Bình luận vai trò của tổ chức quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên.
Từ hàng ngàn năm trước đây, song song với lịch sử xuất hiện và phát triển của Nhà nước phong kiến cổ đại tại Trung Đông, Nhà nước thời La Mã cổ đại, nhà nước phong kiến Ấn Độ, Trung Hoa… và các nước khác trên thế giới đến tầm đầu thế kỷ XX đều sử dụng chiến tranh vũ lực để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia gây hậu quả thiệt hại rất lớn cho các nước bị hại. Trong luật quốc tế hiện đại, bên cạnh việc xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức quốc tế, vấn đề giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng phương pháp hòa bình ngày càng được chú trọng và là xu hướng chung của mọi chủ thể luật quốc tế. Bởi lẽ đó, em chọn đề số 2 để làm bài tập học kì của mình: “Bình luận vai trò của tổ chức quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên”.
I. Khái quát chung về tổ chức quốc tế và tranh chấp quốc tế
1. Tổ chức quốc tế
Tổ chức quốc tế là thực thể liên kết các quốc gia và các chủ thể khác của Luật quốc tế, hình thành trên cơ sở điều ước quốc tế, có quyền năng chủ thể Luật quốc tế, có hệ thống cơ quan để duy trì hoạt động thường xuyên theo mục đích, tôn chỉ của tổ chức đó[1].
Hiện nay khi nhắc đến tổ chức quốc tế, người ta thường đề cập đến hai loại hình tổ chức quốc tế đó là tổ chức quốc tế liên chính phủ như Liên hợp quốc (UN), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Liên minh châu Âu (EU), Cộng đồng ASEAN… và tổ chức quốc tế phi chính phủ như Tổ chức chữ thập đỏ và lưỡi liềm đỏ quốc tế, Tổ chức Ân xá quốc tế…
2. Tranh chấp quốc tế
Tranh chấp quốc tế là hoàn cảnh thực tế trong đó các chủ thể của Luật quốc tế có sự khác nhau về quan điểm và sự xung đột, mâu thuẫn về lợi ích, đòi hỏi phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và dựa trên những nguyên tắc, quy phạm của Luật quốc tế nhằm ổn định các quan hệ quốc tế và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế”[2].
Bài luận Bình luận vai trò của tổ chức quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên.
Trước Hiệp ước Hòa bình Briand-kellogg 1928, trong quan hệ quốc tế, việc dùng vũ lực hay chiến tranh được coi là biện pháp hợp pháp để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia. Luật quốc tế cổ điển điều chỉnh việc sử dụng phương pháp bạo lực hay dùng vũ lực và việc dùng chiến tranh để giải quyết các tranh chấp quốc tế nhưng chế định trên đã chuyển đổi đáng kể và bị cấm do Hiệp ước Briand-kellogg 1928 và Hiến chương Liên hợp quốc. Khoản 3 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc: “Tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hòa bình, sao cho không tổn hại đến hòa bình, an ninh quốc tế và công lý”. Khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc ghi rõ: “Tất cả các thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc”.
II. Bình luận vai trò của tổ chức quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên
1. Mặt tích cực của các tổ chức quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên
Tổ chức quốc tế là mô hình hợp tác khá hiệu quả của các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Tổ chức quốc tế không chỉ điều phối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia mà còn có vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp quốc tế, đặc biệt là các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên. Trên cơ sở nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế – một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại được ghi nhận trong Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970 về Những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại điều chỉnh quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc (Vấn đề này thường được quy định trong các điều ước quốc tế của tổ chức quốc tế, như Điều 28 Hiến chương ASEAN năm 2007, khoản 3 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc), bên cạnh việc các quốc gia thành viên của Tổ chức quốc tế hoàn toàn có quyền thỏa thuận để lựa chọn các biện pháp thích hợp nhằm giải quyết các tranh chấp quốc tế phát sinh trong quan hệ giữa họ với nhau, phù hợp với tôn chỉ mục đích và nguyên tắc hoạt động của mỗi tổ chức quốc tế thì Tổ chức quốc tế xây dựng khung pháp lý làm cơ sở để các quốc gia thành viên giải quyết tranh chấp của mình. Bên cạnh đó, tổ chức quốc tế có thể tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp với vai trò môi giới, trung gian, hòa giải… hoặc thành lập các cơ quan, thiết chế có chức năng giải quyết tranh chấp. Mỗi tổ chức quốc tế có các phương thức khác nhau để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên, phù hợp với mục đích, tính chất của từng tổ chức. Nhưng tựu chung lại, về cơ bản, các tổ chức quốc tế có vai trò sau:
- Xây dựng khung pháp lý
Thông thường các tranh chấp liên quan trong khuôn khổ tổ chức quốc tế được giải quyết theo các cơ chế đã được quy định trong quy chế tổ chức quốc tế. Trong điều lệ thành lập các tổ chức quốc tế đều quy định việc sử dụng các phương pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp quốc tế là điều kiện bắt buộc cho các thành viên khi tham gia vào các tổ chức đó.
