Sự cần thiết phải hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc đấu tranh chống tội phạm mua bán người

Sự cần thiết phải hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc đấu tranh chống tội phạm mua bán người
Sự cần thiết phải hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc đấu tranh chống tội phạm mua bán người

Sự cần thiết phải hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc đấu tranh chống tội phạm mua bán người

1. Thực trạng tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam và trên thế giới.

Trên thế giới:

Theo thống kê mới nhất của Liên hợp quốc và theo báo cáo của Tổ chức Di cư thế giới, hàng năm có từ 800.000 đến 1.000.000 người trên toàn thế giới là nạn nhân bị buôn bán (trong đó, chiếm 80% là phụ nữ và trẻ em). Tỉ lệ nạn nhân trên thế giới là 1,8/1.000 người, tỉ lệ nạn nhân tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương là 3/1.000 người.

Tại các nước châu Âu, tình trạng mua bán người gắn liền với tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Mặc dù Chính phủ các nước châu Âu đã kiên quyết đấu tranh chống lại tình trạng này, nhưng hoạt động đưa người nhập cư bất hợp pháp và mua bán người qua biên giới vẫn có xu hướng ngày càng gia tăng. Bọn tội phạm chủ yếu mua bán người từ các nước Albania, Belarus, Bosnia-Herzegovina, Bulgaria, Czech, Macedonia, Moldavia, Ba Lan và Ukraine… bán sang các nước như Ba Lan, Hungary, Lithuania để từ đó quá cảnh sang các nước Hà Lan, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Bắc Âu và Anh.

Tại khu vực châu Á, trong đó nổi lên là Trung Quốc, Campuchia, Philipin, Indonesia, Myanmar, Ấn Độ, Pakistan, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam có tình trạng mua bán người phức tạp. Phụ nữ và trẻ em không những bị mua bán trong khu vực mà còn bị mua bán sang các nước Tây Âu, Mỹ, Úc, thậm chí sang một số nước châu Phi.

Tại Việt Nam:

Tại Việt Nam, trong những năm qua, bên cạnh các thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội thì cũng xuất hiện sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mua bán người đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến đời sống gia đình, trật tự an toàn xã hội trong cả nước về trước mắt lẫn lâu dài. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình 130 (Chương trình của Chính phủ về phòng, chống tội phạm mua bán người), từ đầu năm 2009 đến hết năm 2010, cả nước xảy ra 563 vụ mua bán người với 1.031 đối tượng, có 1.075 nạn nhân; phát hiện 296/510 vụ xuất cảnh trái phép liên quan đến mua bán người; trong đó, tập trung vào các tuyến và địa bàn trọng điểm sau đây:

Tuyến Việt Nam đi các nước châu Âu: Chiếm 6,8% tổng số vụ mua bán người, các đối tượng thường cấu kết thành băng, ổ, nhóm có tổ chức chặt chẽ, có chủ mưu cầm đầu với sự phân công nhiệm vụ cụ thể. Chúng tổ chức đưa người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp tới các nước Nga, Đức, Pháp, Czech, Anh với thủ đoạn làm giả giấy tờ (hộ chiếu, giấy thông hành, visa…).

Tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc: Tập trung chủ yếu tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, chiếm 60% tổng số vụ xảy ra.

Tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia: Tập trung chủ yếu ở Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, chiếm 10% tổng số vụ.

Tuyến biên giới Việt – Lào: Chủ yếu qua Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, chiếm 6,3% tổng số vụ. Ngoài ra, còn có một số tuyến khác như hàng không, đường biển.

2. Sự cần thiết phải hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc đấu tranh chống tội phạm mua bán người

Việt Nam cần phải có sự hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Bởi vì:

      Thứ nhất, tội phạm mua bán người mang tính nhất xuyên quốc gia nên các quốc gia cần phải có sự hợp tác, phối hợp để ngăn ngừa những hành vi phạm tội có tính chất vượt ra ngoài lãnh thổ của một quốc gia.

       Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm mua bán người không thể tiến hành được nếu chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia mà cần có sự tham gia không chỉ của quốc gia nơi tội phạm được thực hiện mà còn ở các nước khác như quốc gia nơi chủ thể tội phạm mang quốc tịch, quốc gia là nơi trung chuyển tội phạm,…Để đạt được điều này thì cần có sự hợp tác song phương và đa phương giữa các quốc gia trong cùng khu vực cũng như trên toàn thế giới. Vấn đề hợp tác trong đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người bao hàm cả việc trao đổi thông tin, đào tạo, phối hợp điều tra, tương trợ tư pháp trong việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai, cung cấp tài liệu. Bên cạnh đó, nước ta cần phải có một hệ thống pháp luật hài hòa với pháp luật của các nước trong khu vực và luật quốc tế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác khu vực và quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm này.

      Thứ hai, do pháp luật nước ta vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập cần được sửa đổi, bổ sung như vấn đề bảo vệ nạn nhân bị mua bán trong quá trình tố tụng, nhất là việc giữ bí mật đời tư và nhận dạng của nạn nhân và việc quy định các thủ tục tố tụng nhạy cảm đối với các nạn nhân dễ bị tổn thương, việc hỗ trợ hồi hương và tái hòa nhập cho nạn nhân.

      Pháp luật Việt Nam cần được hoàn thiện hơn nữa để phù hợp với các quy định của Công ước, của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về buôn bán người. Ngoài ra Việt Nam cần ký thêm các hiệp định song phương với các quốc gia trong khu vực.

      Thứ ba, hoạt động mua bán người diễn ra chủ yếu tại các khu vực biên giới, được coi là địa điểm nhạy cảm của loại tội phạm này.

