Quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng trong pháp luật dân sự của Việt Nam qua các thời kỳ

Quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng trong pháp luật dân sự của Việt Nam qua các thời kỳ

Chế định thừa kế có gắn bó mật thiết với chế định sở hữu trong pháp luật dân sự, bởi lẽ việc quy định về chế độ sở hữu của cá nhân trong luật dân sự sẽ chi phối đến việc thiết kế nên chế định thừa kế. Ở nước ta, Bộ Quốc triều hình luật, Bộ luật Gia Long thời kỳ Nhà nước phong kiến và cả Bộ dân luật Bắc kỳ, Bộ dân luật Trung kỳ thời kỳ Pháp thuộc đều không đưa ra quy định di sản là gì. Nguyên nhân có lẽ là do trong các Bộ luật trên, Nhà nước đều đã thừa nhận chế độ sở hữu của cá nhân về đất đai tồn tại song song với các hình thức sở hữu khác. Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, những điều kiện về chính trị, về lịch sử và ý thức hệ tư tưởng nên pháp luật quy định về chế độ sở hữu của cá nhân có những đặc thù và thay đổi phù hợp với từng giai đoạn lịch sử nhất định, ảnh hưởng tới việc quy định và xác định di sản thừa kế. Thông tư số 594-NCPL ngày 27-8-1968 xác định:

Di sản thừa kế bao gồm không những quyền sở hữu cá nhân về những tài sản mà người chết đó để lại mà còn gồm cả những quyền tài sản và nghĩa vụ tài sản phát sinh do quan hệ hợp đồng hoặc do việc gây thiệt hai mà người chết để lại ”.  

Theo quy định tại Phần II Thông tư số 81-TANDTC ngày 24-7-1981 của Toà án nhân dân tối cao thì di sản thừa kế bao gồm: 

– Các tài sản thuộc quyền sở hữu của người để thừa kế về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt và những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ.

– Các quyền về tài sản mà người để thừa kế được hưởng theo quan hệ hợp đồng hoặc do được bồi thường thiệt hại.

– Các nghĩa vụ về tài sản của người để thừa kế phát sinh do quan hệ hợp đồng, do việc gây thiệt hại hoặc do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ví dụ: Một món nợ, một khoản bồi thường thiệt hại v. v…).

Quy định của Thông tư số 81 nói trên thực ra chỉ là cụ thể hóa quy định tại Thông tư 594 được ban hành trước đó. Theo đó, nội dung di sản thừa kế được hiểu là gồm cả nghĩa vụ về tài sản của người để lại thừa kế. Tuy nhiên, có một đặc điểm dễ thấy là quyền sử dụng đất không phải là di sản thừa kế, và ngay cả những công cụ sản xuất lớn cũng không phải là di sản thừa kế, ví dụ, như trâu, bò là những nguồn sức kéo chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, không thuộc sở hữu cá nhân nên không thể là di sản thừa kế.

Quy định này xuất phát từ sự chi phối của Hiến pháp năm 1980 và nền kinh tế nước ta thời kỳ này theo mô hình hợp tác xã nên những tư liệu sản xuất chính sẽ không thuộc sở hữu cá nhân và hình thức sở hữu tập thể trong giai đoạn này được đề cao tuyệt đối. Và do những đặc thù về ý thức hệ tư tưởng, điều kiện chính trị lịch sử trong nền kinh tế sản xuất nói trên nên vấn đề di sản dùng vào việc thờ cúng không được đặt ra. 

Theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh Thừa kế thì: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác, quyền về  tài sản do người chết để lại“. Như vậy, Pháp lệnh Thừa kế đã loại bỏ nghĩa vụ về tài sản của người để lại thừa kế ra khỏi di sản thừa kế. Nghĩa vụ về tài sản sẽ được trừ đi khi xác định di sản, phần còn lại mới được tính là di sản thừa kế. Mặc dù, Pháp lệnh không chỉ rõ, nhưng theo Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân tối cao hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thừa kế thì quyền sử dụng đất vẫn không phải là di sản thừa kế. Hiến Pháp năm 1992 được ban hành thay thế Hiến pháp năm1980, đã ghi nhận công dân được quyền chuyển quyền sử dụng đất do Nhà nước giao và phải đến khi Luật đất đai năm 1993 được ban hành thừa nhận công dân có quyền để lại di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, thì từ thời điểm này (ngày 15/10/1993) di sản thừa kế mới bao gồm cả quyền sử dụng đất.

Ngày 01/7/1996, Bộ luật Dân sự năm 1995 có hiệu lực thi hành, tại Điều 637 quy định:

1- Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. 2- Quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế và được để lại thừa kế theo quy định tại Phần thứ năm của Bộ luật này“.

Tuy nhiên, không phải tất cả các loại đất được Nhà nước giao đều được để lại thừa kế vì theo quy định tại Điều 744 Bộ luật Dân sự năm 1995:

Hộ gia đình được Nhà nước giao đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản, nếu trong hộ có thành viên chết, thì các thành viên khác trong hộ được quyền tiếp tục sử dụng đất do Nhà nước giao cho hộ đó; nếu trong hộ gia đình không còn thành viên nào, thì Nhà nước thu hồi đất đó“.

Nếu một cá nhân là thành viên trong một hộ gia đình, về mặt pháp lý người đó có quyền sử dụng đất đối với một phần diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản trong tổng diện tích đất của cả hộ (vì diện tích đất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản được giao dựa trên số nhân khẩu trong hộ) nhưng nếu người đó chết đi thì phần diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản của người ấy không được coi là di sản thừa kế.

Như vậy, mặt nội hàm của di sản thừa kế của cá nhân vẫn bị Nhà nước hạn chế các quyền tài sản mà Nhà nước đã thừa nhận cho cá nhân hay nói cách khác cá nhân bị hạn chế trong quyền để lại di sản thừa kế của mình. Ngoài ra, với khái niệm về tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 1995 thì các tài sản sẽ có trong tương lai cũng không thể là di sản vì nó chưa được ghi nhận là tài sản thì cũng không thể là di sản. Từ vấn đề di sản thừa kế đã nêu ở trên thì di sản dùng vào việc thờ cúng đã được quy định như thế nào? 

1. Di sản dùng vào việc thờ cúng

Trong Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long, các nhà làm luật đều dùng thuật ngữ “phần hương hoả” hoặc “ruộng đất hương hoả” nhưng nội dung của hương hoả bao gồm những tài sản gì thì không được quy định rõ. Điều 388 Quốc triều Hình luật ghi: “Cha mẹ mất cả, có ruộng đất, chưa kịp để lại chúc thư, mà anh chị em tự chia nhau, thì lấy một phần 20 số ruộng đất làm phần hương hoả, giao cho người con trai trưởng giữ; còn thì chia nhau. Phần con của vợ lẽ, nàng hầu, thì phải kém. Nếu đã có lệnh của cha mẹ và chúc thư; thì phải theo đúng, trái thì phải mất phần mình“[1].

Như vậy, phần hương hoả theo quy định của Quốc triều Hình luật chỉ là một phần ruộng đất trong tổng số ruộng đất của người chết để lại, nói cách khác nội dung điều luật đã ghi rõ phần hương hoả chỉ có một loại tài sản là ruộng đất chứ vàng, bạc hay tiền đều không được đề cập, các đồ thờ cúng như bộ Ngũ sự (hay Tam sự), bàn thờ, đỉnh trầm, mâm bồng, khán sơn son thếp vàng, bát hương có phải là hương hoả không cũng không thấy ghi nhận.

