Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong TTDS

Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong TTDS.

Trong quá trình tòa án giải quyết vụ việc dân sự, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự luôn luôn là mục tiêu được Toà án nhân dân coi trọng và hướng đến. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, quyền dân sự của con người ngày càng được mở rộng, kinh tế xã hội phát triển không ngừng, các tranh chấp phát sinh ngày càng đa dạng. Trên thực tế, vì lợi ích của mình hoặc do thiếu thiện chí, nhiều người có hành vi tẩu tán tài sản, hủy hoại hoặc xâm phạm chứng cứ, mua chuộc người làm chứng,…Vì vậy, đôi khi tòa án phải quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) là những biện pháp cần thiết để giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng hoặc đảm bảo thi hành án. Bộ luật TTDS 2015 đã bổ sung thêm một số biện pháp khẩn cấp tạm thời mới phù hợp với các văn bản pháp luật khác có liên quan và thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời của các Tòa án nhân dân còn nhiều hạn chế, bất cập.

I. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

1.1 Khái niệm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

          Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp tòa án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.[1]

          Áp dụng BPKCTT  trong giải quyết các vụ án dân sự là việc của Tòa án xét các căn cứ, thủ tục về biện pháp khẩn cấp tạm thời để ban hành một hoặc nhiều quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc ra quyết định sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng nhằm tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu nhập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, đảm bảo việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

1.2 Đặc điểm của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

          Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là hoạt động áp dụng pháp luật nên nó có đầy đủ các đặc điểm của hoạt động áp dụng pháp luật chung như: mang tính quyền lực nhà nước, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mang tính cá biệt,.. Tuy nhiên, so với các biện pháp khác được tòa án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự thì BPKCTT có những nhiều điểm khác biệt:

          – Tính khẩn cấp: Tòa án phải ra quyết định áp dụng ngay đôi khi không cần có yêu cầu của đương sự và quyết định này được thực hiện ngay sau khi được toàn án quyết định áp dụng. Mục đích của việc áp dụng BPKCTT trong các trường hợp này nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ kịp thời quyền lợi của người có yêu cầu hoặc người yếu thế.

          – Tính tạm thời: quyết định áp dụng BPKCTT chưa phải là quyết định cuối cùng về giải quyết vụ việc dân sự. Đây chỉ là biện pháp tạm thời được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, chưa phải là quyết định về giải quyết vụ việc dân sự. Sau khi áp dụng BPKCTT nếu lí do của việc áp dụng không còn nữa thì tòa án có thể hủy bỏ quyết định này.

          – Áp dụng BPKCTT phải tuân theo các điều kiện, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm bảo vệ quyền  và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

1.3 Ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

          – Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự: Các biện pháp khẩn cấp tạm thời như buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng, buộc thực hiện một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại,… được áp dụng có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự. Nếu không áp dụng ngay thì có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự.

          –  Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời góp phần bảo vệ chứng cứ cho việc giải quyết vụ án: Trên thực tế có nhiều trường hợp để trốn tránh nghĩa vụ, đương sự có tâm lý muốn hủy hoại chứng cứ, chuyển dịch quyền tài sản,… Việc áp dụng các BPKCTT góp phần ngăn ngừa các hành vi tiêu cực trên, đồng thời giúp Tòa án xem xét, đánh giá chứng cứ, giải quyết vụ án được chính xác và khách quan.

          – Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời góp phần bảo tình trạng tài sản tránh việc gây thiệt hại không thể khắc phục được, giữ được tài sản bảo đảm cho việc thi hành bản án, quyết định của tòa án sau này.

Như vậy, việc áp dụng BPKCTT mang nhiều ý nghĩa không những đối với việc giải quyết vụ viện dân sự của Tòa án mà cả đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, việc áp dụng BPKCTT có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của người bị áp dụng và người khác. Do vậy, tòa án phải xem xét thận trọng trước khi quyết định áp dụng biện pháp này và phải thực hiện đúng quy định của pháp luật để tránh gây thiệt hại cho đương sự và các chủ thể khác.

