Phân tích các vấn đề pháp lý và thực tiễn bảo hộ công dân của Việt Nam, có kèm ví dụ thực tiễn.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự giao lưu của các nước trên thế giới hiện nay ngày càng mở rộng phát triển. Công dân của một quốc gia có thể sinh sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới, vì vậy phải đề cao vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Trong các yếu tố cấu thành quốc gia, dân cư là yếu tố có vai trò rất quan trọng. Không thể hình thành nên một quốc gia nếu như không có dân cư cư trú thường xuyên trên lãnh thổ quốc gia đó. Quốc gia sẽ đảm bảo cho công dân được hưởng những quyền và ngược lại công dân cũng phải thực hiện những nghĩa vụ pháp lý mà pháp luật quy định. Có thể nói một trong những vấn đề quan trọng trong mối quan hệ giữa các quốc gia hiện nay là vấn đề bảo hộ công dân. Hiện nay vấn đề bảo hộ công dân là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với mỗi quốc gia mà còn có vai trò quan trọng trên phạm vi toàn thế giới. Bên cạnh đó, tình hình chính trị bất ổn của một quốc gia có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân một quốc gia khác, đặc biệt là về tính mạng và tài sản.
Đề tài bảo hộ công dân là một đề tài rất rộng vì trên thực tế có rất nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động bảo hộ công dân. Chẳng hạn bảo hộ cho người lao động di trú, bảo hộ trong trường hợp công dân bị bắt giữ ở nước ngoài… Trong bài tập lớn này, em sẽ tập trung phân tích những vấn đề pháp lý dựa trên pháp luật Quốc tế và pháp luật Việt Nam về bảo hộ công dân trong một số văn bản pháp luật như Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1945, Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao năm 1961, Công ước Viên về Quan hệ lãnh sự năm 1963, Hiến pháp Việt Nam 2013, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 sửa đổi 2014…
Vì vậy, em xin chọn đề tài số 7: “Lựa chọn phân tích làm rõ một hoặc một số vấn đề pháp lý và thực tiễn bảo hộ công dân của Việt Nam, có ví dụ thực tiễn” để tìm hiểu và làm rõ những vấn đề trên.
1. Vấn đề bảo hộ công dân và liên hệ thực tiễn.
1.1. Mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.
Công dân của một quốc gia là người mang quốc tịch của quốc gia nơi họ đang cư trú, sinh sống, được pháp luật của quốc gia quy địn cho hưởng các quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và phải thực hiện các nghĩa vụ của công dân đối với quốc gia. Theo Điều 17 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: “1. Công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”.
Trong xã hội công dân và nhà nước là hai phạm trù có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, không thể có công dân mà không có nhà nước, cũng không thể có nhà nước mà không có công dân. Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân là mối quan hệ chính trị – pháp lý mang tính nền tảng của mỗi quốc gia thể hiện trong các quyền và nghĩa vụ được quy định tạo thành địa vị pháp lý của cá nhân và được xác định thông qua dấu hiệu quốc tịch của mỗi cá nhân công dân đó.
Từ đó mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân có quốc tịch được thể hiện qua 3 nội dung sau:
- Một là Nhà nước bằng pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của công dân.
- Hai là công dân có nghĩa vụ phải tuân theo pháp luật mà Nhà nước của mình đặt ra dù họ đang ở trong hay ở ngoài nước.
- Ba là Nhà nước có quyền phán xét xử lý tuyệt đối các hành vi của công dân mình đồng thời phải có trách nhiệm bảo hộ quyền và lợi ích của công dân cả ở trong và ngoài nước.
Tại Việt Nam, sự công nhận quốc tịch của nhà nước Việt Nam đối với một cá nhân là cơ sở mang lại cho cá nhân địa vị bình đẳng trước pháp luật như mọi công dân Việt Nam khác công dân Việt Nam được nhà nước bảo đảm các quyền công dân và phải làm tròn các nghĩa vụ công dân đối với nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật.
1.2. Bảo hộ công dân là gì? Và ví dụ về bảo hộ công dân của Việt Nam.
Bảo hộ công dân là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích của công dân nước mình ở nước ngoài, khi các quyền và lợi ích này bị xâm hại ở ngoài đó (bảo hộ ngoại giao theo nghĩa hẹp), đồng thời bao gồm cả các hoạt động giúp đỡ về mọi mặt mà nhà nước dành cho công dân của nước mình đang ở nước ngoài, kể cả trong trường hợp không có hành vi xâm hại nào tới các công dân của nước này (bảo hộ ngoại giao theo nghĩa rộng). [1]Như thế, bảo hộ công dân có thể bao gồm các hoạt động có tính công vụ như cấp phát hộ chiếu, giấy tờ hành chính hoặc các hoạt động có tính giúp đỡ, như trợ cấp tài chính cho công dân khi họ gặp khó khăn, phổ biên các thông tin cần thiết cho công dân nước mình tìm hiểu về nước mà họ có dự định tới vì nguyện vọng cá nhân cho đến các hoạt động có tính phức tạp hơn như thăm hỏi lãnh sự công dân bị bắt, bị giam hoặc tiến hành các hoạt động bảo vệ và đảm bảo cho công dân nước mình được hưởng những quyền và lợi ích tối thiêu theo quy định của nước sở tại hoặc luật quốc tế.
Đặc biệt, tại Điều 6 luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, cũng đã quy định về bảo hộ đối với công dân Việt nam ở nước ngoài.
Trong định hướng quan trọng của Đảng được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu “Giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có cơ chế, chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước”. Trên tinh thần đó, công tác kết nối kiều bào và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả rõ nét. Đảng ta xác định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tăng cường hơn nữa sự gắn bó của người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước. Mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.”
