Thực trạng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam trong giai đoạn 2010-2018.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam Giai đoạn 2010 – 2015
– Năm 2010, 2011, trước hai thách thức lớn của nền kinh tế là lạm phát cao và khu vực sản xuất gặp nhiều khó khăn, Ngân hàng Trung ương đã mạnh dạn áp dụng cơ chế điều hành mới là xây dựng và công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm thay cho việc các tổ chức tín dụng sẽ tự quyết trong giai đoạn trước. Trong 6 tháng đầu năm 2011, lạm phát tăng 13,29% so với đầu năm và tăng 20% so cùng kỳ năm trước, gây khó khăn cho nỗ lực kiềm chế lạm phát dưới 15% theo mục tiêu đề ra, thị trường bất động sản và chứng khoán sụt giảm mạnh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống, thực hiện mạnh mẽ các biện pháp điều hành nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20% và điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất, giảm tỉ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất. Việc tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trần lãi suất huy động đã tạo điều kiện cho việc giảm dần mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong những tháng cuối năm.
– Đầu năm 2012, NHNN đã đưa ra mục tiêu giảm lãi suất huy động xuống còn 9-10%/năm vào cuối năm 2012, đồng thời đưa ra lộ trình giảm trung bình mỗi quí 1%/năm. Đến cuối năm 2012, lãi suất huy động VND giảm mạnh từ 3-6%/năm, lãi suất cho vay giảm từ 5-9%/năm so với cuối năm 2011 và trở về mức lãi suất của năm 2007. Lãi suất cho vay ưu tiên giảm về mức 12%/năm, cho vay sản xuất kinh doanh khác và cho vay tiêu dùng ở mức 12-15%/năm, riêng lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt chỉ còn 9-11%/năm. Tổng phương tiện thanh toán và tín dụng tăng lần lượt khoảng 20% và 9%, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức thấp (6,8%), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
– Năm 2013, Quốc hội và Chính phủ đề ra trong về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chủ động điều chỉnh lượng tiền trong lưu thông nhằm đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kiểm soát tiền tệ. Tính đến cuối tháng 8/2013, tín dụng cho nền kinh tế đã tăng 6,45% so với đầu năm, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013 đang trở thành hiện thực.
– Năm 2014, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/2/2012. Kết quả đạt được là lạm phát giảm so với năm 2013 và là mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (tính theo năm) đã trượt về ngưỡng 2%, tính đến cuối năm 2014 CPI tăng khoảng 1,84%. Tính đến 12/12/2014, tỷ giá VND/USD liên ngân hàng là 21.126 đồng, không thay đổi kể từ ngày 19/6/2014, thấp hơn 0,6% so với trần tỷ giá. Thanh khoản thị trường ngoại hối khá tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân đều được TCTD đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
– Năm 2015, trên cơ sở bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ của ngành ngân Ngân hàng tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 27/01/2015 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ (CSTT) và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2015 và diễn biến kinh tế, tiền tệ, trong năm 2015, NHNN đã triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Tóm lại, Điểm nhấn trong điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn 2010-2015 là việc NHNN đã rất thành công trong kiểm soát lạm phát. Tháng 8/2011 lạm phát ở mức 23%, năm 2012 xuống còn 6,81%, năm 2013 ở mức 6,04%; năm 2014 giảm mạnh xuống 1,84%, và năm 2015 chỉ còn 0,60%. Lạm phát thấp, đồng thời tăng trưởng tín dụng được kiểm soát phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ cho GDP đạt mức tăng trưởng bình quân 5,9% trong giai đoạn 2011-2015. Lãi suất từ mức 20% – 25%/năm, thì nay lãi suất cho vay ngắn hạn còn khoảng 6% – 9%, trung và dài hạn còn 9% – 11%. Bên cạnh những thay đổi tích cực về tín dụng và lãi suất, trong 5 năm qua, chính sách điều hành tỷ giá hợp lý của NHNN cũng đã tạo điều kiện tốt hơn cho DN trong việc chủ động lên kế hoạch sản xuất kinh doanh. Từ chỗ cam kết tỷ giá hàng năm, khi nền kinh tế chịu tác động lớn dần bởi diễn biến tài chính – tiền tệ thế giới, NHNN đã có phản ứng kịp thời.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam Giai đoạn 2016-2018
– Năm 2016, nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa ổn định và nhiều yếu tố khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ và Ngân hàng trung ương. NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ, giải pháp CSTT để điều tiết tiền tệ hợp lý, đảm bảo các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng tăng theo đúng định hướng đề ra. Lạm phát cả năm tăng 4,74%, đạt mục tiêu kiểm soát ở mức dưới 5% của Quốc hội. NHNN đã nỗ lực ổn định lãi suất thị trường, trong bối cảnh lạm phát tăng trở lại, tín dụng tăng ngay từ đầu năm, nhu cầu phát hành TPCP lớn, kỳ hạn dài. NHNN đã chủ động điều tiết tiền tệ, cho phép thanh khoản của hệ thống dư thừa, lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, qua đó tạo điều kiện ổn định lãi suất huy động, giảm sức ép lên lãi suất cho vay nhưng không gây áp lực tăng lạm phát. Nhờ các biện pháp đồng bộ như trên, mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, một số TCTD trên cơ sở cân đối nguồn vốn đã giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh[5].
