Bàn về thụ lý các tranh chấp hết thời hiệu khởi kiện
Khoản 1 Điều 159 Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 qui định: “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Việc qui định thời hiệu khởi kiện là rất cần thiết nhằm đảm bảo trật tự xã hội, đảm bảo quyền được bảo vệ an toàn của con người; điều này cũng phù hợp với luật pháp quốc tế. Nếu hết thời hiệu khởi kiện thì chủ thể có quyền khởi kiện mất quyền khởi kiện, nghĩa là Tòa án sẽ không thụ lý giải quyết vụ án đó.
Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 cũng qui định trong thời hạn 05 ngày làm việc sau khi nhận đơn thì Tòa án sẽ xử lý đơn, trả lời cho người khởi kiện: Hoặc là thụ lý vụ án, hoặc là trả lại đơn khởi kiện (theo Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011) hoặc là yêu cầu sửa chữa, bổ sung đơn khởi kiện (theo Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011). So với Bộ luật Tố tụng dân sự cũ, Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 đã bãi bỏ qui định trả lại đơn khởi kiện với lý do hết thời hiệu khởi kiện, cũng như không có qui định việc sửa chữa, bổ sung đơn khởi kiện, trong trường hợp này thì đồng nghĩa với việc Tòa án phải thụ lý giải quyết các tranh chấp đã hết thời hiệu khởi kiện, các tranh chấp mà chủ thể có quyền đã mất quyền khởi kiện. Rõ ràng việc qui định thời hiệu khởi kiện và thụ lý các tranh chấp đã hết thời hiệu khởi kiện đã “vô tình” mâu thuẫn nhau. Bởi lẽ, vô hình chung, Tòa án phải thụ lý tất cả các tranh chấp hết thời hiệu khởi kiện, điều này có nghĩa các chủ thể được quyền khởi kiện đều có quyền khởi kiện khi thời hiệu khởi kiện đã hết, chứ không phải mất quyền khởi kiện như khoản 1 Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 đã qui định nữa.
Mặc dù, khoản 1 Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 cũng có qui định trường hợp ngoại lệ đối với thời hiệu khởi kiện “trừ trường hợp pháp luật có qui định khác” nhưng việc qui định này là qui định về thời hiệu khởi kiện (qui định về thời hạn để khởi kiện), chứ không phải qui định về việc còn quyền khởi kiện hay mất quyền khởi kiện. Nghĩa là, không phải trường hợp loại trừ nếu pháp luật có qui định thụ lý các tranh chấp đã hết thời hiệu khởi kiện (pháp luật có qui định khác) là phải tuân theo qui định đó. ở đây, được hiểu là trường hợp loại trừ, trong trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện theo qui định tại Điều 162 Bộ luật Dân sự:
“1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
b) Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
c) Các bên đã tự hoà giải với nhau.
2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này”.
Ngoài ra, “trừ trường hợp pháp luật có qui định khác” theo khoản 1 Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 cũng được hiểu là loại trừ các trường hợp không tính thời hiệu khởi kiện.
Do đó, định nghĩa và qui định về thời hiệu khởi kiện như Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 là chưa chính xác, chưa phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật. Mặt khác, nếu tòa án phải thụ lý các tranh chấp đã hết thời hiệu khởi kiện là “vô tình” mâu thuẫn với các qui định pháp luật khác, làm cản trở các qui định của pháp luật chuyên ngành khác. Cụ thể như:
Điều 74 và Điều 75 Luật Thi hành án dân sự có qui định:
“Điều 74. Cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung
1. Trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế.
Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc chấp hành viên có quyền yêu cầu toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.
Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
2. Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:
a) Đối với tài sản chung có thể chia được thì chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;
b) Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
3. Khi bán tài sản chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản.
Điều 75. Xử lý đối với tài sản khi cưỡng chế có tranh chấp
Trường hợp cưỡng chế đối với tài sản của người phải thi hành án mà có tranh chấp với người khác thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế và yêu cầu đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại toà án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Chấp hành viên xử lý tài sản đã kê biên theo quyết định của toà án, cơ quan có thẩm quyền.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chấp hành viên yêu cầu mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại toà án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì tài sản được xử lý để thi hành án theo quy định của Luật này”.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nên việc qui định thời hạn 30 ngày để các chủ thể có quyền thực hiện quyền khởi kiện được qui định tại các Điều 74, 75 Luật Thi hành án dân sự chính là thời hiệu khởi kiện theo pháp luật chuyên ngành, điều này phù hợp với Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011.
Ngoài ra, Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự cũng có hướng dẫn: “Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản theo quy định của pháp luật, trường hợp có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án chỉ xử lý tài sản khi có bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Về nguyên tắc, nếu tòa án thụ lý các tranh chấp liên quan đến tài sản kê biên có tranh chấp thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ hoãn việc thi hành án theo điểm d khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự và chỉ giải quyết lại khi nào vụ án tranh chấp về tài sản kê biên được giải quyết xong. Do vậy, nếu hết thời hạn 30 ngày, đương sự không khởi kiện thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ làm thủ tục tiếp theo như thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Việc xác định trong thời hạn qui định luật định theo pháp luật thi hành án dân sự có ý nghĩa rất quan trọng để xác định hướng tác nghiệp tiếp theo đối với các chấp hành viên, nó góp phần tạo ra các quyết định chính xác và đúng pháp luật.
