Sự cạnh tranh giữa các học thuyết công lý trong xã hội Việt Nam: nhìn từ đề xuất “nộp tiền thay thế nghĩa vụ quân sự” và “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”

Sự cạnh tranh giữa các học thuyết công lý trong xã hội Việt Nam: nhìn từ đề xuất “nộp tiền thay thế nghĩa vụ quân sự” và “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã khép lại với bao dấu ấn, dư âm trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Trong kỳ họp này, có những đề xuất được Quốc hội thông qua nhưng cũng có những đề xuất còn để lại bao băn khoăn, trăn trở cho các đại biểu nơi nghị trường, cũng như mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội. Đất nước ta đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, hệ giá trị xã hội, giá trị đạo đức vẫn đang từng bước thay đổi, định hình.

Đề xuất “nộp tiền thay nghĩa vụ quân sự” hay “cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” khi xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Hôn nhân và Gia đình là những chủ đề đang tỏa sức nóng lên đời sống xã hội với những biện minh, lý lẽ giằng xé, đan xen. Những tranh luận chưa ngã ngũ, mỗi bên đều có lập luận biện minh riêng của mình, điều đó đang phản ánh sự cạnh tranh của các học thuyết công lý trong việc xử lý những vấn đề đời thường của cuộc sống trong một xã hội Việt Nam hiện đại.

Có thể nói, nhìn vào bài học của những xã hội hiện đại khác đã trải qua, chúng ta có thể nhìn thấy rõ hơn những gì mà xã hội chúng ta đang thể nghiệm, tìm tòi. Các học thuyết công lý đã được vận dụng xử lý các vấn đề nêu trên trong một cộng đồng xã hội khác sẽ cung cấp cho chúng ta một cách tiếp cận khoa học học, đồng thời giúp chúng ta có thể thấy rõ hơn định hướng con đường mà xã hội chúng ta đang và sẽ trải qua. Bài viết này xin được lược trích cách tiếp cận và lý giải hai vấn đề nêu trên trong cuốn Công lý: Đâu là việc đúng nên làm? (Justice: What’s the right thing to do?) của giáo sư Đại học Havard Hoa Kỳ Michael J. Sandel (Bản dịch của Hồ Đắc Phương, Nhà xuất bản trẻ, năm 2011).

Giáo sư Michael Sandel cho rằng câu hỏi một xã hội có công bằng hay không chính là câu hỏi về cách phân phối những điều chúng ta được hưởng thụ: Thu nhậpsự giàu có, Trách nhiệmquyền lợi, Quyền lựccơ hội, Chức vụ và danh dự. Một xã hội công bằng phân phối những thứ này đúng cách, mỗi người nhận đúng phần mình đáng được hưởng. Nhưng câu hỏi khó khăn là ai xứng đáng được hưởng gì và vì sao? Từ cách đặt vấn đề này, người ta đã xác định ba cách phân phối theo 03 cách tiếp cận về phúc lợi, tự do và đạo đức.

(1) Xuất phát điểm từ yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng chung, từ đó đóng góp, mang lại phúc lợi cho  mỗi người, thuyết vị lợi, một triết thuyết quan trọng đã lý giải một cách sâu sắc nhất về công lý từ khía cạnh tại sao và bằng cách nào chúng ta nên tối đa hoá hạnh phúc, tìm kiếm hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất.

(2) Cách tiếp cận thứ hai là triết thuyết về tự do với mục đích cố gắng kết nối công lý với tự do. Cách tiếp cận này đặt trọng tâm và nhấn mạnh cần phải tôn trọng các quyền cá nhân. Tư tưởng công lý có nghĩa là tôn trọng một số quyền phổ quát (một số quyền tự do của con người) được chấp nhận ngày càng rộng rãi trên thế giới ngày nay.

(3) Từ khía cạnh khuyến khích đạo đức, triết thuyết về công lý nhấn mạnh những giằng xé, mẫu thuẫn khó khăn trước những nhận định, đánh giá về đạo đức và lối sống tốt đẹp. Công lý phải gắn liền với những đức tính và quan niệm về lối sống tốt đẹp.

            Đối với vấn đề thuê trợ giúp, giáo sư Michael Sandel đã đưa ra những tranh luận giữa vấn đề tự do thị trường và đạo đức. Những ý kiến mà xã hội Việt Nam đang trăn trở như “Không tiền vàng nào thay thế nghĩa vụ quân sự” (Báo VietNamnet), “Xương máu không thể thay bằng tiền” (Báo VTC News), “Mang thai hộ dễ biến tướng, mất nhân đạo” (Báo VnExpress.net), “Mang thai hộ nhân văn nhưng phức tạp” (Báo VnExpress.net) đã được giáo sư Michael Sandel lập luận khá cụ thể với những ví dụ, dẫn chứng thuyết phục. Các lập luận đó như sau:

            Nhiều cuộc tranh luận sôi nổi nhất về công lý của chúng ta xoay quanh vai trò của thị trường: Thị trường tự do có công bằng không? Có hàng hóa nào mà tiền cũng không thể mua hoặc không thể dùng tiền mua? Nếu có, những hàng hóa đó là gì, và tại sao mua bán chúng lại sai trái?

            Lý lẽ ủng hộ thị trường tự do thường dựa trên hai mệnh đề-một về tự do, một về phúc lợi. Mệnh đề đầu tiên theo lập luận của chủ nghĩa tự do cá nhân: Cho phép mọi người tham gia trao đổi tự nguyện trên thị trường là tôn trọng quyền tự do của họ; những luật can thiệp vào thị trường tự do là xâm phạm tự do cá nhân. Mệnh đề thứ hai là lý lẽ của chủ nghĩa vị lợi: Thị trường tự do thúc đẩy lợi ích chung, khi hai người thực hiện giao dịch, cả hai đều có lợi. Chừng nào thỏa thuận này làm lợi cho họ mà không làm tổn hại cho người khác, tổng lợi ích toàn xã hội sẽ tăng lên.  

             Người hoài nghi thị trường không tin hai mệnh đề này. Họ cho rằng lựa chọn trên thị trường không phải luôn luôn tự do như thoạt tưởng. Và họ cho rằng một số hàng hóa và tập quán xã hội sẽ bị băng hoại hoặc xuống cấp nếu có thể dùng tiền mua bán. Chúng ta sẽ xem xét khía cạnh đạo đức trong việc trả tiền cho hai loại công việc khác nhau: Chiến đấu và Mang thai. Suy nghĩ về ưu điểm, khuyết điểm của thị trường trong những trường hợp có tranh chấp như thế sẽ giúp chúng ta làm sáng rõ sự khác biệt giữa các lý thuyết hàng đầu về công lý.

            Cách nào công bằng – bắt lính hay thuê đi lính?                                                

            Trong những tháng đầu của cuộc Nội chiến Mỹ, các cuộc đại tuần hành cùng tình cảm yêu nước động viên hàng chục ngàn người ở các bang miền Bắc tình nguyện gia nhập quân đội Liên bang. Nhưng với trận thua tại Bull Run, sau đó là thất bại của tướng George B. McClellan trong nỗ lực chiếm Richmond vào mùa xuân năm sau, người miền Bắc bắt đầu nghi ngờ khả năng kết thúc sớm cuộc chiến. Cần phải tuyển thêm quân, và vào tháng 7 năm 1862, Abraham Lincohn ký luật quân dịch đầu tiên. Lúc đó ở miền Nam đã áp dụng chế độ quân dịch rồi.

Việc bắt lính đi ngược lại với chủ nghĩa cá nhân vốn đã ăn sâu vào người Mỹ, và chế độ quân dịch của miền Bắc đưa ra nhượng bộ lớn đối với truyền thống đó: Bất cứ ai phải tòng quân nhưng không muốn đi đều có thể thuê một người khác nhập ngũ thay mình.

Quảng cáo thuê người tòng quân thay được đăng đầy trên cáo tờ báo, mức thanh toán cao nhất là 1.500 đôla, một khoản tiền đáng kể vào thời điểm đó. Luật quân dịch của phe Liên minh (miền Nam) cũng cho phép thuê người thay thế, tạo ra khẩu hiệu “Chiến tranh của người giàu; Chiến tranh của người nghèo”, chỉ trích này cũng xuất hiện ở miền Bắc. Tháng 3 năm 1863, Quốc hội thông qua một luật quân dịch mới tìm cách giải quyết chỉ trích trên. Mặc dù không loại bỏ quyền thuê người đi lính thay, dự thảo cho phép người bị bắt lính nộp một khoản phí 300 đôla cho chính phủ để khỏi tòng quân. Mặc dù phí miễn quân dịch xấp xỉ tiền lương một năm của người lao động không có tay nghề, điều khoản này giúp người lao động bình thường có thể trả phí miễn quân dịch. Một số thành phố và các hạt trợ cấp phí này cho người bắt lính của họ. Các công ty bảo hiểm xã hội cho phép khách hàng trả tiền bảo hiểm hàng tháng cho một hợp đồng có thể trả phí trong trường hợp bị bắt quân dịch.

Mặc dù có ý định đem lại sự miễn trừ với mức giá hợp lý, nhưng ở khía cạnh chính trị, phí này không được quần chúng ưa chuộng bằng chế độ người thay thế. Có lẽ điều này giống với việc chính phủ đặt giá mạng sống của con người (hoặc nguy cơ tử thương) bằng tiền. Tiêu đề nhiều báo viết: “Ba trăm đôla hay mạng sống của bạn”. Sự tức giận đối với chế độ quân dịch và khoản phí 300 đôla đã làm bùng lên các cuộc bạo động chống lại các nhân viên tuyển quân, đáng chú ý nhất là cuộc bạo loạn quân dịch ở thành phố NewYork vào tháng 7 năm 1863, kéo dài vài ngày và cướp đi hơn một trăm mạng sống. Qua năm sau, Quốc hội đã ban hành luật quân dịch mới, loại bỏ phí miễn quân dịch. Tuy nhiên quyền thuê người thay thế vẫn được giữ lại ở miền Bắc trong suốt cuộc nội chiến.     

