Bình luận các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo Luật Bảovệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Pháp luật về giải quyết tranh chấp trong tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ tiêu dùng, cũng như giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, và dịch vụ. Vì vậy,khi tranh chấp phát sinh, các phương thức giải quyết tranh chấp sẽ được đưa để so sánh và chọn lựa.
CHƯƠNG I: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP GIỮA NGƯỜI TIÊU DÙNG VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH VÀ PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TIÊU DÙNG
1. Khái niệm tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh:
Mỗi quốc gia đều có một cách nhìn khác nhau về khái niệm tranh chấp tiêu dùng. Tranh chấp trong tiêu dùng trong pháp luật Đài Loan định nghĩa là:“Tranh chấp phát sinh do việc mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ của người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh”
Do vậy, nhìn một cách tổng quát thì tranh chấp liên quan tới quyền lợi của người tiêu dùng được hiểu là những mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ hợp pháp giữa một bên là người tiêu dùng và 1 bên là thương nhân trong đó người tiêu dùng với tư cách một bên trong quan hệ pháp luật tiêu dùng mà bị thiệt hại hoặc cho rằng bị thiệt hại đòi hỏi quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tranh chấp trong tiêu dùng phát sinh phần lớn là vì quan hệ tiêu uống được xây dựng trên nền tảng của hợp đồng mua bán và NTD thường ở vị thế yếu hơn,còn thương nhân ở vị thế mạnh hơn. Khi mối quan hệ giữa NTD và thương nhân xảy ra mâu thuẫn không thể giải quyết được sẽ dẫn đến tranh chấp trong tiêu dùng. Tranh chấp của NTD chủ yếu về quyền lợi, không vì mục tiêu lợi nhuận và khác biệt so với các tranh chấp khác như tranh chấp trong kinh doanh thương mại, hoặc tranh chấp dân sự thông thường,…
Trên cơ sở khái niệm và bản chất của tranh chấp tiêu dùng, giải quyết tranh chấp tiêu dùng được hiểu là việc cơ quan, hoặc tổ chức có thẩm quyền xem xét và ra quyết định xử lý các tranh chấp tiêu dùng trên cơ sở xem xét tài liệu,chứng cứ có trong vụ việc tranh chấp tiêu dùng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quan hệ tiêu dùng.
2. Pháp luật về giải quyết tranh chấp tiêu dùng:
Về Các phương thức giải quyết tranh chấp tiêu dùng:
Giải quyết tranh chấp tiêu dùng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định từ Điều 30 đến Điều 46. Cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp tiêu dùng bao gồm: Dựa vào các quy định Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng làm trung tâm, và các ngành luật khác có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp như: Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Cạnh tranh…Dựa vào các quy định luật hình thức và trình tự giải quyết tranh chấp theo Bộ luật Tố tụng dân sự.
2.1. Thương lượng: (Điều 31-32)
Người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân để thương lượng khi cho rằng quyền , lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Đây là cách giải quyết tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân thông dụng nhất và đảm bảo lợi ích các bên.
Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận được yêu cầu.
Quá thời hạn trên, nếu tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, người tiêu dùng có thể gia hạn để tiếp tục thương lượng hoặc sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác như hòa giải, trọng tài hoặc tòa án.
2.2. Hòa giải: (Điều 33-37)
Hòa giải là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Hòa giải là việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân thông qua bên thứ ba.
Tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng có quyền thỏa thuận lựa chọn bên thứ ba là cá nhân hoặc tổ chức hòa giải để thực hiện hòa giải. Hòa giải được thực hiện trên các nguyên tắc sau:
– Bảo đảm khách quan, trung thực, thiện chí, không được ép buộc, lừa dối.- Tổ chức, cá nhân tiến hành hòa giải, các bên tham gia hòa giải phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến việc hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
2.3. Trọng tài: (Điều 38-40)
Phương thức trọng tài được sử dụng khi điều khoản trọng tài được tổ chức,cá nhân thông báo trước khi ký kết hợp đồng giao dịch và được người tiêu dùng chấp thuận.
Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chứng thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức khác nếu không nhất trí phương thức trọng tài.
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.
Tham khảo:
– Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và các Trung tâm trọng tài thương mại khác.
– Các văn phòng khiếu nại của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các Hội ở các tỉnh, thành phố.
2.4. Tòa án: (Điều 41-46)
Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện; 2. Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
3. Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.
Nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
1. Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại.
3. Toà án quyết định bên có lỗi trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án.
Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quyền đại diện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng.
Ngoài bốn phương thức trên, Điều 25 và 26 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng cấp huyện. Quy định này được hướng dẫn chi tiết từ Điều 20 đến Điều 23 Nghị định Chính phủ số 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó:
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì người tiêu dùng có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết.
Sau khi tiếp nhận yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành giải quyết yêu cầu. Trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền có quyền yêu cầu các bên giải trình, cung cấp thêm thông tin, tài liệu phục vụ cho việc giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trường Hợp Vụ việc phức tạp, thời hạn trả lời có thể được gia hạn nhưng không quá mười lăm (15) ngày làm việc.
Trong quá trình giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nếu cơ quan có thẩm quyền xác định vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác thì chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan đó giải quyết và nêu rõ trong văn bản trả lời người tiêu dùng.
