Bà tôi đã mất và để lại khối tài sản gồm tiền ngân hàng và nhà đất (đều do bà tôi đứng tên), không để lại di chúc. Tiền gửi ngân hàng gồm 3 tỷ đồng đã bị dì của tôi rút ra ngay trong ngày bà tôi mất (không rõ rút trước hay sau thời điểm bà tôi mất). Nhà đất: đã được bà tôi cho thuê, hiện tại cậu tôi thu tiền thuê mà không chia lại cho các anh em khác. Vậy xin hỏi: Chúng tôi có thể lấy lại phần tiền dì tôi đã rút ở ngân hàng không? Chúng tôi có thể khởi kiện ra tòa để được phân chia không? Xin cám ơn.
Gửi bởi: Nguyễn Thanh Nhã
Trả lời có tính chất tham khảo
Tình huống bạn nêu còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng nên bạn cần xác định rõ quyền, nghĩa vụ của các bên đối với tài sản gồm toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng và nhà đất do bà đứng tên chủ sử dụng/sở hữu.
1. Trường hợp thứ nhất: Bạn tìm hiểu xem trước khi bà bạn mất có làm thủ tục để chuyển quyền sử dụng/sở hữu (tặng cho/chuyển nhượng) toàn bộ tài sản của mình cho dì và cậu bạn hay không. Nếu bà bạn đã làm thủ tục chuyển quyền theo quy định của pháp luật thì dì và cậu bạn có toàn quyền đối với khối tài sản này; tài sản không còn thuộc quyền sở hữu/sử dụng của bà nên không được coi là di sản do bà để lại và đương nhiên không được chia cho những người thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp thứ hai: Bà bạn chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản cho cậu và dì bạn. Có thể trước khi chết, bà bạn đã ủy quyền cho cậu bạn quản lý, sử dụng nhà đất; ủy quyền cho dì bạn rút tiền Ngân hàng… nhưng khi bà bạn chết, hợp đồng ủy quyền đã chấm dứt hiệu lực (theo Điều 589 Bộ luật dân sự). Toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng (cho dù dì bạn đã rút trước hay sau khi bà bạn mất) và nhà đất do bà đứng tên chủ sử dụng/sở hữu được coi là di sản thừa kế do bà bạn để lại và được chia cho những người thừa kế theo pháp luật.
Người thừa kế theo pháp luật được xác định theo Ðiều 676 Bộ luật dân sự:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Đối chiếu với trường hợp của gia đình bạn, người thừa kế được hưởng di sản của bà bạn gồm: mẹ bạn, dì bạn, cậu bạn và những đồng thừa kế khác theo quy định của pháp luật. Nếu dì bạn và cậu bạn giấu giếm di sản do bà bạn để lại, không phối hợp cùng các đồng thừa kế khác phân chia di sản thừa kế do bà bạn để lại thì mẹ bạn và các đồng thừa kế khác có quyền gửi đơn khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu phân chia di sản thừa kế.
Khi khởi kiện, bạn lưu ý:
* Khi khởi kiện, gia đình bạn phải làm đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính theo quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự:
– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
– Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
– Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
– Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
– Tên, địa chỉ của người bị kiện;
– Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.
Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì đơn khởi kiện do người đại diện theo pháp luật của những người này ký tên hoặc điểm chỉ. Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.
Gia đình bạn có thể gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
– Nộp trực tiếp tại Toà án;
– Gửi đến Toà án qua bưu điện.
* Thời hiệu khởi kiện về thừa kế (theo Điều 645 Bộ luật dân sự): Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Do vậy, bạn nên chú ý thời hiệu khởi kiện để tiến hành khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: CTV3