Mục đích, ý nghĩa của hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phân tích các qui định về thời hạn sử dụng đất.

Mục đích, ý nghĩa của hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đồng thời phân tích các qui định của pháp luật về thời hạn sử dụng đất.

Quản lí của Nhà nước về đất đai là một trong những cách thức thực hiện chức đăng đại diện sở hữu toàn dân về đất đai. Để thực hiện quản lí có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển quỹ đất có hạn cũng như phát triển kinh tế thì Nhà nước đặt ra các quyền và và nghĩa vụ của người sử dụng đất và được đảm bảo thông qua chứng thư pháp lí – Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cũng như việc quy định về thời hạn sử dụng đất. Trong bài viết này sẽ tập trung trình bày mục đích, ý nghĩa của hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đồng thời phân tích các qui định của pháp luật về thời hạn sử dụng đất.

1. Các vấn đề về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

1.1. Mục đích, ý nghĩa của hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất

Mục đích của hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (trong phạm vi bài viết gọi chung là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là một trong những nội dung chính và quan trọng cơ bản của Luật Đất đai năm 2013, thể hiện sự quản lý của Nhà nước về đất đai cũng như thể hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Mục đích của hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với Nhà nước bao gồm:

Thứ nhất, hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cơ sở để Nhà nước thực hiện chức năng quản lí đối với đất đai. Bởi lẽ, để thực cấp giấy chứng nhận cho một hộ gia đình hay một cá nhân thì Nhà nước phải tiến hành điều tra thông tin về đất đai đối với thửa đất được yêu cầu cấp giấy chứng nhận như ở đâu, sử dụng từ khi nào, sử dụng vào mục đích gì, có tranh chấp hay không, đã nộp tiền sử dụng đất chưa.

Chính vì hoạt động kiểm tra thông tin về đất đai đã giúp Nhà nước “xây dựng, điều chỉnh chính sách đất đai cũng như thực hiện nội dung quản lí Nhà nước về đất đai.”1 Nhà nước hướng đến tất cả những người sử dụng đất phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp lệ để quản lí về đất đai. Chính điều đã đã giúp cơ quan quản lí nắm bắt được thông tin về đất đai một cách cụ thể trong từng địa phương và toàn quốc. Từ đó có những điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng qui hoạch và sử dụng đất đai có hiệu quả.

Đồng thời, công tác xây dựng qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất định kì của cơ quan quản lí Nhà nước về đất đai rất tốn kém. Như đã trình bày ở trên, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đòi hỏi phải có đầy đủ thông tin về thửa đất định cấp. Vì vậy, oạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã góp phần giảm áp lực đối với cơ quan điều tra cũng như góp phần tiết kiệm thời gian, giảm một phần chi phí thực hiện, giảm gánh nặng lên ngân sách Nhà nước. Minh bạch thông tin về đất đai là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trong góp phần giải quyết khó khăn trong giải phóng mặt bằng hay bồi thường khi tiến hành thu hồi đất đai, hỗ trợ tái định cư. Nếu thông tin về đất đai không rõ ràng thì có thể dẫn đến hậu quả là dự án bị đình trệ do công tác giải phóng mặt bằng bị bế tắt.

Thứ hai, hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong những nguồn thu ngân sách quan trọng của Nhà nước. Để được cấp giấy chứng nhận thì đòi hỏi người sử dụng đất phải hoàn thành các nghĩa vụ tài chính của mình thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới thực hiện thủ tục. Những người sử dụng đất có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và mong muốn được cấp là một con số rất lớn, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuế về đất đai cũng như các chi phí khác. Nguồn thu sẽ là cơ sở để cơ quan quản lí thực hiện các hoạt động khác trong quản lí đất đai.

Thứ ba, hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất là cơ sở để Nhà nước theo dõi, kiểm soát và minh bạch hoá thị trường đất đai. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sốt đất, loạn giá đất ở một số địa phương trong cả nước thời gian qua là do thiếu sự minh bạch về đất đai, sự thổi giá của các môi giới bất động sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản cũng như gây bất ổn trong đời sống nhân dân của địa phương đó. Khi các nhà đầu tư thực hiện giao dịch bất động sản thì phải tiến hành chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tiến hành đăng kí tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, nhà nước sẽ theo dõi được tình hình giao dịch đất đai tại các địa phương từ đó có các chính sách pháp luật phù hợp để ổn định thị trường đất đai.

