Một số bất cập trong quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng điện tử – kiến nghị hoàn thiện

Một số bất cập trong quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng điện tử – kiến nghị hoàn thiện

24/11/2015
Luật Giao dịch điện tử (Luật GDĐT), được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2006. Mà theo đó, tại khoản 1 Điều 36 của Luật này có quy định: “Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng.” Từ quy định này có thể hiểu, nhà làm luật không bắt buộc các bên khi tham gia ký kết hợp đồng điện tử phải ký kết cho toàn bộ kết quả giao dịch đã đạt được thỏa thuận, mà cho phép các bên sử dụng thông điệp dữ liệu, như: chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax, … để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, từ những quy định về quy trình, thủ tục ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng,… qua nghiên cứu tác giả thấy rằng còn nhiều nội dung liên quan đến quy trình, thủ tục ký kết hợp đồng điện tử hiện pháp luật hiện hành về lĩnh vực này chưa có quy định cụ thể, nên trong thực tiễn áp dụng bộc lộ những hạn chế sau:

1.Một số bất cập

Điều 33 của Luật GDĐT có quy định:“Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.” Nội dung quy định này là điểm khác biệt so với Luật mẫu của UNCITRAL về ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Luật mẫu của UNCITRAL được soạn thảo dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau:

-Tài liệu điện tử có thể được coi là có giá trị pháp lý như tài liệu ở dạng văn bản nếu thoả mãn các yêu cầu kỹ thuật nhất định;

-Tự do thoả thuận hợp đồng;

-Tôn trọng việc sử dụng tự nguyện phương thức truyền thông điện tử;

-Giá trị pháp lý của hợp đồng và tính ưu việt của những quy định pháp lý về hình thức hợp đồng; những đòi hỏi đối với hợp đồng để có giá trị pháp lý và khả năng được thi hành phải được tôn trọng;

-Áp dụng về mặt hình thức hơn là quan tâm tới nội dung, Luật mẫu chỉ áp dụng đối với hình thức hợp đồng mà không đề cập nội dung, trên cơ sở phải thoả mãn những đòi hỏi pháp lý nhất định.

Mà không đưa ra quy định cụ thể về hợp đồng điện tử. Do vậy, cùng với khái niệm về hợp đồng dân sự quy định tại Điều 388 Bộ luật Dân sự năm 2005; khái niệm về các loại hợp đồng thương mại quy định tại Điều 64[1], Điều 193, Điều 269, Điều 285,… Luật Thương mại năm 2005; khái niệm về hợp đồng trong các luật chuyên ngành, như tại Điều 70, Điều 71 Bộ luật Hàng hải năm 2005; khái niệm về hợp đồng điện tử theo Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (viết tắt Luật GDĐT), tất cả những quy định trên là hành lang pháp lý tương đối đồng bộ về hợp đồng nói chung và hợp đồng điện tử nói chung.

Theo nguyên tắc chung, đối với những hợp đồng điện tử được ký kết bằng cách các bên không trực tiếp gặp gỡ nhau, mà chỉ trao đổi thông tin qua lại bằng thư từ, quy trình tạo lập và hình thành hợp đồng bao gồm 02 giai đoạn mang nặng tính pháp lý về thủ tục, đó là: Giai đoạn đề nghị giao kết hợp đồng và giai đoạn chấp nhận giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, Luật GDĐT không quy định cụ thể về 02 giai đoạn này, mà chỉ đặt ra các quy định về Người khởi tạo thông điệp dữ liệu – Điều 16; Thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu – Điều 17; Nhận thông điệp dữ liệu – Điều 18; Thời điểm , địa điểm nhận thông điệp dữ liệu – Điều 19; Gửi và nhận tự động thông điệp dữ liệu – Điều 20. Như vậy, Luật GDĐT mới chỉ quy định những vấn đề liên quan đến yếu tố kỹ thuật của việc trao đổi trong giao dịch điện tử mà chưa đưa ra được các quy định mang tính thủ tục pháp lý liên quan đến các giai đoạn đề nghị và chấp nhận đề nghị giao dịch ký kết hợp đồng điện tử. Chính điều này đã làm phát sinh nhiều vấn đề gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp nếu có sau này. Cụ thể, nội dung đề nghị giao kết hợp đồng điện tử của một bên phải chứa đựng những nội dung gì để có tính ràng buộc trách nhiệm của người gửi? Vấn đề thay đổi, rút lại hoặc hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng điện tử có gì khác so với đề nghị giao kết hợp đồng dân sự thông thường? Thế nào là một chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng điện tử? Thời hạn trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng điện tử được giới hạn trong thời hạn bao lâu?…Nên đây là những bất cập trong các quy định của pháp luật nước ta về quy trình, thủ tục giao kết hợp đồng điện tử.