Những năm qua, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành một trụ cột trong công tác đối ngoại của đất nước. Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Trong 5 năm gần đây (từ 2015 đến 2019), với mức tăng trưởng trung bình 6%/năm, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD, chiếm khoảng 44% tổng kiều hối đạt được trong vòng 26 năm (từ năm 1993 đến hết năm 2019). Riêng năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kiều hối về Việt Nam đạt 15,686 tỷ USD, đứng thứ 9 trên thế giới về thu hút lượng kiều hối.
2. Cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân.
Cơ chế pháp lý bảo hộ công dân là tổng thể nguyên tắc, các thể chế, thiết chế, hình thức vận hành gắn kết với nhau trong một hệ thống nhằm thực hiện trách nhiệm chính trị – pháp lý của nhà nước trong việc thúc đẩy giúp đỡ và bảo vệ công dân khi có sự đe dọa cản trở hay xâm hại các quyền cơ bản của họ.
Đối với công dân, cơ chế pháp lý bảo hộ công dân trang bị cho họ khả năng chủ động thực thi, bảo vệ các quyền của mình. Đối với nhà nước, cơ chế pháp lý bảo hộ công dân thúc đẩy trách nhiệm của nhà nước nhằm đảm bảo bảo vệ các quyền cơ bản của công dân ngay cả khi không có sự yêu cầu từ phía công dân. Nhà nước đồng thời phải dữ liệu được các mối nguy cơ xâm hại, cản trở, để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các mối nguy cơ đó trong từng trường hợp cụ thể.
3. Cơ sở của bảo hộ công dân.
3.1. Cơ sở của bảo hộ công dân theo quy định của pháp luật quốc tế.
Hoạt động bảo hộ công dân được tiến hành dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế. Dưới góc độ pháp luật quốc tế các quy định về bảo hộ công dân được quy định khá rõ trong Công ước viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao và Công ước viên 1963 về quan hệ lãnh sự. Điều 3, Công ước viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao quy định một trong những chức năng chính của cơ quan đại diện ngoại giao là “bảo vệ những quyền lợi của nước cử đại diện và của những người mang quốc tịch nước đó tại nước nhận đại diện trong phạm vi được luật quốc tế thừa nhận”. Trong Điều 5, Công ước viên năm 1963 cũng quy định chức năng tương tự của cơ quan lãnh sự.
Quốc gia chỉ được thực hiện sự bảo hộ đối với công dân của quốc gia hay nói cách khác người được bảo hộ phải mang quốc tịch quốc gia tiến hành bảo hộ. Tuy nhiên, trong thực tiễn quan hệ quốc tế có những trường hợp công dân của quốc gia nhưng không được sự bảo hộ cần thiết của quốc gia mà họ mang quốc tịch. Ví dụ như đối với người hai hay nhiều quốc tịch không được bảo hộ nếu sự bảo hộ đó chống lại quốc gia mà người này cũng mang quốc tịch. Hoặc ngược lại cũng có trường hợp cá nhân không mang quốc tịch của quốc gia nhưng vẫn được bảo hộ đối với những cá nhân được hưởng tư cách “công dân Liên minh châu Âu”. Có hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của quốc gia sở tại gây thiệt hại cho công dân của quốc gia thực hiện bảo hộ. Tính bất hợp pháp của hành vi gây thiệt hại sẽ được xác minh trên cơ sở các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương được ký kết giữa các bên hoặc tập quán quốc tế, chủ yếu là các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế trong lĩnh vực quyền con người.
3.2. Cơ sở của bảo hộ công dân theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của nhà nước được quy định trong các văn bản pháp luật của Việt Nam từ ngày lập nước đến nay và hoàn toàn phù hợp với pháp luật cũng như tập quán quốc tế. Pháp luật Việt Nam quy định khá nhiều điều khoản về bảo hộ công dân Việt Nam. Như trong điều 75 Hiến pháp 1992 quy định: “nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nhà nước tạo điều kiện để người dân Việt Nam định cư ở nước ngoài giữa quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương góp phần xây dựng quê hương đất nước”. Quy định này tiếp tục được cụ thể hóa tại điều 6 Luật quốc tịch năm 2008.
Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam ở khắp các châu lục trên thế giới. Với số lượng người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài mỗi năm một tăng với nhiều mục đích khác nhau đặt ra yêu cầu về sự chặt chẽ và đồng bộ trong các văn bản pháp lý về công tác bảo hộ người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Theo các tiêu chí phân loại của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO), người Việt Nam di cư ra nước ngoài về cơ bản cũng bao gồm: di cư lao động quốc tế theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài; di cư học tập; di cư do kết hôn với người nước ngoài hoặc có quốc tịch nước ngoài; di cư vì được nhận làm con nuôi; di cư thông qua tệ nạn buôn bán người (bất hợp pháp). Nhà nước Việt Nam có chính sách nhất quán là thúc đẩy di cư hợp pháp, chống di cư trái phép, tạo điều kiện thuận lợi cho di cư trong nước và di cư quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước có người Việt Nam nhập cư. Điều 17 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ”.
Bên cạnh đó, Nhà nước ta đã ban hành một hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài. Theo số liệu của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tính vào thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 53 văn bản luật và dưới luật liên quan đến di cư. Pháp luật hiện hành về cơ bản đã có những quy định tương đối cụ thể nhằm bảo hộ các quyền về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và các quyền lợi ích chính đáng khác của công dân khi sinh sống, lao động, học tập, kết hôn… ở nước ngoài.