Mục đích của hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với người sử dụng đất bao gồm:

Đầu tiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đảm bảo pháp lý để người sử dụng đất yên tâm khai thác, đầu tư lâu dài trên đất. Đất đai ở nước ta thuộc sơ hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu song trên thực tế Nhà nước không trực tiếp chiếm hữu, sử dụng đát mà giao đất, chi thuê đất cho tổ chức, gia đình, hộ cá nhân,… sử dụng ổn định lâu dài. “Để giải phóng mọi năng lực sản xuất của người lao động và làm cho người sử dụng đất yên tâm, gắn bó lâu dài với đất đai thì Nhà nước phải có cơ chế pháp lý để bảo hộ quyền sử dụng đất của người sử dụng đất thông quan hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.”2

Tiếp theo, là cơ sở pháp lí để người sử dụng đất thực hiện các quyền của mình. Đảm bảo người sử dụng đất có các quyền chung qui định tại Điều 166 Luật Đất đai năm 2013, quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất tại Điều 167 Luật Đất đai năm 2013. Như vậy, chỉ có người có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới có đầy đủ các điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện giao dịch về đất đai, tránh được những rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng đất.

Thêm vào đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cơ sở để người sử dụng đất được bồi thường theo qui định tại khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 và là cơ sở để khi có tranh chấp về quyền sử dụng đất. Việc sử dụng đất và không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ không được nhà nước bồi thường khi thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà chỉ được xem xét hỗ trợ. Các khoản hỗ trợ thường sẽ không cao vì vậy sẽ bất lợi đối với bị thu hồi đất mà không được bồi thường, gây ra những khó khăn trong cuộc sống.

Cuối cùng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cơ sở để người sử dụng đất tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tranh chấp trong lĩnh vực đất đai hết sức phức tạp và phổ biến ở Việt Nam. Theo pháp luật Việt Nam thì có nhiều cách để giải quyết tranh chấp như hoà giải, khiếu nại, tố cáo, hay khiếu kiện tại toà án. Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà lựa chọn phương pháp thích hợp. Tuy nhiên để đảm bảo thực thi công lí, đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành các biện pháp bảo vệ quyền thì người sử dụng đất cần có cơ sở quan trọng nhất để chứng minh là giấy chứng nhân quyền sử dụng đất.

Ý nghĩa của hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Thứ nhất, việc cơ quan có thẩm quyền trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thể hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn về đất đai của Nhà nước. Theo qui đinh tại Hiến pháp 2013 và Điều 4 Luật Đất đai năm 2013: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lí.”3 Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất một cách hợp pháp tức là thể hiện chủ trương quản lí của Nhà nước về đất đai. Chủ trương quản lí phải tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người.

Thứ hai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lí xác nhận mối quan hệ giữa Nhà nước và người sử dụng đất. Đất đai chịu sự quản lí chặt chẽ của Nhà nước, khi người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tức là đã được thừa nhận, “được hưởng mọi quyền hợp pháp về đất đai và được Nhà nước bảo hộ khi quyền của họ bị xâm phậm.”4 Một khi mối quan hệ đã được xác lập thì khi xảy ra bất cứ sự kiện pháp lí nào liên quan đến mối quan hệ này thì người sử dụng đất hợp pháp, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được cơ quan Nhà nước giải quyết, đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ngược lại thì người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng phải có nghĩa vụ đối với cơ quan quản lí, hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo qui định.

Cuối cùng, góp phần phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Một thủ tục pháp lí hoàn thiện góp phần minh bạch thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó hạn chế được những người có lòng tham lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chiếm quyền sử dụng đất. Thông tin được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện được nguồn gốc mảnh đất, thông tin người sử dụng đất. Chính những thông tin ấy sẽ tạo điều kiện thuân lợi trong công tác điều tra, chống tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

1.2. Tại sao ở Việt nam có các loại giấy tờ như: (i) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; (ii) Giấy chứng nhân quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở;

(iii) Giấy chứng nhận quyền sủ dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất?

