Khái niệm Hiến pháp theo lý luận và quy định pháp luật.
_Định nghĩa Hiến pháp:
Hiến pháp là hệ thống các quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lí cao nhất của quốc gia, quy định những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất về chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị, chính sách kinh tế, văn hoá- xã hội, tổ chức quyền lực nhà nước, địa vị pháp lí của con người và công dân.
_Nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Hiến pháp:
+Gắn liền với sự ra đời của nền dân chủ tư sản, cùng với đó là sự xuất hiện của học thuyết phân chia quyền lực nhà nước để hạn chế tối đa sự lạm dụng quyền lực, để bảo vệ quyền con người.
+Sự ra đời và phát triển không ngừng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, cần phải thiết lập một mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân theo quy tắc bình đẳng, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, kết quả là sự phát triển của khoa học kĩ thuật trong đó có khoa học pháp lí.
+ Sau khi cách mạng tư sản bùng nổ, giai cấp tư sản nhận quyền lực từ giai cấp phong kiến, ban hành ra pháp luật trong đó có Hiến pháp để xác định địa vị thống trị của mình.
_Đặc điểm của Hiến pháp:
+Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là luật mẹ, luật gốc vì vậy nó là nên tảng, là cơ sở để xây dựng và phát triển toàn bộ hệ thống pháp luật quốc gia.
+Hiến pháp là luật tổ chức, quy định các nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước, xác định cách thức tổ chức và xác lập các mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, quy định cấu trúc các đơn vị hành chính lãnh thổ và cách thức tổ chức chính quyền địa phương.
+Hiến pháp là luật bảo vệ các quyền con người và công dân, các quyền con người và quyền công dân quy định trong Hiến pháp là cơ sở pháp lí chủ yếu để nhà nước tôn trọng và đảm bảo thực hiện các quyền con người và công dân.
+Hiến pháp là luật có hiệu lực pháp lí tối cao, tất cả các văn bản pháp luật khác không được trái với Hiến pháp, bất kì một văn bản pháp luật nào trái với Hiến pháp đều bị huỷ bỏ.
_Phân loại Hiến pháp:
+Hiến pháp thành văn và hiến pháp không thành văn:
Hiến pháp thành văn có tính long trọng hơn, còn Hiến pháp không thành văn lại thuận tiện hơn ở thủ tục thông qua và sửa đổi.
- Hiến pháp thành văn tức là các quy định Hiến pháp được viết thành văn bản nhất định, thống nhất với các tên Hiến pháp, hiến ước, tuyên ngôn hoặc không thống nhất mà bao gồm nhiều văn bản. Dù là một hay nhiều văn bản, các Hiến pháp thành văn có thủ tục thông qua một cách chính thức và được tuyên bố là đạo luật cơ bản của nhà nước. Hiện nay, tuyệt đại đa số các Hiến pháp đều là Hiến pháp thành văn.
- Hiến pháp không thành văn là Hiến pháp thể hiện trong các quy phạm pháp luật, tập tục truyền thống, thông lệ, án lệ … Liên quan đến việc tổ chức quyền lực nhà nước. Chúng thường không được quy định thành văn bản riêng và không được tuyên bố hoặc ghi nhận là luật cơ bản của nhà nước. Hiện nay, còn một số ít các nước có loại Hiến pháp này là Anh, New Zealand…
+Hiến pháp cổ điển và hiến pháp hiện đại:
Hiến pháp cổ điển là Hiến pháp ghi nhận mối tương quan lực lượng chính trị – xã hội của giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến; còn Hiến pháp hiện đại là văn bản pháp lý ghi nhận mối tương quan lực lượng xã hội giữa giai cấp thống trị tư sản với một bên là nhân dân lao động.
- Hiến pháp cổ điển là Hiến pháp được ban hành từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX và những Hiến pháp tuy mới được ban hành gần đây song theo trường phái cổ điển. Trong những điều kiện lúc bấy giờ, các Hiến pháp nói chung là ngắn gọn, có nội dung chủ yếu là các quy định về phân chia quyền lực, ít các quy định về quyền tự do. Một số Hiến pháp cổ để vẫn tiếp tục tồn tại phải bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp với tình hình hiện tại.