II, PHÂN TÍCH VÀ BÌNH LUẬN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI

2.1 Các loại biện pháp khẩn cấp tạm thời

          Trên thực tế, các tranh chấp dân sự xảy ra rất đa dạng, yêu cầu áp dụng BPKCTT đa dạng nên các biện pháp này cũng cần được áp dụng cụ thể. Theo quy định tại Điều 114 BLTTDS năm 2015 có 16 BPKCTT, đã bổ sung thêm một số biện pháp so với Bộ luật TTDS năm 2011 như: Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ, cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình, tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu, bắt giữ tàu bay bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án. Ngoài 16 biện pháp trên thì tòa án cũng có thể áp dụng các BPKCTT khác do pháp luật quy định. Mỗi BPKCTT chỉ được áp dụng trong trường hợp nhất định, với một ý nghĩa nhất định.

          Trong từng trường hợp cụ thể người có quyền yêu cầu tòa án áp dụng BPKCTT phải lựa chọn BPKCTT phù hợp để yêu cầu tòa án ra quyết định áp dụng. Do giới hạn số trang của bài tập nên em xin đi sâu phân tích một số BPKCTT cụ thể như sau:

          – Biện pháp giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục

          Theo quy đinh tại Điều 115 BLTTDS năm 2015 thì BPKCTT giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục được tòa án quyết định áp dụng trong việc giải quyết vụ án có liên quan đến những người này mà họ chưa có người giám hộ. Đối chiếu với Khoản 1 Điều 102 BLTTDS năm 2011, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung thêm đối tượng được giao để “trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục” là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Quy định này là phù hợp với BLDS 2015 vì bộ luật mới đã bổ sung thêm quy định về năng lực hành vi dân sự của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Bên cạnh đó, Điều 115 BLTTDS năm 2015 đã bổ sung thêm quy định “Việc giao người chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người đó”. Quy định này nhằm bảo đảm cho việc chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên được tốt nhất, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của họ.

          Trong thực tiễn tố tụng khi giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi như vụ án li hôn, tước quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên của bố mẹ,.. khi thấy cần thiết Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan tổ chức có quyền yêu cầu tòa án quyết định áp dụng BPKCTT . Tuy nhiên, trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong vụ án hôn nhân và gia đình đã có người giám hộ nhưng người giám hộ đó lại đang chấp hành hình phạt tù, đang trong tình trạng bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên hoặc một bên cha, mẹ đang chấp hành hình phạt tù còn bên kia rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như ốm nặng, nghèo túng không thể trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên. Với những trường hợp này Tòa án cũng cần phải quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đó trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.[2]

          Vì vậy, biện pháp khẩn cấp tạm thời này cần được áp dụng đối với việc giải quyết việc tuyên bó một người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nếu họ chưa có người giám hộ hoặc đã có người giám hộ nhưng người giám hộ không có khả năng thực hiện việc giám hộ.

          -Biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp

          Kê biên tài sản đang tranh chấp là biện pháp khẩn cấp tạm thời do Tòa án quyết định áp dụng nhằm kiểm kê, thống kê những tài sản đang có trong tranh chấp trong vụ kiện để nắm rõ những tài sản đó và buộc người đang giữ tài sản tranh chấp không được chuyển dịch, tẩu tán hay phá hủy tài sản.

          Tòa án quyết định áp dụng BPKCTT này khi giải quyết vụ án dân sự theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu. Tài sản đang tranh chấp có thể là động sản hoặc bất động sản. Trong trường hợp tài sản bị kê biên là động sản thì sau khi kê biên tài sản có thể bị thu giữ, bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án hoặc giao cho người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án. Trường hợp tài sản bị kê biên là bất động sản thì sau khi kê biên tài sản có thể được giao cho đương sự hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án. Căn cứ vào Điều 120 BLTTDS 2015, biện pháp này được áp dụng khi có hai điều kiện sau:

          + Khoản 1 Điều 120 BLTTDS 2015 nêu nên đối tượng kê biên:  biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với tài sản đang có tranh chấp mà không phải là áp dụng đối với tất cả tài sản của đương sự trong vụ án dân sự. Có quan điểm cho rằng “ Những tài sản không phải là tài sản tranh chấp hoặc những tài sản chỉ liên quan đến tài sản tranh chấp sẽ không nằm trong những phạm vi những tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên”[3]. Tuy nhiên cá nhân em cho rằng những tài sản liên quan với tài sản tranh chấp có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đôi khi đương sự vì muốn bảo vệ lợi ích cá nhân mà muốn chuyển đổi, tạo ra chứng cứ giả để tẩu tán tài sản, khiến nó không nằm trong phạm vi bị kê biên. Nếu chỉ áp dụng trong phạm vi tài sản tranh chấp thì có thể bỏ qua những tình tiết, tài sản gây thiệt hại đến đương sự, đồng thời biện pháp này cũng mất đi giá trị là tính khẩn cấp.

          + Điều kiện thứ hai là Tòa án chỉ được áp dụng BKKCTT này khi có “căn cứ cho thấy người đang giữ tài sản có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản tranh chấp”. Như vậy có thể hiểu rằng chỉ khi có những căn cứ xác thực là người đang nắm giữ tài sản tranh chấp đã có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản tranh chấp thì Tòa án mới được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên. Nếu hiểu như cách này thì có thể biện pháp kê biên tài sản sẽ không đáp ứng được tính khẩn cấp và gần như không có tác dụng bảo toàn tài sản vì có thể đến khi áp dụng BPKCTT thì tài sản đã bị hủy hoại hoặc tẩu tán. Nhưng nếu hiểu theo cách là có căn cứ cho thấy người đang giữ tài sản có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản tranh chấp thì tính kịp thời sẽ được đảm bảo vì trên thực tế hành vi hủy hoại, tẩu tán tài sản chưa xảy ra. Chính vì vậy, điều luật này cần phải được bổ sung rõ ràng để người thực thi pháp luật thống nhất cách hiểu và áp dụng đúng đắn nhất.

2.2 Buộc thực hiện biện pháp bảo đảm

          Pháp luật đã quy định người yêu cầu tòa án áp dụng BPKCTT phải thực hiện biện pháp bảo đảm nhằm mục đích đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng và người thứ ba; tránh được việc lạm dụng yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

          Trên thực tế, mỗi vụ việc dân sự xảy ra đều có những đặc điểm riêng cho nên việc giải quyết nó, việc áp dụng BPKCTT trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự cũng có những yêu cầu riêng. Theo Điều 136 BLTTDS 2015, việc thực hiện biện pháp bảo đảm chỉ thực hiện đối với những trường hợp mà việc áp dụng BPKCTT có thể xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng hoặc người thứ ba.

2.3 Thẩm quyền, thủ tục áp dụng, thay đổi và hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

          Thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi và hủy bỏ BPKCTT được xác định theo thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự. Trước khi mở phiên tòa, việc giải quyết vụ án dân sự do một thẩm phán tiến hành nên việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT do một thẩm phán xem xét, quyết định. Tại phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT do hội đồng xét xử xem xét, quyết định. Trường hợp hủy bỏ BPKCTT sau khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật thì do một thẩm phán được chánh án của tòa án đã đưa ra quyết định áp dụng BPKCTT phân công giải quyết quyết định.

          Thủ tục áp dụng BPKCTT được quy định tại Điều 133 BLTTDS 2015.

          Sau khi ra quyết định mà xét thấy BPKCTT đang được áp dụng không còn phù hợp hoặc không cần thiết, phải thay đổi hoặc phải áp dụng  bổ sung BPKCTT khác vì điều kiện áp dụng thay đổi thì tòa án có thể quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời[4]. Ngoài ra, tòa án cũng có thể quyết định hủy bỏ BPKCTT.  Tuy vậy, để đảm bảo việc quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung hay hủy bỏ BPKCTT được đúng, tòa án phải xem xét thận trong trước khi quyết định. Đối với việc hủy bỏ BPKCTT chỉ được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 138 BLTTDS 2015. Đồng thời, Tòa án phải xem xét quyết định để người yêu cầu áp dụng BPKCTT nhận lại chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc tài sản bảo đảm đã nộp ở ngân hàng, trừ trường hợp người yêu cầu tòa án áp dụng BPKCTT không đúng gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba.

2.4 Khiếu nại, kiến nghị áp dụng, thay đổi và hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

          Khi áp dụng BPKCTT thì hiệu lực và việc thi hành được quy định tại Điều 123 và Điều 126 BLTTDS. Tuy nhiên, việc áp dụng, thay đổi và hủy bỏ BPKCTT có thể không chính xác hoặc không còn căn cứ nên đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị. Việc khiếu nại, kiến nghị khi cho rằng quyết định áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ BPKCTT của Tòa án là không đúng hoặc hành vi của Thẩm phán, Hội đồng xét xử trong việc giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không đúng. Vì quyết định áp dụng BPKCTT  có hiệu lực thi hành ngay, không thể bị kháng cáo, kháng nghị nên quy định về khiếu nại và kiến nghị về quyết định này là cần thiết, góp phần bảo đảm cho việc giải quyết yêu cầu áp dụng BPKCTT được đúng đắn và khách quan. Điều 140, Điều 141 quy định chi tiết thời hạn và thẩm quyền và việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị này.

