Nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự cần gắn với nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức của cán bộ thi hành án

Nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự cần gắn với nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức của cán bộ thi hành án

23/01/2015

Thi hành án dân sự là hoạt động đưa bản án, quyết định có hiệu lực thi hành ra thực hiện trong thực tế, nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đây là hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong đời sống xã hội. Giáo sư James F Harrigan, chuyên gia tư vấn pháp lý cho cơ quan thi hành án San Francisco, California, Hoa Kỳ cho rằng: “Việc thi hành các bản án của quốc gia là yếu tố quan trọng nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Tất cả các hệ thống pháp luật đều dựa vào các Tòa án để giải thích pháp luật bằng cách áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp liên quan đến cá nhân, tổ chức và nhà nước. Việc thực hiện các quyết định đã xem xét của Tòa án đạt được bằng nỗ lực pháp luật và sự tham gia của các bên tranh chấp chỉ được công nhận trong việc thi hành các bản án của Tòa án được đưa ra để giải quyết các tranh chấp. Việc thi hành đó, tiếp theo quá trình, là một phần không kém quan trọng. Nếu bản án không được thi hành, có nghĩa pháp luật mà bản án căn cứ vào không có ý nghĩa trên thực tế. Vì lý do đó, có một khái niệm riêng giữa hệ thống luật chung và luật dân sự khác là bản án phải được coi là chung thẩm, có giá trị ràng buộc, và có thể thi hành ngay sau khi ban hành, và việc thi hành án là quyền ưu tiên cao nhất của một hệ thống pháp luật”[1].

Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự được Nhà nước trao quyền để đưa các bản án, quyết định có hiệu lực thi hành của Tòa án; Trọng tài thương mại; Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh ra thực hiện trong thực tế, do vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự không thể không chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả công tác của chấp hành viên. Trong những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước, các cơ quan thi hành án dân sự đã có những quan tâm đáng kể để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cũng như bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho chấp hành viên, tuy nhiên, tình trạng nhiều cơ quan thi hành án còn thiếu cán bộ để đảm nhận nhiệm vụ, nhiều chấp hành viên chưa đủ trình độ chuyên môn để thực hiện tốt công việc, tình trạng một số chấp hành viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn còn xảy ra, điều này ảnh hưởng xấu đến hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự, tạo dư luận không tốt trong xã hội đối với cơ quan thi hành án dân sự. Bài viết này tác giả muốn bàn luận một số vấn đề về căn nguyên dẫn đến tình trạng đội ngũ chấp hành viên hiện nay vừa thiếu, một số vẫn còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ như trong các báo cáo của Bộ Tư pháp đề cập.

1. Đội ngũ chấp hành viên và kết quả thực hiện công việc[2]

1.1. Đội ngũ chấp hành viên

Năm 1995 toàn Ngành Thi hành án dân sự có 1.480 chấp hành viên, chấp hành viên trưởng, đến hết năm 2002, các cơ quan thi hành án dân sự trong toàn quốc có 1.920 chấp hành viên với 306 chấp hành viên cấp tỉnh, 1.614 chấp viên cấp huyện và 2.437 cán bộ nghiệp vụ. Năm 2008, cả nước có 2.801 chấp hành viên (gồm 387 chấp hành viên cấp tỉnh và 2.414 chấp hành viên cấp huyện), khoảng trên 90% có trình độ cử nhân Luật. Đến hết năm 2012, cả nước hiện có 3.699 chấp hành viên, trong đó có trên 600 trường hợp được bổ nhiệm thông qua thi tuyển theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Riêng năm 2012, Học viện Tư pháp đã mở lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chấp hành viên cho trên 300 học viên; Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo thực hiện 14 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý nhà nước cho công chức thi hành án dân sự; triển khai tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ chấp hành viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp đối với 1.380 trường hợp; bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ thư ký thi hành án đối với 100 trường hợp; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên đối với 200 trường hợp và chương trình cao cấp lý luận chính trị đối với 135 trường hợp. Gần như 100% chấp hành viên đều đã có bằng cử nhân luật. 100 % số cán bộ tham gia thi tuyển, bổ nhiệm chấp hành viên theo quy định mới của Luật Thi hành án dân sự đều phải có trình độ cử nhân luật và hầu hết đều phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chấp hành viên (chỉ trừ những trường hợp do yêu cầu tổ chức được điều động đến làm thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự được miễn tiêu chuẩn bồi dưỡng nghiệp vụ chấp hành viên).

1.2. Tình hình vi phạm pháp luật

Trong bốn năm (2010 – 2013) các cơ quan có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật 213 cán bộ thi hành án, trong đó, khiển trách 92 trường hợp; cảnh cáo 58 trường hợp; hạ bậc lương 06 trường hợp; giáng chức 03 trường hợp; cách chức 13 trường hợp; buộc thôi việc 16 trường hợp; hạ bậc lương 03 trường hợp; tạm đình chỉ công tác 24 trường hợp, do bị khởi tố hình sự. Năm 2014, có 98 trường hợp cán bộ vi phạm kỷ luật, trong đó có 10 trường hợp bị xử lý hình sự.

1.3. Kết quả thi hành án

Từ năm 1993 đến tháng 6/2014 có thể nhận thấy đội ngũ chấp hành viên ngày càng được nâng lên cả về số lượng lẫn chất lượng, phần nào đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Kết quả thi hành án dân sự ngày càng được nâng cao, năm sau cao hơn năm trước, điều này chứng tỏ phần nào về hiệu quả, năng lực công tác của chấp hành viên, tuy nhiên tình trạng việc thi hành án còn tồn đọng, chuyển sang năm sau vẫn còn cao. Tình trạng vi phạm pháp luật trong đội ngũ chấp hành viên vẫn còn xảy ra.

2. Nguyên nhân tồn tại

Những vấn đề còn tồn tại trong thi hành án dân sự xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như do số việc yêu cầu thi hành án hàng năm tăng lên đáng kể, số lượng việc thi hành án năm trước chuyển sang năm sau, khủng hoảng kinh tế, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao của người phải thi hành án… Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chủ yếu chính là khâu cán bộ, đặc biệt là từ bộ phận chấp hành viên.

Một là,trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhiều chấp hành viên chưa đáp ứng được đòi hỏi đặt ra trong thực tiễn

Một chấp hành viên, để thực hiện tốt công việc của mình, cần có rất nhiều yếu tố: (i) Nắm vững pháp luật chuyên ngành về thi hành án dân sự. Một thực trạng hiện nay ở Việt Nam, nguồn tuyển cán bộ ở các cơ quan thi hành án dân sự chủ yếu là các cử nhân luật hệ chính qui ở các cơ sở đào tạo luật trong nước, tuy nhiên, phần lớn các cơ sở đào tạo luật hiện nay lại không trang bị kiến thức về pháp luật thi hành án cho sinh viên[3]. Do vậy, ngay từ đầu vào tuyển dụng cán bộ thi hành án dân sự, phần lớn các cán bộ này chưa có kiến thức nền tảng về thi hành án dân sự. (ii) Thi hành một việc thi hành án dân sự, chấp hành viên ngoài nắm vững chuyên môn về Luật Thi hành án dân sự, cần thiết phải nắm vững kiến thức các ngành luật liên quan. Có thể nói, chấp hành viên cần phải có kiến thức của gần như tất cả các ngành luật hiện nay của Việt Nam. Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng cũng như ý thức tự tìm tòi, học hỏi là yêu cầu cần thiết phải được thực hiện thường xuyên; (iii) Ngoài kiến thức pháp luật, kiến thức về kinh tế, khoa học, xã hội cũng phải được trang bị cho các chấp hành viên, bởi lẽ, hoạt động thi hành án dân sự liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, để làm tốt công việc, chấp hành viên không thể thiếu những kiến thức nền tảng về những vấn đề này. Chẳng hạn, để kê biên xử lý vốn góp, kê biên, xử lý máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, không thể thiếu kiến thức về thương mại, về kỹ thuật… (iv) Kỹ năng về giao tiếp, ứng xử cũng đóng vai trò quan trọng để chấp hành viên hoàn thành tốt công việc của mình hay không. Hoạt động nghề nghiệp của chấp hành viên cần sự phối hợp với nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức, thường liên quan đến nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, vì vậy kỷ năng giao tiếp, ứng xử trong công việc rất quan trọng. Tóm lại, để trở thành một chấp hành viên giỏi, hoàn thành tốt, xuất sắc công việc của mình, tự bản thân mỗi chấp hành viên phải nỗ lực học tập, rèn luyện để trang bị kỷ năng cũng như kiến thức cho mình, đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần phải chú trọng đến khâu đào tạo, bồi dưỡng cho chấp hành viên. Hiện nay, Học viện Tư pháp vẫn thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thi hành án, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đối với công tác thi hành án dân sự.

Hai là, thi hành án dân sự là nghề vất vả, nguy hiểm, nhưng chế độ tuyển dụng, đãi ngộ chưa tương xứng, do đó, tình trạng thiếu chấp hành viên, chấp hành viên phải thi hành quá nhiều việc trong một năm vẫn xảy ra

Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như chất lượng công việc đối với các chấp hành viên[4]. Hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động đặc thù. Tính đặc thù thể hiện ở chổ: Đây là hoạt động để bảo vệ quyền lợi cho chủ thể này, nhưng lại dễ xâm phạm quyền lợi cho chủ thể khác, là hoạt động thường ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều chủ thể khác nhau, do đó, việc chống đối, tranh chấp, khiếu nại là không tránh khỏi, điều này phần nào tạo áp lực rất lớn đến chấp hành viên khi thực hiện công việc. Cho nên, cơ chế bảo vệ cũng như cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho chấp hành viên trong một số trường hợp cần được đặt ra.

Ba là, ý thức chấp hành pháp luật ở một số chấp hành viên chưa cao

Tình trạng chấp hành viên cố tình vi phạm pháp luật, như chậm ra quyết định, ra quyết định trái pháp luật, sách nhiễu… vẫn còn. Điều này cũng góp phần không nhỏ làm giảm hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự.

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động đối với chấp hành viên

Thứ nhất, về công tác đào tạo cán bộ

– Các cơ sở đào tạo luật cần bổ sung môn học Luật Thi hành án dân sự vào trong chương trình đào tạo cử nhân luật của mình. Một thực tế là do áp lực của chương tình khung trong đào tạo, áp lực của việc giảm thời gian đào tạo cử nhân luật, do vậy, nhiều cơ sở đào tạo không xây dựng môn học này là môn học bắt buộc đối với sinh viên của toàn trường. Tuy nhiên, thi hành án là khâu quan trọng trong đời sống xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới. Việc đưa bản án, quyết định có hiệu lực thi hành ra thi hành có thể xem là “nghĩa vụ của mỗi quốc gia”. Để thi hành án có hiệu quả trên thực tế, không thể thiếu được yếu tố con người, đặc biệt là đội ngũ chấp hành viên, vì vậy, cần chú trọng đào tạo kiến thức về Luật Thi hành án cho sinh viên;

– Cần tăng cường, mở rộng hơn nữa đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở Học viện Tư pháp. Đặc biệt cần xây dựng và dành nhiều thời gian cho môn học về kỷ năng giao tiếp, ứng xử trong hoạt động thi hành án;

– Cơ quan quản lý cần thường xuyên họp rút kinh nghiệm trong hoạt động thi hành án, chú trọng đến việc rèn luyện về mặt đạo đức cho cán bộ mình, kịp thời khen thưởng những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kịp thời xử lý những cán bộ vi phạm. Với những cán bộ có nhiều đơn, thư khiếu nại, cần chuyển sang bộ phận khác;

– Cần có cơ chế để tuyển dụng, giữ nhân tài cho các cơ quan thi hành án, đặc biệt là chú trọng đến chế độ đãi ngộ để thu hút người tài vào làm việc và đảm bảo cho họ yên tâm trong công tác để cống hiến trí lực, tài lực cho cơ quan.

Thứ hai, về nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên

– Cần tăng thẩm quyền cho chấp hành viên khi thực hiện công việc. Thực tế hiện nay một số qui định của pháp luật thi hành án dân sự chưa tạo được hành lang pháp lý để chấp hành viên thực hiện tốt công việc của mình. Chẳng hạn trường hợp phát hiện người phải thi hành án đang giữ tiền, tài sản trong người, nếu họ không tự nguyện giao nộp, chưa có cơ chế để chấp hành viên thu giữ số tiền này, hay nhiều trường hợp người phải thi hành án, cá nhân, tổ chức có liên quan không chấp hành quyết định của chấp hành viên, cơ chế để chấp hành viên xử lý cũng chưa thỏa đáng… Pháp luật một số nước trên thế giới như Cộng hòa Liên bang Đức, Thụy Điển quy định chấp hành viên có quyền khám người, khám xét nơi ở của đương sự; có quyền yêu cầu cảnh sát áp giải người phải thi hành án nếu không chấp hành lệnh của chấp hành viên. Với những quy định như vậy, hiệu quả thực hiện công việc của chấp hành viên đạt được rất cao. Đây là kinh nghiệm để chúng ta có thể quy định tăng thêm quyền hạn cho chấp hành viên.

– Hiệu quả công việc của chấp hành viên thường bị chi phối bởi cá nhân, cơ quan, tổ chức khác. Đặc biệt là liên quan đến việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án, phối hợp cưỡng chế, nắm bắt thông tin về tài sản để kê biên… Do đó trong công việc, nhiều trường hợp dễ dẫn đến sai sót do khách quan. Tác giả rất tán đồng với nhiều quan điểm cho rằng, trong xét xử, cơ chế xét xử theo hai cấp, do đó, nếu tòa sơ thẩm xét xử sai, còn phiên tòa phúc thẩm để khắc phục, sửa chữa, đồng thời còn có thể sửa chữa ở phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm, còn trong hoạt động thi hành án, rất khó để khắc phục, sửa chữa sai sót nếu có. Do vậy, để giảm áp lực trong công việc, tạo điều kiện cho chấp hành viên yên tâm trong công tác, cần có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho chấp hành viên đối với những lỗi vô ý, chẳng hạn như lỗi về khấu trừ sai, kê biên sai tài sản do cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin không chính xác,…

– Hoạt động thi hành án dân sự của chấp hành viên là công việc khó khăn, nguy hiểm, điều này không chỉ đối với chính các chấp hành viên mà còn có thể xảy ra với cả gia đình, người thân của họ. Do vậy, cần xây dựng cơ chế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự cho chấp hành viên, đặc biệt là chế độ bảo hiểm cho công việc, tính mạng, sức khỏe.

Tóm lại, để nâng cao hiệu quả trong hoạt động thi hành án dân sự, không thể không chú trọng nâng cao năng lực, trình độ cũng như phẩm chất đạo đức của cán bộ thi hành án, đồng thời phải có chế độ, chính sách để thu hút nhân tài, bên cạnh đó cũng cần có cơ chế để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sai phạm của chấp hành viên, cán bộ thi hành án dân sự. Đây cần được xem là công tác trọng tâm đối với các cơ quan thi hành án dân sự./.

Lê Vĩnh Châu

Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh


[1] Báo cáo và các đề xuất của Star Việt Nam về dự thảo Bộ luật thi hành án của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp.

[2] Số liệu báo cáo tổng kết công tác thi hành án của Bộ Tư pháp.

[3] Chẳng hạn như ở trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm đào tạo Luật của phía nam, môn Luật Thi hành án dân sự chỉ là môn học bắt buộc đối với sinh viên chính qui của Khoa Luật Dân sự và sinh viên các chương trình đặc biệt.

[4]Một khảo sát tại trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh năm 2014, với gần 500 sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, chỉ có 7 sinh viên có ý định xin vào cơ quan thi hành án dân sự. Lý do không vào làm việc tại cơ quan thi hành án dân sự chủ yếu do thu nhập thấp, không phù hợp với bản thân và khó thăng tiến trong sự nghiệp.

Tham khảo thêm:

1900.0191