Ngày 16/5/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (viết tắc Nghị định 52/2013/NĐ-CP). Mục tiêu chính nhằm thiết lập hành lang pháp lý cho các giao dịch thương mại điện tử được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, qua đó tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng các tập quán thương mại hiện đại. Bên cạnh đó, những hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử bao gồm: Vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; Vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử; Vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử; Và các vi phạm khác như: đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Giả mạo hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc để gây nhầm lẫn, gây mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân đó.

Tại Mục 2- Giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử, Nghị định 52/2013/NĐ-CP có các quy định: Đề nghị giao kết hợp đồng – Điều 17; Thông báo mời đề nghị giao kết hợp đồng – Điều 15; Trả lời đề nghị giao kết hợp đồng – Điều 19; Chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng – Điều 20; Thời điểm giao kết hợp đồng khi sử dụng trên website thương mại điện tử – Điều 21; Giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử mua hàng – Điều 23. Đây là những quy định có ý nghĩa quan trọng, với vai trò là sự bảo đảm về mặt thủ tục pháp lý trong giao kết hợp đồng điện tử giữa các bên. Ví dụ, quy định về thông báo mời đề nghị giao kết hợp đồng điện tử, Điều 15 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định: Nếu một website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến áp dụng cho từng hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể được giới thiệu trên website đó, thì các thông tin giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ và các điều khoản liên quan được coi là thông báo mời đề nghị giao kết hợp đồng của thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng theo quy định tại Điều 12 Nghị định nàyĐiều 12 của Nghị định này cũng quy định rõ: Một thông báo bằng chứng từ điện tử về đề nghị giao kết hợp đồng mà không có bên nhận cụ thể thì chỉ là thông báo mời đề nghị giao kết hợp đồng. Thông báo đó chưa được coi là đề nghị giao kết hợp đồng, trừ khi bên thông báo chỉ rõ tại thông báo đó trách nhiệm của mình trong trường hợp nhận được trả lời chấp nhận”. Đây là những quy định liên quan đến giá trị pháp lý của một đề nghị giao kết hợp đồng. Một đề nghị giao kết hợp đồng có giá trị pháp lý sẽ ràng buộc người đề nghị về những gì mà họ đã đưa ra với người được đề nghị. Không giống như cách chào tự do trong hoạt động thương mại hoặc giao lưu dân sự truyền thống, vì chào hàng tự do là những đề nghị giao kết hợp đồng chưa gửi tới một người nào, theo địa chỉ cụ thể nào, vì vậy, chào hàng tự do không ràng buộc người chào hàng và về mặt pháp lý không được coi là đề nghị giao kết hợp đồng. Đây là quan điểm của pháp luật dân sự nước ta và thể hiện rõ tại Điều 390 BLDS: Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể.

Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.”

Tuy nhiên, một số quy định trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP, như tên gọi của nó, chỉ áp dụng cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại điện tử. Với hợp đồng trong lĩnh vực dân sự, pháp luật về hợp đồng điện tử nói chung và giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử nói riêng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện quy trình và thủ tục ký kết hợp đồng điện tử. Ngoài ra, một bất cập khác, đó là, cách dùng từ thuật ngữ “thông báo mời đề nghị giao kết hợp đồng” tại Điều 12 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, đây là khái niệm mới có vẻ phức tạp và không phù hợp với thực tiễn giao kết hợp đồng tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, để tiến hành giao kết hợp đồng giữa các bên, trước đó một bên hoặc cả đôi bên đã thực hiện thủ tục chào hàng tự do, nhằm giới thiệu sản phẩm, trong BLDS hiện hành của nước ta qua nghiên cứu tác giả cũng không tìm thấy thuật ngữ “thông báo mời đề nghị giao kết hợp đồng”, như Nghị định 52/2013/NĐ-CP đã sử dụng thuật ngữ này.

Một bất cập khác, trong các quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử còn thiếu một số quy định liên quan đến điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử. Cụ thể, tại Chương IV – Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử của Luật GDĐT, có 6 điều (từ Điều 33 đến Điều 38) quy định về: Hợp đồng điện tử; Thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; Giao kết hợp đồng điện tử; Việc nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; Giá trị pháp lý của thông báo trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Mà không có quy định nào đề cập đến điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử; không một điều luật nào của chương này dẫn chiếu đến quy định khác về hợp đồng nói chung liên quan đến điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử. Ngoài ra, các văn bản dưới luật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hướng dẫn thi hành Luật GDĐT, cũng không quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử, cũng như không quy định các trường hợp hợp đồng điện tử bị coi là vô hiệu, hậu quả pháp lý của hợp đồng điện tử vô hiệu.

Hơn nữa, trong hầu hết các văn bản luật và dưới luật liên quan đến giao dịch điện tử,  hợp đồng điện tử, thương mại điện tử, chữ ký điện tử,… đều không có sự kết nối với các văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật của nhà nước ta về hợp đồng, giao kết hợp đồng, hợp đồng điện tử bị vô hiệu và cách giải quyết. Tác giả cho rằng, đây là những bất cập, sự không đồng bộ của quy định pháp luật về giao dịch hợp đồng điện tử nói chung và Luật GDĐT, Nghị định 52/2013/NĐ-CP nói riêng.

Bên cạnh đó, sự ra đời của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 cùng Thông tư số 47/2014/TT- BCT quy định về quản lý website  thương mại điện tử, khung pháp lý cho hoạt động này có những thay đổi đáng kể, khắc phục những lỗ hổng pháp lý thời điểm trước như thông tin đăng ký, thiếu quy phạm quản lý kinh doanh thương mại điện tử trên các mạng xã hội. Tuy nhiên,  một số quy định của Nghị định 52/2013/NĐ-CP cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ , như: Thiếu chế tài cho các hành vi vi phạm khi kinh doanh thương mại điện tử qua mạng xã hội và nền tảng thiết bị di động; Quy định chưa rõ ràng đối với danh sách các website  thương mại điện tử khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng; Thiếu hướng dẫn tiết chi về quy trình giao kết hợp đồng mua hàng trực tuyến. Cùng với các website thương mại điện tử, các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, được sử dụng rất phổ biến ở nước ta. Hiện số người sử dụng các diễn đàn mạng xã hội để mua sắm trực tuyến cũng gia tăng. Số doanh nghiệp sử dụng nền tảng di động như kênh liên lạc giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng ngày càng tăng. Do đó, quản lý các mạng xã hội kinh doanh thương mại điện tử, cũng như nền tảng di động thật sự rất cấp thiết. Trong khi đó, hiện nay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa ban hành văn bản quy định quản lý thương mại điện tử trên nền tảng di động, cũng như chế tài xử lý hành vi vi phạm.

Hơn nữa, Điều 63 của Nghị định 52/2013/NĐ-CP cho phép Bộ Công Thương công khai trên cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử danh sách các website bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng không giới hạn những người có quyền phản ánh website có dấu hiệu vi phạm pháp luật và cũng không quy định chi tiết quy chế xác thực, dẫn tới rủi ro các đối thủ cạnh tranh lợi dụng phản ánh lẫn nhau. Theo ý kiến của các chuyên gia, nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về công nghệ thông tin cũng như về thương mại điện tử còn hạn chế nên quyền lợi của họ bị xâm hại khi tham gia giao dịch. Thực tế, nhiều gian lận trong thương mại điện tử xảy ra, trong đó có việc người mua đã chuyển tiền cho người bán nhưng lại không nhận được hàng do bên bán lừa đảo, hợp đồng mập mờ về giá cả, quảng cáo sai sự thật, chất lượng hàng hóa không đảm bảo, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng… là những vấn đề đang tồn tại phổ biến trong giao dịch thương mại điện tử. Do thương mại điện tử là phương thức giao dịch được thiết lập từ xa, thông qua phương tiện truyền thông, khi giao kết hợp đồng người bán và người mua không biết mặt nhau, người tiêu dùng lo lắng giao dịch sẽ bị lợi dụng bởi những hành vi thương mại không công bằng, các biện pháp thanh toán không bảo đảm, bị mất hoặc tiết lộ thông tin cá nhân khiến đời sống riêng tư của họ bị xâm phạm…