2.5 Trách nhiệm do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng

          Áp dụng BPKCTT chỉ có ý nghĩa khi nó không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm của tòa án và người có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT, pháp luật hiện hành còn quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do áp dụng BPKCTT không đúng.

          – Đối với trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng[5]

Hiểu sâu về quy định này thì có thể thấy điểm bất cập. Bởi đương sự có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT, song việc có áp dụng hay không là do Tòa án xem xét và quyết định. Tòa án có nhiệm vụ cân nhắc, căn cứ vào quy định của pháp luật và đơn yêu cầu để quyết định có áp dụng hay không biện pháp khẩn cấp tạm thời mà đương sự yêu cầu. Vì vậy, pháp luật chỉ xác định trách nhiệm của người yêu cầu trong trường hợp này là chưa thỏa đáng mà cần có quy định cả trách nhiệm của Tòa án trong trường hợp này.

– Đối với trường hợp Tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Theo khoản 2 Điều 113 BLTTDS 2015 tòa án áp dụng BPKCTT không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì tòa án phải bồi thường cho người bị hại. Tuy nhiên, tòa án chỉ phải bồi thường trong các trường hợp nhất định quy định tại điều này. Việc xác định trách nhiệm bồi thường của tòa án, mức bồi thường cụ thể trong từng trường hợp do tòa án áp dụng BPKCTT không đúng được thực hiện theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Kết luận 1: Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định tương đối cụ thể, chi tiết các biện pháp khẩn cấp tạm thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng BPKCTT, dự liệu được các tình huống phát sinh trong thực tiễn đời sống, nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án, các đương sự trong quá trình yêu cầu và áp dụng BPKCTT vào thực tiễn giải quyết vụ án dân sự. Thông qua việc phân tích và đánh giá, cũng nhận thấy một số quy định của pháp luật hiện hành còn bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu và hoàn thiện thêm.

II. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT TRONG ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI

3.1 Thực trạng thực hiện pháp luật về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

          Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, trong đó quy định mới một số biện pháp, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định khác về các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động ,…thời gian qua cho thấy, việc áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời tại các Tòa án nhân dân về cơ bản đã đảm bảo đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số Tòa án nhân dân để xảy ra sai sót, vi phạm. Phụ lục của chỉ thị số 03/2019/CT-CA ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (đính kèm phần phụ lục) đã chỉ ra một số sai sót cần rút kinh nghiệm trong vệc áp dụng các BPKCTT. Do đó, em xin đưa ra một vài vụ việc thực tiễn cho những sai phạm đó

Thứ nhất, về đương sự có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

          Theo quy định tại khoản 1 Điều 111 BLTTDS năm 2015 thì quy định về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời  của đương sự . Như vậy, đương sự (gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không phân biệt bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hay không) đều có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay vẫn còn có ý kiến khác nhau về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cụ thể có ý kiến cho rằng chỉ khi nào bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì mới có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Một vụ án đã  minh chứng cho vấn đề này[6].

Thứ hai, về việc yêu cầu đương sự sửa đơn yêu cầu và nộp chứng cứ cho Tòa án

          Theo quy định tại khoản 1 Điều 133 BLTTDS năm 2015, người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của đương sự phải có các nội dung chính quy định từ điểm a đến điểm e khoản 1 Điều 133 BLTTDS năm 2015.

Như vậy, nếu đương sự làm đơn yêu cầu chưa đúng theo quy định thì Tòa án chưa xem xét đơn yêu cầu của đương sự mà phải yêu cầu đương sự sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay BLTTDS năm 2015 cũng như chưa có văn bản nào hướng dẫn thời hạn đương sự sửa đổi, bổ sung đơn trong thời hạn bao lâu. Nếu hết thời hạn đó mà đương sự không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu theo yêu cầu của Tòa án thì hậu quả pháp lý như thế nào. Cụ thể là Tòa án có quyền trả lại đơn yêu cầu cho đương sự hay không. Tương tự, nếu đương sự cung cấp chứng cứ chưa đủ thì Tòa án đề nghị đương sự cung cấp bổ sung chứng cứ trong thời hạn bao lâu. Nếu hết thời hạn được yêu cầu mà đương sự không cung cấp bổ sung được chứng cứ thì hậu quả pháp lý như thế nào. Cụ thể là Tòa án trả lại đơn yêu cầu cho đương sự hay xem xét đơn yêu cầu và ra quyết định không chấp nhận yêu cầu của đương sự.

