“Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải”: Ý nghĩa nhân văn của hệ thống pháp luật XHCN từ Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

“Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải”: Ý nghĩa nhân văn của hệ thống pháp luật XHCN từ Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

27/01/2014   Nhân dịp năm mới 2014, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có bài viết: “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”. Trong Thông điệp, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng…”. Có thể nói, yêu cầu pháp luật phải gắn liền, bảo vệ và phụng sự công lý là một thông điệp thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc và một niềm tin thiêng liêng về một hệ thống pháp luật vì con người trên cơ sở đạo lý, lương tri và lẽ phải.

Những điểm hạn chế của hệ thống pháp luật thực định và thành văn tại Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia có hệ thống pháp luật vận hành theo truyền thống pháp luật XHCN. Hai đặc điểm cơ bản của hệ thống này là tính thực định và thành văn. Theo James Bernard Murphy trong cuốn Triết học về luật thực định (Yale University Press, 2005), thuật ngữ luật thực định (positive law) thường được dùng để chỉ các quy tắc được nhà làm luật ấn định/áp đặt một cách có ý thức, có chủ ý.

Truyền thống pháp luật XHCN cho rằng pháp luật là một hiện tượng lịch sử, chỉ phát sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp. Pháp luật XHCN phải là một sản phẩm của hành động có ý thức của con người, là biểu hiện tập trung của chính trị và là ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội. Với nhận định trên, hệ thống pháp luật XHCN luôn có xu hướng phân tích mọi hiện tượng dựa trên quan điểm giai cấp và được coi là công cụ để thực hiện nhiệm vụ chuyên chính vô sản. Công tác xây dựng pháp luật còn chưa có sự cân nhắc, tính toán đầy đủ cho việc ghi nhận các giá trị phổ quát của nhân loại.

Theo Giáo sư Michael Bogdan, Đại học Lund Thuỵ Điển nhận định chính bản thân cụm từ “chuyên chính vô sản” trong một thời gian dài đã bị hiểu sai khi coi đó là nhà nước có xu hướng trở thành một chính quyền dựa trên sự sợ hãi và một xã hội không có quyền và tự do cá nhân (Luật So sánh, Kluwer Norstedts Juridik, 1994). Cùng với sự nghèo nàn về thông tin thời đó, các thế lực thù địch đã lợi dụng, xuyên tạc và làm méo mó nhận thức về hệ thống pháp luật XHCN – một hệ thống pháp luật được hình thành và xây dựng trên cơ sở nền tảng của những giá trị nhân văn sâu sắc từ việc loại bỏ không khoan nhượng đối với việc bóc lột giữa người với người.  

Từ khía cạnh luật thành văn, GS. TSKH. Vũ Minh Giang (Những đặc trưng cơ bản của bộ máy quản lý đất nước và hệ thống chính trị nước ta trước thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2008) nhận định: Luật thành văn đã từng có một vị trí khá “thấp kém” trong đời sống chính trị – xã hội nước ta. Những bộ luật thành văn đầu tiên được áp dụng trên đất Việt lại do chính quyền Trung Hoa soạn thảo và ban hành.

Trong con mắt của người Việt, luật pháp – một sản phẩm của xã hội văn minh, lại là công cụ nô dịch, áp bức và đồng hóa của thế lực ngoại bang. Phản ứng phổ biến nhất của nhân dân là bất hợp tác, bất tuân và trở về với bầu trời làng xã riêng của mình với các thiết chế tục lệ cổ truyền, các quy phạm riêng của cộng đồng xã hội. Ý thức chống đối luật pháp xuất hiện ngay từ những buổi đầu và phát triển ngày càng mạnh mẽ trong suốt thời kỳ Bắc thuộc – một thời kỳ khá đặc biệt kéo dài tới trên một nghìn năm. Nhận thức được vấn đề trên, các triều đại phong kiến Việt Nam sau này khi xây dựng pháp luật đã lường tính đến khả năng được dân chúng tôn trọng và thi hành nên đã luôn chú ý tới tính chất dung hòa, thậm chí là nhượng bộ trước những tập tục lâu đời (điển hình như là Bộ luật Hồng Đức). Từ lớp trầm tích của lịch sử, vấn đề đặt ra là luật pháp thành văn không nên quá nhấn mạnh đến tính cưỡng chế mà thiếu đi sự quan tâm đến việc huy động sự đồng thuận và khơi dậy ý thức tự giác trong xã hội. Luật pháp thành văn cần phải “vang vọng tiếng dân”, phải dựa trên nền tảng dân chủ, các giá trị nhân văn và đạo lý phổ quát như tự do, bình đẳng và công lý.