Nhìn từ góc độ pháp luật, việc bảo hộ công dân được đặt ra khi các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài bị xâm phạm. Trách nhiệm bảo vệ công dân còn bao gồm các hoạt động giúp đỡ về mọi mặt mà Nhà nước dành cho công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, bao gồm những hoạt động mang tính công vụ như cấp phát hộ chiếu, giấy tờ hành chính cho công dân; các hoạt động có tính chất trợ giúp như giúp đỡ về tài chính cho công dân khi họ gặp khó khăn, giúp đỡ công dân trong việc chuyển thông tin, bảo quản giấy tờ, tài sản…; thăm hỏi lãnh sự khi công dân bị bắt, bị giam, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân nước mình trên cơ sở phù hợp quy định pháp luật quốc gia sở tại hoặc luật pháp quốc tế. Việc bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài là hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước Việt Nam đối với thế giới cũng như trong con mắt người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khuyến khích, động viên ngày càng nhiều hơn sự đóng góp của bà con Việt kiều vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc bảo hộ quyền và lợi ích của pháp nhân và công dân Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại hầu hết các văn bản pháp luật quan trọng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như: Hiến pháp năm 2013 (điều 17 khoản 3), Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (Điều 5); Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài số 33/2009/QH12 ngày 18/06/2009 (Điều 8 và Điều 9)… Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 25/07/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài với 20 tỷ đồng chi cho các hoạt động ban đầu của công tác này. Tiếp đó, ngày 20/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-TTg về tăng cường công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ra nước ngoài trong tình hình hiện nay. Chỉ thị đã quy định nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành hữu quan và Ủy ban nhân dân các địa phương trong công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam trong suốt quá trình di cư ra nước ngoài.
4. Thẩm quyền bảo hộ công dân.
Thẩm quyền bảo hộ công dân: Dựa trên cơ sở cơ cấu tổ chức và phạm vi hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo hộ công dân, có thể chia các cơ quan này ra làm 2 loại: cơ quan có thẩm quyền trong nước và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
4.1. Hoạt động bảo hộ công dân của các cơ quan có thẩm quyền trong nước.
Việc quy định cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền bảo hộ công dân là hoàn toàn do luật quốc gia của nước hữu quan quy định. Hầu hết các quốc gia đều giao nhiêm vụ theo dõi, thực hiện bảo hộ công dân cho bộ ngoại giao. Bộ ngoại giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các hoạt động bảo hộ công dân ở trong nước cũng như ngoài nước. Trong trường hợp vấn đề bảo hộ công dân cần giải quyết có liên quan tới các bộ, các ngành khác trong Chính phủ thì Bộ ngoại giao có trách nhiệm phối hợp hoạt động với các bộ, ngành có liên quan để giải quyết và báo cáo lại với Quốc hội.
4.2. Cơ quan có thẩm quyền bảo hộ công dân ở nước ngoài.
Thẩm quyền bảo hộ công dân nước mình ở nước ngoài thuộc về cơ quan đại diện ngoại giao – lãnh sự của nước cử đại diện tại nước nhận đại diện. Thẩm quyền của cơ quan đại diện ngoại giao lãnh sự của nước cử đại diện tại nước nhận đại diện được quy định trong Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao và Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự. Như điểm b Điều 3 Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao quy định:
“1. Những chức năng chính của một cơ quan đại diện ngoại giao là:
b) Bảo vệ quyền lợi của nước cử đại diện và của những người thuộc quốc tịch của nước đó tại nước nhận đại diện, trong phạm vi được luật pháp quốc tế thừa nhận” [2]
Do đó việc bảo vệ quyền lợi của nước cử đại diện và của những người cùng quốc tịch nước đó tại nước nhận đại diện thuộc chức năng chính của cơ quan đại diện ngoại giao. Bên cạnh đó, việc bảo hộ ngoại giao không chỉ thuộc thẩm quyền của cơ quan ngoại giao mà còn là của cơ quan lãnh sự của nước cử đại diện tại nước nhận đại diện. Ngoài ra, khi tiến hành các hoạt động bảo hộ công dân, các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải dựa trên cơ sở pháp lý là các văn bản pháp luật quốc gia về bảo hộ công dân và các điều ước quốc tế hữu quan về bảo hộ công dân.
Thực tế thời gian qua cho thấy Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, đặc biệt là giúp đỡ khẩn cấp khi cần thiết. Năm 2011, Việt Nam đã tổ chức chiến dịch giải cứu 10.400 lao động Việt Nam tại Lybia sau khi tại nước này xảy ra sự biến động lớn về chính trị – xã hội. Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi với nhiệm vụ sơ tán người lao động Việt Nam tại Libya và đưa về nước[3]. Đại sứ Việt Nam tại Libya đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước cùng đại diện của Tổ chức di dân quốc tế (IOM) và đề nghị IOM hỗ trợ, giúp đỡ cho lao động Việt Nam. Hàng nghìn lao động Việt Nam được về nước an toàn bằng đường bộ, đường hàng không và đường thủy. Trong vụ 10 thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu đánh cá Đài Loan (Trung Quốc) bị cảnh sát Nam Phi bắt và xét xử ở Cape Town ngày 05/5/2009, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã đưa ra những phương án bảo hộ phù hợp, hiệu quả nhất. Kết quả, 10 thuyền viên này đã được đưa về nước an toàn vào ngày 22/6/2009.