Điều 21 Luật GDĐT quy định: “Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký”. Về bản chất, chữ ký điện tử là chương trình phần mềm điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng. Việc sử dụng chữ ký điện tử trong phần lớn trường hợp là cơ sở khẳng định giá trị pháp lý của những văn bản điện tử tương đương với tài liệu giấy. Hiện nay, chữ ký điện tử là phương tiện duy nhất để xác nhận giá trị pháp lý của tài liệu điện tử. Bên cạnh sự tiện lợi của nó, theo tác giả cũng còn có những những hạn chế khi sử dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử, đó là:

– Sự lệ thuộc vào máy móc và chương trình phần mềm: Chữ ký điện tử là một chương trình phần mềm máy tính. Để kiểm tra tính xác thực của chữ ký cần có hệ thống máy tính và phần mềm tương thích. Đây là hạn chế chung khi sử dụng văn bản điện tử và chữ ký điện tử.

– Tính bảo mật không cao: Nếu chữ ký bằng tay được thực hiện trên giấy, được ký trực tiếp và luôn đi kèm với vật mang tin, chữ ký tay không thể chuyển giao cho người khác, thì chữ ký số không như vậy. Chữ ký số là một bộ mật mã được cấp cho người sử dụng, đây là phần mềm máy tính không phụ thuộc vào vật mang tin. Chính vì vậy, trở ngại lớn nhất khi sử dụng chữ ký số là khả năng tách biệt khỏi chủ nhân của chữ ký. Nói cách khác, chủ nhân của chữ ký số không phải là người duy nhất có được mật mã của chữ ký. Như vậy, sẽ có một nhóm đối tượng có thể có được mật mã, đó là: Bộ phận cung cấp phần mềm; bộ phận cài đặt phần mềm; … Ngoài ra, mật mã có thể bị đánh cắp.

– Vấn đề bản gốc, bản chính: Nếu đối với tài liệu giấy, chữ ký được ký một lần và chỉ có một bản duy nhất (được coi là bản gốc). Do vậy, nếu bản gốc duy nhất mất đi thì sẽ không thể có bản thứ hai giống hệt như vậy. Nhưng với văn bản điện tử được ký bằng chữ ký số, người ra có thể copy lại và bản copy từ bản chính và bản copy từ bản copy không có gì khác biệt so với bản chính duy nhất được ký. Đây là một thách thức lớn đối với công tác quản lý văn bản.

– Sự có thời hạn của chữ ký điện tử: Chữ ký điện tử là chương trình phần mềm được cấp có thời hạn cho người sử dụng. Về lý thuyết, văn bản sẽ có hiệu lực pháp lý khi được ký trong thời hạn sử dụng của chữ ký. Tuy nhiên, hiệu lực pháp lý của văn bản hoàn toàn có thể bị nghi ngờ khi chữ ký số hết thời hạn sử dụng.

2.Một số đề xuất

Nhằm tạo cơ sở pháp lý phù hợp hơn cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử với quy mô ngày càng nhiều về mặt số lượng như hiện nay, cả về lĩnh vực dân sự và trong thương mại, các quy định của pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử cần được hoàn thiện. Qua nghiên cứu và từ thực tiễn áp dụng, tác giả đề xuất mấy nội dung sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định riêng về hợp đồng điện tử, trong đó, cần có một chương quy định cụ thể về mặt pháp lý quy trình, thủ tục ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử, vì mấy lý do sau:

Một là, 05 điều quy định tại Chương IV của Luật GDĐT (từ Điều 33 đến Điều 38) chỉ mang tính chất kỹ thuật là chính của việc ký kết hợp đồng điện tử. Như vậy, nếu không có một Nghị định riêng hướng dẫn về hợp đồng điện tử nói chung và ký kết, thực hiện hợp đồng điện tử nói riêng dưới góc độ pháp lý, thì không chỉ các bên tham gia ký kết hợp đồng điện tử mà cả các cơ quan quản lý, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng điện tử sẽ gặp nhiều khó khăn phát sinh trong thực tiễn.

Hai là, việc ban hành Nghị định riêng về hợp đồng điện tử là nhằm hướng dẫn không chỉ các quy định của Luật GDĐT mà còn cả các quy định của BLDS, Luật Thương mại,…về ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử.