Bản chất khoa học, dân chủ và nhân văn của pháp luật XHCN

Pháp luật Việt Nam là pháp luật dân chủ từ bản chất cho đến quyết tâm chính trị trong triển khai thực hiện. Khởi nguồn cho truyền thống pháp luật XHCN là nhà tư tưởng, nhà kinh tế chính trị, nhà lãnh đạo cách mạng của Hiệp hội người lao động quốc tế Karl Marx (1818-1883). Trong học thuyết của mình, K.Marx đặt trọng tâm các luận giải pháp luật trong quan niệm về phương thức sản xuất. Giáo sư Olufemi Taiwo, Đại học Seattle, Hoa Kỳ (Legal Naturalism-A Marxist theory of law, Cornell University Press, 1996) đã tóm tắt học thuyết của K.Marx về pháp luật như sau: Những quy luật tất yếu của phương thức sản xuất sẽ là nền tảng của luật thực định của mỗi cộng đồng xã hội.

Vì vậy, hoạt động lập pháp không phải là hành vi làm ra luật (make laws), các nhà lập pháp không thể gọi là nhà làm luật (lawmakers). Luật pháp không thuần túy là sản phẩm của lợi ích hoặc ý chí của các nhà làm luật. Luật pháp không phải được sáng tạo ra, mà thực chất là các nhà làm luật chỉ phản ánh các quy luật khách quan thành luật (formualte laws). Theo K.Marx “Nhà lập pháp phải tự coi mình như nhà khoa học tự nhiên. Ông ta không làm ra pháp luật, ông ta không phát minh ra chúng mà chỉ nêu chúng lên. Ông ta biểu hiện quy luật nội tại của những mối quan hệ tinh thần thành những đạo luật thành văn có ý thức. Chúng ta sẽ chê trách nhà lập pháp là vô cùng tùy tiện nếu ông ta thay thế bản chất của sự vật bằng nhiều điểm bịa đặt của mình”. Về tính chất của pháp luật, ông cho rằng dấu hiệu đặc trưng của chế độ dân chủ là: Không phải con người tồn tại vì luật pháp, mà luật pháp tồn tại vì con người. 

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930. Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênintư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Ngay từ những ngày đầu hoạt động, Đảng đã khẳng định nền tảng dân chủ trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật mới, đó là: “Bỏ hết pháp luật phong kiến và đế quốc chủ nghĩa” và yêu cầu “Lập ra luật cách mệnh theo ý chí của quần chúng” (Văn kiện Đại hội Đảng, tập 1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam cũng khẳng định bản chất và quyết tâm xây dựng một hệ thống pháp luật thực sự dân chủ:“Pháp luật của ta là pháp luật thực sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động”. “Chúng ta cũng thấy luật pháp của ta hiện nay chưa đầy đủ. Chính các chú phải có trách nhiệm phải góp phần làm cho luật pháp của ta tốt hơn, càng ngày càng phong phú hơn. Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn” (Bài nói tại Hội nghị học tập của cán bộ Ngành Tư pháp năm 1950).

Những giá trị vĩnh cửu của lẽ phải, công lý.

Từ buổi bình minh của văn minh nhân loại, công lý đã xuất hiện như một  khát vọng cháy bỏng về tự do, công bằng, chính nghĩa, lẽ phải, lòng nhân ái và  những phẩm hạnh cao quý trong mỗi con người, mỗi xã hội. Công lý còn được coi là phẩm hạnh mang “tính thể chế”, “tính chính trị” nhất của mỗi xã hội. Tính chính đáng, chính nghĩa của một chính quyền thường được đánh giá thông qua việc nhà nước đó có thừa nhận, bảo vệ và bảo đảm việc thực thi công lý hay không.