5. Các biện pháp bảo hộ công dân.
Trong quá trình thực hiện bảo hộ công dân, các nước có thể thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ đa dạng khác nhau. Việc bảo hộ ngoại giao được tiến hành ở mức độ nào và áp dụng các biện pháp bảo hộ gì phụ thuộc vào nhiểu yếu tố như quyền lợi nào bị vi phạm, mức độ vỉ phạm, thái độ của nước sở tại, khả năng ảnh hưởng tới quan hê quốc tế, bối cảnh quốc tế… Và biện pháp ngoại giao thường được coi là biện pháp đầu tiên để thực hiện bảo hộ công dân. Cơ sở pháp lý cùa biện pháp này là nguyên tắc giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế. Biện pháp ngoại giao được thực hiện để bảo hộ công dân có thể thông qua trung gian hoà giải, thương lượng hoặc đàm phán trực tiếp.
Như trong vụ 39 người Việt thiệt mạng trên xe container tại Anh. Tối 7/11/2019, Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin, trong lời chia buồn gửi tới gia đình 39 người Việt thiệt mạng trên xe container ở Anh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng: “Chính phủ Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành vi mua bán người, đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp và kêu gọi các quốc gia trong khu vực và thế giới tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, kiên quyết phòng, chống tận gốc loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này, không để tái diễn, sớm hoàn tất điều tra, truy tố, xét xử để nghiêm trị những kẻ phạm tội”. Trước đó, ngày 5/11, trong phiên họp của Chính phủ, đề cập vụ việc xảy ra tại hạt Essex (phía Đông Bắc London) Thủ tướng khẳng định: Chúng ta cố gắng làm hết sức mình trong công tác bảo hộ công dân! Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan cần phối hợp chặt chẽ để xử lý vụ việc, trước hết là động viên thân nhân của các nạn nhân, hỗ trợ tối đa trong khả năng của mình. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ðoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng dẫn đầu, đã sang Anh từ ngày 3/11 để phối hợp với các cơ quan liên quan của Anh đẩy nhanh tiến trình xác minh nhân thân. Ở trong nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đã tích cực phối hợp Ủy ban nhân dân các địa phương liên quan trong quá trình xác minh nhân thân, tổng hợp nguyện vọng của 39 gia đình có thân nhân thiệt mạng tại Anh, hướng dẫn gia đình các nạn nhân thực hiện quy định của pháp luật Anh để làm thủ tục nhận thi thể hoặc tro cốt người bị nạn. Từ khi xảy ra vụ việc, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và địa phương của Việt Nam cũng như phía Anh để hỗ trợ các gia đình nạn nhân trong việc giải quyết hậu sự, trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với luật pháp quốc tế, các quy định pháp luật và tập quán của hai nước. Sáng 30/11/2019, theo TTXVN, thi thể và tro cốt 23 nạn nhân còn lại trong vụ việc 39 nạn nhân thiệt mạng tại hạt Essex, Đông Bắc London, Anh đã được đưa về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội. Như vậy, trong các ngày 27 và 30/11/2019, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương của Việt Nam và Anh hoàn tất việc đưa thi thể và tro cốt 39 nạn nhân về nước, bàn giao cho gia đình.[4] Như vậy, Việt Nam đã sử dụng biện pháp ngoại giao để bảo hộ tốt nhất cho công dân nước mình và là trách nhiệm pháp định của Nhà nước.
Bên cạnh biện pháp ngoại giao, các quốc gia còn sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc trừng phạt về ngoại giao đối với nước vi phạm như thực hiện chiến dịch bao vây, cán vân, rút cơ quan đại diện ngoại giao và toàn bộ cán bộ của cơ quan về nước hoặc có thể đưa ra toà án quốc tế yêu cầu giải quyết. Mặc dù các biện pháp bảo hộ rất đa dạng và phong phú nhưng phạm vi các biện pháp bảo hộ được sử dụng vẫn phải chịu sự điếu chỉnh và giới hạn của luật quốc tế. Mặt khác, thực tiễn bảo hộ ngoại giao cũng cần phải chú ý tới mục đích thực sự của hoạt động này và không thể dùng bảo hộ công dân là nguyên cớ phục vụ cho ý đồ và mục đích chính trị của quốc gia bảo hộ, làm ảnh hưởng tới quan hệ của các bên liên quan vấ hình ảnh của quốc gia trên chính trường quốc tế.