Thứ ba, về xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

          Hiện nay về nguyên tắc Tòa án chỉ phong tỏa tài sản, tài khoản tương ứng với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thực hiện. Nên việc Tòa án phải xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, vấn đề xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cần phải được hướng dẫn cụ thể hơn, nhất là về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời gian Tòa án phải xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Cụ thể là tự Thẩm phán, Hội đồng xét xử có quyền xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không. Hay là phải do Hội đồng định giá tài sản xác định. Trình tự, thủ tục tiến hành việc xác định giá tài sản như thế nào. Thời hạn để xác định già trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là bao lâu. Một vấn đề khác nữa là nếu tại phiên tòa đương sự có đơn yêu cầu phong tỏa tài sản và Tòa án cần phải xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp tạm thời và cần có thời gian mới xác định được già trị tài sản thì Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa hay phải hoãn phiên tòa.

Thứ tư, một số biện pháp khẩn cấp tạm thời còn được hiểu chưa rõ ràng

          Có rất nhiều BPKCTT được áp dụng chưa đúng, còn hiểu sai về quy định pháp luật, cụ thể như một vài vụ án thực tiễn sau:

          Vụ án đầu tiên[7] liên quan đến biện pháp giao người chưa thành niên, người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục”

Cần phải hiểu thuật ngữ “người giám hộ” theo nghĩa rộng gồm “người đại diện theo pháp luật, người giám hộ” và phải là việc đại diện, giám hộ hợp pháp. Trong trường hợp trên, theo bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, bà L là người đại diện theo pháp luật và có quyền nuôi dưỡng cháu K. Việc ông H giữ cháu K mà không có sự đồng ý của bà L ảnh hưởng đến quyền nuôi dưỡng con chung của bà L. Vì vậy, bà L hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT tại Điều 115 BLTTDS năm 2015.

          Vụ án thứ hai[8] liên quan đến biện pháp “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”

Điều 127 BLTTDS năm 2015 quy định, cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy, đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết.

Tuy nhiên, quy định của Điều 127 vô tình tạo khoảng trống để đương sự lạm dụng, né tránh khi yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT trong thực tiễn. Theo đó, đương sự có thể yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT tại Điều 127 để buộc người đang chiếm hữu, người giữ tài sản hoặc chủ sở hữu tài sản (mà không phải tài sản tranh chấp) không được tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản cho người khác hoặc yêu cầu áp dụng BPKCTT đối với phần tài sản có giá trị lớn hơn nghĩa vụ của người bị áp dụng BPKCTT. Trong khi đó, các yêu cầu này thực chất thuộc phạm vi áp dụng BPKCTT tại các Điều 120, 121, 125, 126 BLTTDS năm 2015.

3.2 Hoàn thiện pháp luật TTDS về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

          – Hoàn thiện pháp luật về xác định trách nhiệm của Thẩm phán trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.

          – Hoàn thiện quy định về thời điểm ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp đương sự nộp đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT cùng với việc nộp đơn khởi kiện.

          – Thống nhất cách hiểu chung về quy định: đương sự có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

          – Bổ sung văn bản quy định thời hạn, thủ tục và hậu quả pháp lý việc yêu cầu đương sự sửa đơn yêu cầu và nộp chứng cứ cho Tòa án.

          – Quy định chi tiết về việc xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

          Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những thủ tục cần thiết khi giải quyết vụ án dân sự, góp phần bảo đảm cho hoạt động xét xử và thi hành án dân sự. Các quy định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong BLTTDS  ngày càng được hoàn thiện bằng việc bổ sung nhiều biện pháp mới cho phù hợp với thực tiễn và pháp luật nội dung. Thông qua sự tìm hiểu và phân tích cũng như từ thực tiễn áp dụng BPKCTT , những vấn đề bất cập, mâu thuẫn trong pháp luật cần được kịp thời phát hiện và kiến nghị sửa đổi, góp phần nâng cao hiệu suất áp dụng BPKCTT, bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Trường đại học luật Hà Nội NXB Công an nhân dân, 2018;
  2. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;
  3. Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2016;
  4. Chỉ thị số 03/2019/CT-CA ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc nâng cao chất lượng áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự;
  5. Bùi Thị Huyền, Bàn về một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của BLTTDS năm 2015, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số 02/2017;
  6. Nguyễn Trọng Bình, Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự và thực tiễn tại các tòa án nhân dân Sơn La, Luận văn thạc sĩ Luật học; TS. Hoàng Ngọ Thính hướng dẫn;

Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chủ biên TS. Bùi Thị Huyền, Nxb Lao động năm 2016;


[1] Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, nxb Công an nhân dân tr.179

[2] Bùi Thị Huyền, Bàn về một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của BLTTDS năm 2015, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số 02/2017

[3] Trần Phương Thảo (2011) BIện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự, Luận văn án tiến sĩ Luật học, Hà Nội. tr.80

[4] Điều 137. Thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời

Khi xét thấy biện pháp khẩn cấp tạm thời đang được áp dụng không còn phù hợp mà cần thiết phải thay đổi hoặc áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác thì thủ tục thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được thực hiện theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này

[5] Điều 113. Trách nhiệm do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng

1. Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình; trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.

[6] Nguyên đơn là ông A là bên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất tranh chấp, bị đơn là chị H là bên đang trực tiếp sử dụng thửa đất. Quá trình giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, ông A dùng xe cơ giới đấp đất trên thửa đất tranh chấp để chặn ngang đường cấp thoát nước vào ao nuôi cá của bị đơn. Bị đơn nộp đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc nguyên đơn phải khai thông đường cấp thoát nước vào ao nuôi cá của bị đơn. Vì việc ông A chặn đường cấp thoát nước vào ao cá của chị H làm thiệt hại tôm mà chị H đang nuôi chưa thu hoạch. Đối với vụ án này, có quan điểm cho rằng chị H không có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì trong chị H không có yêu cầu phản tố gì trong vụ án. Nhưng có quan điểm cho rằng chị H có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì BLTTDS năm 2015 không có quy định bị đơn không có yêu cầu phản tố sẽ không có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

[7] Theo đơn khởi kiện, ông Huỳnh Ngọc H cho rằng, theo bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 629/2018/HNGĐ-ST của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh T, bà Trần Hồng L được ly hôn với ông H; bà L được quyền nuôi dưỡng con chung tên Huỳnh Ngọc K, sinh ngày 11/10/2016. Chi cục Thi hành án dân sự huyện A đã giao cháu K cho ông Trần Hồng T (cha ruột của bà L) nhận nuôi dưỡng do được bà L ủy quyền. Tuy nhiên, do ông T nuôi dưỡng cháu K không đúng với bản án đã tuyên, là người lớn tuổi, vụng về trong việc chăm sóc trẻ nhỏ nên ông H đã mang cháu K về nuôi dưỡng sau khi ông T nhận cháu K khoảng 15 phút. Vì vậy, ông H yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, giao cháu K cho ông H nuôi dưỡng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, do yêu cầu giao trả cháu K nhưng ông H không chấp nhận nên bà L có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT theo Điều 115 BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân huyện A đã không chấp nhận yêu cầu của bà L do cháu K đang có người đại diện hợp pháp, người giám hộ theo quy định của pháp luật là bà L, ông H.

[8] Theo đơn khởi kiện ngày 13/5/2019, nguyên đơn ông Huỳnh Văn T trình bày, vào ngày 17/02/2019, ông T có cho bà Nguyễn Thị Đ vay số tiền 50.000.000 đồng, lãi suất 5%/tháng, thời hạn vay 01 năm. Hai bên có lập biên nhận thể hiện. Từ lúc vay tiền đến nay, bà Đ không đóng lãi cho ông T. Do bà Đ vi phạm nghĩa vụ trả lãi nên ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh B buộc bà Đ trả lại số tiền vay 50.000.000 đồng và tiền lãi theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình giải quyết vụ án, do biết bà Đ được cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp diện tích 3.500m2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CS03878 ngày 15/9/2017 của Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh B và bà Đ đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng cho người khác nên để đảm bào cho việc thi hành án, ông T yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT tại Điều 127 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cấm bà Đ chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích 3.500m2. Ngày 21/8/2019, Tòa án nhân dân huyện T ban hành Quyết định áp dụng BPKCTT theo yêu cầu của bà Đ.

Các bài luận liên quan:

1900.0191