Những khoản nào được trừ vào thu nhập của người phải thi hành án?

Câu hỏi:

Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án

Ngày 04/11/2014, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Mỹ ban hành Quyết định thi hành bản án buộc chị Thúy phải trả tôi số tiền là 186.791.600 đồng. Tuy nhiên, chị không tự nguyện thi hành án trả tôi số tiền trên mặc dù chị Thúy có điều kiện thi hành án (chị Thúy là giáo viên Trường trung học cơ sở). Đến tháng 3/2015, tôi đến Chi cục Thi hành án dân sự để hỏi kết quả thi hành án thì được biết chị Thúy đã thế chấp lương để vay tiền ngân hàng. Chấp hành viên đã làm việc với chị Thúy và chị Thúy hứa mỗi tháng sẽ trả cho tôi 500. 000 đồng nhưng từ đó đến nay chị Thúy mới trả tôi được 500. 000 đồng. Tôi muốn biết Chấp hành viên Chi cục Thi hành án huyện Yên Mỹ đã giải quyết việc thi hành án của tôi đúng quy định của pháp luật chưa? Tôi phải làm gì để sớm đòi được số tiền trên.

 

 

Trả lời có tính chất tham khảo:

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Mỹ ban hành quyết định thi hành bản án buộc chị Thúy phải trả tôi số tiền là 186.791.600 đồng từ ngày 04/11/2014 nên theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì bạn phải tự xác minh điều kiện thi hành án của chị Thúy, trường hợp bạn đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của bạn, Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh điều kiện thi hành án của chị Thúy. Việc xác minh phải được lập thành biên bản, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, ủy ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh.

Hiện nay, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 thì: “1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.

Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.

2. Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

3. Cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện thi hành án.

4. Khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên có trách nhiệm sau đây:

b) Xác minh cụ thể tài sản, thu nhập, các điều kiện khác để thi hành án; đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì còn phải xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó;

c) Trường hợp xác minh bằng văn bản thì văn bản yêu cầu xác minh phải nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác;

đ) Yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh trong trường hợp cần thiết;

e) Lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh.

5. Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.

Trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết hoặc kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thì phải xác minh lại. Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân …”

Trường hợp Chấp hành viên đã xác minh thấy người phải thi hành án chỉ có thu nhập duy nhất là lương thì việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện như sau: Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 78 Luật Thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014). Theo tình tiết mà bạn cung cấp thì chị Thúy đã thế chấp lương để vay tiền ngân hàng nên mức cao nhất Chấp hành viên được trừ vào tiền lương của chị Thúy là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của chị Thúy và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp chị Thúy có thoả thuận khác. Do vậy, bạn cần đối chiếu với quy định trên để biết bạn đã thực hiện hết nghĩa vụ của người được thi hành án về việc cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án, đồng thời biếtChấp hành viên đã thực hiện hết trách nhiệm trong việc thi hành án cho bạn hay chưa.

Để việc thi hành án sớm có kết quả bạn cần kịp thời cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án cho Chấp hành viên, đề nghị Chấp hành viên áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời, cưỡng chế kê biên tài sản nếu người phải thi hành án có dấu hiệu tẩu tán tài sản và thường xuyên liên hệ với Chấp hành viên phụ trách hồ sơ để biết tiến độ thi hành án cho bạn theo quy định của pháp luật.

Các văn bản liên quan:

Luật 64/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự


 

 

 

Wiki Luật kính đáp!

    Câu trả lời trên chỉ mang tính chất tham khảo nằm trong khuôn khổ phạm vi nội dung câu hỏi mà quý khách gửi tới. Đối với trường hợp cụ thể hơn hoặc xuất hiện các tình tiết pháp lý khác thì các văn bản pháp luật điều chỉnh trên đây có thể không được áp dụng hoặc đã hết hiệu lực và được thay thế bằng văn bản khác.

    Để giải quyết nhanh chóng, chính xác những vướng mắc đang mắc phải hay nhu cầu tư vấn hỗ trợ pháp luật, quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi, yêu cầu của quý khách sẽ được chuyển đến các luật sư đầu ngành trong từng lĩnh vực cùng trực tiếp trao đổi và giải đáp.

    Chúng tôi rất mong được phục vụ, hợp tác cùng Quý khách!
Xin gửi đến Quý khách hàng lời chúc Sức khỏe, Hạnh phúc, Thành công và lời chào trân trọng nhất./.

Bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến!

Tham khảo thêm:

1900.0191