6. Thực tiễn về bảo hộ công dân của Việt Nam.
6.1. Một số ví dụ thực tiễn về bảo hộ công dân của Việt nam
Trong những năm qua, người Việt Nam ra nước ngoài không ngừng gia tăng về số lượng và đa dạng về thành phần đã đặt ra những vấn đề khó khăn, thách thức cho công tác bảo hộ công dân. Theo thống kê của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), số công dân được bảo hộ tăng dần qua từng năm. Theo đó, năm 2017 có 8.024 người; năm 2018 có trên 10.000 người; năm 2019 có 13.643 công dân và năm 2020 là 21.384 công dân. Số lượng các cuộc gọi của công dân Việt Nam cần tư vấn về các vấn đề liên quan đến bảo hộ công dân ở nước ngoài thông qua tổng đài điện thoại về bảo hộ công dân đã tăng gấp 10 lần so với thời điểm bắt đầu hoạt động từ năm 2016. Số lượng công dân được bảo hộ tăng đi kèm với tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Nhiều vụ việc chưa từng có tiền lệ như tàu biển của Việt Nam bị cướp biển tấn công và thuyền viên bị giữ làm con tin; việc bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương bị bắt và bị xét xử tại Malaysia; đoàn du khách Việt Nam thăm Ai Cập bị đánh bom; vụ việc 39 người thiệt mạng trên một xe tải tại Đông Bắc London (Anh)…
Nhắc đến vụ việc của Đoàn Thị Hương sinh ngày 31/5/1988, trú quán tại thôn 3, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Hương bị coi là 1 trong 2 nữ nghi phạm trong vụ ám sát Kim jong nam tại Malaysia ngày 13 tháng 2 năm 2017. Ngày 15 tháng 2, Đoàn Thị Hương bị bắt giữ tại sân bay Kuala Lumpur do bị nhận dạng dựa trên camera an ninh của sân bay trùng với một trong hai người phụ nữ đã tiếp cận ông Kim. Theo luật cô bị giữ 7 ngày để điều tra. Cô khai là không biết tên của nạn nhân, và cô tưởng đây là một trò đùa trên truyền hình. Sau khi hành động, cô không thấy những người bạn của mình và đã lên taxi rời khỏi sân bay. Ngày 1 tháng 3, lúc 10h15 sáng (giờ Malaysia) tại phiên tòa luận tội, Tòa kết luận Đoàn Thị Hương đã phạm tội giết người và theo điều 302 bộ luật hình sự của Malaysia, tội này phải chịu án tử hình. Đoàn Thị Hương trả lời rõ ràng: “Tôi vô tội.” Sau khi phiên tòa công bố cáo trạng kết thúc, Tòa công bố sẽ đưa vụ án ra xét xử vào ngày 13 tháng 4: “Chúng tôi cần thêm thời gian để thu thập tất cả các tài liệu cần thiết.” Ngày 13 tháng 4, tại Tòa án Tối cao Sepang, Selangor, các công tố cho biết họ chưa có đủ tài liệu cần thiết và sẽ xử tiếp vào ngày 30 tháng 5. Ngày 29 tháng 9 năm 2017, luật sư của Đoàn Thị Hương, ông Hisyam Teh thông báo Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah sẽ không nhận tội trước phiên tòa xét xử sẽ diễn ra vào ngày 2 tháng 10 và dự kiến kết thúc vào ngày 30 tháng 10. Ngày 14 tháng 3 năm 2019, Tòa án Malaysia bác yêu cầu rút lại cáo trạng và trả tự do cho Đoàn Thị Hương. Đoàn Thị Hương là nghi phạm duy nhất còn phải ngồi tù, và sẽ tiếp tục ra tòa vào ngày 1 tháng 4 năm 2019. Ngay từ khi xảy ra vụ việc, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan và Liên đoàn Luật sư của Việt Nam đã thực hiện mọi biện pháp bảo hộ công dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương, để bảo đảm công dân Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và sớm được trả tự do. Để đạt được kết quả trên, ngay từ khi xảy ra vụ việc, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và các cơ quan hữu quan đã thực hiện mọi biện pháp để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương, đảm bảo việc xét xử công bằng, khách quan và Đoàn Thị Hương sớm được thả tự do. Kết thúc phiên tòa, Đoàn Thị Hương và bố đẻ là ông Đoàn Văn Thạnh đã có trao đổi nhanh với báo chí và cho biết rất cảm ơn Chính phủ Việt Nam, các cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng như các luật sư đã nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho Đoàn Thị Hương.[5]
Bên cạnh đó, việc bảo hộ công dân của Việt Nam còn được minh chứng qua vụ việc đoàn du khách Việt Nam thăm Ai Cập bị đánh bom. Tại Cairo, ngày 28/12/2018, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập xác nhận vào lúc 18 giờ 15 phút cùng ngày (23 giờ 15 phút giờ Việt Nam) đã xảy ra một vụ đánh bom xe gần khu vực Kim tự tháp Giza của Ai Cập. Theo thông tin của Đại sứ quán sau khi làm việc với nhà chức trách Ai Cập, khi xảy ra vụ nổ bom, trên chiếc xe trên có 18 người, trong đó có 15 người Việt Nam và 3 người Ai Cập. Về phía người Việt Nam, vụ việc đã làm ba người tử vong, ba người bị thương nặng đã được các bác sĩ phẫu thuật và điều trị tích cực, chín người bị thương khác cũng đang được điều trị, phục hồi tốt. Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công cùng các cán bộ của Đại sứ quán đã tới bệnh viện trên thăm hỏi các nạn nhân và làm việc với các quan chức nước sở tại, trong đó có Bộ trưởng Du lịch Ai Cập Rania Al-Mashat và Bộ trưởng Y tế Hala Zayed, để phối hợp tìm biện pháp giải quyết. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, được tin về vụ đánh bom nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình các nạn nhân. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao triển khai ngay các biện pháp cần thiết để bảo hộ công dân Việt Nam tại Ai Cập, hỗ trợ chăm sóc các nạn nhân, đề nghị các cơ quan chức năng của Ai Cập tạo điều kiện thuận lợi nhất để các gia đình nạn nhân sang Ai Cập làm các thủ tục liên quan. Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam vô cùng phẫn nộ và cực lực lên án hành động khủng bố làm chết và bị thương nhiều người Việt Nam vô tội và yêu cầu phía Ai Cập sớm mở cuộc điều tra, truy tìm và trừng trị thích đáng những kẻ gây ra vụ tấn công khủng bố này. Việt Nam kêu gọi chính phủ cùng nhân dân các nước đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố một cách không khoan nhượng để xây dựng cuộc sống hòa bình và đi lại an toàn tự do cho người dân lương thiện trên toàn thế giới. Việt Nam đánh giá cao nỗ lực hợp tác của Chính phủ và nhân dân Ai Cập trong việc hỗ trợ điều trị và bảo hộ các công dân Việt Nam bị tấn công trong vụ việc này.[6]
