của đơn là tố cáo nhưng nội dung lại là khiếu nại và ngược lại:
Nếu tiêu đề của đơn là “Đơn tố cáo” nhưng thực chất nội dung là khiếu nại thì ta giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và nếu tiêu đề của đơn là “Đơn khiếu nại” nhưng nội dung thực chất là tố cáo thì giải quyết theo trình tự, thủ tục của giải quyết tố cáo. Ví dụ như vì động cơ mục đích của người khiếu nại là đòi được hưởng thừa kế nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bác bỏ, vì thế họ tố cáo “vu vơ” hoặc có trường hợp tố cáo cán bộ để đạt được mục đích chính là khiếu nại việc của mình bị “thua thiệt”, ở trường hợp này thì chúng ta phải căn cứ vào nội dung để phân biệt là khiếu nại hay tố cáo để áp dụng trình tự, thủ tục giải quyết phù hợp.
– Đơn có một tiêu đề nhưng lại có nhiều nội dung khác nhau hoặc đơn có tiêu đề không thống nhất với nội dung:
Trong những trường hợp này, cán bộ xử lý đơn thư phải căn cứ vào nội dung đơn để phân loại và giải quyết theo đúng quy định. Nếu đơn có nhiều nội dung khác nhau thì cán bộ xử lý đơn thư phải tách riêng từng nội dung trong đơn để xử lý như đã phân tích ở trên.
5. Phân biệt về thẩm quyền giải quyết tố cáo
Hiện nay, theo quy định của Luật Tố cáo, tố cáo có thể được chia làm 2 loại là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Hai loại tố cáo này có thể được phân biệt như sau:
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức | Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực | |
1. Khái niệm | Công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. (Khoản 2 Điều 2) Ví dụ: Công dân tố cáo Chủ tịch UBND xã M nhận hối lộ trong quá trình chứng thực bản sao. | Công dân báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đối với việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. (Khoản 3 Điều 2). Ví dụ: Công dân tố cáo Chủ tịch UBND xã M vi phạm pháp luật về giao thông khi đi xe gắn máy từ trụ sở làm việc về nhà riêng. |
2. Quy định tại Luật Tố cáo | Theo Chương III Luật Tố cáo (từ Điều 12 đến Điều 30); | Theo quy định tại Chương IV (từ Điều 31 đến Điều 33 Luật Tố cáo). |
3. Thẩm quyền giải quyết | 1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết. – Tố cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết. Ví dụ: Tố cáo hành vi vi phạm của cán bộ Tư pháp – hộ tịch thuộc UBND xã M thì Chủ tịch UBND xã M có thẩm quyền giải quyết. 2. Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết. Ví dụ: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch UBND huyện K (đồng thời là đại biểu Quốc hội), tỉnh P thì Chủ tịch UBND tỉnh P có trách nhiệm phối hợp với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh P để giải quyết. 3. Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. (Điều 12) | 1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Ví dụ: Công dân tố cáo hành vi công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định của pháp luật của Công chứng viên thuộc Văn phòng Công chứng X thì Sở Tư pháp nơi đặt Văn phòng Công chứng X có thẩm quyền giải quyết. 2. Tố cáo có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan thì các cơ quan có trách nhiệm phối hợp để xác định thẩm quyền giải quyết hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cấp trên quyết định giao cho một cơ quan chủ trì giải quyết; tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết. 3. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. (Khoản 3 Điều 31). Ví dụ: Công dân tố cáo hành vi cố ý gây thương tích của ông L, trú tại huyện M thì thẩm quyền giải quyết là cơ quan điều tra Công an huyện M (để điều tra). |
4. Trình tự, thủ tục giải quyết | Theo Điều 18: Gồm các bước: – Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo (Điều 20); – Xác minh nội dung tố cáo (Điều 22); – Kết luận nội dung tố cáo (Điều 24); – Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo (Điều 25); – Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo (Điều 30). | Theo Điều 32: – Giống xử lý tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức. Trừ tố cáo có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thì theo trình tự sau: – Tiếp nhận và xử lý; – Xác minh ngay; – Ra quyết định xử lý. |
Tình huống 2:
Bộ Tư pháp nhận được đơn tố cáo Công ty cổ phần F (Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng là các luật sư Q và V thuộc Đoàn luật sư tỉnh H) về việc mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp cũng như tự ý san lấp, lấn chiếm kênh mương tưới tiêu và tự ý xây dựng hệ thống cống và mương tiêu trên đất nông nghiệp tại xã VT, huyện D, tỉnh PV không đúng quy định của pháp luật gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các hộ dân. Vụ việc này các hộ dân đã có đơn gửi các cấp, các ngành của tỉnh PV giải quyết, song việc giải quyết của các cơ quan chưa được triệt để.
Ngoài ra, theo nội dung đơn còn tố cáo Công ty cổ phần F thuê “đầu gấu” (do luật sư Q và luật sư V thực hiện) đến đe dọa dân, thuê phóng viên viết bài không đúng sự thật.