            Cuối cùng có tương đối ít lính quân dịch thực sự chiến đấu trong quân đội miền Bắc. (Ngay cả sau khi thực thi chế độ quân dịch, phần lớn quân đội là lính tình nguyện, đăng lính vì lương cao và nguy cơ bị bắt lính). Nhiều người trúng quân dịch do bốc thăm đã bỏ trốn hoặc được miễn trừ khuyết tật. Trong số khoảng 207.000 bị bắt quân dịch, 87.000 trả phí miễn trừ, 84.000 thuê người thay thế và chỉ có 46.000 người thực sự nhập ngũ. Trong số những người thuê thay thế có Andrew Carnegie và JP Morgan, cha của Theodore và Franklin Roosevelt, các tổng thống tương lai Chester A.Arthur và Grover Cleveland.

            Hệ thống tuyển quân thời nội chiến có công bằng hay không? Khi đặt ra câu hỏi này hầu hết mọi sinh viên đều nói không. Không công bằng khi người giàu có thể thuê người khác đi chiến đấu thay. Giống như nhiều người Mỹ phản đối trong những năm 1860, họ coi hệ thống này là một hình thức phân biệt giai cấp.

            Sau đó tôi hỏi các sinh viên xem họ ủng hộ cơ chế nào: quân dịch hay quân đội tình nguyện như quân đội Mỹ ngày hôm nay? Hầu như tất cả ủng hộ quân đội tình nguyện (hầu hết người Mỹ cũng vậy). Nhưng điều này đặt ra một câu hỏi khó: Nếu hệ thống thời Nội chiến không công bằng bởi vì cho phép người giàu thuê người khác đi chiến đấu, thì cũng có thể áp dụng chính lý lẽ phản đối này với quân đội tình nguyện? Tất nhiên phương pháp tuyển mộ khác nhau. Andrew Carnegie phải tự tìm và trực tiếp trả tiền cho người thay thế; còn quân đội bây giờ tuyển mộ những người lính chiến đấu ở Iraq hoặc Afghanistan, và những người nộp thuế chúng ta cùng chung sức trả tiền thuê họ. Nhưng vẫn là lý do đó: những ai không muốn đi lính thuê người khác chiến đấu hộ và mạo hiểm mạng sống của họ trong các cuộc chiến tranh của chúng ta. Vì vậy, sự khác biệt về mặt đạo đức ở đây là gì? Nếu hệ thống thời nội chiến cho phép thuê người thay thế là bất công, thì chẳng lẽ quân đội tình nguyện lại không bất công sao?

            Để nghiên cứu câu hỏi này, chúng ta đặt hệ thống thời Nội chiến sang một bên và xem xét hai cách tuyển quân phổ biến: quân dịch và thị trường.

            Ở hình thức đơn giản nhất, quân dịch tuyển lính bằng cách yêu cầu tất cả công dân đủ điều kiện tham gia; hoặc nếu không cần thiết phải là tất cả, thì bốc thăm xác định ai là người được tuyển. Đây là hệ thống Hoa Kỳ sử dụng trong hai cuộc thế chiến. Chiến tranh Việt Nam sử dụng kiểu chế độ quân dịch khác, phức tạp hơn và miễn quân dịch cho nhiều sinh viên và nhân công trong một số ngành nghề, cho phép nhiều người không phải đi chiến đấu.

            Sự tồn tại của chế độ quân dịch đổ thêm dầu vào thái độ phản đối chiến tranh Việt Nam, đặc biệt trong các trường đại học. Phần nào để giải quyết tình trạng này, Tổng thống Richard Nixon đã đề nghị hủy bỏ chế độ quân dịch và vào năm 1973, khi Hoa Kỳ giảm dần sự hiện diện của mình ở Việt Nam, tất cả lính quân dịch đều bị thay bằng lính tình nguyện. Do việc nhập ngũ không còn mang tính bắt buộc, quân đội tăng lương và các lợi ích khác để thu hút binh sĩ cho nhu cầu của mình.

            Quân đội tình nguyện, như cách gọi bây giờ, sử dụng thị trường lao động để mộ quân – giống như nhà hàng, ngân hàng, cửa hàng bán lẻ, và các doanh nghiệp khác. Từ “tình nguyện” có cái gì đó gây nhầm lẫn. Quân đội tình nguyện không giống như bộ phận cứu hỏa tình nguyện, trong đó mọi người phục vụ không nhận tiền, hoặc nhà ăn từ thiện nơi mọi người tự đóng góp thời gian. Đấy là một quân đội chuyên nghiệp, binh lính làm việc để nhận lương. Binh sĩ là “tình nguyện viên” chỉ với ý nghĩa là người lao động được trả lương trong bất kỳ ngành nghề nào cũng là tình nguyện viên. Không ai bị bắt nhập ngũ, và công việc được thực hiện bởi những người đồng ý làm để đổi lấy tiền lương và lợi ích khác.

            Cuộc tranh luận về cách thức tuyển quân của một xã hội dân chủ bùng nổ dữ dội nhất vào thời chiến, như cuộc bạo loạn quân dịch thời Nội chiến và các cuộc biểu tình thời chiến tranh Việt Nam. Sau khi Hoa Kỳ sử dụng hệ thống quân đội tình nguyện, vấn đề công lý trong tuyển quân không còn được công chúng chú ý. Nhưng các cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành tại Iraq và Afganistan đã làm sống lại cuộc thảo luận công khai về tính đúng đắn của việc mộ quân theo cơ chế thị trường của một xã hội dân chủ.

            Hầu hết người Mỹ ủng hộ quân đội tình nguyện, và chẳng muốn quay lại chế độ quân dịch (vào tháng 9 năm 2007, trong chiến tranh Iraq, thăm dò của viện Gallup cho thấy tỷ lệ người Mỹ phản đối việc khôi phục lại chế độ quân dịch và 80/18%). Nhưng cuộc tranh luận mới về quân tình nguyện hay quân dịch làm chúng ta đối mặt trực tiếp với một số câu hỏi lớn trong triết học chính trị – câu hỏi về tự do cá nhân và nghĩa vụ công dân.

            Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta hãy so sánh ba cách mộ quân, chúng ta có quân dịch, quân dịch với điều khoản cho thuê người thay thế (hệ thống thời nội chiến), và hệ thống thị trường. Hệ thống nào công bằng nhất?

1.      Quân dịch

2.      Quân dịch với điều khoản cho thuê người thay thế (hệ thống thời nội chiến)

3.      Hệ thống thị trường (quân đội tình nguyện)

Trường hợp quân đội tình nguyện

Nếu bạn theo chủ nghĩa tự do cá nhân, câu trả lời thật rõ ràng. Quân dịch (Chính sách 1) bất công vì đó là cưỡng ép – một hình thức nô lệ. Điều đó ngụ ý Nhà nước sở hữu công dân của mình và có thể làm gì với họ tùy thích, kể cả buộc họ phải chiến đấu và hy sinh mạng sống trong chiến tranh. Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ron Paul – người theo chủ nghĩa tự do hàng đầu – gần đây đã tuyên bố chống lại lời kêu gọi phục hồi chế độ quân dịch trong chiến tranh Iraq như sau: Đơn giản và rõ ràng, quân dịch là chế độ nô lệ. Và tu chính án 13 quy định chế độ nô lệ là bất hợp pháp, và nghiêm cấm tình trạng nô lệ không tự nguyện. Một người rất có khả năng bị chết khi là lính quân dịch, khiến quân dịch là một dạng nô lệ nguy hiểm.

Nhưng ngay cả nếu không coi quân dịch tương đương với chế độ nô lệ thì bạn vẫn có thể chống quân dịch với lý do nó hạn chế quyền tự do lựa chọn của người dân, và do đó làm giảm hạnh phúc chung. Đây là lý luận chống quân dịch của thuyết vị lợi. So với hệ thống cho phép thuê người thay thế, quân dịch làm giảm phúc lợi của người dân bằng cách ngăn chặn hai bên giao dịch thuận lợi. Nếu Andrew Carnegie và người thay thế ông muốn có một giao kèo, tại sao ngăn cản họ làm vậy? Sự tự do tham gia trao đổi dường như làm tăng lợi ích của mỗi bên mà không làm giảm lợi ích của bất cứ ai khác. Do đó, với chủ nghĩa vị lợi, hệ thống thời Nội chiến (chính sách 2) tốt hơn chế độ quân dịch thuần túy (chính sách 1).

            Thật dễ dàng thấy cách giả định của thuyết vị lợi ủng hộ lý giải về thị trường. nếu cho rằng một giao dịch tự nguyện làm lợi cho cả hai bên trao đổi mà không gây tổn hại đến bất kỳ người khác, bạn sử dụng lý giải của thuyết vị lợi để cho phép thị trường chi phối.

            Chúng ta có thể thấy điều này nếu so sách hệ thống thời Nội chiến (chính sách 2) với quân đội tình nguyện (chính sách 3).

            Các lập luận logic cho phép người bị bắt lính đi thuê người thay thế cũng ủng hộ giải pháp thị trường: Nếu bạn cho phép thuê người thay thế thì tại sao lại bắt quân dịch trước? Tại sao không đơn giản chỉ tuyển quân qua thị trường lao động? Hãy thiết lập mức tiền lương và lợi ích nào cần thiết để thu hút được số lượng và chất lượng binh sỹ cần thiết, và để cho người ta lựa chọn có nhận công việc này hay không. Không ai bị ép buộc nhập ngũ trái với nguyện vọng và những người sẵn lòng phục vụ có thể quyết định xem nhập ngũ có hơn những lựa họn khác không, sau khi đã xem xét mọi khía cạnh.