Theo quy định của luật lệ thời kỳ này thì thờ cúng tổ tiên là một quy định bắt buộc, đảm bảo cho việc thực hiện chữ “Hiếu“. Có lẽ người xưa quan niệm rằng những đồ thờ cúng là đương nhiên phải có hoặc là do điều kiện kinh tế nên có gia đình sắm được cả bộ ngũ sự, tam sự, gia đình khác lại không có nên không cần quy định về vấn đề này một cách cứng nhắc; và ở thời kỳ này ruộng đất là tài sản có giá trị nhất và phổ biến nhất còn vàng, bạc thì không phải ai cũng có và thời kỳ này cũng chưa có một sự phân chia tài sản thế nào là động sản, bất động sản như ngày nay. 

Các nhà thiết kế nên Bộ dân luật Bắc kỳ và Bộ dân luật Trung kỳ dùng khái niệm “Hương hoả” và trong nội dung điều luật đã phân định rõ về những gì đươc gọi là hương hoả. 

Điều thứ 394 Bộ dân luật Bắc kỳ (Dân luật thi hành tại các Toà nam án Bắc kỳ) quy định: “Hương hoả là phần động sản hay bất động sản dùng để thờ cúng một người và vợ hay chồng cùng là gia tiên bên nội người ấy.

Hương hoả là gồm cả các tài sản có thể sinh lời để giữ việc phụng thờ dù người mệnh một thuộc về tôn giáo nào mặc lòng“.

Điều thứ 400 Bộ Dân luật Trung kỳ (Hoàng việt Trung kỳ Hộ luật) quy định: “Của hương hoả là một phần động sản hay bất động sản trong gia tài dùng để thờ cúng một người và vợ hay chồng cùng là gia tiên bên nội người ấy.

Những tài sản gì có thể sanh lợi dễ, dùng về việc phụng thờ đều có thể lấy để lập hương hoả, dù người mệnh một thuộc về tôn giáo nào cũng vậy “.

Theo nội dung của hai điều luật trên thì “Hương hoả” bao gồm cả những tài sản là động sản và những tài sản là bất động sản. Có quy định trên là do các nhà làm luật chịu ảnh hưởng của pháp luật dân sự Pháp nhằm giúp cho mọi người hiểu rõ nội hàm của khái niệm “Hương hoả“. Theo đó, di sản thờ cúng ở đây bao gồm cả những tài sản là các đồ vật phục vụ trực tiếp cho hoạt động thờ cúng (đồ thờ cúng) như đỉnh trầm, bộ Ngũ sự hoặc Tam sự, bát hương, mâm bồng, chén rượu, đĩa chén… và cả những tài sản có khả năng sinh lợi để lấy nguồn thu chi phí cho việc thờ cúng và chi phí cho người có trách nhiệm thờ cúng chứ không giới hạn chỉ là những tài sản có khả năng sinh lời để lấy nguồn thu chi phí cho hoạt động thờ cúng.

Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, Bộ luật Dân sự năm 1995 dùng thuật ngữ “Di sản dùng vào việc thờ cúng” nhưng không đưa ra một khái niệm về di sản dùng vào việc thờ cúng và cũng không xác định rõ nội dung của những tài sản nào được coi là di sản thờ cúng. Do đó, người đọc sẽ phải suy đoán dựa trên khái niệm về tài sản quy định tại Điều 172 Bộ luật Dân sự năm 1995: “Tài sản bao gồm vật có thực, tiền giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản“. Theo nội dung của Điều 21 Pháp lệnh Thừa kế và Điều 673 Bộ luật Dân sự năm 1995 thì di sản dùng vào việc thờ cúng có thể là vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và cả các quyền tài sản.

Tuy nhiên, để làm rõ được bản chất của vấn đề, có thể đưa ra một khái niệm về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau: “Di sản dùng vào việc thờ cúng là một phần tài sản của người để lại thừa kế dùng để thờ cúng người đó và tổ tiên của người ấy “. Vấn đề di sản dùng vào việc thờ cúng đã được quy định trong pháp luật dân sự  của nước Việt Nam từ thời kỳ Nhà nước phong kiến cho đến nay, mỗi thời kỳ có những đặc điểm riêng phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội riêng. Việc tìm hiểu các quy định về vấn đề này sẽ có những đóng góp giúp cho việc hoàn thiện các quy định pháp luật về thừa kế trong giai đoạn hiện nay.