Với trên 90 văn bản, tư liệu khảo cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý, các nhà nghiên cứu (Nguyễn Xuân Tùng, Tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, tháng 11/2013) cho thấy rằng các giá trị của công lý đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thành lập và bảo vệ Nhà nước cách mạng nhân dân tại Việt Nam. Qua việc lên án mạnh mẽ nền công lý thực dân giả tạo, hà khắc, tàn bạo, phi nhân tính của thực dân Pháp tại các nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã thức tỉnh lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân ta, dân tộc ta.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, những giá trị công lý đã góp phần tạo nên niềm tin của nhân dân vào tính chính đáng, chính nghĩa của chính quyền cách mạng non trẻ. Khát vọng và tình yêu công lý đó đã tiếp tục được thắp sáng thành ý nguyện của dân tộc ta, của nhân dân ta, góp phần lên án các cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, kêu gọi hòa bình, tự do, công bằng và quyền cơ bản của con người, từ đó làm sáng rạng những phẩm giá tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Điển hình như Lời Kêu gọi đồng bào Nam Bộ: “Vì công lý, cuộc kháng chiến tự vệ của dân tộc ta phải toàn thắng”, trong Diễn văn đọc trong “Ngày toàn quốc kháng chiến”:

“Vì chính nghĩa, công lý của thế giới, vì đất nước giống nòi của Việt Nam, mà toàn quốc đồng bào ta nổi lên tranh đấu quyết giữ vững nền độc lập của ta”. Hay Thư gửi nhân dân Pháp sau cuộc hội kiến với Pôn Muýt, Đại diện Cao ủy Pháp Bôlae: “Thà chết không làm nô lệ. Chúng tôi chiến đấu vì công lý. Chúng tôi sẽ tồn tại; chúng tôi sẽ chiến thắng”.

Sự song hành giữa luật pháp và công lý.

Thế kỷ 17, văn hào Pascal khẳng định : Công lý không dựa vào quyền lực thì bất lực; quyền lực không đi đôi với công lý thì tàn bạo. Vì vậy cần phải kết hợp công lý và quyền lực, và nhằm mục đích này, phải làm thế nào cho những điều hợp công lý có đủ quyền lực; hay những điều dựa vào quyền lực phải hợp với công lý. Có thể nói, luật pháp và công lý có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng chúng lại là hai khái niệm không hoàn toàn đồng nhất. Luật pháp phục vụ công lý nếu nó giúp tạo dựng sự bình yên và bảo vệ các quyền cá nhân của con người trước sự vi phạm. Luật pháp không dựa trên các giá trị cơ bản của công lý sẽ trở lên tàn bạo, hà khắc.

Do đó, ngoài việc thể hiện ý chí nhà nước của giai cấp thống trị, luật pháp cần phải phản ánh được đầy đủ nhu cầu, lợi ích của toàn xã hội, phải “vang vọng tiếng dân” và phải chuyển tải đầy đủ những giá trị tiến bộ của lương tri, đạo đức, các giá trị nhân văn, nhân đạo, dân chủ, công lý, công bằng, lẽ phải, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người.

Luật pháp và công lý không phải là một khái niệm đồng nhất nhưng chúng có mối quan hệ chặt chẽ và biện chứng với nhau. Theo tiếng Latinh, công lý bản thể là ‘iustum” và luật là “ius”. Điều đó có nghĩa là một số lớn thể chế hiến định được tạo ra để giúp tiến trình lập pháp luôn gắn liền với công lý. Và ngược lại, công lý giúp cho luật pháp luôn là những luật lệ đúng đắn. Theo truyền thống chính trị và pháp luật phương Tây, chức năng chính của pháp luật là “phân phối công lý”, pháp luật không có công lý thì chỉ là “một trò hề”.