CHƯƠNG II: BÌNH LUẬN VỀ CÁC PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP GIỮA NGƯỜI TIÊU DÙNG VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH
1. Thực trạng các quy định theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 về giải quyết tranh chấp tiêu dùng ở Việt Nam:
Sau 10 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cho thấy các ưu điểm, nhược điểm đã dần bộc lộ và quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ vẫn còn một số hạn chế nhất định, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với phương thức thương lượng:
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 chưa đề cập tới thời hạn ràng buộc các bên phải đạt được thỏa thuận thương lượng để giải quyết dứt điểm tranh chấp và ràng buộc các bên đối với trách nhiệm thi hành kết quả thương lượng đã được các bên thông qua. Tại Khoản 2 Điều 31 Luật BVQLNTD 2010 chỉ quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.” Quy định này chỉ mới giới hạn thời hạn tiếp nhận và tiến hành thương lượng trong tranh chấp tiêu dùng mà chưa đề cập tới thời hạn ràng buộc các bên phải đạt được thỏa thuận thương lượng để giải quyết dứt điểm tranh chấp. Điều này vô tình tạo ra khe hở phải doanh nghiệp nếu họ cố tình kéo dài thời gian thương lượng giữa các bên nhằm tạo ra ưu thế trong thương lượng và trì hoãn đưa ra kết quả cuối cùng.
Thứ hai, đối với giải quyết tranh chấp tại Tòa án:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 43 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Người tiêu dùng một khi khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình thì không phải tạm ứng án phí, đồng thời cũng không phải tạm ứng lệ phí Tòa án. Theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí khi có người muốn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự thì họ phải có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí theo quy định pháp luật, trừ trường hợp họ được phép miễn hoặc không cần phải nộp tiền tạm ứng lệ phí.
Người tiêu dùng là chủ thể đặc biệt, khi khởi kiện không cần phải tạm ứng án phí và lệ phí so với các chủ thể thông thường khác. Tuy nhiên, Tòa Án Khi áp dụng pháp luật để xét xử, giải quyết tranh chấp, Tòa án loại trừ quyền tiên, và quyền hợp pháp của người tiêu dùng là không phải tạm ứng lệ phí, án phí. Đồng
thời, Tòa án không chấp nhận người sử dụng dịch vụ, hàng hóa với tư cách là người tiêu dùng khi họ thuê dịch vụ hoặc hàng hóa nào đó của các cá nhân, tổ chức, bao gồm thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Tòa án bắt buộc họ phải đóng tạm ứng án phí, lệ phí thì Tòa án mới thụ lý giải quyết. Tòa cho là việc gì giải quyết tranh chấp giữa người sử dụng dịch vụ là người thuê đối với một dịch vụ của một cá nhân hoặc tổ chức nào đó chỉ đơn thuần là vấn đề dân sự thông thường chứ không liên quan đến tiêu dùng.Đồng Thời, Tòa án cho là việc sử dụng dịch vụ như đề cập ở trên thì không phải là người tiêu dùng
2. Giải pháp hoàn thiện:
Thứ nhất, đối với phương thức thương lượng, hòa giải:
Sớm bổ sung cơ chế bảo đảm thực thi kết quả thương lượng, hòa giải bởi hệ thống cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự. Kết quả thương lượng, hòa giải sau khi được lập thành biên bản có thể phải đăng ký tại cơ quan tòa án và chuyển tới cơ quan thi hành án để thực thi. Hỗ trợ quá trình thực thi các phán quyết trên là hệ thống các trung tâm thừa phát lại được tổ chức nhằm giảm tài cho co quan thi hành án dân sự của nhà nước. Trình tự công nhận và thi hành thỏa thuận thương lượng, hòa giải sẽ áp dụng theo trình tự rút gọn, tòa án tôn trọng và không can thiệp vào nội dung và giá trị pháp lý của thỏa thuận.
Thứ hai, đối với án phí:
Theo Khoản 2 Điều 43 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 không nên quy định “Người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền,lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa Án”. Nên quy định NTD khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án các cấp.
Việc nghiên cứu về các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại nói chung và tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh nói riêng là rất quan trọng, trong quá trình phát triển hiện nay, vai trò của người tiêu dùng phải càng được nâng cao và quan tâm hơn, việc đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm để các quy định được áp dụng trong thực thế một cách nhuần nhuyễn giúp các chủ thể tham gia mối quan hệ tiêu dùng nhận thức được rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình khi xảy ra tranh chấp tiêu dùng.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 2. Luật thương mại 2005
3. Bộ luật tố tụng dân sự 2015
4. Nghị định Chính phủ số 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
5. Nguyễn Trọng Điệp (2014), Giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng với thương nhân ở Việt Nam hiện nay.
Các bài luận liên quan:
- Quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu
- Thực trạng pháp luật Việt Nam về chống bán phá giá và giải pháp hoàn thiện
- Truyền thông quốc tế – Đặc điểm, chính sách đối ngoại của Việt Nam, xu thế nghiên cứu
- Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong Luật quốc tế và việc áp dụng nguyên tắc này vào việc xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
- Sự khác biệt và tương đồng điển hình trong đào tạo Luật ở Anh và Mỹ
- Đánh giá các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về lao động giúp việc gia đình
- Phương pháp thương lượng trong thực tiễn giải quyết tranh chấp lĩnh vực thương mại
- Bình luận về lợi nhuận và việc phân phối lợi nhuận trong hoạt động tài chính doanh nghiệp
- Đánh giá các quy định pháp luật về chế độ thai sản
- Phân tích các điều kiện đảm bảo cho pháp luật đi vào đời sống