Hay như trong vụ việc, hai thuyền viên Việt Nam trêu tàu trở dầu Hankuk Chemi của Hàn Quốc bị phía IRAN bắt giữ. Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran bắt giữ tàu dầu treo cờ Hàn Quốc MT Hankuk Chemi vào ngày 4/1/2021, cáo buộc tàu “vi phạm luật môi trường biển”. Khi đó, MT Hankuk Chemi, di chuyển từ Ả Rập Xê Út đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Trên tàu có tổng cộng 20 thuyền viên, bao gồm 5 người Hàn Quốc, 11 người Myanmar, 2 người Indonesia và 2 người Việt Nam. Ngày 5/1/2021, trả lời câu hỏi của phóng viên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết ngay sau khi nhận được thông tin tàu Hankuk Chemi của Hàn Quốc cùng 20 thuyền viên, trong đó có 2 thuyền viên Việt Nam bị phía Iran bắt giữ, Bộ Ngoại giao đã liên hệ với Đại sứ quán Hàn Quốc và Đại sứ quán Iran tại Hà Nội. Đồng thời, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hàn Quốc và Iran đã chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại, công ty chủ tàu Hankuk Chemi để xác minh thông tin, yêu cầu đảm bảo an toàn cho các thuyền viên Việt Nam và đề nghị nhanh chóng giải quyết vụ việc. Bộ Ngoại giao cũng liên hệ với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông Vận tải để xác minh nhân thân các thuyền viên, yêu cầu các công ty phái cử đảm bảo quyền lợi cho người lao động Việt Nam ở nước ngoà. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Iran và Hàn Quốc sẽ tiếp tục theo dõi sát vụ việc và sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, bảo vệ quyền và lợi ích của các thuyền viên Việt Nam. Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 14/1/2021,”Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã gặp trao đổi trực tiếp với Đại sứ quán Iran tại Hà Nội về vấn đề này”, bà Lê Thị Thu Hằng thông tin thêm: “Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được từ Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, Đại sứ quán đã liên hệ được với 2 thuyền viên Việt Nam. Đến nay, 2 thuyền viên đều có tình trạng sức khỏe tốt, tinh thần ổn định”. Đại sứ quán Việt Nam tại Iran cho biết, ngày 18/1/2021, Đại sứ quán đã thăm lãnh sự 2 công dân nói trên. Hiện 2 công dân Việt Nam ở trên tàu Hankuk Chemi, trong tình trạng sức khỏe ổn định và đã được liên hệ với gia đình ở Việt Nam[7]. Đại sứ quán cũng đã làm việc với các cơ quan chức năng Iran đề nghị sớm cho phép các thuyền viên rời tàu lên bờ, được thường xuyên liên lạc với gia đình và đảm bảo sức khỏe, an toàn cho các thuyền viên.
6.2. Thực tiễn bảo hộ công dân trong đại dịch COVID-19.
Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 chưa có tiền lệ bùng phát trên toàn cầu, yêu cầu về công tác bảo hộ công dân đã được nâng lên một mức cao mới khi chúng ta triển khai giúp đỡ hàng nghìn công dân Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, bảo hộ tính mạng, tài sản, các quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói “không để ai bị bỏ lại phía sau”, và tinh thần “bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, các cơ quan chức năng Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong và ngoài nước để tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước một cách an toàn, phù hợp với năng lực cách ly trong nước. Thứ trưởng Tô Anh Dũng nhấn mạnh trong thời gian tới, công tác đưa công dân bị “kẹt” ở nước ngoài sẽ tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh, cố gắng đáp ứng tối đa nguyện vọng về nước chính đáng của công dân, trên cơ sở phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trong và ngoài nước cũng như đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh và năng lực cách ly tại các địa phương.
Trên cơ sở nguyện vọng của công dân Việt Nam và điều kiện cách ly tập trung của các địa phương trong nước, nhận được sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các bộ, ban, ngành, địa phương, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải và các địa phương đã tổ chức nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước, trong đó nổi bật, đáng kể nhất là chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán trở về ngày 10/02/2020. Đặc biệt là câu chuyện về chuyến trở về quê hương đầy bất ngờ và cảm động của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh và anh Nguyễn Văn Phi từ Vũ Hán sau những ngày căng thẳng đối mặt với dịch bệnh. Kể lại hành trình trở về Việt Nam, vợ chồng anh chia sẻ, vào 2h chiều ngày 9/2, họ nhận tin chính phủ Việt Nam đã bố trí một chuyến bay từ Nội Bài sang Vũ Hán đón 30 lưu học sinh và công dân đang mắc kẹt tại đây về nước, dù trước đó tất cả các chuyến bay thương mại đã bị ngừng. Thời điểm đó Trung Quốc đã có hơn 37.000 ca nhiễm và hơn 800 ca tử vong do COVID-19. Sau vài phút nụ cười xen lẫn nước mắt, cặp vợ chồng lao vào thu dọn đồ đạc để chuẩn bị trở về Việt Nam. Vì Thanh đang mang bầu những tháng cuối, nên trên chuyến bay có một bác sĩ sản khoa chăm sóc riêng. Về đến sân bay Vân Đồn, cô cũng được di chuyển bằng xe cứu thương thay vì đi xe với đông người phòng trường hợp sinh giữa đường. Tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương ở Đông Anh, đôi vợ chồng được ở một căn phòng cách ly riêng, có cả bàn đẻ, lồng ấp và đầy đủ các trang thiết bị khác sẵn sàng cho trường hợp chuyển dạ. Sau khi trải qua 21 ngày cách ly yên bình, chiều 2/3, cặp vợ chồng bắt luôn chuyến xe khách về quê Nghệ An và đến thẳng bệnh viên đăng ký sinh. Hai ngày sau, sự ra đời của bé trai nặng 2,7 kg, được đặt tên là Anh Vũ là “trái ngọt” anh chị nhận được sau nhiều ngày phải sống chung với lo âu, căng thẳng tại Vũ Hán.[8]
“Chúng tôi cảm thấy mình may mắn và tự hào khi được Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để được trở về nhà.” Đây là lời chia sẻ của anh Vi Đ. Minh (Hà Tĩnh) khi anh cùng với 218 người khác là những lao động xa xứ, được Chính phủ tổ chức chuyến bay giải cứu từ Guinea Xích đạo trở về cuối tháng 7/2020. Chuyến bay giải cứu khi đó xác định có tới 50% ca dương tính với SARS-CoV-2 (129 người).