            Vì vậy, đối với chủ nghĩa vị lợi, quân đội tình nguyện dường như là giải pháp tốt nhất: Cho phép mọi người tự do lựa chọn. Những người muốn nhập ngũ có mức lương đủ để đảm bảo lợi ích của họ và những người không muốn nhập ngũ không bị thiệt hại vì bị ép nhập ngũ trái ý muốn.

Người theo chủ nghĩa vị lợi có thể phản bác quân đội tình nguyện kém hơn so với quân đội quân dịch. Để đảm bảo quân đội về cả lượng và chất, binh sĩ tình nguyện phải có lương và lợi ích cao hơn binh sĩ bị buộc nhập ngũ. Vì vậy chủ nghĩa vị lợi có thể quan ngại rằng niềm vui tăng lên do binh lính được trả lương cao sẽ bị kéo xuống do nỗi buồn của người nộp thuế bây giờ phải trả nhiều hơn cho việc tuyển quân. Nhưng phản đối này rất không thuyết phục, đặc biệt khi phải áp dụng các kiểu quân dịch (có hoặc không cho phép người thay thế).

            Nghe thật kỳ lạ khi khẳng định trên cơ sở thuyết vị lợi, chi phí lấy từ người nộp thuế cho các dịch vụ công ích khác – chẳng hạn như cảnh sát và phòng cháy chữa cháy – có thể được giảm bằng cách bắt buộc chọn ra một nhóm người ngẫu nhiên thực hiện các nhiệm vụ này với lương dưới mức thị trường trả; hoặc chi phí bảo trì đường cao tốc sẽ giảm nếu yêu cầu một nhóm người nộp thuế (được lựa chọn do bốc thăm) hoặc tự mình thực hiện công việc hoặc thuê người khác làm thay. Sự bất bình do phải chịu các biện pháp cưỡng chế có thể sẽ vượt quá lợi ích của người nộp thuế có được do các dịch vụ công rẻ hơn.

            Vì vậy, theo thuyết của cả chủ nghĩa tự do cá nhân và chủ nghĩa vị lợi, quân đội tình nguyện dường như là lựa chọn tốt nhất, hệ thống thời Nội chiến đứng thứ hai và quân dịch là cách mộ quân ít được mong muốn nhất. Nhưng có ít nhất hai phản bác với suy nghĩ này. Một phản đối về công bằng và tự do; phản đối kia về đạo đức công dân và công ích.

            Phản đối 1: Công bằng và tự do

            Phản đối đầu tiên cho rằng đối với những người có ít lựa chọn, thị trường tự do không hoàn toàn tự do. Hãy xét một trường hợp cực đoan: theo nghĩa nào đấy, quyết định ngủ dưới gầm cầu của người vô gia cư là một lựa chọn tự do; nhưng chúng ta không nhất thiết coi sự lựa chọn đó là tự do. Chúng ta cũng sẽ phi lý nếu giả định ông ta thích ngủ dưới gầm cầu hơn ngủ trong nhà. Để biết lựa chọn của người đó phản ánh sở thích ngủ dưới gầm cầu hoặc là do không có tiền thuê nhà, chúng ta cần phải biết về hoàn cảnh của người đó. Ông ta làm điều này một cách tự do hay vì không còn cách nào khác?

            Có thể hỏi thế với các lựa chọn của mọi người trong thị trường nói chung, bao gồm cả việc lựa chọn các loại công việc khác nhau. Điều này áp dụng như thế nào đối với việc tuyển quân? Chúng ta không thể xác định được quân đội tình nguyện là công bằng hay bất công mà không biết nhiều về tình trạng xã hội hiện tại: Tồn tại bình đẳng về cơ hội ở một mức độ hợp lý, hay một số người có rất ít lựa chọn trong cuộc sống? Liệu ai cũng có cơ hội để vào đại học, hay với một số người, cách duy nhất để học đại học là nhập ngũ?

            Theo quan điểm thị trường, quân đội tình nguyện hấp dẫn vì tránh cưỡng ép tòng quân. Như thế nhập ngũ trở thành vấn đề đồng thuận. Nhưng một số người sẵn sàng nhập ngũ cũng có thể ghét tòng quân như những người không nhập ngũ. Nếu nghèo đói và bất lợi kinh tế phổ biến, nhập ngũ đơn giản chỉ phản ánh việc không có nhiều cơ hội khác.

            Theo phản đối này, quân đội tình nguyện không phải hoàn toàn tự nguyện như thoạt tưởng. Thực tế trong đó có thể có yếu tố cưỡng chế. Nếu trong xã hội không có nhiều lựa chọn tốt khác, những người lựa chọn nhập ngũ có thể bị tình trạng kinh tế ép buộc. Khi đó, sự khác biệt giữa quân dịch và quân tình nguyện có tính tự do; mà là ở chỗ mỗi cách tuyển quân sử dụng một hình thức cưỡng bách khác nhau; pháp luật (trong trường hợp đầu tiên) và áp lực kinh tế (trong trường hợp thứ hai). Chỉ khi có tương đối nhiều lựa chọn trong việc xác định công việc tử tế thì mới có thể nói rằng nhập ngũ vì lương cao phản ánh sở thích của người dân chứ không phải do xã hội quá ít lựa chọn.

            Ở một mức độ nào đó, thành phần giai tầng của quân đội tình nguyện ngày nay minh chứng rõ ràng phản đối này. Xét tỷ lệ thành phần giai tầng trong quân đội; chiếm tỷ lệ lớn bất thường là thanh niên từ tầng lớp có thu nhập thấp đến trung bình (thu nhập gia đình trung bình từ 30.850 đô la đến 57.836 đô la). Tỷ lệ ít nhất từ nhóm 10% dân số nghèo nhất (nhiều người thiếu các điều kiện giáo dục và kỹ năng tiên quyết) và nhóm 20% giàu có nhất (những người từ các gia đình có thu nhập trung bình trên 66.329 đô la). Trong những năm gần đây, hơn 25% tân binh được tuyển dụng thiếu bằng cấp 3. Và trong khi 46% dân số có trình độ đại học, chỉ có 6,5% trong số binh lính từ 18 đến 24 tuổi đã từng học đại học.

Trong những năm gần đây, thanh niên trong các gia đình thượng lưu của xã hội Mỹ không sẵn sàng nhập ngũ. Tên của một cuốn sách gần đây về thành phần giai tầng trong lực lượng quân sự diễn đạt chính xác vấn đề này: Sự vắng mặt không thể biện minh của tầng lớp trên trong quân đội Hoa Kỳ (Unexcused Absence of America’s Upper Classes from Military Service). Ở Đại học Princeton, trong số 750 sinh viên tốt nghiệp năm 1956, phần lớn (450 người) nhập ngũ; năm 2006, trong số 1.108 sinh viên tốt nghiệp chỉ có 9 người nhập ngũ. Các trường đại học ưu tú khác cũng có mẫu hình dự liệu tương tự. Và ngay tại thủ đô quốc gia, chỉ có 2% các nghị sĩ có con nhập ngũ.

            Nghị sĩ Dân chủ Charles Rangel, đại diện khu vực Harlem – một cựu chiến binh được nhận huy chương trong Chiến tranh Triều Tiên – xem điều này không công bằng và đã kêu gọi khôi phục chế độ quân dịch: “Khi nào người Mỹ còn phải ra chiến trường thì tất cả mọi người phải tham gia, không chỉ những người tham gia chỉ vì hoàn cảnh kinh tế, bị thu hút bởi khoản lương quân nhân hậu hĩnh và các ưu đãi giáo dục sau này”. Ông chỉ ra ở thành phố New York, “tính bất tương xứng về tỷ lệ giai tầng trong tân binh là cực kỳ lớn. Trong năm 2004, 70% binh lính tình nguyện của thành phố là người da đen hay gốc Nam Mỹ, được tuyển từ các cộng đồng có thu nhập thấp”.

            Rangel phản đối chiến tranh Iraq và tin rằng không nên khai chiến nếu con em các nghị sĩ không chia sẻ gánh nặng của cuộc chiến. Ông lập luận do bất bình đẳng cơ hội trong xã hội Mỹ, cách tuyển quân theo kiểu thị trường không công bằng với những người có ít lựa chọn:

            “Tuyệt đại đa số binh sĩ tham chiến tại Iraq là dân nghèo trong các khu nội thị hay các vùng nông thôn, nơi mức lương quân dịch (40.000 đô la) và hàng ngàn đôla hỗ trợ giáo dục là rất hấp dẫn. Đối với những người có thể lựa chọn vào trường Đại học, những ưu đãi như vậy – đổi lại nguy cơ mất mạng – không có ý nghĩa lắm”.

            Vì vậy, phản bác đầu tiên với quân đội tình nguyện tuyển quân theo cơ chế thị trường liên quan tới bất công và cưỡng chế; bất công do phân biệt giai cấp và cưỡng chế do tình trạng kinh tế buộc những người trẻ tuổi mạo hiểm mạng sống để đổi lấy một nền giáo dục đại học và các lợi ích khác.

            Chú ý phản đối cưỡng chế không phải phản đối quân đội tình nguyện nói chung. Lập luận này chỉ phản đối chế độ tuyển quân tình nguyện trong một xã hội bất bình đẳng sâu sắc. Xóa bỏ bất bình đẳng và những phản đối sẽ biến mất. Chẳng hạn hãy tưởng tượng một xã hội hoàn toàn bất bình đẳng, trong đó mọi người có cơ hội giáo dục tương đương nhau. Trong xã hội đó, không ai có thể phàn nàn rằng lựa chọn nhập ngũ không tự do mà vì áp lực kinh tế. Tất nhiên, không có xã hội nào hoàn toàn bình đẳng, Vì vậy, nguy cơ bị cưỡng chế luôn “treo” bên trên sự lựa chọn của mọi người trong thị trường lao động. Mức bình đẳng nào là cần thiết để đảm bảo sự lựa chọn trong thị trường là tự do chứ không bị cưỡng chế? Sự bất bình đẳng các điều kiện nền tảng của xã hội lên đến mức nào thì sẽ làm suy yếu sự công bằng trong các thiết chế xã hội dựa trên sự lựa chọn cá nhân (chẳng hạn quân đội tình nguyện)? Cần đảm bảo điều kiện nào để thị trường tự do thực sự tự do? Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần phải xem xét các triết lý đạo đức và chính trị đặt tự do – chứ không phải lợi ích – làm trọng tâm của công lý…

            Phản đối 2: Đạo đức công dân và công ích

            Bây giờ chúng ta xét lý lẽ thứ hai phản đối việc tuyển quân nhờ thị trường – phản đối nhân danh đạo đức công dân và công ích.

            Phản đối này nói rằng nghĩa vụ quân sự không chỉ là “một công việc khác” mà đó là nghĩa vụ công dân. Tất cả các công dân phải có nghĩa vụ phụng sự tổ quốc. Một số người chia sẻ quan điểm này cho rằng nghĩa vụ đó chính là việc nhập ngũ, trong khi người khác nói chỉ cần tham gia các tổ chức khác, chẳng hạn tổ chức Hòa bình Mỹ, Tình nguyện Mỹ hoặc Dạy học vì nước Mỹ là đủ. Nhưng nếu đã là nghĩa vụ công dân, thật sai lầm khi mua bán trên thị trường việc nhập ngũ (hoặc việc tham gia các tổ chức trên).

            Hãy xem xét một nghĩa cụ công dân khác: nghĩa vụ bồi thẩm. Không ai chết vì thực hiện nhiệm vụ này, nhưng bị gọi vào bồi thẩm đoàn có thể thật phiền phức, đặc biệt nếu xung đột với công việc hoặc các nhiệm vụ khác. Ấy vậy mà chúng ta không cho phép thuê người thay thế tham gia bồi thẩm đoàn. Chúng ta cũng không sử dụng thị trường lao động tạo ra một hệ thống bồi thẩm đoàn “tình nguyện” trong đó có người làm thuê bồi thẩm chuyên nghiệp và được trả lương. Tại sao không làm vậy? Dưới góc độ lý luận thị trường, hoàn toàn có thể làm thế. Chủ nghĩa vị lợi có thể chống lại việc bắt buộc tham gia bồi thẩm đoàn bằng lý lẽ chống quân dịch: Cho phép một người bận rộn thuê người thay thế tham gia bồi thẩm đoàn sẽ làm lợi cho cả hai bên. Bỏ đi nghĩa vụ bồi thẩm bắt buộc còn tốt hơn nữa: dùng thị trường lao động tuyển dụng số lượng cần thiết các bồi thẩm đủ tiêu chuẩn cho phép người muốn làm bồi thẩm có cơ hội và người không thích không phải làm.

            Nếu thế tại sao chúng ta lại bỏ qua lợi ích mà thị trường bồi thẩm đem lại cho xã hội? Có lẽ chúng ta lo lắng sẽ có nhiều vị bồi thẩm có hoàn cảnh xuất thân không thuận lợi, và do đó chất lượng công lý sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng không có lý do chứng minh người giàu làm bồi thẩm tốt hơn người nghèo. Trong đó mọi trường hợp, luôn luôn có thể điều chỉnh tiền lương và lợi ích (như quân đội đã thực hiện) để thu hút những người có giáo dục và kỹ năng cần thiết.

            Lý do chúng ta bắt buộc tham gia bồi thẩm đoàn mà không được thuê người thay thế là tất cả các công dân phải cùng nhau gánh vác trách nhiệm đảm bảo công lý tại tòa án. Không chỉ đơn giản bỏ phiếu, các vị bồi thẩm – với vô vàn trải nghiệm cuộc sống khác biệt – sẽ cùng nhau cân xét cẩn trọng. Nghĩa vụ bồi thẩm không chỉ đơn giản là cách giải quyết vụ án. Đó cũng là hình thức giáo dục và thể hiện quyền công dân trong xã hội dân chủ. Mặc dù trách nhiệm bồi thẩm không luôn luôn khai sáng dân trí, ý tưởng mọi công dân đều có nghĩa vụ phải thực hiện trách nhiệm này bảo đảm một kết nối giữa tòa án và nhân dân.

            Có thể nói tương tự về nghĩa vụ quân sự. Các lý lẽ công dân ủng hộ chế độ quân dịch cho rằng nghĩa vụ quân sự cũng như nghĩa vụ bồi thẩm, là trách nhiệm công dân; nó thể hiện và tăng cường quyền công dân trong xã hội dân chủ. Theo quan điểm này, việc biến nghĩa vụ quân sự thành hàng hóa – công việc chúng ta có thể thuê người khác làm – làm băng hoại lý tưởng công dân. Theo phản đối này, thuê người chiến đấu thay là sai trái, không phải vì không công bằng với người nghèo mà bởi vì nó cho phép chúng ta thoái thác nghĩa vụ công dân.

            Sử gia David M. Kenedy đã diễn tả lập luận này theo cách khác. Ông cho rằng “lực lượng vũ trang Hoa Kỳ ngày nay rất giống quân đội đánh thuê”, ý ông là quân đội chuyên nghiệp, được trả lương đã bị tách ra khỏi xã hội mà quân đội này phục vụ ở mức đáng kể. Ông không cố ý hạ thấp động cơ của những người nhập ngũ. Lo lắng của ông là việc thuê một nhóm nhỏ công dân chiến đấu trong các cuộc chiến tranh cho phép những người còn lại thoái thác trách nhiệm. Nó cắt đứt mối liên kết giữa đa số công dân trong xã hội dân chủ và những người lính chiến đấu nhân danh họ. Kenedy nhận xét rằng “Xét tỷ lệ so với dân số, lực lượng quân sự hiện đang tại ngũ bằng 4% lực lượng đã giành chiến thắng trong Thế chiến thứ hai”. Điều này làm cho các nhà làm luật tương đối dễ dàng đưa nước Mỹ can dự vào các cuộc chiến tranh mà không cần bảo đảm sự nhất trí sâu rộng của toàn xã hội. “Lực lượng quân sự hùng mạnh nhất trong lịch sử giờ đây có thể tham chiến nhân danh một xã hội chằng thèm quan tâm đến cuộc chiến đó”. Quân đội tình nguyện miễn cho hầu hết người Mỹ trách nhiệm chiến đấu và hy sinh cho đất nước mình. Mặc dù một số người xem đây là một thuận lợi, việc không phải chia sẻ sự hy sinh gian khổ cũng làm xói mòn trách nhiệm chính trị:

            “Tuyệt đại đa số người Mỹ không có nguy cơ do phải nhập ngũ ra chiến trường đã thuê một số đồng bào kém may mắn hơn thực hiện những việc nguy hiểm trong khi đa số tiếp tục công việc riêng của mình, không bị nguy hiểm và không bị gián đoạn”.

            Một trong những tuyên bố nổi tiếng nhất về nghĩa cụ công dân trong chế độ quân dịch là của Jean – Jacques Rousseau (1712 – 1778), nhà lý luận chính trị thời Khai sáng sinh ra ở Geneva. Trong tác phẩm Khế ước xã hội (Theo Social Contract, 1972), ông lập luận rằng biến một nghĩa vụ công dân thành loại hàng hóa trên thị trường không làm tăng, mà làm suy yếu tự do:

            “Khi việc phục vụ xã hội không còn là công việc chính của công dân, và họ muốn đóng góp tiền hơn là sự tự thân phụng sự, thì nhà nước không còn xa sự sụp đổ. Khi cần phải ra tiền tuyến, họ trả tiền cho người khác ra trận và phải ra tiền tuyến, họ trả tiền cho người khác ra trận và ở lại hậu phương… Trong một quốc gia hoàn toàn tự do, các công dân tự mình làm mọi thứ và không bao giờ đi thuê; miễn bàn đến chuyện nộp tiền để được miễn trừ nghĩa vụ, họ thậm chí còn trả tiền để được đặc quyền tự mình hoàn thành nghĩa vụ. Tôi đi ngược lại quan điểm chung: Tôi tin lao động công ích còn ít mang tính cưỡng bức hơn là thuế”.

            Ý thức mạnh mẽ của Rousseau về quyền công dân, và sự thận trọng của ông với thị trường có thể rất khác biệt với giả định ngày nay của chúng ta. Chúng ta có xu thế xem nhà nước, cùng với pháp luật và các quy định ràng buộc là có khuynh hướng bắt buộc, trong khi xem thị trường với việc trao đổi tự nguyện là có khuynh hướng tự do. Rousseau nói điều ngược lại, ít nhất khi đang nói đến sứ mạng công dân.

            Những người ủng hộ thị trường có thể bảo vệ quân đội tình nguyện bằng cách bác bỏ ý thức mạnh mẽ của Rousseau về quyền công dân, hoặc bằng cách phủ nhận sự liên quan của nó đến nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, những lý tưởng công dân ông nêu lên vẫn được nhiều người hưởng ứng, thậm chí trong một xã hội do thị trường điều khiển như Hoa Kỳ. Phe ủng hộ quân đội tình nguyện kịch liệt phủ nhận việc rút cục nó là một đội quân đánh thuê. Họ đúng khi chỉ ra rằng nhiều người tòng quân do lòng yêu nước thúc đẩy, không chỉ bởi lương và các lợi ích khác. Nhưng tại sao chúng ta coi việc này quan trọng? Miễn là các chiến sỹ làm tốt công việc của mình, chúng ta cần gì quan tâm đến động cơ của họ? Ngay cả khi không dùng thị trường tuyển quân, chúng ta thấy khó mà tách được nghĩa vụ quân sự khỏi quan niệm cũ về chủ nghĩa yêu nước và đạo đức công dân.

