Pháp luật về người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam: Những vấn đề cần trao đổi
Tại Việt Nam, ngoài các vấn đề về hôn nhân cùng giới, quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính của người chuyển giới, tư pháp hình sự… thì cũng còn có một số vấn đề pháp lý liên quan đến cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Dưới đây xin đề cập một số vấn đề sau:
1. Các quy định về bí mật đời tư chưa bảo vệ được công dân nói chung và người LGBT nói riêng
Về cơ bản, người LGBT được đảm bảo bí mật đời tư trên phương diện pháp luật. Các quy định tại Điều 31, 37, 38 của Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định các quyền nhân thân của cá nhân: quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền bí mật đời tư, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Tuy nhiên trên thực tế, những quyền này đang bị xâm phạm khá phổ biến trong xã hội (cả người dị tính lẫn người LGBT). Đặc biệt, đối với người LGBT nếu bị xâm phạm, tung tin đồn về xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của mình, đưa hình ảnh lên mạng bình phẩm (người chuyển giới) thường có áp lực lớn hơn so với người dị tính. Khi đó, người LGBT thường rơi vào thế khó xử và khủng hoảng tinh thần,…
Những quyền được nêu ở trên (đối với hình ảnh, bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm…) thực ra vẫn chưa đủ để bảo vệ quyền nhân thân của mọi công dân. Quyền tôn trọng đời sống riêng tư (hay gọn hơn là “quyền riêng tư”) được hiểu như quyền được pháp luật bảo hộ chống lại những sự can thiệp hay xâm hại đến[1]:
(1) Sự riêng tư về thông tin cá nhân: bao gồm việc ban hành các quy tắc quản lý trong việc thu thập và xử lý các dữ liệu cá nhân như thông tin tín dụng, hồ sơ y tế và các hồ sơ của chính quyền lưu trữ về công dân đó. Nó còn được gọi là “bảo vệ dữ liệu”;
(2) Sự riêng tư về cơ thể: liên quan đến việc bảo vệ thân thể (vật chất) của người dân đối với hình thức xâm hại như xét nghiệm di truyền, thử nghiệm ma túy và thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể;
(3) Sự riêng tư về thông tin liên lạc: bao gồm bảo mật và riêng tư về thư từ, bưu phẩm, điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền thông khác;
(4) Sự riêng tư về nơi cư trú: liên quan đến việc ban hành các giới hạn đối với sự xâm nhập vào môi trường sống của cá nhân, nơi làm việc hoặc không gian công cộng. Điều này bao gồm tìm kiếm thông tin, theo dõi bằng video và kiểm tra giấy tờ tùy thân.
Có thể thấy, các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành chưa thể hiện hết nội hàm quyền riêng tư và còn khá chung chung. Xét về mặt khái niệm, quyền riêng tư không đồng nhất với khái niệm quyền bí mật đời tư. Quyền riêng tư cũng liên quan đến cá nhân, tuy nhiên những vấn đề thuộc về riêng tư xét ở khía cạnh nào đó lại không được coi là bí mật, mặc dù pháp luật vẫn bảo hộ những quyền này[2].
Bất cứ cá nhân nào cũng có sự tự do trong suy nghĩ, hành động – đây là sự “riêng tư” của chính họ. Lẽ dĩ nhiên, nếu là sự tự do trong suy nghĩ thì vấn đề không có gì phức tạp bởi không ai có thể bắt người khác phải suy nghĩ theo ý muốn của mình. Ngược lại, nếu là sự tự do trong hành động thì điều đó còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: luật pháp, quan hệ với những người xung quanh, sự tác động của phong tục tập quán, thói quen… Chúng ta có thể thấy, pháp luật nói chung, pháp luật Việt Nam nói riêng luôn tôn trọng sự riêng tư của cá nhân (quyền bất khả xâm phạm chỗ ở, quyền lựa chọn công việc cho phù hợp với khả năng và điều kiện của bản thân, quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng…).