Có thể thấy rằng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đều là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Về bản chất thì giống nhau nhưng lại có tên gọi riêng trong mỗi giai đoạn. Xuất phát từ sự thay đổi để thống nhất công tác quản lí về đất đai được qui định tại Nghị định 88/2009/NĐ-CP về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất ngày 19/10/2009.

Trước ngày 10/12/2009, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dùng để chứng nhận quyền sử dụng đất ở nông thôn, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản, làm muối. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền đất ở được cấp cho người sử dụng đất ở đô thị, căn hộ chung cư.

Từ ngày 10/12/2009 đến nay, hai loại giấy chứng nhận cũ như trên được thống nhất thành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, người sử dụng đất vẫn có thể yêu cầu cơ quan thẩm quyền cấp hai loại giấy tờ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất nếu đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, các giấy chứng nhận trên được cấp trước 10/12/2009 vẫn còn hiệu lực, có giá trị pháp lí và không bắt buộc phải đổi.

2. Các vấn đề về thời hạn sử dụng đất

2.1. Phân tích các qui định của pháp luật về thời hạn sử dụng đất

Thời hạn sử dụng đất là một trong những cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất hợp pháp. Theo qui định tại điều 126, 127 của Luật Đất đai năm 2013, thời hạn sử dụng đất được chia thành đất sử dụng ổn định lâu dài và đất sử dụng có thời hạn.

Đất sử dụng ổn định lâu dài bao gồm: (i) Đất ở hộ gia đình, cá nhân sử dụng; (ii) Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất để bảo tồn bản sắc dân tộc gắn với phong tục, tập quán của các dân tộc; (iii) Đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là tự nhiên; (iv) Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định mà không phải là đất được Nhà nước giao có thời hạn, cho thuê; (v) Đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, trụ sở tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính; (vi) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; (vii) Đất cơ sở tôn giáo; (viii) Đất tín ngưỡng; (ix) Đất giao thông, thuỷ lợi, đất có di tích lích sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh, đất xây dựng các công trình công cộng khác không có mục đích kinh doanh; (x) Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa; (xi) Đất tổ chức kinh tế chuyển mục đích sử dụng đất từ đất phi nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài sang đất phi nông nghiệp có

thời hạn sử dụng hoặc từ đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn sang đất phi nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài; (xii) Người nhận chuyển nhượng đất đối với loại đất được sử dụng ổn định lâu dài.

Đất sử dụng có thời hạn bao gồm đất sử dụng có thời hạn không quá 50 năm và có thể gia hạn thêm hoặc kéo dài thời gian sử dụng đất: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất trông cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối, đất trông cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng; Đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân thuê; Đất cho thuê, giao đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam. Đất cho thuê để xây dựng trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao không quá 99 năm. Đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn là không quá 05 năm. Đất xây dựng công trình sự nghiệp của tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính quy định tại khoản 2 Điều 147 của Luật này và các công trình công cộng có mục đích kinh doanh là không quá 70 năm.

Có thể thấy rằng đất sử dụng ổn định lâu dài thường có đặc điểm là không phải đất do nhà nước cho thuê hoặc công nhận hoặc đất sử dụng vào mục đích công cộng không phục vụ mục đích kinh doanh, đất xây dựng cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính và đất sử dụng mục đích quốc phòng an ninh. Quan điểm như vậy là phù hợp vì lợi ích công cộng luôn được đặt lên hàng đầu, coi trọng những giá trị chung của cộng đồng cũng như đảm bảo được các truyền thống văn hoá quí báu của dân tộc, truyền thống gia đình dân tộc Việt Nam.

Còn đối với đất sử dụng có thời hạn thì thường là đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê đối với hộ gia đình cá nhân để trực tiếp sản xuất, đối với tổ chức sử dụng vào mục đích kinh doanh sinh lời. Điều này là dễ hiểu, bởi vì hoạt động sản xuất kinh doanh đem lại lợi nhuận nên buộc người sử dụng đất có nguồn gốc như trên không được sử dụng ổn định lâu dài, gây thâm hụt ngân sách Nhà nước vì tiền sử dụng đất là một trong những khoản thu ngân sách rất lớn.

