Giải pháp nâng cao hiệu quả cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai

Giải pháp nâng cao hiệu quả cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai

10/11/2014

Quá trình quản lý và sử dụng đất đai không thể tránh khỏi phát sinh mâu thuẫn, bất đồng, xung đột về lợi ích, quyền và nghĩa vụ giữa người sử dụng đất với cơ quan công quyền, đó chính là những tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai(1). Tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai hiện nay đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp; việc giải quyết loại tranh chấp này ở nhiều địa phương còn có những phản ứng bức xúc của người dân, gây mất an ninh trật tự xã hội, thậm chí có những nơi trở thành điểm nóng gây ra dư luận xấu, ảnh hưởng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Vậy, đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng trên? Với mục đích góp phần làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn được trao đổi, phân tích những vấn đề cơ bản về thể chế và cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai trong giai đoạn vừa qua, từ đó rút ra những bất cập, hạn chế, thiếu hụt và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai.

1. Quá trình phát triển và những bất cập, hạn chế, thiếu hụt của pháp luật hiện hành về giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai

Đã từ lâu ở nước ta, để giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai, Nhà nước xác lập con đường giải quyết hành chính, theo đó người sử dụng đất thực hiện quyền khiếu nại và được giải quyết theo thủ tục hành chính do pháp luật về đất đai và pháp luật về khiếu nại quy định. Từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1995 và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 ra đời và có hiệu lực thi hành, tranh chấp hành chính về đất đai là một trong 8 loại việc được Tòa án nhân dân giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính. Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Đây là con đường tư pháp giải quyết tranh chấp hành chính với ưu thế riêng được thừa nhận chung, có ý nghĩa bổ sung cho khiếu nại theo con đường hành chính và hoàn toàn phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đồng thời, đó cũng là một phương thức hữu hiệu bảo đảm vận hành bộ máy hành chính nhà nước trong sạch và có được tính hợp pháp, hiệu quả. Kể từ đó tới nay, pháp luật giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai liên tục được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Quốc hội đã ban hành Luật Tố tụng hành chính năm 2010, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Đất đai năm 2013; Chính phủ, Tòa án nhân tối cao, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Về cơ bản, các văn bản pháp luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, cả pháp luật nội dung và pháp luật hình thức điều chỉnh giải quyết tranh chấp hành chính về đất đai vẫn còn những bất cập, hạn chế, thiếu hụt. Ở đây, chúng tôi xin đưa ra và phân tích hai vấn đề bất cập, hạn chế, thiếu hụt về pháp luật như sau:

Một là, bất cập, hạn chế của pháp luật về đất đai: Có thể nói rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản phát sinh tranh chấp hành chính về đất đai gay gắt trong giai đoạn vừa qua là do Luật Đất đai cũ có quá nhiều bất cập trong việc thu hồi, định giá, đền bù, hỗ trợ tái định cư… Đây cũng là những nội dung mà trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia và đại biểu Quốc hội thiết tha đề nghị có những thay đổi then chốt, nhưng nhìn chung vẫn chưa được khắc phục. Chẳng hạn như về thu hồi đất, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích an ninh, quốc phòng, để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Luật Đất đai năm 2013 đã cụ thể hóa một phạm vi quá rộng các trường hợp được phép thu hồi đất, chỉ có điểm khác là những trường hợp đó, tùy thuộc vào quy mô, sẽ cần có sự chấp thuận của Hội đồng nhân dân, bên cạnh cơ quan chính quyền có thẩm quyền thu hồi đất. Nếu việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện không tốt, có thể lại dẫn đến tình trạng lạm quyền, thu hồi đất tràn lan, tiếp tục gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013, không có nhiều đổi mới về cơ chế thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, mà chủ yếu là luật hóa một số quy định của Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ. Quy định như vậy chưa thể giải quyết được những bất cập về thực tế mất sinh kế, mất việc làm của người bị thu hồi đất và những mâu thuẫn, bức xúc gay gắt đang diễn ra ở nhiều địa phương.