Còn quyền bí mật đời tư bao gồm các đặc điểm sau: (i) quyền được phép giữ kín những thông tin, tư liệu, sự kiện, hoàn cảnh liên quan đến đời tư của mình và không có nghĩa vụ phải công khai; quyền bất khả xâm phạm về thư tín, điện thoại, điện tín và các thông tin điện tử khác; (ii) cá nhân và các chủ thể khác không được tự ý tiếp cận và công bố các thông tin về đời tư cũng như không được kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các thông tin điện tử khác của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của “chủ sở hữu” hoặc sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Với khái niệm này, rõ ràng bí mật đời tư có khái niệm hẹp hơn so với quyền riêng tư.
Tôn trọng quyền riêng tư là một yêu cầu tất yếu đặt ra cho tất cả mọi người, buộc mọi người phải tuân thủ. Sở dĩ vấn đề này cần được xem xét kỹ lưỡng hơn với người LGBT vì trong quan điểm chung của xã hội, người LGBT được xem như một hiện tượng kỳ lạ, khác biệt với số đông nhân loại còn lại, đời sống riêng tư của họ không thể tránh khỏi sự tò mò, soi mói của người khác. Đó là các hành vi vi phạm quyền riêng tư của con người.
Ở một mức độ khác, sự xâm phạm quyền riêng tư trên có thể kèm theo các hành vi tiêu cực như đánh đập, xúc phạm nhân phẩm hoặc cản trở đời sống bình thường của người LGBT. Do vậy, cần có những quy định cụ thể, đầy đủ về quyền riêng tư để đảm bảo cho người LGBT được bảo vệ, tôn trọng và được đối xử bình đẳng như những người khác trong xã hội.
2. Các chính sách bảo vệ đối tượng trẻ em là LGBT, nhất là trẻ em LGBT lang thang, cơ nhỡ còn thiếu trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Việc bộc lộ xu hướng tính dục hay bản dạng giới ở mỗi người không giống nhau. Có người nhận thức được đầy đủ xu hướng của mình ngay từ nhỏ nhưng có người phải đến khi trưởng thành mới nhận thức rõ ràng. Trong bối cảnh đó, có nhiều trẻ em chưa thành niên cũng đã nhận thức được về sự khác biệt của bản thân mình. Nghiên cứu định tính về trẻ em đường phố LGBT năm 2012 của Viện iSEE cho thấy, trẻ em LGBT đường phố thường bỏ nhà đi vì không chịu nổi sự kỳ thị và bạo lực trong gia đình khi bố mẹ biết về giới tính của các em[3].
Lý do mà cha mẹ không chấp nhận tình dục đồng giới vì cho rằng đó là “thứ” bệnh hoạn, băng hoại đạo đức, một bệnh lây truyền cần phải rũ bỏ. Tuy nhiên, cũng nhiều em bỏ nhà đi bụi vì cảm giác trống trải không có ai chia sẻ, đồng cảm về xu hướng tính dục của mình (xem ví dụ Hộp số 11). Nhất là ở môi trường nông thôn, các em luôn có cảm giác cô độc với cộng đồng xung quanh, luôn thắc mắc, nghi vấn về bản thân mình do hầu như không có cơ hội tiếp nhận thông tin về đa dạng tình dục, không có cơ hội gặp gỡ những người đồng tính như mình.
Viện iSEE đã phỏng vấn 23 trẻ em LGBT đường phố thì có đến 21 em thể hiện các mức độ trầm cảm và cô đơn, 13 em đã từng rạch cơ thể mình, thường là dùng lưỡi dao lam cứa vào tay[4]. Khi lên thành phố và được gặp gỡ các bạn đồng tính khiến các em có cuộc sống cân bằng hơn, mặc dù túng thiếu và rủi ro nhiều hơn. Xem ví dụ dưới đây:
“Mẹ em cằn nhằn: mày là thứ gì chứ không phải là người”; “Bố em vừa đánh vừa mắng: tao lo cho mày như bao nhiêu đứa khác mà tại sao mày lại như vậy”; “Lúc cả nhà ngủ say, bố em lấy kéo cắt tóc em. Em tỉnh dậy khóc: lấy kéo đâm chết con đi chứ sao làm vậy”… Đó là những câu chuyện được kể về sự thô bạo (hoặc đơn giản chỉ là vô tâm) trong cách người khác nhìn về giới tính của những cô cậu bé thiếu may mắn này.