Ở nhiều quốc gia, luật pháp được coi là có mối quan hệ gần gũi và chặt chẽ với công lý đến mức Bộ quản lý các toà án được gọi là Bộ Tư pháp (Ministry of Justice) chứ không gọi là Bộ Luật pháp (Ministry of Law). Tại nhiều quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển, pháp luật chỉ được coi là phương tiện để đạt được những kết quả công bằng. Tuy nhiên, họ không thường dùng cụm từ “anh ấy là một công dân tuân thủ pháp luật” (he is a law – abiding citizen) bởi theo họ, vì nhiều mục đích nhất định, pháp luật có thể thiếu tính đạo đức hoặc không nhân văn, do đó không có gì là tự hào với việc tuân phục pháp luật một cách mù quáng.

Trong thực tế, có những xã hội và vào từng giai đoạn cụ thể, luật pháp có thể chệch hướng hoặc đối nghịch với công lý. Một vài ví dụ tiêu biểu, thường xuyên được nhắc đến sau này để bảo vệ luận điểm nêu trên là sự kiện mục sư Martin Luther King viện dẫn luật tự nhiên khi ông tuyên bố rằng mọi luật về phân biệt chủng tộc đều không phải là luật thực sự vì chúng không phù hợp với đạo đức và luân lý, hay các phiên toà xét xử Nuremberg đã kết án những kẻ cầm đầu Đảng Quốc xã sau Thế chiến thứ hai do đã tuân thủ những luật thực định phi lý và bất công.

Giá trị nhân văn của hệ thống pháp luật XHCN.

Daron Acemogilu và Jemes A.Robison, hai chuyên gia hàng đầu thế giới về phát triển (Vì sao các quốc gia thất bại, Crown Pulishers, 2012) nhận định: Không phải địa lý, bệnh tật, hay văn hóa là cái giải thích vì sao một số quốc gia giàu và một số nghèo mà đúng hơn là vấn đề của các thể chế. Thể chế chính là chìa khóa cho thịnh vượng và phát triển bền vững. Ngay trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VIII, đồng chí Nguyễn Văn Linh Tổng bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định về trọng tâm của đổi mới thể chế và tư duy pháp lý trong thời kỳ đầu của giai đoạn đổi mới chính là yêu cầu nâng cao vai trò điều chỉnh xã hội của pháp luật.

Pháp luật phải là một “phương tiện hùng mạnh” để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, là công cụ đấu tranh chống tiêu cực và bảo vệ nền dân chủ XHCN (Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nxb. Tư pháp, năm 2005). Pháp luật cần phải được quan niệm lại, theo đó, nó không chỉ thuần tuý tồn tại với ý nghĩa là một sức mạnh cưỡng chế mà còn phải là một công cụ giáo dục tích cực nhằm khắc phục những tàn dư tư tưởng, những thành kiến coi thường pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác trong cán bộ và nhân dân.

Sau gần 30 năm đổi mới, Thông điệp năm mới của Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục khẳng định động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững là Nguồn động lực đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân. Thông điệp đã chính thức xác nhận nguyên tắc về quyền dân chủ của Nhân dân, các biện pháp pháp lý chế ước quyền lực của cơ quan, nhân viên nhà nước: “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”. Dân chủNhà nước pháp quyền là cặp “song sinh”, thể hiện mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Một trong những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Nhà nước, mọi tổ chức và cá nhân phải thượng tôn pháp luật. Nhưng để được thượng tôn thì pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phảichứ không phải dựa trên một sự áp đặt tùy tiện không dựa trên cơ sở lương tri, đạo lý. Điều đó đã đưa Thông điệp năm mới của Thủ tướng Chính phủ trở thành thông điệp về một quyết tâm chính trị mạnh mẽ, một niềm tin thiêng liêng về xây dựng một hệ thống pháp luật XHCN nhân văn, vì con người./.

                                          Ths. Nguyễn Xuân Tùng

                  Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Tư pháp

Tham khảo thêm các bài viết:

1900.0191