Một số vấn đề liên quan đến người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hình sự

Một số vấn đề liên quan đến người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hình sự

29/07/2014

Khoảng 17 giờ 05 phút ngày 12/3/2013 trên tỉnh lộ 790 thuộc tổ 7 xã Y, huyện G, tỉnh N, Trần Tuấn A, điều khiển xe ô tô, không có giấy phép lái xe, đã vượt sai quy định, nên va chạm với xe đạp đi cùng chiều do cháu Nguyễn Thị V (SN 1999) điều khiển, phía sau có chở cháu Trần Thị Mỹ Th (SN 2000), cả hai đang trên đường đi học về. Hậu quả vụ tai nạn, làm cháu Th bị thương tật theo kết luận giám định là 20%, cháu V bị tử vong vào ngày 13/3/2013 do chấn thương sọ não nặng. Viện kiểm sát nhân dân huyện G truy tố Trần Tuấn A về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm a, khoản 2, Điều 202 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Trước đó, ngày 24/4/2013 ông Nguyễn Văn Đ và bà Cao Thị H (là cha, mẹ ruột của cháu V) đã làm giấy ủy quyền và có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã B về việc đồng ý ủy quyền cho bà Đỗ Lệ Quyên, được đại diện cho ông Đ và bà H tham gia tố tụng trong vụ án này. Nội dung của giấy ủy quyền có ghi rõ:

“Bà Đỗ Lệ Quyên được toàn quyền đại diện chúng tôi tại cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh N và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác để tham gia giải quyết phần hình sự và dân sự trong vụ việc nêu trên. Bà Quyên được toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của chúng tôi trong vụ việc nêu trên. Ý kiến của bà Quyên trong phạm vi nêu trên cũng là ý kiến của chúng tôi. Chúng tôi cam đoan không khiếu nại về sau.

Thời hạn ủy quyền: Từ ngày lập giấy ủy quyền này cho đến khi vụ việc có kết quả giải quyết cuối cùng”.

Tiếp đến, ngày 30/7/2013, ông Nguyễn Văn Đ nhờ Luật sư Đinh Thế Th thuộc Đoàn Luật sư tỉnh N, tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người bảo vệ quyền lợi của đương sự và được Tòa án nhân dân (TAND) huyện G, nơi đang thụ lý vụ án chấp nhận. Ngày 15/8/2013 TAND huyện G đưa vụ án ra xét xử, nhưng tại phiên Tòa sơ thẩm cả bà Quyên và ông luật sư Th đều vắng mặt. Sau khi xét xử sơ thẩm, do không đồng ý với quyết định của bản án về phần hình sự (mức án tuyên phạt đối với bị cáo là nhẹ), phần dân sự có liên quan (khoản bồi thường thiệt hại về bù đắp tổn thất về tinh thần chưa thỏa đáng) và cho rằng việc xét xử của Tòa án là thiếu khách quan, nên ngày 20/8/2013 ông Nguyễn Văn Đ có đơn kháng cáo gửi đến TAND huyện G với nội dung kháng cáo toàn bộ bản án mà TAND huyện G đã xét xử, qua xem xét Tòa án cấp sơ thẩm làm thủ tục tiếp nhận đơn kháng cáo của ông Đ theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Xoay quanh việc Tòa án cấp sơ thẩm làm thủ tục tiếp nhận đơn kháng cáo toàn bộ bản án do ông Nguyễn Văn Đ – Đại diện hợp pháp của người bị hại Nguyễn Thị V đứng đơn gửi đến TAND huyện G, là có đúng với quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành không? Xoay quanh các khía cạnh pháp lý này, hiện có các quan điểm trái chiều nhau, cụ thể như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Việc Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành làm thủ tục tiếp nhận đơn kháng cáo do ông Đ đứng đơn là đúng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và việc ghi nhận nội dung đơn ông Đ kháng cáo toàn bộ bản án trong thông báo kháng cáo của TAND huyện G là phù hợp, không có gì trái pháp luật tố tụng.

Quan điểm thứ hai:Căn cứ vào phạm vi ủy quyền và thời hạn ủy quyền thể hiện trong giấy ủy quyền mà vợ chồng ông Nguyễn Văn Đ. và bà Cao Thị H. xác lập vào ngày 24/4/2013 có sự chứng kiến của Chủ tịch UBND xã B vẫn còn hiệu lực, thì chủ thể duy nhất có quyền kháng cáo lên TAND tỉnh H để xét xử theo trình tự phúc thẩm, chỉ có thể là bà Đỗ Lệ Quyên; phạm vi kháng cáo chỉ có thể là phần hình sự và dân sự có liên quan đến quyền và lợi ích cháu Nguyễn Thị V chứ không thể là kháng cáo toàn bộ bản án, như TAND huyện G đã chấp nhận. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, vì phạm vi ủy quyền thể hiện trong văn bản ủy quyền có viết rõ: Bà Đỗ Lệ Quyên được toàn quyền đại diện cho vợ chồng ông Đ và bà H. tham gia tố tụng trong vụ án, tại Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh N và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác để tham gia giải quyến phần hình sự và dân sự trong vụ việc nêu trên. Bà Quyên được toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của chúng tôi trong vụ việc nêu trên. Nên ông Đ không được tự mình thực hiện quyền kháng cáo khi chưa có sự đồng ý của bà Quyên, bởi lẽ ông Đ và bà Hđã giao quyền này cho bà Quyên một cách tự nguyện, đúng pháp luật và công khai trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND xã và giấy ủy quyền đó vẫn còn nguyên giá trị (về đối tượng, phạm vi, nội dung, thời gian). Do vậy, nếu ông Đ muốn thay đổi sự ủy quyền thì cũng phải làm một thủ tục chấm dứt sự ủy quyền, tương tự như lúc làm giấy ủy quyền mới là phù hợp. Hơn nữa bản án của TAND huyện G xét xử vụ án này, có những nội dung không liên quan gì đến quyền và lợi ích hợp pháp của phía gia đình cháu V (ví dụ, các khoản bồi thường thiệt hại cho cháu Th, …) nên việc TAND huyện G ra thông báo kháng cáo theo hướng ghi nhận kháng cáo toàn bộ bản án như trình bày của ông Đ là tùy tiện và vi phạm tố tụng.

Quan điểm thứ ba: Đồng tình với quan điểm thứ hai nhưng có đặt thêm điều kiện để được coi là “hợp lệ” khi bà Đỗ Lệ Quyên thực hiện quyền kháng cáo, đó là vợ chồng ông Đ phải làm giấy ủy quyền cho bà Quyên đứng đơn kháng cáo. Để bảo vệ cho quan điểm này, họ lý giải:

Một là, thực tế nội dung ủy quyền mà vợ chồng ông Đ xác lập có sự chứng kiến của Chủ tịch UBND xã B, không có nội dung nào thể hiện bà Quyên được thay mặt vợ chồng ông Đ kháng cáo bản án, nên để bà Quyên thay vợ chồng ông Đ thực hiện quyền này, dứt khoát phải có giấy ủy quyền, mà theo đó vợ chồng ông Đ đồng ý ủy quyền cho bà Quyên đứng đơn kháng cáo, đương nhiên giấy ủy quyền này phải có công chứng, chứng thực;

Hai là,Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành không có điều luật cụ thể nào quy định về người đại diện theo ủy quyền, nên trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, Tòa án thường vận dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự có liên quan để linh hoạt giải quyết, nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của đương sự khi tham gia tố tụng trong từng vụ án hình sự cụ thể[1]. Và Bộ luật này cũng có quy định: “Người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự theo nội dung văn bản uỷ quyền”[2].

Từ quy định trên, để bảo đảm tính thống nhất trong nhận thức và áp dụng nội dung quy định về ủy quyền, ngày 04/8/2006 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có ban hành Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP,hướng dẫn thi hành một số quy định tại phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự, theo đó: “Việc uỷ quyền tại các tiểu mục 1.4, 1.5 và 1.6 mục 1 phần I của Nghị quyết này phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản uỷ quyền đó được lập tại Toà án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc cán bộ Toà án được Chánh án Toà án phân công. Trong văn bản uỷ quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo uỷ quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm[3].

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất, vì:

Thứ nhất,theo quy định tại Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự thì những người có quyền kháng cáo, bao gồm: Bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm; người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất; nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; người bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ; người được Toà án tuyên bố là không có tội có quyền kháng cáo phần lý do bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không có tội.

Nếu chỉ căn cứ vào quy định trên, chủ thể có quyền kháng cáo trong vụ án này, bao gồm: Đại diện hợp pháp của người bị hại Nguyễn Thị V là ông Nguyễn Văn Đ; bà Đỗ Lệ Quyên – Người được vợ chồng ông Đ và bà H ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người đại diện theo ủy quyền; Luật sư Đinh Thế Th – Người bảo vệ quyền lợi cho đương sự theo đề nghị của phía gia đình ông Đ. Nhưng đối chiếu với hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm”của Bộ luật Tố tụng hình sự, có hướng dẫn áp dụng Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định: Chủ thể có quyền kháng cáo và giới hạn của việc kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm được xác định như sau: “Người bị hại, người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của người bị hại trong trường hợp người bị hại chết hoặc trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo hoặc theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Trong trường hợp người bị hại chỉ kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, thì họ có thể uỷ quyền cho người khác. Người được uỷ quyền có các quyền và nghĩa vụ như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự”[4].