- Ví dụ: Hiến pháp Mỹ là Hiến pháp đặc trưng cho Hiến pháp cổ điển, chỉ có 7 điều, tập trung vào việc quy định trình tự thành lập và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước ở trung ương như Quốc hội, Tổng thống và Toà án tối cao, mối quan hệ giữa liên bang và các tiểu bang, trình tự sửa đổi Hiến pháp nhưng Hiến pháp Mỹ không hề có điều nào nói về các đảng phái chính trị, mặc dù các đảng phái chính trị chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị của Mỹ. Ngoài ra Hiến pháp của Vương quốc Nauy năm 1814, Vương quốc Bỉ 1831, Liên bang Thuỵ sĩ 1874… cũng là những Hiến pháp cổ điển.
- Hiến pháp hiện đại là những Hiến pháp phần lớn được ban hành từ sau chiến tranh thế giới thứ hai với nội dung điều chỉnh được mở rộng. Trước cuộc đấu tranh đòi quyền dân chủ của các tầng lớp nhân dân lao động và cùng với sự ảnh hưởng của các nước xã hội chủ nghĩa mà các Hiến pháp đó ngoài những quy định cổ điển như trước đây về tổ chức bộ máy nhà nước còn chứa đựng nhiều điều khoản có nội dung dân chủ, quy định thêm các quyền tự do của công dân như bầu cử, quyền có việc làm, quyền bình đẳng nam nữ, quyền tham gia quản lý nhà nước…
- Các nước có Hiến pháp hiện đại là Pháp (Hiến pháp 1946, 1958), Nhật Bản (1948), CHLB Đức (1949)…Hiến pháp các nước xã hội chủ nghĩa đều thuộc Hiến pháp hiện đại.
+Hiến pháp nhu tính và hiến pháp cương tính:
- Hiến pháp nhu tính là Hiến pháp có thủ tục thông qua bình thường như mọi đạo luật và có thể được sửa đổi bởi chính cơ quan lập pháp, theo thủ tục thông qua các đạo luật bình thường. Ví dụ: Hiến pháp của Vương quốc Anh.
- Hiến pháp cương tính là Hiến pháp được thông qua bởi một cơ quan đặc biệt là Quốc hội lập hiến chứ không phải là cơ quan lập pháp hoặc toàn dân biểu quyết. Thủ tục thông qua hoặc sửa đổi Hiến pháp cũng được quy định chặt chẽ hơn. Chẳng hạn việc thông qua bình thường chỉ cần quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội tán thành thì đối với Hiến pháp phải có 2/3 hoặc 3/4 tổng số đại biểu, hoặc hơn thế nữa sau khi đã được Quốc hội thông qua thì dự án phải được nhân dân bỏ phiếu phúc quyết…
+Hiến pháp tư sản và hiến pháp xã hội chủ nghĩa:
- Hiến pháp xã hội chủ nghĩa có những đặc điểm chung sau: thiết lập một chính thể mới – chính thể xã hội chủ nghĩa; xác nhận rõ tính giai cấp của nhà nước xã hội chủ nghĩa; thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng mác-xít…
Hiến pháp tư sản chủ nghĩa có những đặc điểm sau: đều tìm mọi cách để che giấu bản chất giai cấp tư sản, nó luôn thể hiện quyền thống trị của mình dưới khái niệm “chủ quyền nhân dân”; đều ghi nhận, củng cố quyền chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất và hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa dưới những hình thức khác nhau; thường có một số quy định nhắm bảo đảm cho Hiến pháp được thực hiện. Trung tâm của những bảo đảm này là hoạt động của Toà án Hiến pháp hay Hội đồng Hiến pháp.
Bài luận liên quan:
- Vai trò của ngành tâm lý học
- Khái niệm, đặc điểm của chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực thẩm mỹ
- Định nghĩa bình luận về hành vi Mớm cung
- Bàn về khái niệm vật chứng trong luật tố tụng hình sự Việt Nam
- Giấy Ủy quyền nhận tiền thai sản
- Chức năng của văn bản quản lý nhà nước
- Phân tích tính hợp pháp và hợp lý của quyết định hành chính
- Khái niệm Hiến pháp
- Phương pháp điều chỉnh của ngành luật Hiến pháp Việt Nam
- Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930
- Phân tích quy định cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu trực hệ
- Chuẩn mực “đạo đức” và “xã hội” là gì và mối liên hệ của chúng trong cuộc sống hiện nay ở Việt Nam như thế nào
- Nêu, phân tích những ví dụ cụ thể gắn với vấn đề phân loại hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật