Ngành Thi hành án dân sự Bắc Kạn 17 năm xây dựng và trưởng thành
Trải qua hơn 17 năm xây dựng và trưởng thành (kể từ khi tái thành lập tỉnh năm 1997), Ngành Thi hành án dân sự của tỉnh gặp không ít khó khăn, thử thách. Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong toàn Ngành đã khắc phục mọi khó khăn vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.
Khó khăn đầu tiên, lớn nhất là tổ chức bộ máy cán bộ của Ngành những ngày đầu thành lập từ tỉnh cho đến cơ sở Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, 06 Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp các huyện, thị xã với 30 biên chế (cấp tỉnh có 06 biên chế, cấp huyện có 24 biên chế), trong đó có 11 chấp hành viên (cấp tỉnh chỉ có 01 chấp hành viên, cấp huyện có 10 chấp hành viên), đa số cán bộ chưa qua đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị.
Trước thực trạng đó, kiện toàn tổ chức được xác định là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt công việc chuyên môn, do đó lãnh đạo đơn vị đã tích cực tìm nguồn cán bộ để tham mưu cho cấp trên tuyển chọn đội ngũ cán bộ có đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ được giao, cử nhiều cán bộ đi học chuyên môn nghiệp vụ, trình độ văn hoá, lý luận chính trị… Vì vậy, trong khoảng thời gian từ đầu năm 1997 đến nay, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sư, cùng với việc thay đổi hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật của Nhà nước, Ngành Thi hành án dân sự tỉnh đã có được một bộ máy quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương. Cục Thi hành án trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, cấp huyện có các Chi cục trực thuộc Cục Thi hành án dân sự, công tác tổ chức bộ máy cán bộ đã từng bước hoàn thiện và nâng cao về số lượng, chất lượng. Tính đến tháng 7/2014, tổng số biên chế trong Ngành là 89 người.
Cùng với việc kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ, công tác xây dựng cơ sở vật chất của Ngành cũng luôn được quan tâm nên đã có bước chuyển biến rõ rệt. Tại thời điểm chuyển giao năm 1997, cơ sở vật chất các cơ quan thi hành án dân sự địa phương hầu như không có tài sản, trụ sở làm việc của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh nằm trong khuôn viên trụ sở của Ủy ban nhân dân thị xã Bắc Kạn, trụ sở thi hành án dân sự cấp huyện hầu hết đều nằm trong khuôn viên trụ sở của Ủy ban nhân dân huyện hoặc phải thuê nhà dân; kinh phí hàng năm cho hoạt động của Phòng Thi hành án và các Đội Thi hành án dân sự cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác. Để vượt qua khó khăn, thử thách trong điều kiện mới thành lập tỉnh, đơn vị đã chủ độngkhắc phục mọi khó khăn, đồng thời tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp từng bước xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng với nhiệm vụ của từng thời kỳ.
Năm 2003, được Bộ Tư pháp cấp kinh phí cho đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho Phòng Thi hành án tỉnh và 07 Đội Thi hành án huyện là: Thị xã, Bạch Thông, Ba Bể, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bạch Thông, Na Rì được Bộ Tư pháp cấp vốn, địa phương cấp đất xây dựng trụ sở mới và đã đi vào sử dụng, trụ sở của Cục đang được thi công. Ngoài ra, một số Chi cục Thi hành án dân sự hàng năm được Tổng cục Thi hành án dân sự cấp kinh phí bảo hành, bảo trì trụ sở làm việc và mua sắm trang thiết bị làm việc, toàn tỉnh hiện nay đã có 04 xe ô tô và mỗi đơn vị đều được trang bị xe máy đủ để phục vụ công tác. Về cơ bản thì cơ sở vật chất như vậy đã đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ của Ngành ở địa phương.
Song song với việc kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ và xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị, kinh phí cần thiết là việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đây là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất của Ngành. Trong điều kiện là tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trình độ am hiểu pháp luật của nhân dân thấp, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế, nên công tác thi hành án dân sự cũng gặp phải không ít khó khăn, bất cập. Tồn tại lượng án không có điều kiện thi hành do người phải thi hành án không có tiền, tài sản để thi hành án hoặc không xác định được nơi cư trú; đặc biệt đối với trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, không có tài sản, hoặc người phải thi hành án có tài sản nhưng giá trị nhỏ không đáng kể để thi hành án; người phải thi hành án chỉ có tài sản đã kê biên, phát mãi nhưng không bán được. Ngoài ra, còn tồn lại một số lượng án phí, án phạt trong các bản án hình sự về các tội ma tuý, đánh bạc, án kinh tế, tín dụng ngân hàng với số tiền phải thi hành án lớn, trong khi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù hoặc sau khi ra tù bỏ đi khỏi địa phương, không rõ địa chỉ… Việc cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người được thi hành án chưa chính xác nên cơ quan thi hành án dân sự phải tiến hành xác minh lại làm ảnh hưởng đến kết quả thi hành án.
Trong khi đó, lượng án phải thi hành ngày càng nhiều mà nhân lực chưa đáp ứng được so với yêu cầu, điều này đòi hỏi phải có sự nỗ lực phấn đấu cao của toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong Ngành, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu ngành, yêu nghề, do đó thi hành án dân sự tỉnh Bắc Kạn đã vượt qua nhiều thử thách và đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Tổng số án đã thi hành xong là 22.985 việc, với tổng số tiền thu được là: 32.254.567.000 đồng, hàng năm luôn đạt chỉ tiêu của Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự giao.
Với những thành tích đã đạt được trong những năm qua, tập thể và cá nhân cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đã được Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng nhiều bằng khen, danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, Chiến sĩ thi đua ngành…
Những kết quả mà Ngành Thi hành án dân sự tỉnh Bắc kạn thu được trong những năm qua so với “sức vóc” ban đầu khi mới tái thành lập tỉnh thì đây thực sự là những thành quả đáng phấn khởi và tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế: Số tiền có điều kiện thu trên tổng số tiền phải thi hành tuy đã tăng qua từng giai đoạn nhưng còn thấp; số lượng vụ việc thi hành án và giá trị phải thi hành chuyển kỳ sau vẫn còn nhiều; trong đó, tồn việc chuyển năm 2014 là 640 việc với số tiền 7.473.185.000 đồng; tỷ lệ giảm án chuyển năm sau (cả việc và tiền) của một số đơn vị còn chưa đạt so với chỉ tiêu được giao. Việc rà soát, đôn đốc, xác minh, phân loại án thực hiện chưa triệt để, một số vụ việc tổ chức thi hành án còn chậm, thiếu kiên quyết… Nguồn nhân sự để bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp, quản lý còn thiếu, chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa đồng đều, vẫn còn có cán bộ năng lực hạn chế dẫn đến công tác tham mưu, đề xuất chưa hiệu quả, chưa đáp ứng ngang tầm với nhiệm vụ được giao.
Đứng trước thực trạng trên, Ngành Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Kạn đề ra những nhiệm vụ và giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau đây:
Một là: Bám sát vào các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và của tỉnh, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác của Ngành. Trong đó, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao và đúng quy định của pháp luật.
Hai là: Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết án đạt kết quả cao nhất, đặc biệt là giải quyết các vụ việc tồn đọng. Đề cao tinh thần chủ động của chấp hành viên, cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ.
Ba là: Củng cố và phát huy vai trò của các Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp, để các Ban chỉ đạo hoạt động có hiệu quả nhằm đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự ở địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội ở địa phương để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của ngành và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.
Bốn là: Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án ngay từ cơ sở. Hạn chế việc khiếu kiện kéo dài, vượt cấp; đề xuất các giải pháp với Ban chỉ đạo thi hành án tỉnh, huyện giải quyết dứt điểm một số vụ việc thi hành án phức tạp tồn đọng kéo dài do có vướng mắc trong tổ chức thi hành án.
Năm là: Đẩy mạnh phong trào thi đua trong các đơn vị thi hành án dân sự trong tỉnh để phong trào thi đua phát triển về chiều sâu. Phát động, duy trì phong trào gắn liền với việc kiểm tra thường xuyên. Xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, cơ quan văn hóa.
Sáu là: Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Bộ tư pháp, Tổng Thi hành án dân sự đối với các cơ quan thi hành án dân sự thuộc tỉnh; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bảy là: Tiến hành xây dựng quy hoạch đội ngũ công chức cơ quan thi hành án dân sự và giáo dục chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ cho công chức; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người lao động; tăng cường kỷ luật, kỷ cương xây dựng ngành trong sạch vững mạnh.
Nông Văn Chiến
Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Kạn
Tham khảo thêm:
- Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở
- Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở
- Một số vấn đề liên quan đến người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hình sự
- Người quản lý di sản tự chia di sản theo ý mình là đúng hay sai
- Quan điểm khác nhau về một vụ cưỡng chế trong thi hành án dân sự
- Trợ giúp pháp lý – Những vấn đề đặt ra
- Điều kiện bảo đảm cho công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
- Đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng
- Cơ chế kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
- Nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự cần gắn với nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức của cán bộ thi hành án