            Hãy thử xét: Điều gì thực sự là điểm khác biệt giữa quân đội tình nguyện hiện đại và quân đánh thuê? Cả hai đều được trả tiền để chiến đấu. Cả hai lôi kéo người tham gia bằng cách hứa hẹn trả lương cao và các ích lợi khác. Nếu thị trường là cách mộ quân thích hợp, lính đánh thuê có gì sai?

            Người ta có thể trả lời lính đánh thuê là công dân nước ngoài, chiến đấu chỉ vì tiền, trong khi quân đội tình nguyện Hoa Kỳ chỉ nhận người quốc tịch Mỹ. Nhưng nếu thị trường lao động là cách mộ quân thích hợp, không rõ tại sao quân đội Mỹ phải phân biệt đối xử trong việc thuê lính trên cơ sở quốc tịch? Tại sao không chủ động tuyển mộ binh sĩ là công dân các quốc gia khác, những người muốn có việc làm và có năng lực? Tại sao không tạo ra binh đoàn lính lê dương từ các nước đang phát triển – nơi tiền lương thấp và không có nhiều việc làm tốt.

Đôi khi người ta cho rằng binh sĩ nước ngoài ít trung thành hơn so với lĩnh Mỹ. Tuy nhiên, quốc tịch không đảm bảo về lòng trung thành trên chiến trường, và nhà tuyển dụng có thể kiểm tra người nước ngoài để xác định độ tin cậy. Khi chấp nhận quan điểm quân đội cần sử dụng thị trường lao động để mộ binh, về nguyên tắc chẳng có lý do gì để hạn chế công dân các nước khác có đủ điều kiện tham gia; trừ phi bạn tin rằng nhập ngũ là trách nhiệm công dân, một biểu hiện của quyền công dân. Nhưng nếu tin thế, thì bạn có lý do nghi ngờ giải pháp thị trường.

            Hai thế hệ đã trôi qua sau khi chấm dứt chế độ quân dịch, người Mỹ tỏ ra ngần ngại khi áp dụng đến tận cùng logic thị trường trong việc tuyển quân. Binh đoàn lê dương Pháp có truyền thống lâu đời trong việc tuyển dụng binh sỹ nước ngoài chiến đấu cho nước Pháp. Mặc dù có luật nghiêm cấm binh đoàn tuyển mộ bên ngoài nước Pháp, Internet đã làm hạn chế này vô nghĩa. Quảng cáo tuyển dụng trên internet bằng mười ba ngôn ngữ bây giờ thu hút lính mới từ khắp nơi trên thế giới. Khoảng một phần tư quân số binh đoàn được tuyển từ các nước Mỹ Latin và một phần ngày càng lớn đến từ Trung quốc và các quốc gia Châu Á khác.

             Không thành lập binh đoàn ngoại quốc, nhưng Hoa Kỳ đã tiến một bước theo hướng đó. Đối mặt với mục tiêu tuyển dụng không đạt khi cuộc chiến Iraq và Afghanistan kéo dài, quân đội bắt đầu tuyển dụng người nhập cư nước ngoài đang sống tại Hoa Kỳ có thị thực tạm thời. Các ưu đãi bao gồm lương hậu hỹ và nhanh chóng nhập quốc tịch. Có khoảng 30.000 người chưa là công dân hiện diện trong lực lượng vũ trang Hoa Kỳ. Chương trình mới sẽ nới lỏng điều kiện nhập từ cư dân thường trú có thẻ xanh đến người nhập cư tạm thời, sinh viên nước ngoài và người tị nạn.

            Tuyển dụng lính nước ngoài không phải là cách duy nhất áp dụng lý lẽ thị trường. Một khi xem nghĩa vụ quân sự là công việc giống như bất kỳ nghề nghiệp nào khác, không có lý do gì để cho rằng chỉ có Chính phủ mới được đi thuê. Thật ra, hiện nay Hoa Kỳ thuê các doanh nghiệp tư nhân bên ngoài lực lượng thực hiện nhiều nhiệm vụ quân sự ở quy mô lớn. Các nhà thầu tư nhân đóng một vai trò ngày càng tăng trong các cuộc xung đột trên thế giới, và hiện diện rất đáng kể trong quân đội Mỹ đóng tại Iraq.

            Vào tháng 7 năm 2007, Los Angeles Times cho biết số lượng người được các nhà thầu tư nhân trả lương tại Iraq (180.000 người). Nhiều nhà thầu thực hiện công việc hỗ trợ hậu cần không cần chiến đấu: xây dựng các căn cứ, sửa chữa xe cộ, cung cấp nhu yếu phẩm và cung cấp thực phẩm. Có khoảng 50.000 người là nhân viên vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, đoàn xe vận tải, các nhà ngoại giao và nhiệm vụ ngày thường khiến họ phải chiến đấu. Hơn 1.200 nhà thầu tư nhân đã bị giết ở Iraq, dù vậy họ không trở về trong quan tài phủ cờ, và họ không có trong danh sách các tử sĩ của quân đội.

            Một công ty quân sự hàng đầu là Blackwater worldwide. Tổng giám đốc điều hành Eric Prince – một cựu biệt kích hải quân có niềm tin mãnh liệt vào thị trường tự do. Ông bác bỏ ý kiến gọi các chiến binh của mình là “lính đánh thuê”, một thuật ngữ ông xem là “vu khống”. Prince giải thích: “Chúng tôi đang đóng góp cho bộ máy an ninh quốc gia, cũng giống như Federal Express làm cho ngành bưu chính”. Mặc dù nhận được các hợp đồng của Chính phủ trị giá hơn 1 tỉ đô la để cung cấp các dịnh vụ tại Iraq, nhưng Blackwater thường ở tâm điểm gây tranh cãi. Vai trò của công ty này được công chúng chú ý lần đầu tiên vào năm 2004, khi bốn nhân viên công ty bị phục kích và chết ở Fallujah, hai thi thể bị treo trên một cây cầu. Vụ việc đã khiến tổng thống George W.Bush ra lệnh cho thủy quân lục chiến tiến vào Fallujah, tiến hành một trận chiến lớn và tốn kém với quân nổi dậy. Năm 2007, sáu nhân viên bảo vệ Blackwater đã nổ súng vào một đám đông ở quảng trường Baghdad, giết chết 17 thường dân. Nhân viên bảo vệ tuyên bố họ bị bắn trước, và sau đó được miễn truy tố theo pháp luật Iraq – theo các luật lệ do cơ quan quân quản Mỹ đặt ra sau khi xâm chiếm. Nhưng cuối cùng các nhà thầu bị Bộ Tư pháp Mỹ kết tội ngộ sát, và sự cố này khiến lãnh đạo chính quyền Iraq yêu cầu Blackwater chấm dứt hoạt động tại đây.

            Nhiều nghĩ sỹ Quốc hội cũng như dân thường phản đối việc thuê các công ty hoạt động vì lợi nhuận như Blackwater thực hiện các hoạt động quân sự trong chiến tranh. Phần lớn những chỉ trích tập trung vào sự vô trách nhiệm và sự liên quan của các công ty này đến việc ngược đãi tù nhân. Một vài năm trước tai nạn bắn nhầm của Blackwater, nhiều nhà thầu tư nhân từ các công ty khác đã có hành vi ngược đãi tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib. Mặc dù các binh sỹ liên quan bị đưa ra tòa án binh, các nhà thầu tư nhân đã không bị trừng phạt.

            Nhưng giả sử Quốc hội thắt chặt quy định để công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực quân sự có trách nhiệm hơn, đảm bảo nhân viên của họ có cùng tiêu chuẩn ứng xử được áp dụng cho binh sỹ Hoa Kỳ. Liệu khi đó việc sử dụng các công ty tư nhân tiến hành các cuộc chiến tranh cho nước Mỹ có còn bị phản đối nữa không? Hay là có một sự khác biệt về mặt đạo đức giữa việc trả tiền thuê Federal Express chuyển thư và thuê Blackwater thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm trên chiến trường?

            Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải giải quyết vấn đề sau: nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ mà mọi công dân có trách nhiệm phải thực hiện, hay đó chỉ là một công việc khó khăn và rủi ro như những công việc (ví dụ khai thác than) mà thị trường lao động điều tiết? Và để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải đặt ra câu hỏi tổng quát hơn: Công dân trong một xã hội dân chủ phải có những nghĩa vụ công dân nào, và những nghĩa vụ đó phát sinh từ đâu ra? Các lý thuyết công lý khác nhau đưa ra những câu trả lời riêng. Chúng ta sẽ có được một vị trí tốt hơn để quyết định nên bắt quân dịch hay thuê người đi lính một khi chúng ta khám phá cơ sở và phạm vi nghĩa vụ công dân. Tiếp theo, hãy cùng xem một cách sử dụng thị trường lao động gây tranh cãi khác.

Thuê mang thai

            William và Elizabeth Stern là một cặp vợ chồng có nghề nghiệp ổn định sống tại Tenafly, tiểu bang New Jersey, ông là nhà hóa sinh, bà là bác sỹ nhi khoa. Họ muốn có con, nhưng không thể có con chung, ít nhất nếu không muốn gây rủi ro cho sức khỏe của Elizabeth – người bị bệnh đa xơ cứng. Vì vậy, họ liên lạc với một trung tâm chữa vô sinh có cung cấp dịch vụ mang thai hộ. Trung tâm đã chạy quảng cáo tìm kiếm “các bà mẹ mang thai hộ” – là người phụ nữ sẵn sàng mang thai em bé, khi sinh ra sẽ trao con cho người khác để đổi lấy tiền công.