2.Thờ cúng và di sản dùng vào việc thờ cúng qua các thời kỳ

2.1. Thời kỳ Nhà nước phong kiến với hai Bộ luật nổi tiếng là Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) và Bộ luật Gia Long (Hoàng Việt luật lệ)

Xem xét các quy định của Bộ Quốc triều Hình luật có rất nhiều quy định chặt chẽ về hình thức và thời gian để tang trong gia đình, trong nội tộc khi một người thân qua đời, cụ thể ở phần “Đồ giải 5 hạng để tang“. Ngoài ra,  Điều 389 Bộ Quốc triều hình luật quy định về người thờ cúng và những  chế tài khi người giữ nhiệm vụ thờ cúng vi phạm nghĩa vụ thờ cúng. Với các quy định trong Quốc triều Hình luật có thể xác định, Thờ cúng tổ tiên đã là một nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi người trong thời kỳ nhà Lê. Việc thờ cúng tổ tiên không phụ thuộc vào việc người để lại thừa kế có để lại di chúc hay không, nếu không có di chúc thì việc thờ cúng các con vẫn phải đảm nhiệm và truyền từ đời này sang đời khác (Điều 388 Quốc triều Hình luật).

Việc thờ cúng và người có nghĩa vụ thờ cúng được quy định theo nguyên tắc ưu tiên cho người con trai trưởng trong gia đình và theo dòng con trai, cháu trai nội, chỉ trong trường hợp người đảm nhận việc thờ cúng không có con trai thì mới dùng con gái trưởng (Điều 391 Quốc triều Hình luật).

Phần hương hoả được xác định theo một lỷ lệ cứng là một phần hai mươi (1/20 = 5%) trên tổng giá trị di sản của người để lại thừa kế, kể cả trong trường hợp: “Như người cha làm trưởng họ lấy ruộng đất mấy nơi làm phần hương hoả, đến khi con làm trưởng họ, thì phải đem những ruộng đất hương hoả của cha nhập cả vào phần các con, chia ra xem mỗi phần được bao nhiêu mới lấy một phần hai mươi làm hương hoả. Cháu làm trưởng họ thì cũng thế. Nhưng khi có trường hợp người nhiều mà ruộng ít, thì phần hương hoả và phần các con cháu, cho được tuỳ tiện mà chia; miễn là thuận tình cả không có sự tranh giành nhau, thì cho tuỳ nghi” (Điều 390)[2].

Đây là một nguyên tắc xuyên suốt và bắt buộc. Trong trường hợp có nhiều người thừa kế mà lại có ít ruộng thì các thừa kế có thể thỏa thuận để lại phần hương hoả ít hơn một phần hai mươi chứ không bao giờ được phép để quá một phần hai mươi di sản thừa kế làm phần hương hoả.

Một trong những quy định mang tính nguyên tắc nữa của Quốc triều Hình luật về di sản dùng vào việc thờ cúng là trong mọi trường hợp con cháu không được phép bán ruộng đất hương hoả.

Đối với Bộ luật Gia Long (Hoàng Việt luật lệ) thì thờ cúng vẫn là một quy định mang tính bắt buộc, vi phạm nghĩa vụ thờ cúng là một tội bất hiếu. Nhưng do chịu ảnh hưởng sâu sắc luật của triều đình Mãn Thanh bên Trung Quốc nên trong Hoàng Việt luật lệ quy định phải chọn trong các con trai, chỉ khi không còn con trai, cháu trai (kể cả bàng hệ hay trực hệ) thì mới gọi giao cho con gái tiếp tục giữ “phần hương hoả” bởi vì quan niệm “Nữ nhi ngoại tộc“.