Hai là, thiếu căn cứ pháp lý trong việc ban hành các quyết định hành chính và thực hiện hành vi hành chính: Đối tượng của tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai là các quyết định hành chính và hành vi hành chính trong quản lý về đất đai, nhưng việc phân biệt giữa quyết định hành chính và hành vi hành chính trong các cơ quan có thẩm quyền đôi khi còn lúng túng. Thực tế, khó xác định hành vi hành chính mang tính nội bộ hay hành vi hành chính là đối tượng của tranh chấp hành chính. Đặc biệt, do chưa có luật nên việc ban hành các quyết định hành chính trong việc thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất, còn có hiện tượng vi phạm như: Sai đối tượng, không tuân thủ trình tự, thủ tục, thiếu công khai, dân chủ, công bằng, không thẩm tra xem xét nhu cầu sử dụng của người được giao.

2. Tình hình tranh chấp, kết quả giải quyết và một số bất cập, hạn chế của cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính về đất đai trong giai đoạn hiện nay

Tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai có xu hướng gia tăng và đặc biệt ngày càng trở nên bức xúc từ sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2014. Kết quả tiếp nhận và giải quyết các tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai đến giai đoạn vừa qua cụ thể như sau:

Một là, giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai bằng thủ tục hành chính: Theo thống kê, từ năm 2004 đến nay, tổng số vụ việc khiếu nại các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận và giải quyết trong các năm từ 2004 đến 2012 là: 528.401/612.115 vụ việc, đạt 86%, trong đó, hàng năm, khiếu nại hành chính liên quan đến đất đai luôn chiếm khoảng 70%(2). Riêng tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2004 đến năm 2011, đã tiếp nhận được 59.751 lượt đơn của 29.671 vụ việc, trong đó khiếu nại hành chính về đất đai là 17.7113. Về khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài, tại thời điểm ngày 02/5/2012, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát còn 528 vụ, đến ngày 11/7/2014, còn 34 vụ việc đang được tập trung giải quyết dứt điểm4. Các số liệu này cho thấy, số tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai phát sinh và được các cơ quan hành chính nhà nước thụ lý, giải quyết hàng năm là rất lớn. Tỷ lệ số vụ việc được giải quyết so với số vụ việc tiếp nhận cũng tương đối cao và luôn ổn định trên 80%, có năm đạt xấp xỉ 90% là rất cao; số vụ việc tồn đọng, kéo dài trong lĩnh vực đất đai cũng được các cơ quan hành chính nhà nước quan tâm giải quyết với tỷ lệ đáng kể, có những vụ việc kéo dài tới 20 năm, đã được giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, phân tích 257.419/290.565 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước từ năm 2008 đến năm 2012 cho kết quả: Tỷ lệ khiếu nại đúng và khiếu nại đúng một phần từ năm 2008 đến 2011 chiếm gần 50%, tỷ lệ này trong năm 2012 có giảm xuống còn 43,05%5 nhưng vẫn cho thấy các quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân như vậy là rất lớn và đáng báo động.