Thậm chí, đôi khi sự miệt thị lại đến từ những việc tưởng như rất bất ngờ theo kiểu “Người ta vận động mấy thiếu nhi trong xóm tham gia một phong trào chung. Mình cũng muốn vào, họ nói thẳng là không chấp nhận pêđê”. Hoặc “người quản lý trường nói: vào học thì chỉ nhận một là nam, hai là nữ. Em bị xếp ở giữa nên không ai nhận hết”.Thông tin tại Hội thảo “Thúc đẩy, bảo vệ quyền của trẻ em đường phố đồng tính, song tính và chuyển giới” tổ chức tại Thành phố Hà Nội vào ngày 31-5-2012.”
Trong nghiên cứu nói trên, tất cả các em sống ở công viên đều hành nghề mại dâm ở những cấp độ khác nhau. Với một số em chuyển giới từ nam sang nữ và “phem” (từ lóng chỉ đồng tính nữ) thì việc “làm gà” (từ lóng chỉ hành nghề mại dâm) đơn giản chỉ là chuyện cơm bữa. Các em thoát khỏi bạo lực gia đình nhưng lại rơi ngay vào cạm bẫy đường phố, bị đánh đập, hiếp dâm, bị ép bán dâm, bị trấn lột hoặc đói khát, ốm đau. Vì không có tiền, không có giấy tờ nên các em thậm chí không có một chỗ ngủ ổn định, dài hạn. Các em thường thuê nhà theo ngày và sống chung với nhau. Hoặc bí bách có thể “đi bụi” ở công viên, vỉa hè. Do ăn ngủ thất thường, đa số các em đều bị chứng đau dạ dày và kiệt sức.
Tuy nhiên, các em cũng không có tiền đi khám bệnh mà chỉ tự “mô tả” cho người bán thuốc “chẩn đoán” và “kê đơn”. Lili – chuyển giới nữ cho biết[5]: “Em và mấy bạn đồng tính nữ có bề ngoài như nam giới còn sợ đi khám, vì luôn bị soi xét này nọ, hỏi mày là nam hay nữ, sao nữ mà không ra nữ, bố mẹ chúng mày thật bất hạnh… Nếu mà bị bệnh lây truyền qua đường tình dục thì tốt nhất là nên tự nhờ mấy bạn từng bị các triệu chứng như vậy tự “kê đơn” rồi đi mua thuốc. Vì đi khám, nếu họ biết tụi em quan hệ đồng tính là họ nhăn mặt kinh tởm.
Có bạn từng bị đuổi khỏi phòng khám vì “tao không khám cho cái lũ dị hợm”[6]. Có bạn lại bị đẩy từ phòng nam khoa sang phụ khoa và ngược lại chỉ vì các bác sĩ không khám cho “bán nam bán nữ”. Ngoài ra, việc bán dâm hoặc quan hệ tình dục với nhiều bạn tình không an toàn khiến các em có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (ví dụ HIV) rất lớn. Tuy nhiên, do không có tiền, các em lại tiếp tục chịu đựng.
Có thể nhận thấy sự kỳ thị từ trong gia đình và ngoài xã hội đã đẩy các em LGBT ra đường phố, cô lập các em, khiến các em chịu nhiều rủi ro và đau khổ. Trong khi đa số trẻ em được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của gia đình, vẫn có những trẻ em đang chịu sự phân biệt đối xử ngay chính từ những người thân yêu nhất. Đến trường, các em cũng có thể bị bạn bè bắt nạt, kỳ thị, và chịu sự phân biệt đối xử từ chính giáo viên và những người xung quanh.
Cuộc sống đường phố đã tách các em ra khỏi các quyền cơ bản của trẻ em: quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, được chăm sóc y tế và được học tập; đồng thời đặt các em trước nhiều nguy cơ bị lạm dụng tình dục, bấp bênh về việc làm trong tương lai. Có thể nói, trẻ em lang thang LGBT là những trẻ em “ba lần dễ bị tổn thương”: là trẻ em, sống lang thang, và là người LGBT[7]. Có thể thấy các chính sách, chương trình của Chính phủ chưa có sự ghi nhận một cách rõ ràng về sự tồn tại của trẻ em nói chung, và với cộng đồng LGBT nói riêng để đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả mọi người. Có lẽ đã đến lúc ở Việt Nam chúng ta cần bàn lại nhu cầu của nhóm trẻ em và những người LGBT[8].