Tuy nhiên, Hoàng Việt Luật lệ cũng vẫn quy định tỷ lệ di sản được sử dụng làm “phần hương hoả” trên tổng giá trị di sản. Theo quy định tại Lệnh năm thứ  4 đời Thiệu Trị thì phần hương hoả là 3/10 tổng giá trị di sản và cao nhất không được vượt quá 3000 quan tiền hoặc 30 mẫu ruộng. Nhưng cũng lại có quy định, trường hợp di sản thừa kế có giá trị không đáng kể thì có thể để toàn bộ di sản thừa kế làm “Phần hương hoả“.

2.2. Di sản dùng vào việc thờ cúng theo Bộ dân luật Bắc kỳ và Bộ dân luật Trung kỳ

Xem xét các quy định của Bộ dân luật Bắc kỳ, chế định “Của thừa kế phụng tự” quy định tại Thiên thứ XII gồm 3 chương, từ Điều thứ 391 đến Điều thứ  448; Bộ dân luật Trung kỳ với phần “Nói về thừa kế phụng tự” gồm các quy định từ Điều thứ 400 đến Điều thứ 458, đã quy định về thủ tục, hình thức để lại di sản thờ cúng, xác định người có nghĩa vụ thờ cúng trong các trường hợp, quyền và nghĩa vụ của người có nghĩa vụ thờ cúng, các loại di sản thờ cúng và khi nào di sản thờ cúng triệt tiêu. Bộ dân luật Bắc kỳ và Bộ dân luật Trung kỳ, khi quy định về việc thờ cúng tổ tiên đều có chung các đặc điểm sau:

– Không có điều luật nào quy định trực tiếp việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ là một nghĩa vụ bắt buộc. Theo quy định tại Điều thứ 395 Bộ dân luật Bắc kỳ và Điều 401 Bộ dân luật Trung kỳ thì có thể hiểu việc lập “hương hoả” hay không được quyết định bởi ý chí của người để lại di sản thông qua chúc thư hoặc bằng một văn bản riêng hoặc bằng một giấy chia tài sản. Như vậy, nếu như người để lại di sản không để lại chúc thư phân chia thừa kế di sản của mình (thừa kế theo luật) và nếu có chúc thư nhưng không ấn định phần “hương hoả” thì về mặt pháp lý con cháu không phải thờ cúng như là một nghĩa vụ bắt buộc mang tính luật định.

Tuy nhiên, theo đoạn 2 Điều 405 Bộ dân luật Bắc kỳ và đoạn 2 của Điều thứ 412 Bộ dân luật Trung kỳ thì nếu một người đã đảm nhiệm việc thờ cúng (người được lập làm thừa tự) thì việc lập người kế tự để tiếp tục nhiệm vụ thờ cúng là một nghĩa vụ bắt buộc Trong trường hợp này thì thờ cúng là một nghĩa vụ bắt buộc.

 – Về hình thức và thủ tục lập hương hoả: Việc lập hương hoả phải thể hiện bằng văn bản, với ba hình thức: Có thể lập cùng trong chúc thư, có thể ghi rõ trong giấy chia gia tài và có thể lập thành chứng thư riêng. Việc lập hương hoả bằng văn bản phải có chứng thực của công chứng, của viên quản lý thơ khế hoặc của Lý trưởng và phải có chữ ký của cả vợ, chồng người lập hương hoả thì mới có giá trị pháp lý.

– Tiêu chí xác định người nắm giữ hương hoả luôn đề cao nguyên tắc con trai trưởng, cháu trai trưởng, nếu ngành trưởng không có con trai thì đến ngành thứ nhì, thứ ba, thứ tư… theo huyết thống nội tộc. Chỉ trong trường hợp không có con trai thì con gái trưởng mới được lập làm người nắm giữ hương hoả.

