Bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu
Chương VI phần thứ nhất của Bộ luật Dân sự quy định về giao dịch dân sự. Theo đó tại Điều 121 quy định: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Điều 122. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự.
b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Như vậy, để một giao dịch dân sự không bị coi là vô hiệu thì giao dịch đó phải thoả mãn các điều kiện quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự. Còn nếu giao dịch dân sự không thoả mãn các điều kiện trên thì giao dịch đó được coi là giao dịch dân sự vô hiệu.
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự như sau:
Giao dịch dân sự không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
Hiện nay khi giải quyết các vụ án hình sự có bồi thường thiệt hại phát sinh từ giao dịch dân sự được coi là vô hiệu còn nhiều quan điểm khác nhau chưa thống nhất. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, xin trao đổi một số cơ sở lý luận và thực tiễn xác định việc bồi thường thiệt hại có liên quan đến giao dịch dân sự được coi là vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự. Để tiện theo dõi chúng tôi xin nêu ra một số ví dụ cụ thể sau:
Ví dụ 1: Trần Thị N biết ông Phạm Văn K bị hai cấp Toà án kết án 24 tháng tù giam, đang được tại ngoại chờ đến ngày đi thụ hình, qua chuyện trò ông K giãi bày tâm tư của mình với N là muốn được chấp hành án tại trại giam của tỉnh cho gần nhà, đồng thời mong muốn được giảm thời gian chấp hành án xuống còn một năm. Thấy vậy, N nói dối với ông K rằng mình có quen biết một số người có quyền hạn chức vụ cao trong một cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh và N có khả năng lo được theo đúng nguyện vọng của K. Thấy ông K hoàn toàn tin tưởng nên N nói ông K đưa trước cho N 02 triệu đồng để đi “đặt vấn đề”, khi nhận tiền N nói với ông K nếu mất 02 triệu đồng này thì chuyện của anh coi như xong. Nhận được tiền N tiêu xài hết, ba ngày sau N lại gặp ông K và yêu cầu ông K đưa tiếp 50 triệu đồng để N quyết định công việc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, con ông K phải đi vay số tiền trên với lãi suất 20% tháng rồi thay mặt bố mang đến giao cho N, N còn cẩn thận viết hợp đồng có cả người chứng kiến với nội dung lo “chạy án” cho ông K để con ông K yên tâm giao tiền. Sau khi nhận tiền N dùng toàn bộ số tiền trên vào mục đích cá nhân. Hành vi phạm tội của N bị phát hiện và N bị truy tố, xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi biết mình bị lừa, ông K làm đơn tố cáo hành vi của N và yêu cầu N phải bồi thường số tiền gốc 52 triệu và cả số tiền lãi mà con ông phải đi vay để đưa cho N.
Ví dụ 2: Lợi dụng nhu cầu của nhiều người muốn giải quyết công ăn việc làm cho con em trong gia đình, từ năm 2003 đến năm 2009 Nguyễn Thị H đã dùng nhiều mánh khoé gian dối nói với những người có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài rằng H có khả năng xin cho con em họ đi lao động ở Hàn Quốc và Nhật Bản với chi phí thấp mà lại chắc chắn. Nhiều người tin tưởng nên đã tìm đến H để đăng ký xin cho con em mình đi lao động. H nêu ra số tiền phải nộp của mỗi người đi Hàn Quốc và Nhật Bản, ấn định thời gian thực hiện công việc, thành lập công ty “ma”, mở lớp hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ…(thực chất việc làm của H với những người kia chỉ là thủ đoạn để H chiếm đoạt số tiền của họ). Khi thu tiền H có làm giao kết việc giao tiền, trong đó có nội dung: Hai bên giao nhận tiền cho nhau, cam kết trường hợp vì lý do cá nhân mà bay chậm hoặc không bay được so với thời gian đã cam kết thì H sẽ trả lại tiền tính cả gốc và lãi theo quy định của Ngân hàng Công thương Việt Nam.