Ba là, khi có Nghị định về hợp đồng điện tử thì những quy định về quy trình, thủ tục ký kết hợp đồng điện tử sẽ được quy về một văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, đối chiếu cho các đối tượng quan tâm đến, trong khi đó, hiện nay các quy định này đang nằm trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Có như vậy, sẽ có điều kiện loại bỏ những quy định trùng lắp không cần thiết hoặc chồng chéo. Ví dụ, cũng là khái niệm Người khởi tạo, cũng là quy định về thời điểm, địa điểm gửi và nhận chứng từ điện tử, nhưng cả Điều 16, Điều 17 Luật GDĐT và Điều 3, Điều 10 Nghị định 52/2013/NĐ-CP cùng đều quy định các nội dung này mà không có gì mới hơn.

Thứ hai, cần nghiên cứu quy định bổ sung về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử theo một trong những phương án sau:

Phương án 1: Bổ sung vào luật GDĐT hoặc quy định cụ thể trong Nghị định về hợp đồng điện tử, các quy định cụ thể vê chủ thể của hợp đồng điện tử, nội dung của hợp đồng điện tử, các trường hợp của hợp đồng điện tử bị vô hiệu và cách xử lý hợp đồng điện tử bị vô hiệu.

Phương án 2: Bổ sung vào Chương IV của Luật GDĐT nội dung sau: “Những vấn đề về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử, hợp đồng điện tử vô hiệu và cách xử lý hợp đồng điện tử vô hiệu được áp dụng các quy định tương ứng của Bộ luật dân sự.

Thứ ba, cần có quy định thể hiện sự kết nối giữa các quy định của pháp luật về ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng điện tử với các quy định về ký kết và thực hiện hợp đồng trong pháp luật về hợp đồng nói chung, vì hợp đồng điện tử chỉ khác với hợp đồng thông thường ở cách thức tạo lập và hình thành do sử dụng các dữ liệu điện tử, do đó, về mặt pháp lý ngoài những đặc thù riêng có của hợp đồng điện tử, các quy định liên quan đến thủ tục, quy trình ký kết, nội dung của hợp đồng, hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, cách giải quyết tranh chấp có liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng,…về cơ bản không khác biệt nhiều so với quy định của pháp luật dân sự về các hợp đồng thông dụng. Do đó, thay vì phải đặt ra các quy định liên quan đến những nội dung trên đối với hợp đồng điện tử, thì chỉ cần có quy định về sự kết nối giữa pháp luật về ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử với pháp luật về ký kết và thực hiện hợp đồng nói chung. Để kết nối, tác giả đề xuất:

Một là, trong Nghị định về hợp đồng điện tử cần có quy định, ngoài các quy định cụ thể về hợp đồng điện tử, ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử được quy định trong Nghị định này, những nội dung khác về quy trình, thủ tục pháp lý giao kết hợp đồng điện tử, chế độ trách nhiệm, cách giải quyết tranh chấp,… sẽ được giải quyết theo quy định chung của pháp luật hiện hành về hợp đồng (gồm cả dân sự, thương mại).

Hai là, trường hợp không ban hành Nghị định riêng về hợp đồng điện tử, cần phải rà soát lại Luật GDĐT và các Nghị định có liên quan để sửa đổi, bổ sung vào các văn bản này quy định về sự kết nối như trên đã trình bày, nghĩa là, bổ sung quy định: “Những nội dung khác về quy trình, thủ tục pháp lý giao kết hợp đồng điện tử, chế độ trách nhiệm, cách giải quyết tranh chấp,… sẽ được giải quyết theo quy định chung của pháp luật hiện hành về hợp đồng (gồm cả dân sự, thương mại).”

Thứ tư, sự ra đời của chữ ký điện tử là cơ sở khẳng định giá trị pháp lý của văn bản điện tử và cho phép thực hiện những giao dịch điện tử. Tuy nhiên, để chữ ký điện tử trở nên phổ biến, thông dụng tạo tiền đề cho việc văn bản điện tử phát huy những tính năng vượt trội của mình và có thể thay thế tài liệu giấy, cần nghiên cứu và khắc phục những hạn chế của chữ ký điện tử, đồng thời cần có thêm những công cụ khác để khẳng định giá trị pháp lý của tài liệu điện tử. Điều này cân sự đầu tư nghiên cứu của các nhà khoa học, các chuyên gia và sự hỗ trợ của các nhà quản lý.

Phạm Thị Hồng Đào

Bài luận liên quan:

1900.0191