Người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng di sản tại Việt Nam

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng di sản tại Việt Nam

 

 

Tôi là người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật và đã nhập quốc tịch Nhật Bản. Nay mẹ tôi mất đi và để lại cho tôi quyền thừa kế tài sản là một căn nhà có giá trị lớn. Mẹ tôi chỉ có một mình tôi là con và không có bất cứ quan hệ pháp lý nào khác. Vậy tôi có được hưởng quyền thừa kế hay không? Nếu được hưởng tôi có quyền đứng tên bán nhà hay không? Và khi bán được tôi có quyền mang toàn bộ tiền sang Nhật hay không?

 

Gửi bởi: Nguyen Nam

Trả lời có tính chất tham khảo

Bộ luật dân sự đã quy định rõ: Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Khi mẹ bạn mất, di sản là ngôi nhà của mẹ bạn được để lại cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Do trước khi chết, mẹ bạn không lập di chúc để định đoạt tài sản của mình nên di sản được chia cho những người thừa kế theo pháp luật.

Những người thừa kế theo pháp luật được xác định theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự, trong đó những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo quy định nêu trên và theo những thông tin bạn cung cấp, người thừa kế theo pháp luật của mẹ bạn chỉ còn bạn. Bạn – với tư cách là con của người để lại di sản thừa kế – có quyền hưởng di sản do mẹ bạn để lại. Pháp luật Việt Nam không có bất kỳ quy định nào về việc hạn chế quyền hưởng di sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tùy từng trường hợp, pháp luật sẽ cho phép người hưởng di sản là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu tài sản được nhận thừa kế hay được hưởng phần giá trị đối với tài sản được thừa kế.

Bạn có toàn quyền thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để nhận di sản nêu trên. Trong trường hợp bạn được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì bạn có thể tiến hành thủ tục đăng ký sang tên quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật và được ghi tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; trường hợp ngược lại thì bạn có thể thực hiện thủ tục bán nhà và hưởng số tiền bán nhà đó.

Để biết mình có thuộc trường hợp được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam hay không, bạn tham khảo Điều 8 Luật nhà ở 2014 như sau: Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở:

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

– Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây: Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;

Đối với việc chuyển toàn bộ tiền bán nhà sang Nhật Bản, bạn phải thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý tiền tệ.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 65/2014/QH13 Nhà ở

 

Tham khảo thêm:

1900.0191