Vài nét về xét xử có bồi thẩm đoàn theo pháp luật tố tụng Hoa Kỳ.
Bồi thẩm đoàn là một thể chế tố tụng đặc thù của hệ thống thông luật Anh – Mỹ với các bồi thẩm là những người dân thường được lựa chọn ngẫu nhiên từ cộng đồng dân cư rộng lớn nhằm tham gia từng phiên toà cụ thể. Do vậy, khái niệm Bồi thẩm dễ gây nhầm lẫn với vai trò của Hội thẩm nhân dân trong các phiên toà xét xử theo pháp luật tố tụng hình sự của Việt Nam. Với mục đích làm rõ hơn vai trò của Bồi thẩm trong pháp luật tố tụng thông luật, bài viết này sẽ giới thiệu khái quát về thủ tục xét xử bởi Bồi thẩm đoàn theo pháp luật tố tụng của Hoa Kỳ
1. Xét xử theo thủ tục Bồi thẩm đoàn (Jury Trial) trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ được thực hiện bởi 3 loại: Đại bồi thẩm đoàn (Grand Jury), Tiểu bồi thẩm đoàn xét xử án hình sự và Tiểu bồi thẩm đoàn xét xử án dân sự. Việc xét xử bởi các Bồi thẩm đoàn tại các Toà án của liên bang và của các bang được bảo đảm bởi Hiến pháp Hoa kỳ. Theo đó, việc xét xử mọi loại tội phạm, trừ những tội nghiêm trọng do các quan chức dân sự của Chính phủ vi phạm trong khi thực hiện công vụ (impeachment), có thể do Bồi thẩm đoàn xét xử (mục 3 Điều khoản III của Hiến pháp Liên bang).
Hiến pháp Liên bang cũng quy định tội phạm có mức hình phạt tử hình hoặc tội nghiêm trọng khác phải được xét xử dựa trên cáo trạng hay bản luận tội chính thức (indictment) bởi Đại Bồi thẩm đoàn (Tu chính án thứ V); tuy nhiên đối với những loại tội phạm nghiêm trọng nhưng không có hình phạt tử hình, việc truy tố có thể được tiến hành mà không có cáo trạng của Đại Bồi thẩm đoàn nếu bị can từ bỏ quyền theo Tu chính án thứ V. Trong khi đó, Tu chính án thứ VI và Tu chính án thứ VII của Hiến pháp Liên bang lần lượt quy định quyền của người bị buộc tội được xét xử bởi Tiểu bồi thẩm đoàn xét xử hình sự và quyền được xét xử bởi Tiểu Bồi thẩm đoàn trong những vụ kiện dân sự.
Đại Bồi thẩm đoàn thông thường gồm 23 thành viên và số lượng này có thể khác nhau theo quy định của pháp luật của từng bang; Tiểu Bồi thẩm đoàn bao gồm 12 thành viên và đôi khi trong các vụ kiện dân sự chỉ gồm 6 thành viên. Các Bồi thẩm được trao quyền quyết định rất lớn, cho phép họ thực hiện việc xem xét thận trọng một cách kín đáo và đưa ra những phán xét cuối cùng của mình mà không cần nêu rõ căn cứ; sau khi thời gian phục vụ nhất thời cho chính quyền kết thúc, họ được yêu cầu giải thể và trở về cuộc sống riêng tư(1).
2. Bồi thẩm đoàn hình sự và dân sự phản ánh những khác biệt giữa pháp luật hình sự và dân sự; ở Hoa Kỳ hầu hết các vụ án được giải quyết trước khi đưa ra toà xét xử. Đối với các vụ việc phải đưa ra toà xét xử, không phải trong mọi trường hợp đương sự đều có quyền được xét xử Bồi thẩm đoàn. Bị cáo trong các vụ án hình sự có quyền được xét xử bởi Bồi thẩm đoàn nhưng có thể từ bỏ quyền đó để được xét xử tại phiên toà bởi một Thẩm phán mà không có Bồi thẩm đoàn (bench trial). Trong các vụ kiện dân sự, cả hai bên có thể đồng ý để đưa vụ kiện ra toà do Thẩm phán xét xử. Như vậy, xét xử bởi Bồi thẩm đoàn nói chung chỉ được tiến hành khi một bên trong vụ kiện dân sự hoặc bị cáo trong vụ án hình sự cho rằng lựa chọn của họ là có lợi nhất.