Theo Điều 52 Hiến chương Liên hợp quốc: “Không một quy định nào trong Hiến chương ngăn cản sự tồn tại của những hiệp định hoặc tổ chức quốc tế khu vực nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến duy trì hòa bình và an ninh quốc tế bằng những hành động có tính chất khu vực, miễn là những hiệp định hoặc tổ chức đó và những hoạt động của chúng phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Liên hợp quốc”. Các Hiến chương, Hiệp định của các tổ chức quốc tế đều quy định về nguyên tắc hợp tác chung và các Hiến chương, Hiệp định của các tổ chức đó đều quy định rõ về vai trò giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên của họ phù hợp với Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc về biện pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Bài luận Bình luận vai trò của tổ chức quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên.
Cộng đồng ASEAN cũng đã xây dựng các khung pháp lý để giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên. Ngay từ trước Hiến chương ASEAN năm 2007, nhiều văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng về giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, có thể kể đến như: Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) năm 1976 với các quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và đưa ra cơ chế chung giải quyết các tranh chấp trên các lĩnh vực hợp tác an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội… của ASEAN; Nghị định thư ASEAN về tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp năm 2004… Trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp, Hiến chương ASEAN ra đời đã tổng hợp và hệ thống hóa các văn kiện trước đó nhiều quy định về các cơ chế giải quyết tranh chấp.
Hiến chương của Tổ chức thống nhất Châu Phi (OAU – 1963) quy định về việc giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên bằng biện pháp đàm phán, trung gian, hòa giải và trọng tài là một nguyên tắc bắt buộc của tổ chức này.
Hiến chương của Liên đoàn các nước Ả Rập quy định Hội đồng liên đoàn có thể đóng vai trò môi giới, hòa giải hoặc trọng tài để dàn xếp các tranh chấp giữa các thành viên của Liên đoàn. Hội nghị thường kỳ của Nguyên thủ quốc gia các nước Ả rập ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hòa giải các tranh chấp giữa các nước trong khu vực.
Hiến chương Tổ chức các nước châu Mỹ và Hiệp ước Bogota về hòa bình giải quyết tranh chấp quy định tranh chấp phát sinh giữa các thành viên Tổ chức các nước châu Mỹ phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình như môi giới, trung gian, hòa giải, tòa án, trọng tài. Các văn bản này dành cho các cơ quan chính của Tổ chức như: Hội đồng thường trực, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao một phạm vi thẩm quyền nhất định trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên.
- Xây dựng cơ chế giải quyết các tranh chấp hiệu quả
Bên cạnh việc xây dựng khung pháp lý để giải quyết tranh chấp thông qua Hiến chương, các điều ước giữa các quốc gia thành viên…, nhiều tổ chức quốc tế đã xây dựng các cơ chế giải quyết các tranh chấp hiệu quả.
Khi nói tới một cơ chế giải quyết tranh chấp, người ta thường nghĩ đến tổng thể thống nhất các cơ quan giải quyết tranh chấp, cách thức, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp và việc thi hành phán quyết giải quyết tranh chấp. Một trong những tổ chức quốc tế có cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các thành viên hiệu quả nhất là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tất cả các thành viên WTO đều phải tuân thủ cơ chế giải quyết tranh chấp do WTO quy định bởi họ đã ký và phê chuẩn các hiệp định WTO như là “cả gói” cam kết chung mà DSU – Hiệp định về Quy tắc và Thủ tục giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO là một phần trong đó. Thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO được thực hiện bởi các cơ quan khác nhau, mỗi cơ quan có chức năng riêng biệt, tạo nên tính độc lập trong hoạt động điều tra và thông qua quyết định trong cơ chế này. Với nguyên tắc đồng thuận phủ quyết, các quyết định của DSB – Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO hầu như được thông qua tự động. Ban hội thẩm (Panel) và cơ quan phúc thẩm (AB) là những thiết chế trực tiếp giải quyết tranh chấp trên thực tế, mặc dù không nắm quyền quyết định (bởi quyền quyết định thuộc về DSB).
- Vai trò môi giới, trung gian, hòa giải…
Với vị trí là bên thứ ba, tổ chức quốc tế đã tham gia tích cực trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các thành viên với sự nhất trí và tin cậy của các bên tranh chấp với vai trò trung gian, hòa giải, môi giới… Đây cũng được coi là những phương pháp quan trọng và hữu hiệu trong việc giải quyết các tranh chấp bằng phương pháp hòa bình. Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc quy định: “Các bên tranh chấp quốc tế, trước tiên phải cố gắng giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp đàm phán như: đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án hoặc thông qua các cơ quan hay tổ chức quốc tế khu vực hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác do các bên đã chọn”.
Các hoạt động của Liên hợp quốc là minh chứng rõ nét thể hiện vai trò này của tổ chức quốc tế nói chung. Liên hợp quốc là tổ chức quốc tế đa phương toàn cầu được thành lập với mục đích duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Theo luật quốc tế hiện đại, Liên hợp quốc là tổ chức có chức năng, vai trò quan trọng trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.
Đại hội đồng là cơ quan bao gồm tất cả các nước thành viên của Liên hợp quốc và có thẩm quyền lớn nhất trong việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ được ghi nhận trong Hiến chương (Điều 10, 11, 14, 15). Đại hội đồng có thẩm quyền thảo luận mọi vấn đề liên quan đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế mà các nước thành viên, Hội đồng Bảo an hoặc các nước không phải thành viên Liên hợp quốc đề nghị Đại hội đồng Liên hơp quốc xem xét giải quyết. Hội đồng Bảo an thực hiện chức năng trung gian, (Điều 37), điều tra (Điều 34) và hòa giải (Điều 38). Hiện nay, hoạt động duy trì giữ gìn hòa bình, hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế của Liên hợp quốc thực hiện theo những quyết định của Hội đồng Bảo an đã trở thành nghĩa vụ bắt buộc của Liên hợp quốc và cùng đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Bài luận Bình luận vai trò của tổ chức quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên.
Tổng thư kí Liên hợp quốc cũng đóng vai trò to lớn trong việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, nhất là vai trò môi giới và trung gian. Với quyền hạn và khả năng của mình (Điều 99 Hiến chương Liên hợp quốc) nhiều khi Tổng thư kí Liên hợp quốc đích thân tham gia trực tiếp hay bằng cách ủy nhiệm cho các đặc phái viên của mình tham gia giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia. Ví dụ: Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc ông Dag Hammarsjold đã cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng về kênh đào Xu ê năm 1956, khủng hoảng Công gô 1960 – 1961. Ông U Than, cựu quyền Tổng thư ký Liên hợp quốc với giải quyết khủng hoảng ở vùng Vịnh Caribe 1962. Ông Pere Decuella trong nỗ lực chấm dứt chiến tranh biên giới giữa Iran – Irac, vấn đề Apghanixtan với Pakixtan 1983…Hay như gần đây là sự tham gia của Liên hợp quốc với vai trò trung gian trong việc giải quyết tranh chấp về biên giới giữa Guyana và Venezuela[3].
2. Hạn chế của tổ chức quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên
Hoạt động thực tiễn của các tổ chức quốc tế trong thời gian qua đã chứng minh được vai trò to lớn của mình trong việc giải quyết tranh chấp giữa các thành viên, nhưng không phải lúc nào các tổ chức này cũng phát huy được vai trò của nó.