– Bộ dân luật Bắc kỳ, Trung kỳ đều có đề cập đến một cơ cấu là Hội đồng gia tộc hay Hội đồng thân thuộc có vai trò rất quan trọng, nhiều trường hợp là quyết định việc lập người thừa tự – người nắm giữ phần hương hoả, đảm nhiệm việc thờ cúng và quyết định số phận của “Hương hỏa”.

– Phần hương hoả được lập trong mọi trường hợp không bao giờ được vượt quá một phần năm tổng giá trị di sản, nếu vượt quá thì phần vượt quá sẽ bị vô hiệu.

– Quyền, nghĩa vụ của người ăn hương hoả (người quản lý di sản thờ cúng) và các căn cứ thay đổi và thủ tục thay đổi người ăn hương hoả di sản thờ cúng được quy định rõ. Những tài sản dùng làm hương hoả thì nghiêm cấm chuyển nhượng hoặc bị tiêu diệt về thời hiệu. Tuy nhiên, cũng có quy định cho phép bán một phần hương hoả để lấy tiền chi phí cho việc sửa sang hương hoả; trong trường hợp  cần thiết và có sự đồng ý của Hội đồng gia tộc có thể cầm cố hoặc bán hương hoả.

– Ngoài việc lập hương hoả và sự tồn tại độc lập của hương hỏa, cá nhân còn có quyền lập Kỵ điền và Hậu điền. Kỵ điền là một phần bất động sản trong gia tài của người lập kỵ điền, việc lập kỵ điền nhằm mục đích để cúng giỗ người có kỵ điền hay người trong thân tộc. Kỵ điền có thể được giao cho cả họ, giao cho một ngành hoặc giao cho môt người. Ngoài việc lập kỵ điền, cá nhân còn có quyền lập ra Hậu điền, Hậu điền cũng là một phần bất động sản nhưng khác với kỵ điền, hậu điền được cúng vào chùa hay một cơ sở tế tự, hoặc cung tiến cho thôn, xã, giáp… để cúng giỗ người lập ra hậu điền hoặc cúng giỗ cha mẹ ông, bà nội ngoại người có hậu điền.

– Bộ Dân luật Bắc kỳ và Bộ Dân luật Trung kỳ đều có quy định về các các căn cứ làm cho hương hoả bị tiêu diệt hoặc chuyển thành tài sản chung.

2.3. Di sản dùng vào việc thờ cúng trước khi có Pháp lệnh Thừa kế và theo Pháp lệnh Thừa kế

Trước khi có Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 thì trong các văn bản pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không có một văn bản chính thức nào đề cập tới vấn đề thờ cúng và di sản dùng vào việc thờ cúng. Trong Thông tư số 81của Tòa án nhân dân tối cao chỉ có một quy định về “Nhà thờ họ:

“- Nhà thờ có từ lâu đời hoặc do các thành viên trong họ đóng góp công sức và tiền của xây dựng nên là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của những người trong họ… nếu có tranh chấp giải quyết theo nguyện vọng chung của các thành viên trong họ; – Nhà thờ do người trưởng họ bỏ tiền ra xây dựng rồi cho họ mượn làm nơi thờ cúng hoặc nhà của người trưởng họ được dành ra một phần diện tích để làm nơi thờ cúng vẫn thuộc quyền sở hữu của người trưởng họ. Nếu người trưởng họ chết, thì nhà này là di sản thừa kế”[3].

Quy định trên dường như chỉ mang ý nghĩa trong việc hướng dẫn về đường lối xét xử loại tài sản là nhà thờ họ chứ không phải là đưa ra một khái niệm về di sản thờ cúng.

Vậy, vấn đề di sản thờ cúng được quy định trong Pháp lệnh Thừa kế như  thế nào? Điều 21 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 quy định di sản dùng vào việc thờ cúng như sau: “Nếu người lập di chúc có để di sản dùng vào việc thờ cúng thì di sản đó được coi như di sản chưa chia. Khi việc thờ cúng không được thực hiện theo di chúc thì những người thừa kế của người để lại di sản dùng vào việc thờ cúng có quyền hưởng di sản đó. Nếu những người thừa kế đó đều đã chết, thì di sản thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 25 và Điều 26 Pháp lệnh này“.

Phân tích điều luật trên cho ta thấy: Nhà làm luật đã không tách biệt giữa di sản thừa kế và di sản dùng vào việc thờ cúng. Điều này thể hiện rất rõ ở chỗ người để thừa kế có thể để toàn bộ di sản của mình dùng vào việc thờ cúng mà không chia cho bất kỳ người thừa kế nào. Trong trường hợp có người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc thì việc tính kỷ phần của người này sẽ phải đem di sản thờ cúng ra chia. Về bản chất pháp lý thì di sản dùng vào việc thờ cúng lại được coi là di sản chưa chia nên di sản thờ cúng hay di sản thừa kế chỉ là một, lúc nào nó cũng trong tình trạng chờ được chia.

Như vậy, nhà làm luật chưa coi trọng ý chí của người lập di chúc – muốn mình được thờ cúng sau khi chết, quy định này không phù hợp trong thực tiễn đời sống xã hội. Quy định tại Điều 21 Pháp lệnh Thừa kế đã thể hiện quan điểm ở giai đoạn này của nhà làm luật ghi nhận một phong tục tốt đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt nhưng lại không coi trọng và đánh giá đúng ý nghĩa nhân bản của phong tục đó. Bộ luật Dân sự năm 1995 dành Điều 673 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng. Do quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng tại Điều 673 Bộ luật Dân sự năm 1995 với Điều 670 Bộ luật Dân sự năm 2005 không có sự khác biệt nên tác giả sẽ không phân tích quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng của Bộ luật Dân sự năm 1995 ở phần này nữa.

Bên cạnh việc nghiên cứu về các quy phạm pháp luật về thờ cúng và di sản dùng vào việc thờ cúng trong pháp luật dân sự ở Việt Nam qua các thời kỳ nhằm đúc rút, kế thừa những giá trị, ưu điểm về mặt nội dung cũng như kỹ thuật lập pháp của các thế hệ trước; đồng thời cũng tránh được những hạn chế của các quy định đó nhằm bổ sung cho công tác lập pháp hiện nay nên việc nghiên cứu chế định di sản thờ cúng của pháp luật một số nước có nét tương đồng với văn hoá của người Việt cũng không ngoài mục đích trên.

Thái Lan là một nước gần Việt Nam, cùng trong khu vực Đông Nam Á, có nhiều tương đồng về điều kiện địa lý, tự nhiên nhưng Bộ luật Dân sự – Thương mại Thái Lan không có quy định về di sản thờ cúng. Nhưng xem xét các quy định của Bộ luật Dân sự Nhật Bản cho thấy trong đời sống văn hoá tinh thần của người Nhật cũng có phong tục thờ cúng tổ tiên.

Điều 896 Bộ luật Dân sự Nhật Bản quy định: “Người thừa kế được  thừa kế từ thời điểm mở thừa kế đối với tất cả quyền và nghĩa vụ liên quan đến tài sản thừa kế, trừ những gì liên quan đến cá nhân người để lại thừa kế “.

Tiếp theo Điều 897 quy định:”Mặc dù có quy định của điều trên, sở hữu đối với các gia phả, để thờ cúng, mồ mả, nghĩa địa của người để lại thừa kế sẽ do người mà theo tập quán là Trưởng tộc giữ.

Tuy nhiên, nếu người thừa kế đã chỉ định người giữ với tư cách là trưởng tộc thờ cúng tổ tiên, thì người này thừa kế những tài sản trên.

Trong trường hợp tập quán nói ở phần trên không rõ ràng, thì người thừa kế quyền nói ở phần trên sẽ do Toà hôn nhân gia đình quyết định“.