Hậu quả là những người nộp tiền cho H đều không có ai đi được lao động ở nước ngoài. Số tiền chiếm đoạt được của những người kia H dùng vào mục đích chi dùng cho cá nhân. Hành vi phạm tội của H đã bị truy tố, xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hiện nay có nhiều loại ý kiến về việc bồi thường số tiền gốc và tiền lãi trong các vụ án trên:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cả hai vụ án trên đều phải buộc bị cáo bồi thường cả số tiền gốc và tiền lãi cho người bị hại với lý do giao dịch dân sự giữa hai bên là tự nguyện nên cho dù giao dịch đó là vô hiệu hay không vô hiệu, hành vi của họ là đúng hay sai thì nếu một trong hai bên không thực hiện được nghĩa vụ theo thoả thuận thì sẽ phải bồi thường cho bên bị thiệt hại tất cả những gì mà họ đã gây ra.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Cả hai vụ án trên chỉ có căn cứ buộc bị cáo bồi thường cho người bị hại số tiền gốc mà không xem xét số tiền lãi, bởi vì giao dịch dân sự giữa các bên trong vụ án trên đều là giao dịch dân sự vô hiệu. Cụ thể là trong vụ án thứ nhất giao dịch giữa N và K là giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật (Điều 128 Bộ luật Dân sự); còn trong vụ án thứ hai giao dịch dân sự giữa H và những người bị hại đã vi phạm Điều 132 Bộ luật Dân sự giao dịch dân sự do bị lừa dối. Cách giải quyết này cũng phù hợp với kết luận của Chánh án Toà án nhân dân tối cao tại Hội nghị tổng kết công tác Ngành Toà án năm 1991 đó là: Đối với các tranh chấp về nợ hụi nếu phát hiện có yếu tố chiếm đoạt hoặc giật hụi… thì chuyển sang Viện kiểm sát truy tố về tội lừa đảo hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi xử lý các tranh chấp này, Toà án chỉ giải quyết cho trả lại phần vốn (thanh toán nợ gốc) không được tính lãi suất còn vốn thì được thanh toán theo cách có tính trượt giá theo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành 01/TTLN ngày 10/1/1992 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính.
Quan điểm thứ ba và cũng là quan điểm của chúng tôi cho rằng:
Trong những trường hợp trên nó hoàn toàn khác với trường hợp giao kết hợp đồng dân sự thông thường khác. Bởi vì, đây là trường hợp giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự, phần bồi thường thiệt hại này nó có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội hay nói cách khác nghĩa vụ dân sự trong trường hợp này là do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra; khi này giao dịch dân sự bị vi phạm kia nó là căn cứ pháp lý để cơ quan tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người phạm tội và xác định nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người phạm tội với người bị hại. Do vậy, để xác định việc bồi thường trong hai vụ án này, trước hết chúng ta phải xác định hành vi của các bên khi giao kết hợp đồng. Trong hai ví dụ trên hành vi của N và H đều là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Cho nên, tất cả những thiệt hại mà N và H gây ra thì họ phải có nghĩa vụ bồi thường cho người bị hại. Tuy nhiên, ở vụ án thứ nhất hành vi giao kết hợp đồng dân sự giữa N và ông K đây là một giao dịch dân sự vi phạm pháp luật, vi phạm điều cấm là sai mà cả ông K và N đều nhận thức được. Cho nên, tuy ông K là người bị hại trong vụ án nhưng ông cũng có một phần lỗi (biết sai vẫn làm). Còn ở vụ án thứ hai thì hoàn toàn khác. Tuy hành vi của H cũng là hành vi lừa đảo, cụ thể là bằng nhiều thủ đoạn H đã chiếm đoạt được tiền của những người bị hại và người bị hại thì hoàn toàn không biết là mình bị lừa dối và luật cũng không buộc người bị hại trong trường này phải biết hành vi của H là hành vi lừa đảo. Do vậy, trong hai vụ án trên tuy hành vi của N và H đều bị truy tố, xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng việc bồi thường thiệt hại trong hai trường hợp này đặt ra lại hoàn toàn khác nhau:
Nếu theo như quy định của Bộ lụât Dân sự về giao dịch dân sự thì trong hai trường hợp trên đều là giao dịch dân sự vô hiệu hiểu theo như quan điểm thứ hai, mà nếu đã coi là giao dịch dân sự vô hiệu thì hậu quả pháp lý của các bên sẽ phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự tức là khi giao dịch dân sự vô hiệu thì không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
Trở lại hai vụ án trên, ở vụ án thứ nhất theo chúng tôi do việc giao dịch dân sự giữa các bên vi phạm điều cấm nên đây là một giao dịch dân sự vô hiệu hoàn toàn. Cho nên, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự trong trường hợp này sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự, tức là trong phần bồi thường thiệt hại bị cáo chỉ phải bồi thường cho người bị hại số tiền gốc mà người bị hại đã đưa cho bị cáo (52 triệu đồng).