Về việc cân nhắc lựa chọn giữa xét xử bởi Bồi thẩm đoàn và xét xử bởi một Thẩm phán, thông thường nếu đương sự tin tưởng rằng mình vô tội và tin cậy vào trình độ pháp lý của Thẩm phán là cao hơn các Bồi thẩm sẽ chọn được xét xử bởi một Thẩm phán; còn nếu họ hy vọng nhận được sự cảm thông vì tình người, họ sẽ chọn xét xử bởi Bồi thẩm đoàn. Theo pháp luật tố tụng Hoa Kỳ, Thẩm phán thường giải quyết những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Bồi thẩm đoàn, hay nói cách khác là những vấn đề liên quan đến việc áp dụng pháp luật hoặc giải thích một nguyên tắc của luật hay một đạo luật thành văn (question of law). Còn Bồi thẩm đoàn sẽ xem xét những vấn đề liên quan đến giải quyết một tranh chấp hay tranh cãi giữa các bên về sự đúng đắn, sự chân thực của một sự việc (question of fact).
3. Nguồn để lựa chọn ra một Bồi thẩm đoàn (jury pool hay venire) là một nhóm người từ đó các Bồi thẩm được chọn ra. Phương pháp thông thường để chọn lấy ra các Bồi thẩm là rút thăm ngẫu nhiên từ danh sách cử tri, danh sách giấy phép lái xe, hoặc danh sách không hạn chế những người dân cư trú tại một cộng đồng dân cư (theo đăng ký thuế, danh sách khách hàng tiêu thụ dịch vụ công cộng). Các Toà án thường kết hợp nhiều danh sách để tổng hợp thành một danh sách tổng thể các Bồi thẩm. Tại Hoa kỳ, Toà án thường tổng hợp từ hai loại danh sách sơ tuyển các cử tri và giấy phép lái xe. Không phải tất cả những cá nhân đủ tiêu chuẩn được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ làm Bồi thẩm. Hầu hết các bang đều quy định một số lượng hạn chế các điều kiện miễn trừ thực hiện nghĩa vụ, cho phép cá nhân từ chối nghĩa vụ Bồi thẩm. Những điều kiện miễn trừ thông thường dành cho những người có nghề nghiệp như bác sỹ, nhân viên cứu hoả, chính trị gia, những người làm việc trong hệ thống tư pháp hình sự, bao gồm cả cảnh sát. Miễn trừ dành cho nghề nghiệp còn áp dụng đối với các cá nhân có kỹ năng chuyên môn đặc thù mà thiếu họ sẽ gây khó khăn cho cộng đồng dân cư, hoặc những người đã làm công tác xét xử hoặc Đại Bồi thẩm trong thời gian thực hiện nghĩa vụ Bồi thẩm nói trên (thường từ 12 đến 24 tháng), hoặc những người đã được đào tạo pháp lý trước đó hoặc đã từng là Luật sư. Ngoài ra Toà án còn cho phép các cá nhân không phải thực hiện nghĩa vụ làm Bồi thẩm nếu họ gặp khó khăn về sức khoẻ, khó khăn về tài chính,…(2).
4. Thủ tục chọn ra một Bồi thẩm đoàn (voir dire) được dựa trên cơ sở một hệ thống thẩm tra, theo đó cơ quan công tố trong các vụ án hình sự hoặc nguyên đơn trong các vụ, việc dân sự và luật sư biện hộ có thể phản đối một Bồi thẩm. Hệ thống thẩm tra có thể gồm có những câu hỏi chung để hỏi toàn bộ nhóm làm nguồn lựa chọn Bồi thẩm đoàn với sự trả lời bằng cách giơ tay và những câu hỏi đối với cá nhân những Bồi thẩm tương lai và đề nghị trả lời miệng. Tại một số địa hạt tư pháp, luật sư cho các bên có thể đặt câu hỏi cho các Bồi thẩm tiềm năng, trong khi ở một số nơi khác, Thẩm phán xét xử tiến hành thủ tục voir dire. Pháp luật tố tụng Hoa Kỳ cho phép cả hai bên công tố và luật sư biện hộ áp dụng một số lượng nhất định việc loại một Bồi thẩm tiềm năng mà không cần nêu ra lý do bác bỏ (peremptory challenges). Nhìn chung, bên luật sư biện hộ thường loại những Bồi thẩm có chuyên môn hoặc hoàn cảnh tương tự như nạn nhân và vì vậy họ có thể có những mối liên hệ tình cảm với nạn nhân. Trong khi đó, bên phía công tố sẽ loại những Bồi thẩm nếu tỏ ra cảm tình với bị cáo(3).
______________________
(1) http://www.crfc.org/americanjury/introduction.html.
(2), (3) http://en.wikipedia.org/wiki/Venire#Jury_pool.
Thạc sỹ Hoàng Chí Kiên
Vụ Hợp tác quốc tế, Viện kiểm sát nhân dân tối cao