– Năm 2017, NHNN đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi để TCTD giảm lãi suất cho vay và tăng cường khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% (cao nhất trong 10 năm và cao hơn mục tiêu 6,7%). Đồng thời, NHNN tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp giảm lãi suất cho vay nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện lãi suất chịu áp lực gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2017, NHNN đã nỗ lực điều hành CSTT đảm bảo thanh khoản cho TCTD, duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý, góp phần ổn định và giảm mặt bằng lãi suất thị trường. NHNN đã mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông và tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, tỷ giá và thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, nợ xấu được kiểm soát dưới 3% và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. – Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thắt chặt các chính sách tiền tệ thông qua việc giảm mức độ hoạt động trên thị trường mở, yêu cầu các ngân hàng kiểm soát hoạt động cho vay theo hạn mức tăng trưởng tín dụng và đặt ra mức tăng trưởng tín dụng tối đa cho năm 2018. Đầu tháng 8, ngân hàng nhà nước đã ban hành chỉ thị số 04 để kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Với chính sách tiền tệ thận trọng hơn của ngân hàng nhà nước, có thể khẳng định rằng ngân hàng nhà nước đã nhận thấy cần phải có biện pháp để ngăn chặn rủi ro gia tăng. Nói cách khác, ngân hàng nhà nước đang định hướng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trong tương lai, có thể thực hiện ngay cả khi chưa dùng đến công cụ lãi suất cơ bản. Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng.
Lạm phát ổn định, CPI bình quân 9 tháng tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hàng hóa tăng 15,4%, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8%. Tiêu dùng cuối cùng tăng cao 7,09%, tích lũy tài sản tăng 7,71%. Tính đến ngày 20/9/2018, tăng trưởng tín dụng ở mức 9,52% so với cuối năm 2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,74% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 9,59%); huy động vốn tăng 9,15% (cùng kỳ năm 2017 tăng 10,08%), thanh khoản đồng Việt Nam của toàn hệ thống vẫn tiếp tục được đảm bảo, hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ về cơ bản ổn định và thông suốt.
Kết luận, trong giai đoạn 2010 – 2018, nước ta đã không ngừng đổi mới những chính sách tiền tệ thích ứng với nền kinh tế thế giới, nhằm đạt được những mục tiêu kinh tế vĩ mô. Cụ thể là sự điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hướng điều chỉnh lãi suất chiết khấu, thực hiện hoạt động thị trường mở,… Tuy nhiên, thị trường liên ngân hàng và thị tường tiền tệ cần phải được củng cố và phát triển theo hướng cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, minh bạch hóa các thông tin, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh sôi động để đạt hiệu quả tối đa của chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý về hệ thống ngân hành, tài chính để có cơ chế thực thi chính sách tiền tệ nói chung và công cụ chính sách tiền tệ được ninh bạch và có hiệu quả. Để chính sách tiền tệ thực sự hiệu qủa thì phải đặt nó trong một tổng thể với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa. Cần có sự kết hợp đồng thời cả hai chính sách này với nhau để bổ sung, hỗ trợ cho nhau khắc phục những nhược điểm, hạn chế mà khi thực hiện rời hai chính sách này có thể xảy ra nhằm tăng cường sự phát triển và giữ vững sự ổn định nền kinh tế.
Các bài luận liên quan:
- Nhận diện các rủi ro trong soạn thảo, đàm phán hợp đồng mua bán hàng hóa và cách phòng tránh
- Bình luận quy định pháp luật về chính sách khoan hồng theo Luật Cạnh tranh
- Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong TTDS
- Phân tích các điều kiện để các loại bất động sản được phép đưa vào kinh doanh trong thị trường bất động sản
- Phân tích các nguyên tắc của kinh doanh bất động sản, đánh giá thực tiễn
- Bình luận việc thực hiện chính sách tiền tệ tác động đến tỷ giá hối đoái
- Nguyên lý tác động của chính sách tiền tệ đến tỷ giá hối đoái
- Thực trạng Pháp luật cạnh tranh Việt Nam về kiểm soát việc tập trung kinh tế
- Trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong hoạt động huy động vốn nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền
- Thực trạng tình trạng thu hồi đất còn nhiều khuất tất, ảnh hưởng tới đời sống của người dân