Bản thân trẻ em đường phố đã khó bảo vệ, nếu là trẻ thuộc nhóm LGBT lại càng bị lạm dụng, kỳ thị hơn trong thực tế so với các đối tượng trẻ em khác. Điều này cho thấy, pháp luật (mà quan trọng nhất là Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004) cần có sự hoàn thiện hơn nữa về mặt quy định cũng như cơ chế thực thi để có thể thực sự bảo vệ nhóm đối tượng trẻ em LGBT.
3. Sự khó khăn trong tiếp cận pháp luật, trợ giúp pháp lý của người LGBT
Tiếp cận pháp luật và trợ giúp pháp lý hiện đang là những vấn đề được xã hội rất quan tâm và nhà nước càng ngày mong muốn đặt ra những chuẩn tiếp cận đối với những vấn đề này[9]. Về cơ bản, người LGBT cũng là một trong những đối tượng có quyền tiếp cận pháp luật, tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Đối với dịch vụ trợ giúp pháp lý thì trẻ em, người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số hay phụ nữ là người LGBT đều có thể là đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý của cộng đồng LBGT đang gặp những hạn chế nhất định:
– Những hiểu biết và quan niệm về cộng đồng LGBT hiện nay đã cởi mở và có nhiều tiến bộ. Bên cạnh đó, vẫn còn những hiểu biết, quan niệm sai lầm về cộng đồng LGBT của những người dị tính cũng như của chính một số người LGBT. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc công khai giới tính, xu hướng của họ (tâm lý e ngại, sợ sệt khi công khai).
Tâm lý này cũng ngăn cản người LGBT tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Chính vì vậy, mặc dù người LGBT là những đối tượng dễ bị kỳ thị, bạo hành, bạo lực hoặc cần được hỗ trợ pháp lý trong các quan hệ xã hội có mâu thuẫn, tranh chấp nhưng thực tế không được trợ giúp pháp lý do vấn đề tâm lý. Ngược lại, hoạt động trợ giúp pháp lý cũng chưa có những giải pháp hiệu quả để phát hiện nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân nói chung và người LGBT nói riêng. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý trong cộng đồng LGBT.
– Các tổ chức, hoạt động, dự án liên quan đến người LGBT sẽ là một phương tiện hỗ trợ đắc lực trong thực hiện trợ giúp pháp lý cho cộng đồng này. Tuy nhiên, hiện nay, các tổ chức, hoạt động, dự án này mới chỉ có thể tập trung ở những thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội,… Điều này có thể sẽ dẫn đến những hạn chế trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý của người LGBT ở khu vực khác.
– Bản thân người LGBT cũng có thể trở thành đối tượng được trợ giúp pháp lý nhưng không phải là tất cả (vì chỉ dành cho trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ… với những điều kiện nhất định). Quy định về trợ giúp pháp lý miễn phí hiện nay đối với vấn đề bạo lực gia đình cũng chỉ áp dụng cho nữ giới.[10].
Vì hầu hết người LGBT sống khép kín nên khó liệt kê được đầy đủ những vấn đề mà cộng đồng LGBT cần trợ giúp pháp lý. Theo những quan sát, tìm hiểu và tham vấn một nhóm LGBT của nhóm nghiên cứu, một số vấn đề chính mà cộng đồng LGBT có thể gặp và cần sự trợ giúp pháp luật như: phẫu thuật chuyển giới và xác định lại giới tính khác nhau như thế nào?, bồi thường thiệt hại về tổn thương danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng; các quy định về hôn nhân gia đình, con nuôi; chế độ tài sản; đặc biệt là vấn đề phân biệt đối xử, kỳ thị; bạo lực gia đình…
Trong số 100 người LGBT được nhóm nghiên cứu tham vấn, có 37/100 người (trong số đó có 27 người không thuộc diện trợ giúp pháp lý theo quy định hiện hành) mong muốn hoạt động trợ giúp miễn phí được áp dụng cho tất cả người LGBT. Nếu coi khung pháp luật, chính sách là công cụ để thực hiện trợ giúp pháp lý thì có một vấn đề dễ thấy là chúng ta đang thiếu công cụ để thực hiện trợ giúp pháp lý đối với cộng đồng LGBT. Tính đến thời điểm này, các quy định pháp luật, chính sách đối với cộng đồng LGBT vẫn chưa đầy đủ tại Việt Nam. Vai trò của việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng LGBT không chỉ dừng lại ở việc trợ giúp những vấn đề, lĩnh vực cụ thể mà còn phải nhìn nhận trên phạm vi rộng hơn, bao gồm cả việc thúc đẩy xây dựng, sửa đổi pháp luật liên quan đến cộng đồng LGBT.