Từ những hành vi trái pháp luật trên các hộ dân yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề của các luật sư và tổ chức luật sư nói trên, đồng thời thu hồi lại đất để trả lại cho dân.
Ví dụ trên cho thấy đây là đơn có nhiều nội dung khác nhau vừa tố cáo hành vi liên quan đến chuyển nhượng đất đai, đạo đức nghề luật sư, vừa có nội dung tố cáo hành vi đe dọa nhân dân. Các nội dung tố cáo này phải được giải quyết theo trình tự, thẩm quyền khác nhau.
Theo nội dung đơn từ việc làm không đúng của Công ty cổ phần F dẫn đến việc tố cáo của các hộ dân, gồm có hai nội dung:
– Tố cáo Công ty cổ phần F mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp cũng như tự ý san lấp, lấn chiếm kênh mương tưới tiêu và tự ý xây dựng hệ thống cống và mương tiêu trên đất nông nghiệp tại xã VT, huyện D, tỉnh PV không đúng quy định của pháp luật gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các hộ dân.
Việc tố cáo này liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai của các cấp chính quyền tỉnh PV. Theo quy định của Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành thì nội dung đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp mà thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh PV (theo hồ sơ và tài liệu đính kèm cho thấy thực tế vụ việc này đã và đang được UBND tỉnh PV chỉ đạo giải quyết). Do vậy chuyển đơn đến UBND tỉnh PV để được xem xét giải quyết theo thẩm quyền dựa trên nguyên tắc xác định thẩm quyền theo Điều 31 Luật Tố cáo (tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực).
– Đối việc tố cáo các ông Q và ông V là luật sư, ngoài các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai không đúng quy định còn có hành vi thuê “đầu gấu”, báo chí để đe dọa các hộ dân gây náo loạn an ninh địa phương vi phạm về quản lý trật tự trị an và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, do đó hành vi vi phạm pháp luật này không thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp mà thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng tại tỉnh PV. Do vây chuyển đơn đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh PV để giải quyết theo thẩm quyền căn cứ Khoản 3 Điều 31 Luật Tố cáo (Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự).
Đồng thời, ông Q và ông V là luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh H, song lại có hành vi thuê “đầu gấu”, thuê báo trí viết bài không đúng sự thật có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề luật sư. Do đó, Đoàn luật sư cần bám sát để có biện pháp giải quyết tiếp nếu ông Q và ông V vi phạm pháp luật, vi phạm về Điều lệ, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư.
Căn cứ Điều 6, Điều 7 của Luật Luật sư thì quản lý luật sư và hành nghề luật sư theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư. Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện quản lý luật sư và hành nghề luật sư của tổ chức mình theo quy định của Luật Luật sư và theo Điều lệ, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Do đó, mọi hành vi vi phạm pháp luật cũng như vi phạm về Điều lệ, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư của các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư đều thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Đoàn luật sư nơi tổ chức luật sư và luật sư đăng ký hành nghề và của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Do đó, cũng cần phải chuyển đơn tố cáo đến Đoàn Luật sư tỉnh H để theo dõi, giải quyết theo thẩm quyền.
Tình huống trên là một ví dụ điển hình về đơn tố cáo có nhiều nội dung khác nhau và thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan khác nhau căn cứ vào phạm vi quản lý nhà nước theo lĩnh vực. Do đó, cán bộ xử lý đơn phải nắm chắc vận dụng đúng quy định của pháp luật về tố cáo để giải quyết đúng quy định của pháp luật.
Một số đề xuất và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo
Để nâng cao hiệu quả công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo cần làm tốt những nội dung sau:
– Bố trí cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tiếp công dân có phẩm chất, am hiểu pháp luật, nhiệt tình, có kỹ năng dân vận; chỉ đạo, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thường xuyên tiếp cận, tìm hiểu những quy định mới về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.
– Có chế độ bồi dưỡng thỏa đáng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo để động viên, khích lệ kịp thời nhằm nâng cao trách nhiệm của đội ngũ làm công tác này.
– Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tiếp công dân và giải quyết tố cáo. Thực tiễn cho thấy, chỉ khi đội ngũ này thật sự hiểu, nắm vững các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo thì chất lượng công tác này mới được cải thiện và nâng cao.
– Tiếp tục hoàn thiện các quy định về pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo để hoàn thiện khung pháp lý về công tác này. Trước mắt, Thanh tra Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể về “đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo” để áp dụng thống nhất.
Kết luận:
Trong bài viết này đã tập trung phân tích về những vấn đề cần lưu ý khi xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, khi xử lý đơn thư cần phải nắm vững và phân biệt được khiếu nại với tố cáo, giữa khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh. Hơn nữa, việc xử lý đơn thư có nhiều nội dung khác nhau, đơn thư có tiêu đề và nội dung không thống nhất cũng cần được cán bộ xử lý đơn thư hiểu đúng để xử lý theo đúng quy định. Bài viết cũng đưa ra các giải pháp liên quan đến công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác này.
Tạ Đình Tuyên
Tham khảo thêm các bài viết: