Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật thi hành án dân sự hiện hành về hoãn, tạm đình chỉ thi hành án dân sự và đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này

Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật thi hành án dân sự hiện hành về hoãn, tạm đình chỉ thi hành án dân sự và đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

THADS là giai đoạn kết thúc của tố tụng dân sự mà trong đó CQTHA đưa các BA, QĐ đã có hiệu lực thi hành ra thi hành nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân, cơ quan, tổ chức. THADS có ý nghĩa rất quan trọng trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, không phải lúc nào công tác này cũng được thực hiện một cách thuận lợi và nhận được sự hợp tác của các đương sự và những người có liên quan đến BA. Đó là lí do vì sao em đã chọn đề bài số 05 để làm đề tài tiểu luận cuối kì: “Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật thi hành án dân sự hiện hành về hoãn, tạm đình chỉ thi hành án dân sự và đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này?”

1. Các quy định của pháp luật về hoãn, tạm đình chỉ THADS

1.1. Hoãn THADS

           Hoãn THADS là việc CQTHADS quyết định chưa tổ chức thi hành BA, QĐ khi có căn cứ pháp luật quy định. Việc hoãn THA được thực hiện theo Điều 48 LTHADS.[1]

Về căn cứ hoãn THADS: Được quy định tại Khoản 1 Điều này.

Về thời hạn hoãn THADS: Thời hạn hoãn THA trong trường hợp người có thẩm quyền kháng nghị yêu cầu hoãn THA không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn THA. Đối với các trường hợp khác, thời hạn hoãn THA cho đến khi lí do của việc hoãn không còn nữa.

Về thẩm quyền và thủ tục hoãn THADS:

– Thủ trưởng CQTHADS đã ra quyết định THA có thẩm quyền ra quyết định hoãn THA.

– Khi có căn cứ hoãn THA thì Chấp hành viên chịu trách nhiệm THA đề nghị Thủ trưởng CQTHADS ra quyết định hoãn THA.

– Thủ trưởng CQTHADS ra quyết định hoãn THA bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ hoãn THA.

– Trường hợp hoãn THA do người được THA đồng ý cho người phải THA hoãn THA thì việc đồng ý phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ kí của các bên.

– Đối với việc hoãn THA theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị BA, QĐ đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục GĐT, TT thì người có thẩm quyền kháng nghị BA, QĐ đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục GĐT, TT có yêu cầu hoãn THA phải có văn bản gửi cho CQTHADS, trong đó ghi rõ thời hạn hoãn THA. Văn bản yêu cầu hoãn THA phải do người có thẩm quyền kháng nghị kí. Trong trường hợp đã có văn bản mà cần thông báo ngay bằng điện thoại, điện tín thì phải thông báo cho CQTHADS nơi tổ chức thi hành vụ việc đó biết số, ngày, tháng, năm của văn bản; nội dung của văn bản và người kí văn bản đó. Thủ trưởng CQTHADS ra quyết định hoãn THA ngay khi nhận được yêu cầu nhưng ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế THA đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế. Trường hợp CQTHA nhận được yêu cầu hoãn THA của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế THA thì Thủ trưởng CQTHADS có quyền quyết định hoãn THA khi xét thấy cần thiết.

1.2. Tạm đình chỉ THADS

Tạm đình chỉ THADS là việc CQTHADS quyết định tạm ngừng thi hành BA, QĐ dân sự của Tòa án khi có căn cứ do pháp luật quy định. Việc tạm đình chỉ thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 49 LTHADS.[2]

Về căn cứ tạm đình chỉ THADS:

– CQTHADS nhận được thông báo của Tòa án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải THA.

– BA, QĐ đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục GĐT, TT.

Về thời hạn tạm đình chỉ THADS:

– Thời hạn tạm đình chỉ THA trong trường hợp nhận được thông báo của Tòa án về việc đã thụ lí đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải THA theo thời hạn giải quyết việc tuyên bố phá sản của Tòa án.

– Thời hạn tạm đình chỉ THA trong trường hợp BA, QĐ bị kháng nghị theo thủ tục GĐT, TT cho đến khi có quyết định GĐT, TT.

Về thẩm quyền và thủ tục tạm đình chỉ THADS:

– Thủ trưởng CQTHADS ra quyết định tạm đình chỉ THA khi nhận được thông báo của Tòa án về việc đã thụ lú đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải THA. Thời hạn ra quyết định này là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án.

– Người có thẩm quyền kháng nghị BA, QĐ đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục GĐT, TT có quyền tạm đình chỉ thi hành BA, QĐ bị kháng nghị. Việc quyết định tạm đình chỉ THA trong trường hợp này có thể thực hiện ngay khi ra quyết định kháng nghị hoặc sau khi có QĐ kháng nghị BA, QĐ đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục GĐT, TT.

– Thủ trưởng CQTHADS thông báo về việc tạm đình chỉ THA khi nhận được QĐ tạm đình chỉ THA của người có thẩm quyền kháng nghị BA, QĐ đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục GĐT,TT.

Có thể thấy quy định về vấn đề này phù hợp với các quy định tại BLTTDS năm 2015 và LTTCHC năm 2015. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 332 và khoản 3 Điều 354 BLTTDS năm 2015 thì “người đã kháng nghị theo thủ tục GĐT BA, QĐ đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành BA, QĐ đó cho đến khi có quyết định GĐT”“người đã kháng nghị BA QĐ đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành BA, QĐ đó cho đến khi có quyết định TT.” Đồng thời, khoản 2 Điều 261 LTTHC năm 2015 cũng đã quy định giống như khoản 2 Điều 332 BLTTDS năm 2015. Điều này chứng minh rằng các nhà làm luật đã phải cân nhắc rất kĩ khi tạo ra các quy định sao cho vừa phát huy được công dụng vừa phù hợp với các văn bản pháp luật khác, nhằm hạn chế các điều luật gây mâu thuẫn, sự chồng chéo khi áp dụng vào thực tế.

2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoãn, tạm đình chỉ THADS

2.1. Về quyền yêu cầu hoãn THADS

Theo quy định tại khoản 2 Điều 48 LTHADS: “Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục GĐT hoặc TT đối với BA,của Toà án chỉ được yêu cầu hoãn THA một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được thì người có thẩm quyền có nghĩa là tất cả các chủ thể quy định tại Điều 331 và Điều 354 BLTTDS năm 2015 đều có thể yêu cầu hoãn THADS. Tuy nhiên, hiện nay các quy định pháp luật về THA chưa có hướng dẫn cụ thể cho những trường hợp nào có thể phát sinh “hậu quả không thể khắc phục được”, mà phụ thuộc vào nhận định chủ quan của những người có thẩm quyền kháng nghị GĐT, TT. Về số lần yêu cầu hoãn, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục GĐT, TT (Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC hoặc Chánh án TANDCC và VKS tương đương) chỉ được yêu cầu hoãn THA một lần để xem xét kháng nghị. Vấn đề đặt ra là Luật THADS cũng không cụ thể trong việc mỗi chủ thể có thẩm quyền được yêu cầu hoãn một lần hay tất cả các chủ thể có thẩm quyền chỉ được yêu cầu hoãn một lần. Cũng cần phải nhìn nhận rằng việc hoãn THA sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi hợp pháp của người được THA khi kéo dài thời gian THA. Do đó, quy định này không nên được áp dụng một cách tùy tiện theo hướng cứ vụ án nào đương sự có đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT thì người có thẩm quyền đều yêu cầu hoãn THA. Chỉ khi nào với những tình tiết hiện có, người có thẩm quyền kháng nghị nhận thấy có căn cứ để kháng nghị nhưng cần phải có thêm thời gian để xem xét đầy đủ hồ sơ vụ án thì mới áp dụng quy định nêu trên. Trên thực tế có nhiều trường hợp CQTHA tạm dừng việc THA khi người phải THA nộp biên nhận nhận đơn khiếu nại yêu cầu kháng nghị GĐT, TT. Điều này là trái luật bởi biên nhận nhận đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT không phải là căn cứ để hoãn THA mà chỉ được hoãn khi có văn bản yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị BA đó.[3]

Tóm lại, để áp dụng khoản 2 Điều 48 Luật THADS năm 2008 một cách hiệu quả, đạt được mục đích đặt ra, đòi hỏi người có thẩm quyền kháng nghị GĐT, TT phải xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng các tình tiết của vụ án và đối chiếu với căn cứ kháng nghị GĐT, TT trong BLTTDS năm 2015 để đưa ra quyết định một cách chính xác, khách quan nhất. Các nhà làm luật cũng phải xem xét điều khoản này để quy định lại sao cho phù hợp, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên được THA. Theo ý kiến của em, cần phải bổ sung, sửa đổi khoản 2 Điều 48 theo hướng sau: (1) Thống nhất quan điểm về “hậu quả không thể khắc phục được”; (2) Quy định rõ về số lần yêu cầu hoãn, nên sửa thành tất cả các chủ thể có thẩm quyền chỉ được yêu cầu hoãn một lần để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bên được THA; (3) Hạn chế và ngăn chặn việc ra quyết định hoãn THA theo kiểu “lạm dụng”, lý do không rõ ràng và trong trường hợp gây thiệt hại cho đương sự thì phải bị xử lý, thậm chí phải bồi thường ít nhất 50% giá trị thiệt hại cho đương sự.