            Một trong những người phụ nữ phản hồi là Mary Beth Whitehead, một phụ nữ 29 tuổi có hai đứa con, và là vợ của một nhân viên vệ sinh. Tháng 2 năm 1985, William Stern và Mary Beth Whitehead đã ký hợp đồng. Mary Beth đồng ý thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của William, mang thai đứa trẻ và trả con cho William sau khi sinh. Cô cũng đồng ý từ bỏ quyền làm mẹ, do đó Elizabeth Stern có thể nhận con nuôi. Về phần mình, William đồng ý trả cho Mary Beth 10.000 đôla (sẽ trả sau khi sinh con), cộng với chi phi y tế (Ông cũng đồng ý trả khoản phí 7.500 đôla cho trung tâm chữa vô sinh do dàn xếp thỏa thuận).

            Sau vài lần thụ tinh nhân tạo, Mary Beth mang thai, và tháng 3 năm 1986, cô sinh một bé gái. Gia đình nhà Stern, chuẩn bị đặt sẵn cái tên Melissa cho cô con gái họ sắp được nhận. Nhưng Mary Beth Whitehead cảm thấy không thể xa rời đứa trẻ và cô muốn giữ lại con. Cô mang em bé bỏ trốn sang Florida, nhưng nhà Sterns có lệnh của tòa án yêu cầu cô giao đứa trẻ. Cảnh sát Florida tìm thấy Mary Beth, em bé được trao cho gia đình Sterns, và cuộc đấu tranh giành quyền nuôi con đã diễn ra ở tòa án bang New Jersey.

            Quan tòa sơ thẩm phải quyết định có nên bắt buộc thực thi hợp đồng hay không. Bạn nghĩ việc đúng phải làm là gì? Để đơn giản hóa vấn đề, hãy bỏ qua các vấn đề pháp luật mà tập trung vào các khía cạnh đạo đức. (Hóa ra ở thời điểm đó, tiểu bang New Jersey không có luật cấm hoặc cho phép đẻ thuê). William Stern và Mary Beth Whitehead đã thỏa thuận một hợp đồng. Về mặt đạo đức, có bắt buộc phải thực hiện hợp đồng này hay không?

            Lập luận mạnh mẽ nhất ủng hộ việc thực thi hợp đồng là: thỏa thuận là thỏa thuận. Hai người trưởng thành nhất trí về một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên: William Stern có được đứa con ruột, và Mary Beth Whitehead kiếm được 10.000 đôla cho chín tháng mang thai.

Phải thừa nhận đây không phải là hợp đồng thương mại thông thường. Vì vậy, bạn có thể do dự trong việc buộc thi hành vì hai nguyên nhân sau:

Thứ nhất, bạn có thể nghi ngờ rằng sự đồng ý sinh con và trao con lấy tiền của người phụ nữ đó là do thiếu thông tin. Liệu cô ấy có biết được cảm giác của mình vào thời điểm từ bỏ đứa con không? Nếu cô không biết, mọi người có thể lập luận rằng ban đầu cô không đồng ý vì sự bức thiết của nhu cầu tiền bạc, và do không có đủ kiến thức về điều sẽ xảy ra khi phải chia ly với con.

            Thứ hai, bạn có thể hoàn toàn phản đối việc mua bán trẻ em, hoặc việc thuê khả năng sinh sản của phụ nữ, cho dù cả hai bên tự nguyện đồng ý làm vậy. Có thể lập luận rằng việc mua bán này biến trẻ em thành hành hóa và khai thác phụ nữ bằng cách coi sản phụ và việc mang thai là món hàng kinh doanh.

            Thẩm phán toàn sơ thẩm R. Harvey Sorkow – người xét xử vụ “Baby M”(tên vụ án) – đã không bị thuyết phục bởi cả hai phản đối trên. Ông ủng hộ việc phải thực thi thỏa thuận, viện dẫn tính thiêng liêng của hợp đồng. Thỏa thuận là thỏa thuận, và người mẹ ruột không có quyền phá vỡ hợp đồng đơn giản chỉ vì cô đã thay đổi ý kiến.

            Thẩm phán phản bác cả hai phản đối. Đầu tiên, ông bác bỏ quan điểm coi thỏa thuận của Mary Beth là không tự nguyện, sự ưng thuận của cô vì một lý do nào đó là sai lầm:

            “Không bên nào có ưu thế mặc cả. Mỗi bên có thứ mà bên kia muốn. Giá thực hiện dịch vụ đã được hai bên đồng ý và đã đi đến được thỏa thuận. Không bên nào ép bên nào. Không bên nào có chuyên môn để ép bên kia vào thế bất lợi. Không có sự bất tương xứng trong quá trình thương lượng”.

            Thứ hai, ông bác bỏ quan điểm coi việc dùng tiền thuê đẻ giống việc bán trẻ em. Thẩm phán cho rằng William Stern – người cha đẻ – không mua em bé của Mary Beth Whitehead, ông trả tiền cho dịch vụ mang thai đứa con đẻ của mình. “Khi sinh ra, người cha không mua đứa trẻ. Nó là con đẻ – thực sự về mặt di truyền sinh học. Ông không thể mua thứ đã là của mình”. Vì được thụ thai với tinh trùng của William, em bé là con của ông – đó là khởi điểm suy diễn của thẩm phán. Vì vậy, không có vụ mua bán trẻ con nào ở đây cả. Khoản tiền 10.000 đôla trả cho dịch vụ (mang thai), không phải trả cho sản phẩm (đứa con).

            Thẩm phán Sorkow không đồng ý với ý kiến coi việc cung cấp dịch vụ như thế là khai thác phụ nữ. Ông so sánh mang thai lấy tiền với việc bán tinh trùng. Vì đàn ông được phép bán tinh trùng, phụ nữ phải được phép bán khả năng sinh sản: “Nếu nam giới có thể cung cấp các phương tiện để sinh sản thì phụ nữ cũng phải được làm vậy”. Nếu không được quyền làm thế – ông nói – là phủ nhận quyền bình đẳng của phụ nữ trước pháp luật.

            Mary Beth Whitehead xin phúc thẩm bản án ở Tòa án Tối cao New Jersey. Với ý kiến nhất trí, tòa tối cao lật ngược phán quyết của Sorkow và tuyên bố hợp đồng đẻ thuê là vô hiệu. Nhưng tòa cũng trao quyền nuôi dưỡng bé Baby M cho William Stern với lý do đó là điều tốt nhất cho đứa bé. Không xét tới hợp đồng những tòa án tin rằng gia đình Stern sẽ nuôi dưỡng bé Melissa tốt hơn. Nhưng tòa khôi phục quyền làm mẹ của Mary Beth Whitehead, và yêu cầu tòa cấp dưới xác định quyền thăm con.

            Khi viết ý kiến của tòa án, Chánh án Tòa án tối cao Robert Wilentz phủ nhận hợp đồng đẻ thuê. Ông cho rằng nó không thực sự tự nguyện, và cấu thành hành vi bán trẻ em.

            Trước tiên, sự ưng thuận bị sai lầm:

            Thỏa thuận mang thai và trao đứa trẻ khi sinh của Mary Beth không thực sự tự nguyện, bời vì cô không thực sự am hiểu: Người mẹ đẻ tham gia hợp đồng trước khi cô biết được sức mạnh của mối dây mẫu tử giữa cô với đứa bé. Cô không bao giờ có được một quyết định hoàn toàn tự nguyện và am hiểu, bởi vì nó rõ ràng bất cứ quyết định nào trước khi sinh đứa bé đều cơ bản là thiếu thông tin.

            Khi em bé đuợc sinh ra, người mẹ có điều kiện tốt hơn để lựa chọn với đầy đủ thông tin. Nhưng lúc đó, quyết định của cô không còn tự do mà bị cưỡng bách bởi “sự đe dọa của một vụ kiện, và sự hấp dẫn của 10.000 đôla tiền thanh toán” khiến quyết định này cũng “không hoàn toàn tự nguyện”. Hơn nữa, nhu cầu về tiền bạc làm phụ nữ nghèo sẽ “chọn” để trở thành bà mẹ mang thai hộ người giàu có, hơn là ngược lại. Chánh án Wilentz cho rằng cả điều này cũng thách thức tính chất tự nguyện của các thỏa thuận như vậy: “Chúng ta nghi ngờ việc các cặp vợ chồng vô sinh thu nhập thấp sẽ tìm được người có thu nhập cao để thuê mang thai hộ”

            Vì vậy, sự ưng thuận sai lầm là một trong những lý do để làm hợp đồng vô hiệu. Nhưng Wilentz cũng đưa ra lý do thứ hai căn bản hơn nhiều:

            Bỏ qua những vấn đề như cô ấy cần tiền đến mức độ nào, cũng như tầm quan trọng của việc cô có hiểu được hậu quả không, chúng tôi cho rằng sự ưng thuận của cô không thích hợp. Trong một xã hội văn minh có một số thứ tiền không thể mua được.

            Đẻ thuê tương đương với việc bán con, Wilentz lập luận, và bán con là sai, cho dù có thể tự nguyện. Ông bác bỏ lập luận coi tiền là khoản thanh toán cho dịch vụ mang thai chứ không phải dùng để mua đứa trẻ. Theo hợp đồng, khoản tiền 10.000 đô la chỉ được trả khi trao con và Mary Beth từ bỏ quyền làm mẹ.

            Đây là việc bán một đứa trẻ, hoặc ít nhất bán quyền làm mẹ đứa trẻ, yếu tố giảm nhẹ chỉ là người mua là cha đứa bé… Người trung gian do tối mắt vì lợi nhận đã thúc đẩy vụ mua bán. Cho dù các bên có tư tưởng nào làm động cơ đi chăng nữa thì động cơ lợi nhuận vẫn có vai trò chủ yếu chi phối giao dịch này.

