Dương có người bạn (A), mặc dù đã có bạn trai (B) nhưng người đó vẫn quan hệ bất chính với người khác (C) và bị chụp hình lại. A đã quay về với B nhưng lúc này C có ý định đăng tải, gửi hình ảnh đến bạn bè của A và B nhằm phá hoại và ngăn cản tình cảm của A và B. Những hình ảnh trên gây ảnh hưởng không tốt, hạ thấp nhân phẩm của A và gia đình cũng như phá hoại tình cảm của A và B. Vậy xin hỏi nếu người C thực hiện hành vi trên mà không có sự cho phép của A và gây ảnh hưởng đến người khác thì có phải là hành vi phạp luật không? Nếu có thì phải đến cơ quan nào để khiếu kiện?
Gửi bởi: Nguyễn Trùng Dương
Trả lời có tính chất tham khảo
Chào bạn!
1. Trong các quyền dân sự của cá nhân thì quyền nhân thân là một phần rất quan trọng. Quyền nhân thân nói chung và quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình nói riêng là một trong những nội dung cơ bản của quyền con người được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Tại Điều 31Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Theo quy định tạikhoản 2, khoản 3, Điều 25 Bộ luật Dân sự, khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền: Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.
Như vậy, trong trường hợp nói trên C thực hiện hành vi đăng tải, gửi hình ảnh của A và B đến bạn bè của A và B nhằm phá hoại và ngăn cản tình cảm của A và B. Những hình ảnh trên gây ảnh hưởng không tốt, hạ thấp nhân phẩm của A và gia đình cũng như phá hoại tình cảm của A và B mà không có sự cho phép của A và gây ảnh hưởng đến người khác thì đó hành vi vi phạm pháp luật.
2. Hiện nay, việc bảo vệ quyền nhân thân thông qua việc yêu cầu Tòa án bảo vệ được tiến hành theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự,việc khởi kiện phải có căn cứ và đúng pháp luật. Người bị xâm hại hoàn toàn có thể khởi kiện ra Tòa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng dân sự hiện nay đòi hỏi người khởi kiện phải chứng minh được quyền nhân thân về hình ảnh bị vi phạm và hành vi sử dụng hình ảnh trái pháp luật của người vi phạm.
Ngoài việc yêu cầuTòa án buộc người đó phải chấm dứt hành vi vi phạm quyền về hình ảnh, công khai xin lỗi, người khởi kiện có thể yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi vi phạm phải bồi thường tổn thất về tinh thần.
Theo quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự và quy định tại khoản c, điểm 3.3 Mục 3, Phần II, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thoả thuận.
Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Trả lời bởi: Thạc sỹ Ngô Thanh Xuyên