Để thực hiện thành công những chuyến bay giải cứu trên, có sự đóng góp thầm lặng nhưng rất quan trọng của các cán bộ ngoại giao làm công tác bảo hộ công dân. “Thời điểm đó, tất cả các đơn vị trong Cục Lãnh sự đều được đặt ở chế độ “trực chiến,” các phòng làm việc luôn có cán bộ túc trực gần như 24/24 giờ, ban ngày theo dõi thông tin trong nước và các nước trong khu vực, tham gia Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 ở các cấp, đến đêm kết nối, trao đổi với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở châu Âu, châu Mỹ để nắm tình hình, các chính sách của sở tại, cập nhật số lượng công dân Việt Nam ở nước ngoài cần trợ giúp, bị mắc kẹt ở các sân bay” – Đại sứ Vũ Việt Anh, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao chia sẻ những kỷ niệm cùng các cán bộ của Cục Lãnh sự thực hiện hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. Những nhà ngoại giao làm việc âm thầm, miệt mài để thu xếp cho các chuyến bay đưa đồng bào hồi hương an toàn. Với những chính sách và hành động thiết thực, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đã làm những người con xa xứ thêm “ấm lòng”, thêm yêu mến quê hương đất nước.
Do đại dịch COVID-19, nhu cầu bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài lớn chưa từng có, với số cuộc gọi đến tổng đài bảo hộ công dân tăng gần 200%. Công tác thông tin, tuyên truyền cũng được Bộ Ngoại giao đặc biệt chú trọng. Tính từ ngày 24/1/2020, Bộ đã phát đi hơn 50 bản tin bảo hộ công dân; hơn 10 tin phát đối nội đối ngoại; gần 110 câu trả lời của Người Phát ngôn tại Họp báo Thường kỳ cũng như trả lời riêng có liên quan đến đại dịch Covid-19 và công tác bảo hộ công dân. Bộ đã chủ động cung cấp thông tin cho một số hãng thông tấn báo chí lớn trên thế giới, đưa tin tích cực về công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Nhờ đó đã tạo được sự cộng hưởng trên báo chí trong và ngoài nước để đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trong dư luận quốc tế. Bộ Ngoại giao đã thường xuyên trao đổi với Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng các cơ quan báo chí trong nước đưa tin phù hợp với chủ trương, tránh những thông tin chưa được kiểm chứng, không gây hoang mang cho nhân dân. Những chuyên mục do Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… xây dựng đã phản ánh đa dạng, đầy đủ các chính sách và khuyến cáo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với công dân Việt Nam, nêu bật các nỗ lực bảo hộ công dân của các cơ quan chức năng tạo được sự đồng thuận, đánh giá cao của dư luận trong nước.
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Mỹ, ngày 10/4/2020, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ: Hà Kim Ngọc đã tham gia chương trình Trao đổi trực tuyến giữa các Cơ quan đại diện Việt Nam, Hội Thanh niên sinh viên (TNSV) Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp hỗ trợ công dân và du học sinh Viêt Nam. Trong cuộc trao đổi, các đại biểu tham dự đều chia sẻ về diễn biến lan rộng và phức tạp của dịch COVID-19, tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống, và du học sinh là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất, để từ đó tìm giải pháp khắc phục. Cho tới nay, Đại sứ quán và các Cơ quan đại diện tại Mỹ đã nhận được gần 1.000 đơn đăng ký nhu cầu về nước và đã chuyển các cơ quan trong nước xem xét, xử lý.
Đại sứ Việt Nam tại Đức: Nguyễn Minh Vũ cho biết, Đại sứ quán thường xuyên cập nhật thông tin về các quy định, khuyến cáo của Chính phủ Đức và Việt Nam, đặc biệt là các quy định về xuất nhập cảnh trên website của Đại sứ quán và qua tổng đài lãnh sự, bảo hộ công dân, kịp thời giải đáp các thắc mắc của bà con. Đại sứ quán tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đến làm thủ tục lãnh sự tại Đại sứ quán, cũng như qua đường bưu điện; hạn chế việc bà con phải chờ đợi, tập trung đông người ở khu vực tiếp khách của Đại sứ quán.