Hai là,giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai bằng thủ tục tư pháp: Từ năm 2004 đến năm 2011, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý sơ thẩm 3.994 vụ án hành chính liên quan đến đất đai, giải quyết 2.857 vụ, đạt 71,5% (trong khi đó chỉ riêng năm 2013, Tòa án nhân dân các cấp thụ lý sơ thẩm 69.894 vụ án hình sự, xét xử sơ thẩm được 68.751 vụ; thụ lý sơ thẩm 285.794 vụ án dân sự, xét xử được 259.636 vụ6). Trong tổng số 2.857 vụ án hành chính sơ thẩm liên quan đến đất đai, Tòa án nhân dân các cấp đã đình chỉ giải quyết 1.130 vụ, chiếm 39,6% các vụ giải quyết; đưa ra xét xử 1.727 vụ, chiếm 60,4% các vụ giải quyết, với kết quả xét xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện 1.389 vụ, chiếm 80,5% các vụ đưa ra xét xử; chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện 149 vụ chiếm 8,6% các vụ đưa ra xét xử; chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện 189 vụ, chiếm 10,9% các vụ đưa ra xét xử7. Những con số này cho thấy, số lượng các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai được thụ lý và giải quyết rất ít so với số lượng các vụ án hình sự và vụ việc dân sự, đồng thời, cũng rất ít so với số lượng vụ việc khiếu nại về đất đai đã được các cơ quan hành chính nhà nước thụ lý, giải quyết. Đồng thời, từ số liệu cụ thể các vụ án hành chính liên quan đến đất đai được Tòa án nhân dân các cấp thụ lý, xét xử từ năm 2004 đến năm 2011 cũng cho thấy, mặc dù số lượng vụ án có chiều hướng tăng lên hàng năm (cho dù chỉ tăng rất ít), nhưng tỷ lệ giữa số lượng vụ án được giải quyết với số lượng vụ án đã thụ lý thì lại có xu hướng giảm dần8. Thực tế giai đoạn vừa qua, thông thường người dân chỉ khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp hành chính về đất đai sau khi đã qua hai cấp giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước và đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, tỷ lệ gần 20% số vụ án hành chính về đất đai được Tòa án nhân dân các cấp chấp nhận một phần (8,6%) và chấp nhận toàn bộ (10,9%) lại cho thấy, nếu việc giải quyết của Tòa án đúng pháp luật và nếu tất cả các vụ việc này đều đã qua hai cấp giải quyết khiếu nại, thì có nghĩa rằng gần 20% quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai là trái pháp luật, nhưng không được phát hiện qua việc giải quyết bằng thủ tục hành chính ở các cơ quan hành chính nhà nước.

Như vậy, từ thực trạng giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai trên đây có thể thấy, sự tồn tại song song hai phương thức giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai gần 20 năm qua đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể sử dụng đất và bảo đảm pháp chế trong hoạt động của các cơ quan nhà nước hữu quan. Mặc dù đã có những tác động tích cực, nhưng cả hai cơ chế hành chính và tư pháp trong giải quyết tranh chấp hành chính như hiện nay cho thấy những tồn tại, hạn chế trong việc hướng tới bảo vệ công lý cho người dân. Thực tế, phần lớn các vụ việc tranh chấp hành chính về đất đai không được giải quyết dứt điểm tại cơ sở, mức độ hài lòng của người dân rất thấp. Đáng chú ý là trong một báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thì có tới trên 90% số người được hỏi có ý kiến không hài lòng về cơ chế khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với việc thu hồi đất, giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất9. Sở dĩ có những hạn chế trên, theo chúng tôi các phương thức giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai còn nhiều bất cập, hạn chế cả về mô hình tổ chức, trình tự thủ tục thực hiện và yếu tố con người, cụ thể như sau:

Về mô hình tổ chức: Mô hình tổ chức bộ máy giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai ở cơ chế giải quyết bằng con đường hành chính nhà nước và bằng con đường tư pháp vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi trách nhiệm của người đứng đầu (là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại) tại các cơ quan hành chính nhà nước còn chưa cao, bộ máy tham mưu giải quyết của hệ thống cơ quan này cũng còn chưa chặt chẽ, thiếu chuyên nghiệp, thì bộ máy của Tòa án nhân dân cũng có bất cập do được tổ chức theo cấp hành chính, nên trong hoạt động còn khó bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử vì bị ảnh hưởng bởi cấp ủy và chính quyền địa phương.

Về trình tự, thủ tục giải quyết: Cả thủ tục giải quyết bằng con đường hành chính và con đường tư pháp cũng vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập cần phải được tiếp tục khắc phục, hoàn thiện, cụ thể như: Thủ tục giải quyết bởi cơ quan hành chính nhà nước còn mang “tính khép kín”, thực tế phát sinh những trường hợp cần phải xem xét lại, kể cả khi đã có bản án có hiệu lực của Tòa án, nhưng lại không có quy định về những trường hợp này; thủ tục tư pháp khắc phục được hạn chế trên của thủ tục hành chính nhưng lại có nhược điểm là rườm rà, kéo dài thời gian, nhiều trường hợp gây bức xúc trong dư luận.