Một điểm nữa có thể đề cập đó là, việc tiếp cận pháp luật của người LGBT trên thực tế còn khá hạn chế. Trong số 100 người LGBT được nhóm nghiên cứu tham vấn có đến 66/100 người cho biết chưa bao giờ tìm hiểu pháp luật và nhiều khi có nhiều quan hệ phát sinh trong thực tế nhưng không biết phải làm như thế nào, không biết hỏi ai (ngại hỏi vì sợ người khác biết mình là LGBT), thiếu thông tin pháp luật… Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hạn chế trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý của người LGBT. Bên cạnh đó, theo kết quả của Chỉ số công lý năm 2012[11] cũng cho thấy người yếu thế nói chung và người đồng tính nói riêng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận công lý so với các đối tượng khác.
Mặc dù hiện nay đã có chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở đã được ban hành nhưng chưa thực sự đi vào bản chất. Điều 5 của Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24-1-2013 quy định 08 tiêu chí tiếp cận pháp luật như sau: Tiêu chí về giải quyết các vụ việc hành chính, tư pháp; Tiêu chí về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường; Tiêu chí về phổ biến, giáo dục pháp luật; Tiêu chí về trợ giúp pháp lý; Tiêu chí về thực hiện dân chủ ở xã, phường; Tiêu chí về thiết chế tiếp cận pháp luật của xã hội; Tiêu chí về bộ máy bảo đảm thực hiện thiết chế pháp luật và Tiêu chí về kinh phí và cơ sở vật chất. Có thể nhận thấy những tiêu chí này chủ yếu đánh giá tiêu chuẩn về phía cơ quan nhà nước (tỉ lệ giải quyết vụ việc cho người dân, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện dân chủ ở cấp xã, xây dựng hương ước, công khai, bộ máy….) mà chưa có tiêu chí hoặc biện pháp đánh giá xem liệu tỉ lệ người dân biết đến pháp luật, tiếp cận pháp luật, hiểu biết pháp luật trong địa bàn là bao nhiêu. Điều này càng quan trọng đối với nhóm người LGBT khi họ thiếu những thiết chế để bảo vệ vì những đặc thù riêng về con người, tâm lý cũng như thái độ của xã hội đối với họ.
4. Một số khuyến nghị
Thứ nhất, về vấn đề bí mật đời tư của người LGBT.
Như đã phân tích ở phần trên, pháp luật hiện hành chỉ đề cập đến một số vấn đề như bí mật đời tư, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật thư tín… Trong bối cảnh hiện nay, việc ghi nhận bằng cách liệt kê như vậy đã không còn phù hợp và chưa theo kịp với thực tiễn của đời sống xã hội. Trên thế giới đã ghi nhận một quyền chung là Quyền riêng tư[12]. Về mặt khái niệm[13], có thể hiểu Quyền riêng tư là quyền của các cá nhân được phép giữ kín những thông tin, tư liệu, dữ liệu gắn liền với cuộc sống riêng tư của mình, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về nơi ở, về thư tín, điện thoại, điện tín và các thông tin điện tử khác mà không một chủ thể nào có quyền tiếp cận, công khai trừ trường hợp được chính người này đồng ý hoặc được bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, Quyền riêng tư có nội hàm rộng hơn Quyền bí mật đời tư trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Dưới góc độ pháp luật quốc tế, các văn bản như: Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người năm 1948 (Điều 12), Công ước Nhân quyền châu Âu năm 1950 (Điều 8), Tuyên bố Châu Mỹ về Quyền và trách nhiệm của con người năm 1965, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Điều 17), Công ước của Hội đồng châu Âu 1981 về bảo vệ cá nhân đối với việc xử lý tự động của dữ liệu cá nhân (COE)[14]… Các văn bản này đã khẳng định sự riêng tư, quyền riêng tư của công dân được bảo hộ, bảo đảm thực thi, không chỉ đề cập đến quyền bí mật đời tư hay riêng tư về nơi ở, thư tín… Như vậy, có thể nhận thấy xu hướng ghi nhận Quyền riêng tư đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Trong hệ thống pháp luật các nước trên thế giới có nhiều mô hình xây dựng pháp luật về Quyền riêng tư và đã khẳng định được đầy đủ nội dung của quyền này.