Như vậy, vấn đề thờ cúng tổ tiên và di sản thờ cúng cũng được người Nhật Bản ghi nhận trong pháp luật. Điều này cũng có nguyên nhân là nền văn hoá Nhật Bản và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của học thuyết Nho giáo nhưng mức độ chịu ảnh hưởng khác nhau. Người Nhật ghi nhận và bảo vệ việc thờ cúng người đã mất và di sản thờ cúng nhưng lại theo xu hướng ưu tiên áp dụng các quy định của tập quán, có nghĩa là các quy định của tập quán trong vấn đề thờ cúng và di sản dùng vào việc thờ cúng có giá trị như quy phạm pháp luật và chỉ khi tập quán không rõ ràng thì mới giao cho Toà án quyết định. Điều này có ý nghĩa giúp giữ vững bản sắc văn hoá dân tộc hơn.

Một  điểm khác biệt  nữa giữa Nhật Bản và Việt Nam thể hiện qua quy định trên là nếu như ở Việt Nam với mô hình gia đình tiểu nông là các tiểu gia đình, việc thờ cúng ở Việt Nam diễn ra ở tất cả các gia đình thì ở Nhật Bản có lẽ chỉ xảy ra trong dòng tộc (tương đương với một dòng họ ở Việt Nam hoặc như một kiểu giỗ họ ở Việt Nam). Việc thờ cúng đối với người Việt không phải là độc quyền của người con trai trưởng thì quy định trên của Bộ luật Dân sự Nhật Bản cho ta thấy thờ cúng tổ tiên có thể chỉ được tiến hành bởi người Tộc trưởng.

Các nước phương tây theo tôn giáo chính là Thiên chúa giáo hoặc Tin lành. Trong đời sống văn hóa tinh thần của người phương Tây không tồn tại hoạt động thờ cúng tổ tiên như của người Việt nên pháp luật thừa kế của các nước phương Tây không ghi nhận về di sản thờ cúng. Ví dụ: Bộ luật Dân sự Pháp chỉ ghi nhận về “Di tặng” không có quy định nào về di sản thờ cúng tương tự như của người Việt.

Với ý nghĩa là biểu hiện của lòng biết ơn, tôn kính đối với các thế hệ trước, phong tục thờ cúng tổ tiên là một đặc điểm riêng có trong đời sống văn hóa của người Việt so với các dân tộc khác trên thế giới. Đặc điểm này thể hiện rõ nét và đặc sắc nhất trong tộc người Kinh chiếm hơn 90% dân số, bởi gần như gia đình người Kinh nào cũng có bàn thờ tổ tiên trong gia đình. Có thể nói “thờ cúng tổ tiên” là một hoạt động tinh thần không thể thiếu được trong gia đình người Việt dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Vai trò, ý nghĩa của thờ cúng tổ tiên và những cơ sở kinh tế đảm bảo cho thờ cúng được thực hiện và duy trì trong đời sống thực tế đã được pháp luật cổ của các triều đại phong kiến Việt Nam ghi nhận và bảo vệ dù ở mức độ khác nhau theo mỗi thời kỳ song tất cả đều thể hiện các quy định về di sản thờ cúng là một trong các quy định pháp luật quan trọng nhất.

ThS. Lê Quang Hậu – Chuyên viên chính Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội


[1]Viện Sử học Việt Nam (1991), Quốc triều Hình luật, Nxb. Pháp Lý, Hà Nội, tr.146.

[2]Viện Sử học Việt Nam (1991), Quốc triều Hình luật, Nxb. Pháp Lý, Hà Nội., tr. 145.

[3]Tòa án nhân dân tối cao (1982), Luật lệ cần thiết cho việc xét xử (1945 -1982), Nxb. Pháp lý, Hà Nội, tr.369.

Tham khảo thêm các bài viết:

1900.0191