Từ quy định này có thể khẳng định rằng: Bà Đỗ Lệ Quyên không thể đứng đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện G xét xử vụ án này, theo hướng có lợi hoặc làm xấu hơn tình trạng của bị cáo, mà bà Quyên chỉ có thể đứng đơn kháng cáo trong trường hợp khi cháu Nguyễn Thị V còn sống và chỉ được kháng cáo trong giới hạn phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. Nghĩa là, bà Quyên không được kháng cáo toàn bộ bản án, và khi đó bà Quyên (người được ủy quyền) có các quyền và nghĩa vụ như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự.

Do vậy, theo chúng tôi, quyền kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện G xét xử đối với bị cáo Trần Tuấn A về “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm a khoản 2 Điều 202 BLHS, chỉ có thể là ông Nguyễn Văn Đ (Đại diện hợp pháp của người bị hại Nguyễn Thị V đã chết), mà không thể là một ai khác.

Thứ hai, dù trên thực tế vợ chồng ông Đ đã ủy quyền cho bà Quyên thay mình tham gia tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện G và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác để tham gia giải quyết phần hình sự và dân sự trong vụ án nêu trên;… điều đó không có nghĩa là vợ chồng ông Đ đã mất đi quyền năng pháp lý có tính xuyên suốt trong các giai đoạn tố tụng mà pháp luật tố tụng hình sự dành cho họ. Thực tiễn xét xử, tại phiên tòa thường gặp nhiều tình huống mà bên ủy quyền đưa ra ý kiến trái ngược với phạm vi ủy quyền mà bên nhận ủy quyền đã thực hiện, với những trường hợp như vậy vẫn được Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận, chẳng hạn: Giả sử theo thỏa thuận ban đầu giữa vợ chồng ông Đ với bà Quyên, mà theo đó, sau khi tranh luận với Kiểm sát viên, bà Quyên đề nghị HĐXX tuyên phạt đối với bị cáo A, thấp nhất là 04 năm tù giam, đồng thời đề nghị buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho cháu V, số tiền tương ứng 100 triệu đồng. Như tại phiên tòa, ông Đ vẫn có quyền đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng án treo và mức bồi thường thiệt hại ít hơn hoặc nhiều hơn số tiền mà trước đó ông Đ và bà Quyên đã thống nhất, mà không cần phải hỏi ý kiến của bà Quyên. Ngay cả trường hợp, theo nội dung ủy quyền bà Quyên sẽ là người tham gia tranh luận với các bên tại phiên tòa, nhưng có thể vì lý do nào đó tại phiên tòa, ông Đ thay bà Quyên làm việc này, mà cũng không cần phải có sự đồng ý của bà Quyên, ông Đ mới được làm.

Thứ ba, về thời hạn thực hiện công việc được ủy quyền, theo như Giấy ủy quyền được các bên xác lập ngày 24/4/2013 thể hiện toàn bộ nội dung ủy quyền có hiệu lực từ ngày lập giấy ủy quyền cho đến khi vụ án có kết quả giải quyết cuối cùng. Điều này có nghĩa là người nhận ủy quyền không chỉ thực hiện công việc được ủy quyền ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm mà ngay cả khi bản án, quyết định có thể được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và cả khâu thi hành án sau này (nếu có). Giả sử theo thỏa thuận thì bà Quyên sẽ là người đứng đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, nếu như những đề nghị của phía họ không được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận đầy đủ, nhưng thực tế do bà Quyên và cả luật sự Th không có mặt để tham gia tố tụng tại phiên Tòa hình sự sơ thẩm vào ngày 15/8/2013, thì việc ông Đ tự mình nộp đơn kháng cáo để bảo vệ quyền lợi ích của con mình là điều cũng dễ hiểu, vì suy cho cùng việc quyết định có kháng cáo hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào ý chí của vợ chồng ông Đ, nghĩa là không chịu bất kỳ sự ràng buộc nào. Do vậy, không thể cho rằng vì vợ chồng ông Đ đã đồng ý bằng văn bản ủy quyền cho bà Đỗ Lê Quyên thay mình tham gia tố tụng trong vụ án cho đến khi có kết quả cuối cùng thì đồng nghĩa với việc quyền kháng cáo của họ bị triệt tiêu.

Lê Văn Sua

Tòa án quân sự khu vực 1 – Quân khu 9



[1]Điều 73, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).

[2]Khoản 2, Điều 74, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).

[3]Tiểu mục 1.8, mục 1, phần I,Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04/8/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự .

[4]Tiểu mục 1.3, mục 1, phần 1 Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm”của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tham khảo thêm:

1900.0191