Về yếu tố con người: Nguồn nhân sự giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai còn nhiều hạn chế. Trong cả hệ thống cơ quan hành chính nhà nước và hệ thống cơ quan Tòa án, nguồn nhân sự giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai có nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Ở nhiều địa phương, trong bộ máy tham mưu giải quyết khiếu nại về đất đai còn thiếu những cán bộ, công chức vừa có chuyên môn về lĩnh vực đất đai, lại vừa có chuyên môn, kỹ năng về giải quyết khiếu nại hành chính. Đối với Ngành Tòa án, số lượng thẩm phán hành chính còn mỏng và số thẩm phán đáp ứng được các yêu cầu vừa có năng lực chuyên môn như những thẩm phán khác, lại phải vừa có trình độ chuyên sâu trong công tác quản lý nhà nước về đất đai còn ít hơn. Những hạn chế về nguồn nhân lực này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều chỉnh pháp luật giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai

3.1. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đất đai và ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai, cụ thể:

Một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đất đai: Luật Đất đai năm 2013 mới vừa có hiệu lực thi hành, dó đó, cần hướng dẫn thực hiện một cách cụ thể, tránh áp dụng tùy tiện vấn đề thu hồi đất theo hướng khẳng định rõ và rất hạn chế các trường hợp được coi là “thật sự cần thiết” mới được thu hồi, theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, cần làm rõ hơn vai trò của Hội đồng nhân dân như là tiếng nói của cử tri trong việc kiểm soát những quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Về xác định giá đất, cần quy định thành phần bắt buộc trong hội đồng thẩm định giá đất, không chỉ có Ủy ban nhân dân, đại diện ban, ngành liên quan, tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập, mà còn cần tới nhiều thành viên là các chuyên gia cao cấp về định giá đất như các chuyên gia định giá từ các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, khu vực doanh nghiệp định giá, hiệp hội định giá. Với thành phần như vậy mới đảm bảo việc định giá đất có cơ sở khách quan. Về lâu dài, cũng cần tính đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để luật hóa nội dung nói trên cho thực sự phù hợp với những yêu cầu chung và với tình hình thực tế.

Hailà, ban hành Luật Ban hành quyết định hành chính và hướng dẫn xác định rõ các hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai: Để có cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc ban hành các quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai và cũng để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quyết định hành chính, cần phải có Luật Ban hành quyết định hành chính. Hiện nay, Dự án Luật này đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ XIII (năm 2011- 2016) của Quốc hội. Luật Ban hành quyết định hành chính được ban hành không chỉ thuận lợi cho phía chủ thể quản lý, mà còn tạo thuận lợi cho người dân, vừa bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, vừa bảo đảm tính quyền uy, quyền lực phục tùng, được xem là bản chất của các quan hệ hành chính. Theo đó, Luật phải làm rõ những gì được coi là quyết định hành chính cũng như thẩm quyền, căn cứ ban hành, các nguyên tắc về tính hợp pháp của nội dung và hình thức của quyết định hành chính. Đồng thời, với việc ban hành Luật Ban hành quyết định hành chính, Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao cần phải hướng dẫn xác định rõ các hành vi hành chính là đối tượng của tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai theo những yêu cầu và tính chất đặc thù của hoạt động quản lý này, làm cơ sở cho người dân đưa ra các yêu cầu và chính quyền giải quyết các tranh chấp với người dân.

3.2. Đổi mới cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai

Một là, đổi mới về mô hình tổ chức bộ máy giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai: Cần tăng cường trách nhiệm giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước bằng các biện pháp: Xác định rõ chế độ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, xử lý nghiêm những người vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại. Đồng thời, bảo đảm, tăng cường tính độc lập, khách quan của Tòa án trong việc xét xử các vụ án hành chính, các cấp Tòa án cần được bố trí theo khu vực, vùng, không theo cấp hành chính lãnh thổ nhằm bảo đảm tính độc lập khi xét xử các vụ án hành chính của Tòa án.