Tuy nhiên, nếu các đương sự tranh chấp không thực hiện quyền khởi kiện để giải quyết tranh chấp trong thời hạn qui định của cơ quan thi hành án dân sự, mà đợi tới khi cơ quan thi hành án dân sự tiến hành các thủ tục thẩm định giá, bán đấu giá mới khởi kiện tranh chấp tài sản kê biên và căn cứ vào qui định: “Phải thụ lý các tranh chấp hết thời hiệu khởi kiện” thì về nguyên tắc Tòa án vẫn phải thụ lý tranh chấp này. Nhưng việc đương sự thực hiện quyền khởi kiện ngoài thời hạn qui định sẽ gây khó khăn, cản trở cho cơ quan thi hành án, có thể gây tốn kém chi phí thẩm định giá, bán đấu giá tài sản,.. nếu tài sản kê biên có thay đổi vì phán quyết của Tòa án. Thậm chí, nếu các đương sự tranh chấp về tài sản kê biên đợi đến khi bán đấu giá hoàn thành, đang chờ thủ tục giao tài sản mới thực hiện việc khởi kiện thì Tòa án vẫn phải thụ lý giải quyết vụ án và sau đó phán quyết của Tòa án làm thay đổi tài sản kê biên, thay đổi chủ sở hữu của tài sản kê biên…, thì sẽ mang lại những hệ quả khó khắc phục và giải quyết.
Do phán quyết của Tòa án, nên tài sản kê biên bị thay đổi, buộc cơ quan thi hành án phải tiến hành lại thủ tục kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá, làm tốn kém chi phí.
Sở dĩ, có qui định “phải thụ lý các tranh chấp hết thời hiệu khởi kiện” là do các nhà làm luật cho rằng: “Dân sự cốt ở hai bên”, đảm bảo quyền tự định đoạt, cũng như quyền khởi kiện của của công dân khi quyền lợi của mình bị xâm phạm. Nếu, vì lý do hết thời hiệu khởi kiện mà trả lại đơn khởi kiện, không thụ lý vụ án là thiệt thòi cho người nộp đơn, tước đi quyền khởi kiện của đương sự. Mặt khác, nó cũng phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về việc bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện (bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ đối với người khởi kiện; bên có nghĩa vụ đã thực hiện xong một phần nghĩa vụ đối với người khởi kiện; các bên đã tự hòa giải với nhau).
Theo quan điểm trên, dù tranh chấp đã hết thời hiệu khởi kiện, Tòa án vẫn phải thụ lý đơn khởi kiện, sau đó xem xét vụ việc có thể bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự hay không.
Vấn đề là Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 cũng có quy định Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án với lý do hết thời hiệu khởi kiện (Điều 192). Cho đến nay, chưa có hướng dẫn rằng tới thời điểm nào sau khi thụ lý vụ kiện, thì thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Giả sử sau khi thụ lý, thẩm phán không triệu tập bị đơn lên làm việc mà lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án ngay, thì điều này chỉ gây phiền phức cho người khởi kiện và gây tốn kém chi phí của người khởi kiện, chưa kể là làm cho lượng án phải thụ lý giải quyết của Tòa án ngày một tăng lên do phải thụ lý giải quyết các tranh chấp hết thời hiệu khởi kiện.
Vì vậy, qui định thụ lý các tranh chấp đã hết thời hiệu khởi kiện là chưa thật sự phù hợp với thực tiễn hiện nay, vì nó làm phát sinh nhiều vụ việc, làm tốn kém chi phí của xã hội, nhưng hiệu quả lại rất ít và không như mong muốn của các nhà làm luật, vì nếu bị đơn biết được qui định đình chỉ giải quyết vụ án khi hết thời hiệu khởi kiện, thì họ cũng “không dại” gì thừa nhận để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện; để mặc tòa triệu tập và đình chỉ giải quyết vụ án. Bởi vì đó là quyền an toàn của họ, họ được quyền sử dụng quyền đó để “đối phó” bảo vệ cho họ. Cho nên, việc qui định thụ lý các tranh chấp đã hết thời hiệu khởi kiện, để rồi sau đó đình chỉ giải quyết vụ án cũng vì chính lý do này là không cần thiết
Huỳnh Minh Khánh
Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, Tiền Giang
Tham khảo thêm:
- Một số vấn đề xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định hiện hành
- Vai trò của trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng
- Kinh nghiệm cho Việt Nam xem xét từ vụ Philippines kiện Trung Quốc đối với tranh chấp ở Biển Đông
- Tiêu chí bài viết và quy trình biên tập của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật
- Kinh nghiệm thẩm định văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh từ Sở Tư pháp Thành phố Cần Thơ
- Công tác cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của Tòa án – Thực trạng và những kiến nghị
- Tính lương làm thêm giờ: Vẫn còn rối
- Bất cập trong quy định về việc lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự
- Công tác thi hành án dân sự sau một năm nhìn lại
- Những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Khiếu nại