2.2. Về căn cứ hoãn, tạm đình chỉ THADS

Theo điểm c khoản 1 Điều 48 LTHADS thì Thủ trưởng CQTHADS ra quyết định hoãn THA trong trường hợp người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế THA hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên. Như vậy, khi người phải THA không có tài sản để THA thì việc THA phải tạm thời ngừng lại và khi nào người phải THA có tài sản để THA thì việc THA lại được tiếp tục. Ngoài ra, điểm d khoản này cũng quy định việc hoãn THA trong trường hợp có tranh chấp về tài sản kê biên mà đang được Toà án thụ lí, giải quyết. Hay nói cách khác, trong trường hợp này, CQTHA đang cho thi hành BA, QĐ dân sự và khi tiến hành kê biên tài sản thì gặp phải sự tranh chấp về tài sản kê biên đang được Toà án thụ lí, giải quyết dẫn đến việc THA phải tạm thời ngừng lại.

Có thể thấy cả hai quy định vừa phân tích trên đều không phải là căn cứ của hoãn THA vì hoãn THA chỉ trong trường hợp BA, QĐ dân sự chưa được đưa ra thi hành, CQTHA đã ra quyết định THA nhưng chưa tổ chức cưỡng chế THA và chưa thi hành được khoản nào. Việc quy định sai nội dung điều khoản dẫn đến việc áp dụng sai trên thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan. Theo Từ điển Tiếng Việt, “hoãn” là chuyển thời điểm đã định để làm việc gì đó sang thời điểm khác muộn hơn[4], còn “tạm” là làm việc gì đó ngừng lại trong một thời gian, khi có điều kiện sẽ thay đổi[5]. Trong khoa học pháp lí, hoãn THA là chuyển thời điểm thi hành BA, QĐ dân sự đã định sang thời điểm khác muộn hơn, còn tạm đình chỉ THA là tạm thời ngừng việc thi hành BA, QĐ dân sự đang được thi hành. Hoãn khác mà tạm đình chỉ khác. Do đó, hai căn cứ quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 48 LTHADS phải được sửa đổi thành căn cứ tạm đình chỉ THA.

2.3. Về trường hợp ngoại lệ khi tạm đình chỉ THA

Theo khoản 1 Điều 49 LTHADS thì “Thủ trưởng cơ quan THADS thông báo về việc tạm đình chỉ THA khi nhận được quyết định tạm đình chỉ THA của người có quyền kháng nghị BA, QĐ theo thủ tục GĐT, TT.” Tuy nhiên, Điều 103 Luật này về bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để THA lại quy định: “Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng BA, QĐ bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì CQTHADS tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế THA để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.” Như vậy, nếu việc THA thuộc giai đoạn đã bán đấu giá thành và chờ giao tài sản cho người trúng đấu giá mà CQTHADS nhận được QĐ tạm đình chỉ THA thì việc THA sẽ bị tạm đình chỉ hay tiếp tục tổ chức giao tài sản cho người trúng đấu giá?[6] Do đó, việc bổ sung thêm trường hợp ngoại lệ khi tạm đình chỉ THA đối với trường hợp giao tài sản cho người trúng đấu giá theo quy định tại Điều 103 Luật THADS là cần thiết, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của người mua trúng đấu giá tài sản THA.

THADS là một trong những nội dung cơ bản của tư pháp dân sự, có tác động trực tiếp tới hiệu quả của việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể thông qua hoạt động tư pháp. Bên cạnh những thành tựu mà LTHADS đã đạt được thì vẫn còn tồn tại những khúc mắc mà cần các nhà làm luật xem xét để sửa đổi, bổ sung sao cho các quy định được hoàn thiện nhất.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Tài liệu tham khảo là sách

1. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

2. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014);

3.Luật Tố tụng hành chính năm 2015;

4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Thi hành án dân sự, NXB. Công An Nhân Dân, Hà Nội.


[1] Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Thi hành án dân sự, NXB. Công An Nhân Dân, Hà Nội, tr.170.

[2] Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Thi hành án dân sự, NXB. Công An Nhân Dân, Hà Nội, tr.174.

[3] Yến Châu (2021), “Đang xem xét kháng nghị giám đốc thẩm có được hoãn thi hành án?”, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh,

[4] Từ điển Tiếng Việt Soha (2021),

[5] Từ điển Tiếng Việt Soha (2021),

[6] Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa (2018), “Hoàn thiện quy định về tạm đình chỉ thi hành án”, Báo Pháp luật Việt Nam,

1900.0191