Hiện nay, các quy định của pháp luật hiện hành chưa thể hiện hết nội hàm Quyền riêng tư và còn khá chung chung. Vì vậy, cần ghi nhận đầy đủ Quyền riêng tư trong hệ thống pháp luật Việt Nam (Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành).Tôn trọng Quyền riêng tư là một yêu cầu tất yếu đặt ra cho tất cả mọi người, buộc mọi người phải tuân thủ. Ví dụ như đối với người LGBT cần xem xét kĩ lưỡng hơn vấn đề Quyền riêng tư để có những quy định phù hợp vì trong quan điểm chung của xã hội, người LGBT được xem như một hiện tượng kỳ lạ, khác biệt với số đông nhân loại còn lại, đời sống riêng tư của họ không thể tránh khỏi sự tò mò, soi mói của người khác. Đó là các hành vi vi phạm quyền riêng tư của con người. Ở một mức độ khác, sự xâm phạm Quyền riêng tư trên có thể kèm theo các hành vi tiêu cực như đánh đập, xúc phạm nhân phẩm hoặc cản trở đời sống bình thường của người LGBT.
Do vậy, cần có những quy định cụ thể, về tôn trọng quyền riêng để đảm bảo cho người LGBT sống một cuộc sống bình thường, được tôn trọng và được đối xử bình đẳng như những người khác. Với ví dụ này có thể nhận thấy việc quy định Quyền riêng tư là điều cần thiết phải được hoàn thiện trong thời gian tới (Bộ luật Dân sự 2005 và các văn bản có liên quan). Theo đó, Bộ luật Dân sự sửa đổi (đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo) nên quy định một Điều về Quyền riêng tư (thông tin cá nhân, cơ thể, thông tin liên lạc, nơi cư trú) thay thế cho Điều 38 về quyền bí mật đời tư và tiếp tục giữ lại Điều về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Tiếp theo đó, có thể ban hành một Luật về Quyền riêng tư với các nội dung chính:
– Sự riêng tư về thông tin cá nhân: bao gồm việc ban hành các quy tắc quản lý trong việc thu thập và xử lý các dữ liệu cá nhân như thông tin tín dụng, hồ sơ y tế và các hồ sơ của chính quyền lưu trữ về công dân đó. Nó còn được gọi là “bảo vệ dữ liệu”.
– Sự riêng tư về cơ thể: liên quan đến việc bảo vệ thân thể (vật chất) của người dân đối với hình thức xâm hại như xét nghiệm di truyền, thử nghiệm ma túy và thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể.
– Sự riêng tư về thông tin liên lạc: bao gồm bảo mật và riêng tư về thư từ, bưu phẩm, điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền thông khác.
– Sự riêng tư về nơi cư trú: liên quan đến việc ban hành các giới hạn đối với sự xâm nhập vào môi trường sống của cá nhân, nơi làm việc hoặc không gian công cộng. Điều này bao gồm tìm kiếm thông tin, theo dõi bằng video và kiểm tra giấy tờ tùy thân.
– Các trường hợp tiếp cận, thu giữ, kiểm soát thông tin về sự riêng tư cá nhân của cơ quan Nhà nước.
Thứ hai, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể hơn, hiệu quả hơn để có thể bảo vệ, chăm sóc trẻ em LGBT và phòng chống bạo lực gia đình đối với người LGBT trong thực tế.