Hai là, hoàn thiện về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai: Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức đối thoại; luật sư tham gia quá trình giải quyết khiếu nại; công khai, minh bạch các tài liệu, chứng cứ của các bên; tăng cường việc “tranh tụng” để phá vỡ tính “khép kín” trong quá trình giải quyết khiếu nại. Đồng thời, quy định thẩm quyền, căn cứ, thủ tục xem xét lại khiếu nại trong một số trường hợp cụ thể khi phát hiện việc giải quyết khiếu nại có vi phạm pháp luật; các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài… Song song với giải pháp đối với trình tự, thủ tục bằng con đường hành chính, cũng cần phải đơn giản, rút gọn một số thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hành chính trong trường hợp vụ việc đơn giản, rõ ràng, có căn cứ để phán quyết và bảo đảm, tăng cường hiệu lực xử vụ án hành chính của Tòa án, thông qua việc nghiên cứu có cơ chế hữu hiệu thi hành bản án hành chính.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân sự giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai: Đối với các cơ quan hành chính nhà nước, cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại theo hướng chuyên nghiệp, am hiểu lý luận và thực tiễn, giỏi về áp dụng pháp luật đất đai và các pháp luật có liên quan, có kỹ năng thành thạo khi giải quyết khiếu nại, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp trong quản lý về đất đai. Đối với Ngành Tòa án, phải từng bước đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong nước hoặc nước ngoài, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn và bổ túc kinh nghiệm xét xử. Đồng thời, cần thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo tổng kết, rút kinh nghiệm, đặc biệt là những khóa bồi dưỡng riêng về công tác xét xử án hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Có thể nói, giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai trong giai đoạn vừa qua đã có những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật và đổi mới cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời và đặt trong mối quan hệ phụ thuộc, tác động lẫn nhau như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới tư duy nhận thức, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bảo đảm cơ sở vật chất cho công tác giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai và các giải pháp hỗ trợ khác. Tuy nhiên, bài viết này chỉ đưa ra một vài giải pháp trao đổi cùng bạn đọc với hy vọng nâng cao hiệu quả cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính về đất đai trong giai đoạn hiện nay, hướng tới mục tiêu đảm bảo công lý hành chính, quyền bình đẳng của người dân với cơ quan công quyền, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thắng Lợi, Một số giải pháp đổi mới mô hình giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 10/2013, 2008, tr. 9.

2. Theo Báo cáo số 1670/BC-TTCP ngày 05/7/2012 và Báo cáo tổng kết công tác năm 2012 của Thanh tra Chính phủ, số vụ việc tiếp nhận và giải quyết của các năm cụ thể là: Năm 2004: 58.435/70.176 vụ, đạt 83,2%; năm 2005: 42.040/51.817 vụ, đạt 81,1%; năm 2006: 54.504/65.372 vụ, đạt 83,3%; năm 2007: 69.471/79.258 vụ, đạt 87,6%; năm 2008: 65.971/75.364 vụ, đạt 87,5%; năm 2009: 66.079/73.713 vụ, đạt 89,6%; năm 2010: 63.180/72.032 vụ, đạt 87,7%; năm 2011: 62.189/69.456 vụ, đạt 89,5%; năm 2012: 46.532/54.927 vụ, đạt 84,7%.

3. Báo cáo số 100/BC-BTNMT ngày 12/6/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai công tác nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 của Ngành Thanh tra.

5. Báo cáo tổng kết công tác năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013 của Ngành Thanh tra.

6. Báo cáo tổng kết năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2014 của Ngành Tòa án nhân dân.

7. Báo cáo số 18/BC-TA ngày 18/7/2012 của Tòa án nhân dân tối cao.

8. Số vụ án hành chính liên quan đến đất đai được Tòa án nhân dân các cấp thụ lý và xét xử từ năm 2004 đến năm 2011: Năm 2004 là 314/369 vụ, đạt 85%; năm 2005 là 349/410 vụ, đạt 85,1; năm 2006 là 258/300 vụ; năm 2007 là 288/361 vụ, đạt 79,7%; năm 2008 là 347/449 vụ, đạt 77,2%; năm 2009 là 382/539 vụ, đạt 70,8%; năm 2010 là 373/667 vụ, đạt 58,6% và năm 2011 là 486/899 vụ, đạt 58,7%.

9. Xem Khiếu nại đất đai giao cơ quan tài phán hành chính, tại http://plo.vn/do-thi/khieu-nai-dat-dai-giao-co-quan-tai-phan-hanh-chinh-128089.html.

Nguyễn Thắng Lợi

Tham khảo thêm:

1900.0191