Vị trí chiến lược của Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

Vị trí chiến lược của Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

12/09/2014

1. Vị trí chiến lược của Biển Đông

1.1. Xét về mặt địa lý

Biển Đông (theo tên gọi Việt Nam) là biển rìa lớn nhất của Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 3.447 triệu km2, trải rộng từ vĩ độ 3 độ Bắc đến 26 độ Bắc (chiều dài khoảng 1.900 hải lý) và từ kinh độ 100 độ Đông đến 121 độ Đông (nơi rộng nhất của Biển Đông không quá 600 hải lý). Biển Đông là biển nửa kín được bao bọc bởi 9 quốc gia (gồm Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam) và 1 vùng lãnh thổ (Đài Loan).

1.2. Xét về mặt giao thông hàng hải

Biển Đông là biển duy nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông được nối với Thái Bình Dương thông qua eo biển Basi (nằm giữa Philippines và Đài Loan) và eo biển Đài Loan. Về phía Tây, Biển Đông thông với Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Trải qua nhiều thập kỷ trong lịch sử, Biển Đông luôn được coi là con đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Thực tế đã chứng minh, có hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Pa-na-ma. Hàng năm, có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông, khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, trong đó có eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới. Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong và ngoài khu vực về địa – chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế.

1.3. Xét về mặt tài nguyên thiên nhiên

Theo nhiều dự báo khoa học, Biển Đông rất giàu tài nguyên cả nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật. Về tài nguyên hải sản, với khoảng 2000 loài cá khác nhau và các loài đặc sản khác (tôm, cua, trai, tảo biển,…) là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng không bao giờ cạn nếu biết giữ gìn và bảo vệ. Biển Đông chứa đựng một tiềm năng lớn tài nguyên dầu khí. Toàn bộ thềm lục địa của Biển Đông được bao phủ bởi lớp trầm tích đệ tam dày, có nơi còn lan sang cả dốc và bờ ngoài của rìa lục địa. Các khu vực có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bru-nây-Saba, Sarawak, Malay, Phattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, sông Hồng, cửa sông Hậu Giang. Các khu vực có tiềm năng dầu khí còn lại chưa khai thác là khu vực thềm lục địa ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bờ biển miền Trung, khu vực thềm lục địa Tư Chính (Bà Rịa Vũng Tàu). Khu vực đáy biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa các mỏ khoáng sản sun phít đa kim, kết cuội sắt mangan. Ngoài ra, biển Đông còn là vùng biển nước sâu rộng lớn, có nhiều tiền đề thuận lợi cho việc thành tạo và tích tụ băng cháy (còn gọi là khí hydrat).

1.4. Xét về mặt an ninh quốc phòng

Ngoài bề mặt rộng lớn của Biển Đông, các đảo, quần đảo nằm trong vùng biển rộng lớn này cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng về chiến lược phòng thủ bảo vệ Tổ quốc của mỗi quốc gia. Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam nằm ở trung tâm biển Đông thuận lợi cho việc đặt các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu bè, phục vụ cho tuyến đường hàng hải[1].

1.5. Xét dưới góc độ pháp lý

Biển Đông là nơi hiện diện hầu như tất cả các vấn đề được quy định trong Công ước Luật Biển năm 1982 như: Quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, quốc gia không có biển, các vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia ven biển, khai thác chung, phân định biển, vùng nước lịch sử, vùng đánh cá, vấn đề về biển kín, biển nửa kín, eo biển quốc tế, đàn cá di cư và đàn cá xuyên biên giới, hợp tác quản lý tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, chống cướp biển, an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn,…Việc mở rộng phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông căn cứ theo Công ước Luật Biển 1982 đã dẫn đến việc hình thành các khu vực chồng lấn và tranh chấp về tài nguyên nghề cá, dầu khí, khoáng sản, xây dựng và lắp đặt các công trình biển,… Thực tế, Biển Đông có nhiều tranh chấp liên quan đến phân định biển, đặc biệt nổi lên là tranh chấp chủ quyền đối với các đảo liên quan đến nhiều quốc gia rất phức tạp. Các tranh chấp này không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ giữa các quốc gia ven Biển Đông, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều quốc gia khác, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và sự hợp tác phát triển trong khu vực.

2. Vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

Việt Nam là quốc gia ven Biển Đông có chiều dài bờ biển khoảng 3260km, trải qua 16 vĩ độ (giữa vĩ tuyến 7 độ Bắc và vĩ tuyến 23 độ Bắc). Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng cả về kinh tế – xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng,…đối với Việt Nam.

Theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam có quyền mở rộng các vùng biển (vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) thuộc quyền tài phán của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Thực tế Việt Nam đã thực hiện quyền này bằng các Tuyên bố pháp lý chính thức[2] và bằng việc ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012. Các văn bản pháp lý này tạo điều kiện để Việt Nam nâng cao vị thế của mình trong khu vực, phát triển kinh tế biển, giao thông vận tải biển, du lịch biển, khai thác tài nguyên biển,…Hầu hết các tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông đều đi qua các vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam là điều kiện để Việt Nam phát triển dịch vụ cảng biển, hàng hải và tìm kiếm cứu nạn.

Tuy nhiên, cũng chính từ các quy định tiến bộ của Luật biển quốc tế hiện đại với những khái niệm mới về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đã làm xuất hiện nhiều vùng biển chồng lấn cần phải tiến hành phân định. Các quốc gia trước kia không có chung đường biên giới nay lại trở thành các nước láng giềng trên biển. Những quy định mới này cũng khiến Việt Nam đứng trước nhiều thách thức: Vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc, vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, vấn đề phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước Luật Biển năm 1982 và vấn đề xác định ranh giới ngoài thềm lục địa.

Ngoài các thỏa thuận phân định biển quan trọng mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia (bao gồm: Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước trong Vịnh Thái Lan ngày 9/8/1997; Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000; Hiệp định giữa Việt Nam và Indonesia về phân định ranh giới thềm lục địa ngày 26/6/2003), Việt Nam còn phải giải quyết rất nhiều các tranh chấp phức tạp trên biển, không chỉ là tranh chấp về phân định các vùng biển chồng lấn mà còn phải đấu tranh để bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

2.1. Các vùng biển cần phân định giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Biển Đông

2.1.1. Khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ

Vùng biển và thềm lục địa ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ nằm giữa bờ biển lục địa miền Trung Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Bờ biển phía Việt Nam chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam qua 5 tỉnh, thành phố (Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi) dài khoảng 149 hải lý. Ven bờ biển Việt Nam có các đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, và Lý Sơn nằm cách bờ biển từ 8-13 hải lý. Bờ biển liên quan đến phía Trung Quốc nằm trên đảo Hải Nam, chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, sau đó chuyển hướng Đông Bắc – Tây Nam, dài khoảng 114 hải lý. Qua các vòng đàm phán, Việt Nam và Trung Quốc đã thu hẹp được phạm vi phân định. Theo đó, phạm vi phân định đã được hai bên chấp nhận đưa ra đàm phán là khu vực biển nằm giữa bờ biển đảo của Việt Nam và bờ biển đảo Hải Nam Trung Quốc đối diện nhau. Vùng biển này nơi hẹp nhất là đường cửa Vịnh Bắc Bộ khoảng 131 hải lý, nơi rộng nhất khoảng 222 hải lý. Như vậy, theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, do bờ biển của hai nước trong khu vực phân định nhỏ hơn 400 hải lý nên giữa hai nước chắc chắn sẽ tồn tại vùng chồng lấn đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cần phân định.

Ở khu vực này, khi tiến hành phân định các vùng biển chúng ta cần phải lưu ý đến một số hoàn cảnh có ảnh hưởng đến kết quả phân định, cụ thể:

Thứ nhất, về sự xuất hiện của các đảo và hiệu lực của các đảo. Bên phía đảo Hải Nam không có các đảo nhỏ nào nằm sát bờ mà có các đá, bãi đá được phía Trung Quốc chọn làm điểm cơ sở trong khi đó phía bờ biển Việt Nam có hai đảo nằm gần bờ được lựa chọn là hai điểm cơ sở (đảo Cồn Cỏ cách bờ 13 hải lý và đảo Lý Sơn cách bờ 12 hải lý). Ngoài ra giữa hai đảo này còn có một đảo nằm riêng biệt là Cù Lao Chàm, cách bờ 8 hải lý. Các đảo này là các đảo lớn nằm sát bờ, đặc biệt là Lý Sơn, Cù Lao Chàm có đời sống kinh tế riêng phát triển, có dân cư đông đúc sống định cư trên các đảo. Do đó, hai đảo này hoàn toàn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 121 Công ước Luật Biển năm 1982 và xứng đáng có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng. Thực tiễn quốc tế cho thấy nhiều đảo có hoàn cảnh tương tự như vậy đã được hưởng hiệu lực toàn phần trong phân định.

Thứ hai, về cấu tạo địa chất, địa mạo của khu vực này cho thấy toàn bộ vùng đáy biển giữa hai bờ cùng nằm trên một thềm lục địa[3]. Do đó hai quốc gia không thể dựa vào Điều 76 của Công ước Luật Biển năm 1982 để xác định thềm lục địa của mỗi nước mà phải tuân theo quy định của Điều 83 (Công ước).

2.1.2. Khu vực Đông Bắc Hoàng Sa

Vùng biển Việt Nam phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa nằm ở khoảng vỹ tuyến 18 độ Bắc xuống vỹ tuyến 17 độ Bắc, nằm ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thực chất là sự tiếp nối của khu vực ngoài cửa Vịnh. Vùng biển này liên quan đến 2 nước là Việt Nam và Trung Quốc, và một bên là Đài Loan. Tuy nhiên vì có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa nên việc phân định cần phải được khảo sát kỹ. Theo chúng tôi, trước khi tiến hành phân định vùng biển ở khu vực này, chúng ta cần phải tiến hành giới hạn phạm vi phân định để không ảnh hưởng tới vùng nước thuộc các đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa.

2.1.3. Khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Vùng biển giữa đảo Hoàng Sa và Trường Sa là khu vực kéo dài trong khoảng vỹ tuyến 16 độ Bắc xuống vỹ tuyến 12 độ Bắc. Các nước có bờ biển bao quanh khu vực này gồm Việt Nam, Trung Quốc và Philippines đều đã đưa ra các quy định để mở rộng các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia mình. Qua việc nghiên cứu, xem xét các yêu sách của các quốc gia bao quanh có thể thấy toàn bộ vùng biển này đã bị bao phủ bởi đường “chín đoạn” của Trung Quốc. Tuy nhiên, yêu sách quá đáng này của Trung Quốc không có đầy đủ cơ sở pháp lý, không được cộng đồng quốc tế thừa nhận và không đáp ứng được các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế nên không thể tồn tại vùng chồng lấn giữa đường yêu sách này với quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 của các quốc gia khác. Vì vậy, tại vùng biển này sẽ tồn tại một khu vực nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam, Trung Quốc và Philippines.

Theo các số liệu khoa học địa chất mà Việt Nam đã khảo sát nghiên cứu, rìa lục địa của Việt Nam tại khu vực này mở rộng ra quá 200 hải lý, vì vậy, theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 Việt Nam có quyền mở rộng ranh giới ngoài thềm lục địa của mình ra ngoài 200 hải lý. Việc mở rộng ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam sẽ làm xuất hiện ba khả năng: (1) Xuất hiện vùng chồng lấn thềm lục địa ba bên Việt Nam, Trung Quốc, Philippines trong trường hợp cả Trung Quốc và Philippines đều có quyền mở rộng ranh giới thềm lục địa ra ngoài 200 hải lý; (2) Xuất hiện vùng chồng lấn hai bên giữa Việt Nam và Trung Quốc trong trường hợp chỉ có Trung Quốc được phép mở rộng thềm lục địa ra ngoài 200 hải lý; (3) Xuất hiện vùng chồng lấn hai bên giữa Việt Nam và Philippines trong trường hợp chỉ có Philippines được mở rộng thềm lục địa ra ngoài 200 hải lý. Khi một trong các khả năng trên xảy ra, theo chúng tôi cần phải lưu ý đến việc khoanh vùng biển chồng lấn cần phân định sao cho không bao gồm vùng biển thuộc các đảo của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

2.1.4. Khu vực phía Đông Nam Biển Đông (không bao gồm quần đảo Trường Sa)

Khu vực phía Đông Nam Biển Đông (các bãi ngầm Tư Chính – Thanh Long) có các bãi ngầm, là bộ phận của đáy biển, không phải là đảo, nằm cách xa đảo gần nhất của quần đảo Trường Sa trên 50 hải lý và cách biệt quần đảo bởi một máng sâu khoảng 2000 mét nước nên không được coi là phụ thuộc vào bất cứ đảo nào của vùng đảo Trường Sa[4]. Khu vực này nằm trên sự trải dài của thềm lục địa phía Nam Việt Nam cách đường cơ sở phía Nam Việt Nam nơi gần nhất chỉ khoảng 84 hải lý, nơi xa nhất chưa đến 200 hải lý, cách đảo Phú Quý của Việt Nam chưa đến 200 hải lý, thậm chí nếu tính từ bờ biển, khoảng cách nơi xa nhất cũng chỉ là 260 hải lý.

Đối với Trung Quốc, khu vực Tư Chính hoàn toàn không có gì liên quan đến lãnh thổ và thềm lục địa Trung Quốc. Tư Chính nằm cách xa lục địa Trung Quốc đến 600 hải lý, xa hơn nhiều tiêu chuẩn tối đa 350 hải lý (giới hạn tối đa mở rộng ranh giới ngoài thềm lục địa), hơn nữa Tư Chính lại bị tách khỏi lục địa Trung Quốc bởi một máng sâu đại dương rộng lớn trong Biển Đông, với độ sâu 4000 mét. Vì vậy, khu vực này chỉ liên quan đến hai quốc gia có bờ biển đối diện với Việt Nam là Malaysia và Brunei. Trường hợp thềm lục địa Việt Nam mở rộng ngoài 200 hải lý và cả Malyasia và Brunei đều có quyền mở rộng ranh giới ngoài thềm lục địa ra ngoài 200 hải lý thì sẽ tạo ra hai vùng chồng lấn song phương (Việt Nam – Malaysia; Việt Nam – Brunei). Đây là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là dầu khí, do đó, trong quá trình phân định, theo chúng tôi cần dự liệu trước các khu vực có mỏ dầu khí nằm vắt ngang qua đường phân định để dự liệu khả năng khai thác chung nguồn tài nguyên này.

2.1.5. Khu vực biển chồng lấn giữa Việt Nam và Campuchia

Năm 1982, Việt Nam và Campuchia đã ký được Hiệp định vùng nước lịch sử chung. Hiệp định này đã vận dung Công ước Luật Biển năm 1982 và căn cứ vào hoàn cảnh thực tế để xác định vùng biển giữa đảo Phú Quốc – Thổ Chu – Poulo Wai và bờ biển Campuchia có đủ điều kiện là vùng nước lịch sử chung giữa hai nước. Hiệp định xác định giới hạn cụ thể của vùng nước lịch sử là thuộc chế độ nội thủy chung của hai nước và lấy đường Brévie được vạch năm 1939 là đường phân chia đảo trong khu vực. Đường Brévie được vạch ra theo bức thư số 867-API ngày 31/1/1939 của toàn quyền Đông Dương J.Brévie phân chia quyền quản lý hành chính và cảnh sát trên các đảo ở phía bắc đường này cho Campuchia, còn các đảo phía nam đường này thuộc quyền quản lý của chính quyền Nam Kỳ. Tuy nhiên, trong tương lai, Việt Nam và Campuchia còn phải vận dụng Công ước Luật Biển năm 1982 để phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía trong và ngoài vùng nước lịch sử.

2.1.6. Khu vực chồng lấn thềm lục địa giữa Việt Nam – Malaysia và Thái Lan trong Vịnh Thái Lan

Vùng chồng lấn ba bên Việt Nam, Malaysia và Thái Lan có diện tích không lớn (khoảng 876 km2) được hình thành bởi đường yêu sách của Việt Nam năm 1971 và ranh giới phía Bắc của vùng khai thác chung giữa Malaysia và Thái Lan.

2.1.7. Khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia phía Tây Nam Biển Đông

Việt Nam và Malaysia là hai quốc gia đối diện nhau trong Vịnh Thái Lan. Khoảng cách giữa bờ biển của lục địa hai nước trong khu vực này khoảng 205 hải lý, có địa hình đáy biển tương đối bằng phẳng, thuần nhất. Như vậy, theo Công ước Luật Biển năm 1982, hai quốc gia sẽ phải tiến hành phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Trong khu vực này, phía bên bờ biển Việt Nam có đảo Hòn Khoai nằm cách bờ biển lục địa khoảng 8 hải lý, có ảnh hưởng trực tiếp tới vị trí của đường phân định. Bên phía Malaysia có hai đảo nhỏ (đảo Redang và Tangon) nằm cách bờ khoảng 6 hải lý là những đảo cũng có ảnh hưởng trực tiếp tới đường phân định.

Năm 1979 Malaysia công bố một bản đồ mới, theo bản đồ này ranh giới thềm lục địa của Malaysia chồng lấn lên ranh giới thềm lục địa của Việt Nam do chính quyền Sài Gòn công bố năm 1971. Vùng chồng lấn này rộng khoảng 2.800km2. Sở dĩ có vùng chồng lấn này là do Malaysia đã sử dụng phương pháp đường trung tuyến giữa các đảo và bờ biển của Malaysia và bờ biển lục địa Việt Nam, bỏ qua hiệu lực của đảo Hòn Khoai[5]. Đường ranh giới của chính quyền Sài Gòn năm 1971 cũng sử dụng phương pháp trung tuyến giữa bờ biển lục địa Việt Nam có tính tới hiệu lực đảo Hòn Khoai nhưng bỏ qua các đảo của Malaysia. Việc Malaysia sử dụng phương pháp đường trung tuyến là phù hợp với Công ước Luật Biển và hoàn cảnh thực tế của hai quốc gia, song việc Malaysia bỏ qua hiệu lực của đảo Hòn Khoai (Việt Nam) là không công bằng và hết sức phi lý.

2.2. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam với đầy đủ các căn cứ pháp lý và ý nghĩa lịch sử lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng. Song, Việt Nam đang phải đối mặt với những tranh chấp rất phức tạp về chủ quyền đối với các quần đảo này từ các quốc gia khác xung quanh Biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa bị Trung QUốc chiếm đóng hoàn toàn và tuyên bố chủ quyền đã phâm xạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam. Quần đảo Trường Sa bị tranh chấp chủ quyền và chiếm đóng của Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei. Riêng chỉ có Brunei đưa ra yêu sách chủ quyền đối với một số đảo nhưng không chiếm đóng. Những tranh chấp này là hết sức phức tạp được cộng đồng quốc tế quan tâm, hiện nay chế độ pháp lý của hai quần đảo chưa được xác định rõ. Bà Monique Chemiller Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị người Pháp, trong lời nói đầu của tác phẩm “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, công trình nghiên cứu khoa học một cách độc lập được công bố năm 1996, đã bình luận rằng: “Ứng cử viên nghiêm chỉnh nhất giành danh nghĩa trên các đảo này về cả căn cứ lịch sử cổ xưa nhất của họ lẫn cơ chế pháp lý về kế thừa các quyền đã được thực dân Pháp khẳng định đúng là Việt Nam và chiếm đóng thô bạo nhất đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là sự chiếm đóng của Trung Quốc”. Chính phủ Việt Nam khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền và quyền hợp pháp của mình đối với hai quần đảo. Việt Nam là nhà nước đầu tiên đã chiếm hữu thực sự và làm chủ hai quần đảo này từ thế kỷ XVII, từ đó đã liên tục thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo một cách hòa bình. Trong nhiều Tuyên bố và các đạo luật, Việt Nam luôn thể hiện quan điểm giải quyết các bất đồng trên biển thông qua thương lượng, sử dụng các công cụ luật pháp quốc tế, đồng thời, Việt Nam đã và đang có những hoạt động đối ngoại và những nhượng bộ nhất định để nhất quán quan điểm này. Đây là quan điểm phù hợp với xu thế chung trong khu vực, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Mai Hoa

Tài liệu tham khảo:

1. Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982;

2. Vũ Quang Việt (2005),”Vấn đề tranh chấp biển Đông”, tạp chí Thời Đại MớiSố 4 – Tháng 3/2005;

3. PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, “Các vùng khai thác chung trong Luật Quốc tế hiện đại”, tạp chí Khoa học;

4. Nguyễn Hồng Thao, “Nhứng điều cần biết về Luật Biển”, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1997;

5. PGS.TS. Nguyễn Bá Diến (chủ biên), Hợp tác khai thác chung trong Luật Biển quốc tế”, NXB Tư pháp, 2009.


[1]Biển Đông và tầm quan trọng chiến lược của các nước trong khu vực, đăng tải trên trang web http://www.nhontrach-dongnai.gov.vn

[2]Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tuyên bố ngày 12/11/1982 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

[3]Ban Biên giới của Chính phủ, 1994, Cơ sở khoa học cho việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam, Hà Nội.

[4] Ban Biên giới, Bộ Ngoại giao, “Giới thiệu một số vấn đề cơ bản của luật biển ở Việt Nam”, NXB: Chính trị Quốc gia, 2004.

[5]Vụ Biển, Ban Biên giới của Chính phủ (2000), Tài liệu nghiên cứu về hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn Việt Nam – Malaysia, Hà Nội.

Tham khảo thêm:

1900.0191