Còn ở vụ án thứ hai thì trong trường hợp này H phải bồi thường cho người bị hại cả tiền gốc và số tiền lãi theo như giao kết trong hợp đồng giữa hai bên, hợp đồng giao dịch dân sự trong trường hợp này được gọi là giao dịch dân sự vô hiệu một phần (tùng phần) theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Dân sự. Bởi vì, khi giao kết hợp đồng người bị hại không biết và không buộc phải biết mình bị lừa dối tức là họ hoàn toàn không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại. Mặt khác, theo quy định về giao kết hợp đồng dân sự thì các bên có quyền tự nguyện, cam kết thoả thuận giao kết hợp đồng, cho nên khi các giao kết hợp đồng hợp pháp mà pháp luật không cấm thì bên nào gây ra thiệt hại bên đó phải có nghĩa vụ bồi thường. Tuy nhiên, việc thoả thuận giữa người được bồi thường và người phải bồi thường họ có quyền tự nguyện thoả thuận với nhau, miễn không trái đạo đức, không trái pháp luật và không vi phạm điều cấm thì sẽ được Toà án chấp nhận. Còn nếu không thoả thuận được thì Toà án sẽ buộc người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị thiệt hại.
Còn cách hiểu như quan điểm thứ hai cho rằng, kết luận của Chánh án Toà án nhân dân tối cao tại Hội nghị tổng kết công tác Ngành Toà án nhân dân năm 1991 hướng dẫn việc giải quyết tranh chấp nợ hụi được coi như vay nợ và được giải quyết như các việc kiện đòi nợ và khi xử lý các tranh chấp này Toà án chỉ giải quyết cho trả lại phần vốn (thanh toán nợ gốc) không được tính lãi suất còn vốn thì được thanh toán theo cách có tính trượt giá theo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành 01/TTLN ngày 10/1/1992 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính. Do vậy, trong mọi trường hợp giải quyết tranh chấp về nợ hụi thông thường và giải quyết bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự khi có liên quan đến lãi suất đều không tính lãi suất. Theo chúng tôi, hiểu như vậy là không đúng với tinh thần mà kết luận năm 1991 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn. Kết luận năm 1991 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn: “Đối với các tranh chấp về nợ hụi, nếu phát hiện có yếu tố chiếm đoạt, giật hụi… thì chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân truy tố về tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”. Như vậy, theo chúng tôi, nếu như hành vi của người nợ hụi có yếu tố chiếm đoạt, giật hụi và đã chuyển sang để truy tố, xét xử thì sẽ không còn là việc giải quyết tranh chấp nợ hụi thông thường nữa mà đã là việc giải quyết bồi thường thiệt hại về dân sự trong vụ án hình sự. Do vậy, tất cả những thiệt hại mà người gây thiệt hại gây ra họ phải có nghĩa vụ bồi thường lại toàn bộ cho người bị thiệt hại. Cho nên, hướng dẫn trong kết luận của Chánh án Toà án nhân dân tối cao năm 1991 là hoàn toàn phù hợp và khẳng định lại một lần nữa quan điểm trong mọi trường hợp giải quyết tranh chấp về nợ hụi thông thường và giải quyết bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự khi có liên quan đến bồi thường thiệt hại có lãi suất đều không tính lãi suất là không hợp lý không đúng với hướng dẫn của kết luận này.
Vũ Thành Long
Tham khảo thêm:
- CÁCH XÁC ĐỊNH VÀ TÍNH GIÁ DỊCH VỤ QUẢN LÝ VẬN HÀNH NHÀ CHUNG CƯ THEO THÔNG TƯ 02/2016 /TT-BXD – 15/2/2016 (HIỆU LỰC THI HÀNH 2/4/2016)
- Các trường hợp được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
- Tướng Phan Anh Minh: 50 vụ buôn lậu có bóng dáng hải quan
- Thống nhất trang phục bảo vệ theo quy định mới
- Các quy định pháp luật về người bị hại trong TTHS?
- Bêu tên người không thi hành án có vi phạm bí mật đời tư
- Nghị quyết 04/2004/NQ-CP
- Nghị định 08/2002/NĐ-CP
- Cản trở việc ly hôn sẽ bị phạt đến 3 năm tù