      Theo báo cáo của cơ quan Bộ đội Biên phòng thì các vụ trao đổi người thường được phát hiện tại các địa bàn có lưu thông biên giới lớn, nhiều đường giao thông qua lại để từ đó sang bên kia biên giới hoặc tiếp tục đi nước thứ ba. Tình hình tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2012, cả nước đã có 217 vụ mua bán người được điều tra, khám phá; bắt, xử lý đối tượng; giải cứu 414 nạn nhân. Do vậy, lực lượng chức năng của Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các nước có chung đường biên giới, tăng cường sự hợp tác với các nước này trong việc phòng chống tội phạm mua bán người để trấn áp nhiều tụ điểm tội phạm phức tạp dọc biên giới.

    Thứ tư, do tính chất của tội phạm ngày càng phức tạp, hành vi và thủ đoạn ngày càng xảo quyệt, tinh vi.

      Cùng với sự bùng nổ thông tin, sự đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của xã hội, một số loại tội phạm mang tính quốc tế mà điển hình là tội mua bán người đang ngày càng gia tăng về số lượng. Hơn nữa, việc hợp tác nước ngoài thường bị kéo dài về thông tin về tội phạm muốn trao đổi với nước ngoài phải theo báo cáo qua nhiều nấc dẫn đến chậm. Quan hệ với nước ngoài vẫn theo những quy định cách đây hàng chục năm, chưa đổi mới cho phù hợp với thực tế hiện tại. Một số hiệp định của Chính phủ về hợp tác đấu tranh chống tội phạm không được phổ biến cho những người trực tiếp làm công tác thực tế nên hầu như không đi vào đời sống.

     Đấu tranh với tội phạm có tổ chức, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đòi hỏi phải có lực lượng có tính chuyên môn cao, những cán bộ giỏi về nghiệp vụ. Chính vì vậy, việc làm hài hòa giữa pháp luật của quốc gia và pháp luật khu vực, quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán là hết sức cần thiết.

Thứ năm, do ảnh hưởng, hậu quả của nạn buôn bán người

Hậu quả của nạn buôn bán người gây ra đặc biệt nghiêm trọng vì nó xâm phạm đến những quyền cơ bản nhất của con người: quyền tự do di chuyển, lựa chọn, kiểm soát cơ thể, tinh thần và cả tương lai. Tổ chức Liên Hiệp Quốc định nghĩa Nạn buôn người: “Việc tuyển dụng, vận chuyển, và tiếp nhận một người nhằm mục đích khai thác tình dục hay thương mại bằng vũ lực, gian lận, cưỡng ép hoặc lừa gạt” để thu lợi nhuận. Thực trạng về nạn buôn người khác nhau theo từng quốc gia, từng khu vực. Hình thức rõ ràng nhất, là buôn bán phụ nữ và trẻ em để bóc lột tình dục. Nhưng khắp nơi trên thế giới, nam giới, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán vì nhiều mục đích khác nhau, bao gồm để cưỡng bức lao động trong các ngành công nghiệp như khách sạn, xây dựng, lâm nghiệp, khai thác mỏ hoặc nông nghiệp, lao động cực nhọc trong gia đình và công xưởng, với các hình thức nhận con nuôi bất hợp pháp, hoặc để lấy các bộ phận cơ thể.

Ảnh hưởng đầu tiên là những tổn thất về người và xã hội do buôn người gây ra. Nạn nhân buôn người phải trả một cái giá khủng khiếp. Tổn thương về tâm lý và thể chất, bệnh tật rồi phát triển lệch lạc, và thường là những di chứng vĩnh viễn.

Hành vi buôn người vi phạm phổ biến của con người đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền được giải phóng khỏi mọi hình thức nô lệ. Buôn bán trẻ em vi phạm quyền thiêng liêng của trẻ em được lớn lên trong một môi trường được bảo vệ và quyền không bị lạm dụng hay bóc lột dưới bất cứ hình thức nào. Bên cạnh đó, nạn buôn người cũng dẫn đến nguy cơ phá vỡ cấu trúc xã hội : Buôn người chia lìa trẻ em với cha mẹ và gia đình. Lợi nhuận từ việc buôn người khiến cho tệ nạn này bén rễ ở một cộng đồng nhất định và cộng đồng này sau đó lại nhiều lần bị khai thác như một nguồn cung cấp nạn nhân. Nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn buôn người khiến cho các nhóm dễ trở thành nạn nhân như phụ nữ trẻ và trẻ em phải trốn đi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học hành và cơ cấu gia đình họ. Thất học khiến cơ hội phát triển kinh tế trong tương lai của nạn nhân giảm đi và làm tăng nguy cơ họ bị tiếp tục bị buôn bán. Những nạn nhân trở về được với cộng đồng thường bị bêu riếu hoặc tẩy chay. Việc hồi phục từ các chấn thương, nếu có, cũng phải mất cả đời. Mặt khác, nạn buôn người làm gia tăng tội phạm có tổ chức. Buôn người có liên hệ chặt chẽ với nạn rửa tiền, buôn ma túy, giả mạo giấy tờ và nhập cư trái phép. Những nơi mà tội phạm có tổ chức phát triển thì chính phủ và luật pháp trở nên yếu kém và mất tác dụng. Tiếp đó, nó làm suy yếu nguồn vốn con người của các quốc gia và kìm hãm sự phát triển, cùng theo đó là tổn hại đến sức khoẻ con người và làm suy yếu quyền lực của chính phủ. Chính những ảnh hưởng tiêu cực, gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy, vấn nạn buôn người làm thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng khăng khít hơn trong việc chống nạn buôn người.

Từ những lí do trên, Việt Nam cần nhanh chóng tiến hành các hoạt động hợp tác với các nước trên Thế giới nhằm đẩy lùi hoạt động buôn bán người.

1900.0191