Hay theo tin tức của Tổng lãnh sự quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vancouver – Canada, đã cho thấy nước ta rất quan tâm và nhắc nhở công dân Việt Nam ở nước ngoài: “Do tình hình dịch bệnh COVID-19 chuyển biến ngày càng nghiêm trọng, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Vancouver, Canada trân trọng đề nghị các công dân Việt Nam tại Canada hạn chế tối đa các giao tiếp, di chuyển khỏi chỗ ở trừ phi có lý do thiết yếu; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu và chỉ dẫn phòng chống dịch bệnh của Chính quyền Canada, và tỉnh bang nơi sinh sống.” [9]
Ngày 25/3/2020, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội người Việt Nam tại CH Séc, đại diện lãnh đạo các hội đoàn tại vùng Plơ-den-xki và thành phố Plơ-den đã trao số tiền gần 12.000 USD và 1.700 chiếc khẩu trang tặng đại diện chính quyền thành phố, để hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch Covid-19. Ðây là hoạt động nằm trong phong trào của cộng đồng người Việt Nam quyên góp tiền, hiện vật, khẩu trang…, đã lan tỏa khắp các tỉnh, thành phố ở Séc. Người Việt Nam ở Plơ-den cũng cung cấp đồ ăn nhẹ và đồ uống miễn phí cho các nhân viên của hệ thống cơ quan, lực lượng cứu hộ tại 28 cơ sở kinh doanh của người Việt Nam trên toàn vùng. Bên cạnh đó, ngày 26-3, Ðại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại châu Âu, thông qua Ðại sứ quán, Hội người Việt Nam tại Ba Lan và Hội Hữu nghị Việt Nam-Ba Lan đã trao một số vật dụng y tế tặng các cơ quan y tế và xã hội Ba Lan. Số vật dụng này gồm 4.000 bộ xét nghiệm Covid-19; 1.500 găng tay y tế và 500 bộ quần áo bảo hộ y tế. Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan cũng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người dân sở tại, như phát miễn phí khẩu trang, thành lập đường dây nóng chia sẻ thông tin về Covid-19 ở Ba Lan.[10]
Như trong Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa tin trong bài “Bài 2: Những chuyển bay đặc biệt” có viết rằng: “Khi liên hệ với những công dân Việt Nam tại các khu cách ly sau khi trở về nước, điều mà chúng tôi nhận thấy rõ nhất là sự cảm phục, lòng yêu mến của họ đối với các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Họ cảm nhận và chia sẻ với những vất vả, hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an, tình nguyên viên,… Bởi đó là những lực lượng góp phần không nhỏ vào thành công ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay.” Sau mỗi ngày lại có những chuyến bay đặc biệt mang đậm ý nghĩa nhân văn trong mỗi hành trình bay. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, những hành động đó thật ấm lòng người dân trong nước và đặc biệt là công dân nước ngoài. Khiến mỗi người trong chúng ta càng thêm yêu và tự hào về Việt Nam.
Có lẽ rằng chưa bao giờ đất nước Việt Nam được truyền thông và bạn bè quốc tế nhắc tới nhiều như thế sau sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Hà Nội vào tháng 2/2019. Trong những ngày qua, các hãng truyền thông lớn trên thế giới như Reuters, CNN, Sputnik…liên tiếp có những bài viết ca ngợi những nỗ lực, sáng kiến và giải mã thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19. Truyền thông quốc tế coi Việt Nam là hình mẫu trong việc phòng chống dịch, trong đó sự minh bạch thông tin được đánh giá là một yếu tố quan trọng, giúp Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của đông đảo quần chúng nhân dân.
Trên đây là bài viết của em với đề tài:“Lựa chọn phân tích làm rõ một hoặc một số vấn đề pháp lý và thực tiễn bảo hộ công dân của Việt Nam, có ví dụ thực tiễn”. Từ đó, cho thấy bảo hộ công dân là một vấn đề rất quan trọng được Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và quan tâm, nhất là công dân Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Từ những ví dụ thực tiễn trên, có thể phần nào thấy rõ các nỗ lực, quyết tâm và kết quả của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành hữu quan trong việc đưa về nước an toàn nhiều công dân Việt nam khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cùng với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, Việt Nam còn tích cực, chủ động đàm phám, ký kết nhiều Điều ước Quốc tế song phương và đa phương liên quan đến đưa người lao động làm việc ở nước ngoài cũng như bảo hộ công dân sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Qua đó, đã thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần khuyến khích, tạo sự yên tâm, an toàn cho những công dân Việt Nam đang ở nước ngoài.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1945;
- Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao năm 1961;
- Công ước Viên về Quan hệ lãnh sự năm 1963;
- Hiến pháp Việt Nam 2013;
- Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008;
- Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 sửa đổi 2014;
- Thông tư 92/2013/TT-BTC;
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Quốc tế, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2019;
- Tin tức của Tổng lãnh sự quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vancouver – Canada;
- Tin tổng hợp tích cực trong công tác bảo hộ công dân – Sở xây dựng tỉnh Hà Giang;
- Số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài;
- Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bài 2: Những chuyến bay đặc biệt;
- Đại đoàn kết, Bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương như thế nào?;
- Lao động, Thông tin mới nhất về 2 thuyển viên Việt trên tàu Hàn Quốc bị Iran bắt giữ;
- Tuổi trẻ Online, 39 người chết trong container tại Anh;
- Tuổi trẻ Online, Đoàn khách Việt bị đánh bom ở Ai Cập;
[1] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Quốc tế, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2019, tr.129.
[2] Công ước Viên 1961.
[4] Tuổi trẻ Online
[8] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
[9] Tin tức của Tổng lãnh sự quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vancouver – Canada
[10] Tin tổng hợp tích cực trong công tác bảo hộ công dân – Sở xây dựng tỉnh Hà Giang
Các bài luận liên quan:
- Phân tích hậu quả pháp lí của giao dịch dân sự vô hiệu
- Trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng theo Luật bảo vệ quyền lợi NTD (2010)
- Hợp đồng cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh
- Phân tích, đánh giá các quy định về căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp và nêu ví dụ minh hoạ
- Ký Hợp đồng thử việc thì nếu gây thiệt hại có phải bồi thường không
- Bình luận điểm mới của Bộ luật lao động năm 2019 về kỷ luật lao động
- Quy luật giá trị – lý luận và thực tiễn ở Việt Nam
- Đặc điểm các thuộc tính nhân cách của bản thân và nêu phương hướng rèn luyện
- Phân tích các kỹ năng mà luật sư cần sử dụng trong tranh tụng phiên tòa
- Bình luận các quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp và thực tiễn