Chính sách gia hạn thêm thời gian sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ chức nếu có nhu cầu đã tạo thuận lợi hơn cho họ vì đôi khi sự lựa chọn gia hạn thêm sẽ đem lại

lợi ích rất lớn bởi không phải bỏ ra chi phí đầu tư ban đầu, có thể gia hạn thêm thời gian để thực hiện dự án, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, thời hạn sử dụng đất là 70 đối với một số trường hợp như đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn đã giúp những nơi đó thu hút những nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh.

Ngoài ra, Nhà nước còn đảm bảo quyền và lợi ích của người sử dụng đất trong trường hợp chuyển nhượng đất đai hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đối với trường hợp chuyển nhượng dất sử dụng ổn định lâu dài hay đất có thời hạn sử dụng thì khi chuyển nhượng sẽ đất vẫn giữ nguyên đặc điểm như vậy, thời hạn sử dụng. Còn đất có thời hạn sử dụng xác định bằng mục đích sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cả hai trường hợp sau chuyển đổi hoặc chuyển nhượng thì thời hạn đối với đất sử dụng có thời hạn được tính từ khi có quyết định giao đất, cho thuê đất.

2.2. Sự thay đổi về thời hạn so với Luật Đất đai năm 2003

Sự thay đổi đầu tiên là đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên vào danh mục đất sử dụng ổn định lâu dài. Sự thay đổi này dù nhỏ nhưng cần thiết. Thông thường chu kì khai thác, sản xuất của rừng tự nhiên là lâu dài, từ việc phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên đối với rừng cần được phục hồi ( thời gian tác động ban đầu từ 06 năm đến 08 năm) rồi mới đến khai thác, sản xuất . sự thay đổi trên là phù hợp với bản chất của rừng sản xuất là rừng tự nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích của người sở hữu đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Sự thay đổi tiếp theo là tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thì thời hạn sử dụng đất thuê là 70 năm.

Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài là việc các cơ quan công lập “tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các qui định về danh mục sự nghiệp công; giá, phí và lộ trình tính giá dich vụ sự nghiệp công; phân loại mức độ tự chủ tài chính; tự chủ sử dụng dụng nguồn tài chính; tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết; quản lí, sử dụng tài sản công công và các qui định khác có liên quan.”5 Hay nói một cách ngắn gọn thì tự chủ tài chính là tự chịu trách nhiệm, tự chi, tự thu và dần trở nên phổ biến hơn. Chính vì vậy, để phù hợp hơn với xu hướng, thích hợp hơn với cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì việc sử dụng đất của các đơn vị này danh mục sử dụng có thời hạn là hợp lí với cơ chế tự chủ tài chính.

So với quy định của Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 có quy định điều chỉnh thời hạn giao đất trong hạn mức sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp, được điều chỉnh tăng 1.5 lần so với năm 20013. Cụ thể tại khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai năm 2003 qui định: Thời hạn giao đất, cho thuê đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủ sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá hai mươi năm.6

Trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam hiện nay, nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản vẫn chiếm một vị trí quan trọng. Chình vì vậy, người lao động trong ngành này cần có sự ủng hộ và hạn chế thấp nhất những tác động từ bên ngoài như thời hạn sử dụng đất. Tăng thời gian sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trông thuỷ sản, đất làm muối lên ngang bằng với thời hạn sử dụng đất cho mục đích khác trong nông nghiệp để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất đai và yên tâm đầu tư sản xuất.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là cơ sở pháp lí vững chắc nhất, là chứng thư pháp lí để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cũng như nghĩa vụ của người sử dụng đất. Và chứng thư pháp lí hợp pháp ấy phải tồn tại song song với thời hạn sử dụng đất để chắc chắc chắn rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất có giá trị pháp lý. Chỉ cần qua hai vấn đề trên có thể thấy sự phức tạp của ngành luật đất đai, chính vì vậy, chúng ta cần hiểu đúng, áp dụng đúng trong từng trường hợp cụ thể để tránh những tranh chấp không đáng có.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Đất đai năm 2003
  2. Luật Đất đai năm 2013
  3. Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 Qui định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
  4. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Đất đai, Nxb Công An Nhân dân
  5. Đinh Kim Hạnh, Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân từ thực tiễn thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn : luận văn thạc sĩ Luật học
  6. Phạm Phương Hoa, Pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng : luận văn thạc sĩ Luật học
1900.0191