Vai trò giải quyết các tranh chấp quốc tế của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong suốt thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, nhưng cũng có một số lập luận cho rằng trong thời gian qua Liên hợp quốc không đóng vai trò tích cực cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Có thể nói trong một số vấn đề giải quyết tranh chấp, Liên hợp quốc cũng có cái khó của nó bởi có sự chia sẻ trong nội bộ giữa các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an dẫn tới việc Liên hợp quốc khó có thể giải quyết tranh chấp một cách đúng đắn như là một nhiệm vụ đầu tiên trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế của mình. Nhưng trong quá trình đảm nhiệm chức năng duy trì hòa bình và an ninh quốc tế của mình, Hội đồng Bảo an cũng đã thực hiện nhiệm vụ của mình rất tốt trong việc giải quyết các tranh chấp, xung đột quốc tế để lập lại hòa bình cho các khu vực xung đột trên thế giới.
Hay như cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được xem là một đóng góp độc đáo để ổn định nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, hệ thống này cũng bộc lộ một số nhược điểm. Ví dụ như phương thức đồng thuận phủ quyết dẫn tới việc hầu như các báo cáo của Ban hội thẩm hoặc cơ quan phúc thẩm đều được thông qua nhưng lại dẫn đến tình trạng các báo cáo khuyến nghị được thông qua dễ dàng hơn nhiều nhưng khả năng thực thi thì lại giảm sút; cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO có xu hướng thiên về các yếu tố kỹ thuật, pháp lý, đòi hỏi các bên tham gia phải có một đội ngũ chuyên gia kinh tế, pháp lý giàu kinh nghiệm và đây là một thách thức không nhỏ đối với các nước đang phát triển…
Trong quan hệ quốc tế, việc xảy ra tranh chấp giữa các quốc gia nói riêng và các chủ thể khác của luật quốc tế nói chung là khó tránh khỏi. Sự ra đời của các tổ chức quốc tế, bên cạnh những lợi ích đạt được về kinh tế, chính trị, an ninh…, đã và đang góp phần không nhỏ trong việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hiến chương Liên hợp quốc;
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Quốc tế, Nxb.CAND, Hà Nội – 2015;
- Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Giáo trình Công pháp quốc tế (quyển 2), Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam;
- ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân, ThS. Chu Mạnh Hùng (đồng chủ biên), Giáo trình Luật Quốc tế (dùng trong các trường đại học chuyên ngành luật, ngoại giao), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội – 2012;
- Doungkeo Buonmadyla, Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO – Kinh nghiệm cho Lào, Luận văn thạc sĩ Luật học, Hà Nội – 2015;
- Keo Pheak Kdey, Phương pháp hòa bình trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, Luận án Tiến sĩ luật học; Hà Nội – 2002;
- Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Hồng Quân, Liên hợp quốc và lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc (sách tham khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2008;
- PGS.TS Nguyễn Thị Thuận (Chủ nhiệm), Một số cơ chế giải quyết tranh chấp trong Luật Quốc tế, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Hà Nội – 2001;
[1] TS. Nguyễn Thị Kim Ngân, TS. Chu Mạnh Hùng (đồng chủ biên), Giáo trình luật quốc tế (dùng trong các trường đại học chuyên ngành luật và ngoại giao), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội – 2012, trang 243
[2] TS. Nguyễn Thị Kim Ngân, TS. Chu Mạnh Hùng (đồng chủ biên), Giáo trình luật quốc tế (dùng trong các trường đại học chuyên ngành luật và ngoại giao), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội – 2012, trang 296
[3] http://www.vietnamplus.vn/lhq-lam-trung-gian-giai-quyet-tranh-chap-giua-venezuela-va-guyana/348993.vnp
Những bài luận liên quan:
- Đăng ký nhãn hiệu bị trùng, tranh chấp và cách giải quyết
- Công chứng viên là người thực hiện hoạt động nghề nghiệp chuyên trách
- Nêu những sai sót thường gặp của người tư vấn khi thỏa thuận, soạn thảo ký kết hợp đồng tư vấn pháp luật và đưa ra những giải pháp khắc phục. Minh họa bằng các tình huống thực tiễn
- Tranh chấp về xác định quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng
- Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (đề 6)
- Người tư vấn các vụ việc hôn nhân và gia đình cần phải có đáp ứng được những điều kiện gì
- Nêu và phân tích những ưu nhược điểm của các phương thức tư vấn
- Nhận diện các rủi ro trong hoạt động kinh doanh bất động sản? Chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến các rủi ro đó và đề xuất giải pháp khắc phục
- Đánh giá sự thay đổi, phát triển của Luật Đầu tư 2014 so với Luật Đầu tư năm 2005
- Thực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam về lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền