Kinh nghiệm giải quyết các vụ án có người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam.
Những năm gần đây, số người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chiều hướng gia tăng, nhưng Liên ngành Trung ương chưa có hướng dẫn thi hành hoạt động tố tụng hình sự đối với những người này, mà mọi hoạt động tố tụng hình sự đều vận dụng như giải quyết đối với người Việt Nam phạm tội. Vì vậy, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án có người nước ngoài phạm tội thì bên cạnh việc nhiều Kiểm sát viên vận dụng tốt các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự giải quyết vụ án, vẫn còn một số không ít Kiểm sát viên còn lúng túng, bị động, dẫn đến việc bị Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì chưa đảm bảo thủ tục tố tụng. Trong khi chờ Liên ngành Trung ương có hướng dẫn, chúng tôi xin nêu một số kinh nghiệm đã được vận dụng giải quyết đối với các vụ án có người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam để các đồng nghiệp cùng tham khảo:
Thứ nhất, xác định tiếng nói và chữ viết trong tố tụng hình sự: Điều 24 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định: “Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này cần phải có phiên dịch”.
Trong thực tế, nhiều người nước ngoài phạm tội nhưng nói và viết thành thạo tiếng Việt, sau khi người nước ngoài phạm tội bị bắt cần hỏi rõ người đó đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc nào khi tham gia tố tụng hình sự. Nếu người nước ngoài phạm tội đề nghị dùng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt thì sử dụng tiếng Việt trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự. Ví dụ: Người nước ngoài biết tiếng Trung Quốc, tiếng Anh và tiếng Việt nhưng người đó đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt khi tham gia tố tụng hình sự thì quá trình tiến hành tố tụng sử dụng tiếng Việt.
Trường hợp người nước ngoài phạm tội không sử dụng tiếng nói và chữ viết trong tố tụng hình sự là tiếng Việt thì yêu cầu người đó đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc nào để tham gia tố tụng hình sự. Khi xác định rõ tiếng nói và chữ viết của người nước ngoài phạm tội được sử dụng khi tham gia tố tụng, thì trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, trong trường hợp này cần phải có phiên dịch. Ví dụ: Người nước ngoài phạm tội yêu cầu sử dụng tiếng Anh trong tố tụng hình sự thì cần phải có phiên dịch tiếng Anh mỗi khi người đó tham gia tố tụng hình sự.
Việc người nước ngoài phạm tội yêu cầu sử dụng tiếng nói và chữ viết trong tố tụng hình sự phải được lập thành văn bản và lưu vào hồ sơ vụ án. Có vụ án, biên bản đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết sử dụng trong tố tụng hình sự không lưu vào trong hồ sơ vụ án, khi ra phiên toà, người đó trình bày tiếng nói và chữ viết sử dụng trong quá trình điều tra là do Điều tra viên áp đặt chứ không phải do bị cáo đề nghị nên đã bị Toà án trả hồ sơ để điều ttra bổ sung.
Thứ hai, trưng cầu phiên dịch trong tố tụng hình sự: Trường hợp người nước ngoài phạm tội nhưng không sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt, trường hợp này cần yêu cầu người phiên dịch. Người phiên dịch được quy định tại Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Trong thực tế, việc lựa chọn người phiên dịch gặp rất nhiều khó khăn, vì nhiều người nước ngoài không biết tiếng phổ thông của dân tộc mình. Ví dụ: Lee Chil Wen là người Đài Loan -Trung Quốc không biết tiếng Bắc Kinh, khi Cơ quan điều tra trưng cầu người phiên dịch tiếng Bắc Kinh thì không phiên dịch được, sau đó Cơ quan điều tra phải trưng cầu một người Hoa biết tiếng dân tộc của Lee Chil Wen mới phiên dịch được.
Thông thường, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trưng cầu người phiên dịch đều có bằng cấp và chứng chỉ hành nghề đúng với tiếng phổ thông mà người nước ngoài phạm tội mang quốc tịch, nhưng có trường hợp người đó không dịch được. Việc người được trưng cầu không phiên dịch được phải được lập thành biên bản và lưu vào trong hồ sơ vụ án. Sau đó mới trưng cầu người khác phiên dịch, mặc dù người được yêu cầu phiên dịch mới này không có bằng cấp và chứng chỉ hành nghề, miễn là được người nước ngoài phạm tội chấp nhận.
Thứ ba, xác định quốc tịch: Người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu nhập cảnh bằng con đường hợp pháp thì có hộ chiếu, còn nhập cảnh bằng con đường bất hợp pháp thì thường không có hộ chiếu. Dù có hộ chiếu hay không có hộ chiếu thì sau khi xác định được tiếng nói và chữ viết của người nước ngoài phạm tội sử dụng trong tố tụng hình sự, Điều tra viên phải yêu cầu người đó khai và viết bản tự khai là mang quốc tịch nước nào. Trên cơ sở hộ chiếu và lời khai của người nước ngoài phạm tội, Cơ quan điều tra làm văn bản đề nghị Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp xác định quốc tịch. Công văn của Cơ quan điều tra gửi Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp cần nêu một số thông tin như: Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán, bố mẹ, anh, chị em ruột; văn hoá, nghề nghiệp; dân tộc; quốc tịch tự khai; hộ chiếu số… của người nước ngoài phạm tội để việc tra cứu được thuận tiện. Công văn của Cơ quan điều tra và Văn bản trả lời của Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp phải lưu vào hồ sơ của vụ án. Trường hợp hết thời hạn điều tra mà Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp chưa có văn bản trả lời thì quốc tịch của người nước ngoài phạm tội được xác định trên cơ sở hộ chiếu, lời khai và bản tự khai của người đó.
Thứ tư, xác định lý lịch bị can: Trên cơ sở tài liệu có trong hồ sơ, Cơ quan điều tra làm Công văn đề nghị Văn phòng Interpol Việt Nam xác minh lý lịch tư pháp của người nước ngoài phạm tội. Trường hợp Văn phòng Interpol Việt Nam không cung cấp được lý lịch của người đó thì làm Công văn đề nghị Sở ngoại Vụ cung cấp lý lịch. Trường hợp cả Văn phòng Interpol Việt Nam và Sở Ngoại vụ đều không cung cấp được lý lịch thì yêu cầu người nước ngoài phạm tội tự khai về phần lý lịch có xác nhận của Điều tra viên. Nếu người nước ngoài phạm tội có Luật sư tham gia bào chữa thì yêu cầu Luật sư chứng kiến và ký xác nhận. Trường hợp người đó mang quốc tịch nước ngoài nhưng là người gốc Việt thì về nơi cư trú của người đó trước khi đi nước ngoài đề nghị cung cấp lý lịch và lấy xác nhận của chính quyền địa phương. Sau khi hồ sơ chuyển sang Viện kiểm sát, thì Kiểm sát viên phải tiến hành phúc cung lại phần lý lịch, nếu thấy phù hợp với lý lịch mà Cơ quan điều tra đã thu thập thì khi đó mới lập cáo trạng truy tố.Ví dụ: Khi điều tra vụ Huỳnh Thị Ánh phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý, Ánh mang quốc tịch Campuchia, Interpol và Sở ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh đều không cung cấp được lý lịch của Huỳnh Thị Ánh, Kiểm sát viên đã yêu cầu Điều tra viên trực tiếp lấy lý lịch tự thuật của Ánh có sự chứng kiến của Luật sư và về quê Ánh ở Sóc Trăng xác minh. Vụ Huỳnh Thị Ánh đã được đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm mà không có vướng mắc về phần lý lịch.
Thứ năm, thông báo về việc bắt, việc tạm giam: Đối với người nước ngoài phạm tội nhưng là người gốc Việt thì việc thông báo về việc bắt được áp dụng theo Điều 85 và Điều 88 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Điều 85 quy định: “Người ra lệnh bắt, cơ quan nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay”. Tại khoản 4 Điều 88 quy định: “Cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam và cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức, nơi người bị tạm giam cư trú hoặc làm việc biết”. Ví dụ: Tô Văn Nam là người Việt Nam nhưng mang quốc tịch Hoa Kỳ bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh về tội mua bán trái phép chất ma tuý, Cơ quan điều tra đã thông báo việc bắt Tô Văn Nam cho gia đình Tô Văn Nam tại thành phố Hồ Chí Minh biết.
Đối với trường hợp người nước ngoài phạm tội (không phải là người gốc Việt) thì người ra lệnh bắt, Cơ quan nhận người bị bắt thông báo việc bắt cho Sở Ngoại vụ hoặc Đại sứ quán của người bị bắt mang quốc tịch biết. Ví dụ: Lin Chao Hung quốc tịch Đài Loan – Trung Quốc sau khi bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan điều tra đã thông báo việc bắt, việc tạm giam đến Sở ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh và Sở ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo cho gia đình Lin Chao Hung ở Đài Loan – Trung Quốc biết.
Thứ sáu, ký vào từng trang biên bản hỏi cung bị can: Biên bản hỏi cung bị can được tiến hành theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 132 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tại khoản 2 quy định: “… Trong trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch thì Điều tra viên phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết được quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch. Người phiên dịch và bị can cùng ký vào từng trang của biên bản hỏi cung”.
Trong thực tế, nhiều Kiểm sát viên nhầm lẫn giữa người bào chữa, người đại diện hợp pháp với người phiên dịch nên nhiều bản cung người phiên dịch không ký vào từng trang bản cung, nhưng Kiểm sát viên không phát hiện để khắc phục, đến khi hồ sơ vụ án được chuyển sang cho Toà án, thì lúc đó mới được phát hiện, do vậy, đã bị Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Thứ bảy, giao bản kết luận điều tra: Đối với vụ án có người nước ngoài phạm tội đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt thì Điều tra viên chỉ cần giao một bản kết luận điều tra bằng tiếng Việt. Trường hợp người nước ngoài phạm tội không sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt thì Điều tra viên giao một bản kết luận điều tra bằng tiếng Việt và một bản kết luận điều tra được dịch sang tiếng nói vàchữ viết mà người nước ngoài phạm tội đã đề nghị sử dụng khi tham gia tố tụng hình sự. Bản dịch sang tiếng nước ngoài phải có chữ ký của người dịch đã được Cơ quan điều tra yêu cầu trong quá trình điều tra vụ án.
Thứ tám, giao bản cáo trạng: Việc xây dựng bản cáo trạng đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như xây dựng bản cáo trạng đối với người Việt Nam phạm tội và được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 167 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Sau khi bản cáo trạng được người có thẩm quyền ký chính thức thì Kiểm sát viên đề nghị người phiên dịch dịch sang tiếng nói và chữ viết mà người nước ngoài phạm tội đề nghị sử dụng khi tham gia tố tụng hình sự. Bản dịch phải có chữ ký của người dịch và có xác nhận của cơ quan chủ quản của người dịch.
Trong vụ án có nhiều người nước ngoài phạm tội thì bản cáo trạng phải được dịch sang tiếng nói và chữ viết của từng người đã sử dụng khi tham gia tố tụng hình sự. Ví dụ: Vụ án có bị can Nguyễn Văn A sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Anh, bị can Nguyễn Văn B sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Trung Quốc, bị can Nguyễn Văn C sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Lào… thì bản cáo trạng phải được dịch sang tiếng Anh để giao cho bị can A, dịch sang tiếng Trung để giao cho bị can B và dịch sang tiếng Lào để giao cho bị can C.
Trường hợp người nước ngoài phạm tội đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt khi tham gia tố tụng hình sự thì không phải dịch bản cáo trạng sang tiếng nói và chữ viết mà người đó mang quốc tịch. Ví dụ: Nguyễn Winston mang quốc tịch Canada nhưng phạm tội ở Việt Nam, khi bị bắt đã đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt nên khi tham gia tố tụng hình sự bản cáo trạng không phải dịch sang tiếng Canada.
Khi giao bản cáo trạng cho người nước ngoài phạm tội thì giao một bản tiếng Việt và một bản được dịch sang thứ tiếng mà người đó đã đề nghị sử dụng khi tham gia tố tụng hình sự và phải được ghi rõ trong biên bản giao nhận cáo trạng.
Trên đây là một số kinh nghiệm trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm đối với các vụ án có người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, rất mong các đồng nghiệp bổ sung kinh nghiệm để việc điều tra, truy tố và xét xử các vụ án có người nước ngoài phạm tội được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Đỗ Văn Kha
Vụ 1C, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Tham khảo thêm:
- Bài giảng về những điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015
- Quy định dẫn giải đối với người bị hại từ chối giám định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
- Bài giảng của Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào về nội dung cơ bản của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
- Thực trạng pháp luật lao động về kỷ luật sa thải và một số kiến nghị
- Vướng mắc trong quy định của Bộ luật lao động về bồi thường chi phí đào tạo của người lao động
- Một số điểm mới của chế định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Bộ luật dân sự năm 2015
- Một số vấn đề của PL về giao dịch bảo đảm cần tiếp tục hoàn thiện theo quy định của BLDS 2015[1]
- Quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong hợp đồng lao động cần được hướng dẫn
- Áp dụng tập quán trong pháp luật dân sự- những vướng mắc, bất cập cần hoàn thiện
- Hoàn thiện các quy định của pháp luật về rút ngắn thời gian thử thách của án treo