Hợp đồng đẻ thuê và công lý

            Vậy ai đúng trong vụ Baby M – tòa án sơ thẩm yêu cầu thực thi hay tòa phúc thẩm tuyên bố hợp đồng vô hiệu? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần đánh giá ảnh hưởng đạo đức của hợp đồng, và hai phản bác chống lại hợp đồng đẻ thuê.

            Lý do ủng hộ thực thi hợp đồng dựa trên hai lý thuyết về công lý mà chúng ta đã xét trước đây – chủ nghĩa tự do cá nhân và thuyết vị lợi. Trong vụ này, chủ nghĩa tự do cá nhân cho rằng hợp đồng phản ánh sự tự do lựa chọn; việc giao kết hợp đồng giữa hai người trưởng thành thỏa thuận là tôn trọng quyền tự do của họ. Lý lẽ của thuyết vị lợi đối với hợp đồng này là thúc đẩy lợi ích chung, nếu cả hai bên đồng ý, cả hai đều có được lợi ích hay hạnh phúc từ thỏa thuận, nếu không đồng ý, họ sẽ không có được. Vì vậy trừ khi chứng minh được thỏa thuận này làm giảm ích lợi của ai đó (và thiệt hại nhiều hơn lợi cho các bên), nếu không thì giao dịch song phương cùng có lợi (hợp đồng đẻ thuê) cần phải được tôn trọng.

            Các phản đối gì? Chúng có thuyết phục không?

* Phản đối 1: Sự ưng thuận sai lầm

            Phản đối đầu tiên (thỏa thuận của Mary Beth Whitehead không thực sự tự nguyện) đặt ra câu hỏi về điều kiện lựa chọn của mọi người. Chúng ta chỉ có thể tự do lựa chọn khi và chỉ khi chúng ta không áp bức quá mức (chẳng hạn do nhu cầu tiền bạc), và chúng ta có đủ thông tin hợp lý về các lựa chọn khác. Tuy nhiên mọi người vẫn tranh cãi với nhau về việc thế nào là quá mức, hay mức độ thiếu thông tin đến đâu. Nhưng trọng tâm của lý lẽ là xác định xem khi nào một thỏa thuận được xem là tự nguyện là thực sự tự nguyện, và khi nào thì không. Câu hỏi này nổi cộm trong vụ án Baby M, và cũng xuất hiện trong các cuộc tranh luận về đội tình nguyện.

            Trong vụ này, đáng lưu ý là cuộc tranh luận về điều kiện nền tảng cần thiết để sự ưng thuận này có giá trị thật ra chỉ là “sự cãi cọ trong gia đình” của một trong ba cách tiếp cận về công lý mà chúng ta đang xem xét – cách tiếp cận cho rằng công lý có nghĩa là tôn trọng tự do. Như chúng ta đã thấy, chủ nghĩa tự do cá nhân là một thành viên của “gia đình” này. Nó cho rằng công lý là tôn trọng lựa chọn của người khác, miễn là lựa chọn này không vi phạm quyền của bất kỳ ai khác. Các lý thuyết khác trong “gia đình” xem công lý là sự tôn trọng tự do nhưng đặt ra một số hạn chế đối với điều kiện lựa chọn. Giống như Chánh án Wilentz trong vụ Baby M, chúng ta cho rằng lựa chọn được thực hiện dưới áp lực hoặc trong trường hợp không đủ thông tin là không thực sự tự nguyện. Chúng ta sẽ có đủ kiến thức để đánh giá cuộc tranh luận này khi chung ta chuyển sang triết lý chính trị của John Rawls – một thành viên của phe tự do (freedom camp) bác bỏ lập luận của chủ nghĩa tự do cá nhân về công lý.

* Phản đối 2: Sự xuống cấp và hàng hóa phẩm chất cao

            Còn lý lẽ thứ hai phản đối hợp đồng đẻ thuê – có một số thứ tiền không mua được, chẳng hạn như con cái và khả năng sinh sản của nữ giới – thì sao? Việc mua bán những thứ này sai ở điểm nào? Câu trả lời thuyết phục nhất là: coi con cái và thai kỳ như hàng hóa là hạ giá chúng, hoặc không đánh giá chúng thích hợp.

            Nằm dưới câu trả lời này là một ý tưởng lớn: Cách phù hợp để xác định giá trị hàng hóa và tập quán xã hội không đơn giản do chúng ta quyết định. Với hàng hóa thông thường, chẳng hạn như xe hơi và lò nướng bánh, cách phù hợp để xác định giá trị là sử dụng, làm ra hay bán chúng vì lợi nhuận. Nhưng thật sai lầm nếu xem tất cả mọi thứ hàng hóa như vậy. Chẳng hạn việc xem con người là hàng hóa để có thể mua đi bán lại là sai trái. Đó là bởi vì loài người là những con người xứng đáng được tôn trọng, không phải đối tượng để sử dụng. Tôn trọng và sử dụng là hai chế độ định giá khác nhau.

Triết gia đạo đức đương đại Elizabeth Anderson đã áp dụng kiểu lập luận này trong cuộc tranh luận về đẻ thuê. Bà lập luận hợp đồng đẻ thuê hạ thấp giá trị trẻ em và sản phụ vì xem họ như hàng hóa. Bà định nghĩa hạ thấp giá trị là xem một cái gì đó “theo một phương pháp xác định giá trị thấp hơn phương thức phù hợp với nó”. Chúng ta đánh giá mọi thứ không chỉ là “ít” hay “nhiều”, mà còn theo chất  lượng cao và thấp. Yêu hoặc tôn trọng ai đó nghĩa là đánh giá người đó theo cách cao hơn người chỉ đơn giản sử dụng người đó… Việc đẻ thuê mang tính thương mại hạ thấp giá trị trẻ em vì xem trẻ em là hàng hóa”. Nó sử dụng trẻ em như công cụ tạo lợi nhuận chứ không phải là những sinh linh đáng được yêu thương và chăm sóc.

Anderson cho rằng việc đẻ thuê mang tính thương mại cũng hạ thấp giá trị người phụ nữ vì xem cơ thể họa là “máy đẻ” và bằng cách trả tiền cho họ để cắt đứt quan hệ mẫu tử. Nó thay thế “chuẩn mực cha mẹ trong quá trình chăm sóc con trẻ với chuẩn mực kinh tế chi phối quá trình sản xuất hàng hóa”. Anderson viết, bằng cách yêu cầu các bà mẹ mang thai hộ “kiềm chế bất kỳ tình cảm mẫu tử nào với con trẻ”, hợp đồng đẻ thuê “chuyển đổi cái thai của người phụ nữ thành một dạng thai nghén có thể bị tước đoạt”.

Trong hợp đồng đẻ thuê, [người mẹ] đồng ý không tạo lập hoặc cố gắng tạo lâp quan hệ mẫu tử với đứa con mình sinh ra. Thai kỳ của cô thật kỳ lạ, bởi vì cô phải chuyển hướng nó khỏi cái kết mà tập quán xã hội ủng hộ một cách đúng đắn; mối liên hệ tình cảm với đứa con mình.

Điểm cốt lõi trong lý lẽ của Anderson là ý tưởng hàng hóa khác nhau; do đó thật sai lầm nếu định giá tất cả lợi nhuận hoặc đối tượng sử dụng. Nếu đúng, ý tưởng này giải thích tại sao có một số thứ không nên mua bằng tiền.

Lý luận này cũng đặt ra một thách thức đối với thuyết vị lợi. Nếu công lý chỉ đơn giản là vấn đề tối đa niềm vui, giảm thiểu nỗi buồn, thì cần có một cách duy nhất đo đạc và đánh giá mọi hàng hóa và niềm vui hay nỗi buồn chúng gây ra cho chúng ta. Bentham phát minh ra khái niệm tính lợi ích cho chính mục đích này. Nhưng Anderson lập luận rằng việc định giá tất cả mọi thứ theo lợi ích (hoặc tiền) hạ thấp giá trị các hàng hóa và tập quán xã hội đó – kể cả trẻ em, bào thai, và việc nuôi dạy con cái – là những thứ đúng ra phải được định giá ở chuẩn mực cao hơn.

Nhưng chuẩn mực cao hơn nghĩa là gì, và làm thế nào chúng ta có thể biết phương thức định giá nào phù hợp với hàng hóa và tập quán xã hội nào? Một đáp án bắt đầu với ý tưởng tự do. Vì con người có khả năng tự do, chúng ta không nên bị sử dụng như đồ vật, mà phải được xem xét với phẩm giá và tôn trọng. Cách tiếp cận này nhấn mạnh sự khác biệt giữa người (xứng đáng được tôn trọng) và đồ vật hay sự vật (đối tượng sử dụng) là sự khác biệt cơ bản trong đạo đức.

Người bảo vệ vĩ đại nhất cho cách tiếp cận này là Immanuel Kant… Một cách tiếp cận khác đối với chuẩn mực cao hơn bắt đầu với ý tưởng rằng cách phù hợp để định giá hàng hóa và tập quán xã hội phụ thuộc vào mục đích và mục tiêu của các tập quán này. Gợi lại quan điểm này, khi chống việc đẻ thuê. Anderson cho rằng “các tập quán xã hội về mang thai đã thúc đẩy một cách đúng đắn” một mục tiêu: mối dây tình cảm giữa người mẹ với đứa con trong bụng. Một hợp đồng đòi hỏi các bà mẹ không được tạo lập mối liên kết này là xúc phạm danh dự, nhân phẩm vì nó kéo cô ra khỏi mục tiêu này. Nó thay thế “chuẩn mực mẫu tử” với “chuẩn mục sản xuất thương mại”. Việc xác định các chuẩn mực phù hợp với tập quán xã hội bằng cách cố gắng nắm bắt mục tiêu hoặc mục đích của những tập quán đó chính là trọng tâm trong lý thuyết công lý của Aristotle.