– Đối với vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em LGBT, chúng tôi cho rằng nên sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và các văn bản pháp luật có liên quan để góp phần bảo vệ nhóm đối tượng này, đáp ứng yêu cầu của thực tế đang đặt ra. Ví dụ như có thể xem trẻ em LGBT là một trong những đối tượng của nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đặt ra các yêu cầu về chính sách, đối xử, tạo điều kiện trong đời sống xã hội… Có thể xem xét nhân rộng mô hình làm việc với trẻ em đường phố (tiếp cận, hướng trẻ em đường phố đến các mái ấm, nhà mở, lưu xá, trung tâm hướng nghiệp…).
– Đối với vấn đề bạo lực gia đình đối với người LGBT cần có những quy định xử lý vi phạm mạnh hơn, quan tâm xây dựng cơ chế phát hiện hiện tượng bạo lực gia đình đối với người LGBT hữu hiệu hơn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức đúng đắn về người LGBT để giảm bớt bạo lực gia đình đối với họ… Cần sử dụng có hiệu quả hơn nữa các công cụ trợ giúp pháp lý cho người LGBT bị bạo lực gia đình (có thể xem thêm ở phần dưới). Thực tế không phải chỉ riêng đối với người LGBT, vấn đề bạo lực gia đình là sự nhức nhối trong toàn xã hội hiện nay. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, vận động đối với vấn đề bạo lực gia đình rất quan trọng và cần có thời gian lâu dài.
Thứ ba, về vấn đề tiếp cận pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người LGBT.
Nhóm nghiên cứu cho rằng cần có những giải pháp thiết thực hơn để giúp cho người LGBT có thể tiếp cận với pháp luật nhiều hơn, biết được các quyền của mình nhiều hơn. Ví dụ như, các cơ quan nhà nước có thể kết hợp với các nhóm, trung tâm, tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền của người LGBT để tuyên truyền pháp luật, đưa pháp luật đến với người LGBT, khảo sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người LGBT. Điều này sẽ hiệu quả hơn các chương trình tuyên truyền thông thường vì bản thân người LGBT vốn ngại công khai bản thân với xã hội và thường chỉ tin tưởng các nhóm, tổ chức hoạt động liên quan đến cộng đồng LGBT. Qua đó càng cho thấy đối với mỗi đối tượng đặc thù khác nhau thì nên có hình thức tuyên truyền, phổ biến khác nhau. Hiệu quả, tỉ lệ người dân tiếp cận được pháp luật cũng nên là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở.
Đối với hoạt động trợ giúp pháp lý cho người LGBT, như đã nêu ở trên, một số ý kiến cho rằng nên áp dụng chế độ trợ giúp pháp lý miễn phí cho toàn bộ cá nhân trong cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc mở rộng phạm vi đối tượng như vậy là không thực sự hợp lý và không cần thiết (thực tế cho thấy nhiều người LGBT có nhà ở, có tài sản… nên không cần được miễn phí trợ giúp pháp lý). Chính vì vậy, bản thân người LGBT là người có công với cách mạng, người già, trẻ em… với những điều kiện nhất định hoàn toàn có thể được trợ giúp pháp lý miễn phí. Riêng đối với vấn đề bạo lực gia đình, nên mở rộng phạm vi đối tượng đối với tất cả người LGBT bị bạo lực gia đình chứ không chỉ riêng đối tượng phụ nữ như quy định hiện nay.
Bên cạnh đó, ngoài dịch vụ của Nhà nước cũng cần phát huy hoạt động trợ giúp pháp lý của các tổ chức xã hội dân sự. Phải đảm bảo tính thân thiện, dễ tiếp cận, đa dạng hóa các hình thức, cách thức cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý: trợ giúp lưu động, đường dây điện thoại, diễn đàn, hoạt động của cộng tác viên. Bên cạnh đó cần quan tâm đến việc xây dựng những quy chuẩn trong cách thức tiếp cận đối tượng và vấn đề trợ giúp pháp lý… Cần kết hợp việc thực hiện trợ giúp pháp lý và công tác thúc đẩy xây dựng, sửa đổi pháp luật chính sách, cũng như phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chính sách với cộng đồng đặc biệt các đối tượng có khả năng tự bảo vệ mình; xem xét phối hợp, trao đổi sự giúp đỡ với các đoàn thể, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân có khả năng thực hiện trợ giúp pháp lý một cách chuyên nghiệp (ví dụ như luật sư) tại cơ sở của cộng đồng LGBT./.
Trương Hồng Quang – Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1] Xem: Privacy and human righgts An International Survey of Privacy Laws and Practice, Online: http://gilc.org/privacy/survey/intro.html.
[2] Xem thêm: ThS. Thái Thị Tuyết Dung, Quyền riêng tư trong thời đại công nghệ thông tin, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 9-2012, tr. 14-21.
[3] Xem: Trẻ em đường phố đồng tính: trùng điệp những rủi ro, http://danviet.vn/loi-song-suc-khoe/tre-em-duong-pho-dong-tinh-trung-diep-nhung-rui-ro/141342p1c31.htm, ngày 06-6-2013.
[4] Xem: Trẻ em đường phố đồng tính: trùng điệp những rủi ro, http://danviet.vn/loi-song-suc-khoe/tre-em-duong-pho-dong-tinh-trung-diep-nhung-rui-ro/141342p1c31.htm, ngày 06-6-2013.
[5] Xem: Báo cáo nghiên cứu định tính về trẻ em đường phố LGBT năm 2012 của Viện iSEE.
[6] Xem: Báo cáo nghiên cứu định tính về trẻ em đường phố LGBT năm 2012 của Viện iSEE.
[7] Xem: http://www.isee.org.vn/news/2012/05/cuoc-song-ben-le-cau-chuyen-cua-tre-em-duong-pho-lgbt, ngày 28-5-2012
[8] Phát biểu của bà Lê Hồng Loan (đại diện Unicef tại Việt Nam) tại Hội thảo “Thúc đẩy và bảo vệ quyền của trẻ em đường phố đồng tính, song tính và chuyển giới” do Viện iSEE tổ chức tháng 6-2012.
[9] Ví dụ như trong năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24-1-2013 ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Tiếp theo đó, các địa phương trong cả nước cũng ban hành Kế hoạch để triển khai Quyết định này.
[10] Điều 12, Thông tư số 07/2011/TT-BTP ngày 31-3-2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ và hoạt động trợ giúp pháp lý.
[11] Chỉ số này được tiến hành được tổng hợp từ bảng hỏi trực tiếp với 5.045 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 19 tỉnh thành khác trên cả nước. Nội dung của bảng hỏi xoay quanh ý kiến của người dân về hiệu quả thực thi pháp luật và bảo vệ công lý tại địa phương trong các tranh chấp khiếu nại và giải quyết các thủ tục hành chính công. Chỉ số công lý dựa trên 5 nội dung cơ bản: Khả năng tiếp cận của người dân, sự công bằng, sự liêm chính, tin cậy và hiệu quả, và cuối cùng là việc đảm bảo các quyền cơ bản theo quy định của hiến pháp. Theo kết quả của chỉ số công lý 2012, nhóm người nghèo, người yếu thế gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận công lý. Xem: Tuấn Ngọc, Người đồng tính, người có HIV và người nghèo khó tiếp cận công lý, http://motthegioi.vn/cau-vong-luc-sac/nguoi-dong-tinh-nguoi-co-hiv-va-nguoi-ngheo-kho-tiep-can-cong-ly-16359.html, truy cập ngày 7-1-2014.
[12] Xem: Trương Hồng Quang, Hoàn thiện quy định về Quyền con người, Quyền công dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 5, tháng 3-2013.
[13] Xem khái niệm này tại: ThS. Thái Thị Tuyết Dung, Quyền riêng tư trong thời đại công nghệ thông tin, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 9-2012, tr.14-21.
[14] Xem thêm nội dung chính của các văn bản này ở tài liệu: ThS. Thái Thị Tuyết Dung, Quyền riêng tư trong thời đại công nghệ thông tin, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 9-2012, tr.14-21.
Tham khảo thêm các bài viết:
- Tìm hiểu về nhận thức và thực hiện pháp luật về bình đẳng giới ở nước ta hiện nay
- Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật
- Quyền của phụ nữ nông thôn trong nông lâm ngư nghiệp dưới góc độ bình đẳng giới
- Bình đẳng giới thông qua Công ước Cedaw 1979 và Luật Bình đẳng giới ở Việt Nam
- Xâm phạm quyền riêng tư cá nhân
- Thế nào là vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh riêng tư