Cho đến khi xét những lý thuyết về đạo đức và công lý đó, chúng ta không thể thực sự xác định được những hàng hóa, tập quán xã hội nào nên do thị trường chi phí. Nhưng cuộc tranh luận về việc đẻ thuê, giống như các lý lẽ về quân đội tình nguyện, cho chúng ta một cái nhìn sơ lược về những gì đang bị đe dọa.

Thuê mang thai hộ ở nước ngoài

Melissa Stern, đã từng nổi tiếng với tên gọi là Baby M, vừa mới tốt nghiệp Đại học George Washington, chuyên ngành Tôn giáo. Trận chiến pháp lý nổi tiếng để tranh quyền nuôi cô ở tiểu bang New Jersey đã trôi qua gần hai thập kỷ, nhưng cuộc tranh luận về việc mang thai hộ vẫn tiếp diễn. Nhiều nước châu Âu cấm đẻ thuê lấy tiền. Tại Hoa Kỳ, hơn một chục tiểu bang đã hợp pháp hóa việc này, khoảng một chục tiểu bang cấm, trong khi ở các tiểu bang khác tình trạng pháp lý của vấn đề này khỏng rõ ràng.

Nhiều công nghệ sinh sản mới đã thay đổi ngành kinh doanh đẻ thuê theo chiều hướng làm trầm trọng thêm tình huống khó xử về mặt đạo đức. Khi chấp nhận mang thai lấy tiền, Mary  Beth Whitehead cung cấp cả trứng lẫn tử cung. Do đó cô là người mẹ sinh học của đứa con trong bụng. Nhưng công nghệ thụ tinh ống nghiệm (IVF) có thể để một người phụ nữ cung cấp trứng và người phụ nữ khác mang thai. Giáo sư quản trị kinh doanh Deborah Spar của Trường Kinh doanh Harvard, đã phân tích những lợi thế thương mại của kiểu mang thai mới này. Theo truyền thống, những người có hợp đồng đẻ thuê “về cơ bản phải mua trọn cả trứng cùng tử cung”. Bây giờ họ có thể “lấy trứng từ một nguồn (trong nhiều trường hợp, từ người mẹ định trước) và tử cung từ người khác”.

Spar giải thích sự tách bạch trong chuỗi cung ứng khiến thị trường đẻ thuê tăng mạnh. “Bằng cách loại bỏ các liên kết truyền thống giữa trứng, tử cung, và mẹ, việc mang thai hộ giảm các rủi ro về mặt pháp lý và tình cảm xuất hiện trong trường hợp đẻ thuê truyền thống cho phép một thị trường mới phát triển mạnh”. “Không còn các ràng buộc trọn gói tử cung kèm trứng”, những người môi giới “phân biệt hơn” với những người đẻ thuê họ chọn, “tìm kiếm trứng có những đặc điểm di truyền cụ thể và tử cung gắn với một tính cách nhất định”. Các bậc cha mẹ tương lai không còn phải lo lắng về những đặc điểm di truyền của người phụ nữ họ thuê mang thai con mình, “bởi vì họ có thể tìm thấy những đặc điểm đó ở người khác”.

Họ không quan tâm đến việc cô ấy trông như thế nào, họ không lo lắng cô ấy sẽ đòi con sau khi sinh hoặc tòa án sẽ thiên vị cô ta. Họ chỉ cần một phụ nữ khỏe mạnh, sẵn sàng mang thai và tuân thủ các quy định cụ thể: không uống rượu, hút thuốc, tiêm chích ma túy trong thai kỳ.

Mặc dù việc mang thai hộ đã làm tăng nguồn cùng những người đẻ thuê tương lai, nhưng lượng cầu cũng tăng. Người đẻ thuê bây giờ nhận khoảng 20.000 đến 25.000 đô la mỗi lần mang thai. Tổng chi phí (bao gồm cả chi phí y tế và pháp lý) thông thường khoảng 75.000 đến 80.000 đô la.

Khi giá cả leo thang, không có gì ngạc nhiên khi thấy các bậc cha mẹ tương lai bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn có chi phí thấp hơn. Cũng như các sản phẩm và dịch vụ khác trong nền kinh tế toàn cầu, dịch vụ mang thai hộ bây giờ có thể được thuê ở nước ngoài với chi phí thấp. Năm 2002, Ấn Độ hợp pháp hóa việc đẻ thuê lấy tiền với hy vọng thu hút khách hàng sang nước ngoài.

Thành phố Anand ở miền Tây Ấn Đô sẽ sớm trở thành trung tâm mang thai hộ giống như Bangalore là trung tâm trả lời điện thoại. Vào năm 2008, hơn 50 phụ nữ ở thành phố này đã mang thai hộ các cặp vợ chồng ở Hoa Kỳ, Đài Loan, Anh, và các nơi khác. Một bệnh viện cung cấp nhà ở, đầy đủ người giúp việc, đầu bếp, bác sĩ cho 15 phụ nữ mang thai hộ cho khách hàng trên khắp thế giới. Khoản tiền những người phụ nữ này kiếm được (từ 4.500 đến 7.500 đô la), thường nhiều hơn thu nhập trong 15 năm của họ, và đủ để họ mua nhà hoặc cho con mình đi học. Đối với các bậc cha mẹ tương lai, sự sắp đặt ở Anand thực sự là món hời. Tổng chi phí khoảng 25.000 đô la (Bao gồm cả chi phí y tế, thanh toán cho người đẻ thuê, vé máy bay khứ hồi, tiền khách sạn cho hai chuyến đi). Khoản tiền này chỉ bằng một phần ba chi phí nếu thực hiện ở Hoa Kỳ.

Một số người cho rằng đẻ thuê thương mại ngày nay ít gây phiền hà về mặt đạo đức hơn vụ sắp đặt đến vụ kiện Baby M. Vì người đẻ thuê không cung cấp trứng, chỉ cung cấp tử cung và mang thai hộ nên người ta có thể lập luận rằng đứa con trong bụng không phải đứa con ruột của cô. Theo quan điểm này, không có em bé nào bị bán, và yêu cầu đòi con ít có khả năng thực hiện.

Nhưng việc mang thai hộ không giải quyết được tình thế khó xử về đạo đức. Có thể đúng là liên kết giữa đứa bé với người chỉ mang thai hộ không sâu đậm như với người mang thai hộ cung cấp cả trứng. Nhưng chia ba vai trò của người mẹ (mẹ nuôi, người cung cấp trứng và người mang thai) thay vì chia hai không giải quyết được câu hỏi ai xứng đáng là mẹ.

Có chăng thì việc thuê mang thai hộ ở nước ngoài – xuất hiện một phần do công nghệ thụ tinh ống nghiệm – đã làm vấn đề đạo đức dịu đi trông thấy. Chi phí giảm đi đáng kể cho cha mẹ tương lai, và lợi ích kinh tế to lớn (so với mức lương địa phương) mà người mang thai hộ Ấn Độ kiếm được khiến ta không thể phủ nhận rằng đẻ thuê mang tính thương mại có thể làm tăng lợi ích chung. Vì vậy, theo quan điểm của chủ nghĩa vị lợi, thật khó để tranh luận khi việc mang thai thuê đang nổi lên như một ngành công nghiệp toàn cầu.

Tuy nhiên, việc thuê mang thai ở nước ngoài trên quy mô toàn cầu cũng tạo ra màn kịch gay cấn về mặt đạo đức, Suman Dodia, một phụ nữ 26 tuổi người Ấn Độ mang thai hộ cho một cặp vợ chồng người Anh, trước kia làm hầu bàn với mức lương 25 đô la/tháng. Với cô, khả năng kiếm được 4.500 đô la cho công việc mang thai chín tháng hẳn là hấp dẫn đến mức hầu như không thể cưỡng lại được. Tuy nhiên, việc cô đã gửi ba con đẻ của mình ở nhà và không bao giờ đi khám bác sỹ cho thấy sự đau xót trong vai trò mang thai của mình. Nhắc đến việc mang thai thuê của mình, cô nói, “Giờ tôi cẩn thận hơn hồi mang thai con ruột”. Mặc dù lợi ích kinh tế của sự lưạ chọn của cô khi mang thai thuê là rõ ràng, nhưng chúng ta khó mà gọi điều này là tự do.

Hơn nữa, việc tạo ra một ngành công nghiệp mang thai thương mại quy mô toàn cầu – chính là như một chính  sách có chủ ý ở các nước nghèo – làm tăng ý nghĩa đẻ thuê là hạ thấp danh dự, nhân phẩm phụ nữ, coi cơ thể và khả năng sinh sản của họ như một loại hàng hoá.

Thật khó tưởng tượng có hai hoạt động nào của con người lại khác biệt nhau hơn mang thai và chiến đấu. Nhưng những phụ nữ mang thai hộ ở Ấn Độ và người lính mà Andrew Carnegie thuê để đi lính thay ông trong cuộc Nội chiến có điều cái gì đó chung. Suy nghĩ những điểm đúng đắn và sai trái trong các tình huống của họ giúp chúng ta đối mặt với hai vấn đề chia rẽ các khái niệm công lý cạnh tranh nhau: Các lựa chọn chúng ta thực hiện trong thị trường tự do có mức độ tự do đến đâu? Và có hay không những giá trị, hàng hóa không thể dùng tiền để mua vì thị trường không thể tôn vinh những phẩm chất cao của chúng?.

Ths. Nguyễn Xuân Tùng – Văn phòng Bộ Tư pháp

Tham khảo thêm các bài viết:

1900.0191