Phân tích Quy trình tư vấn pháp luật hiện nay, khái niệm, nguyên tắc, ứng dụng

Phân tích Quy trình tư vấn pháp luật hiện nay, các khái niệm có liên quan, nguyên tắc tư vấn pháp luật, các quy định và ứng dụng trong thực tiễn.

Trong xã hội hiện nay, tất cả các vấn đề đều có sự tham gia điều chỉnh của pháp luật. Mọi người bất kỳ ai cũng phải hiểu biết pháp luật để không những bảo vệ được quyền và lợi ích của bản thân mình mà còn cho cả những người xung quanh; tránh không xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác. Từ đó tránh được những mâu thuẫn. Đôi khi ta không thể hiểu và biết hết được trình tự, thủ tục của pháp luật mà cần phải nhờ đến sự tư vấn và trợ giúp của những người có chuyên môn; hiểu biết sâu rộng về pháp luật như luật sư, tư vấn viên pháp luật giúp đỡ. Nhưng hiện tại không phải ai cũng đã rõ về quy trình của hoạt động tư vấn pháp luật. Vì vậy tiểu luận dưới đây sẽ làm rõ một số lý luận của hoạt động tư vấn pháp luật; để không chỉ những người có như cầu tư vấn mà cả luật sư hay những tư vấn viên hiểu hơn các bước, thủ tục và cả các kỹ năng trong hoạt động tư vấn.

Mục đích đề tài

      – Làm rõ một số vấn đề lý luận về quy trình của hoạt động tư vấn; gồm các bước nào? mục tiêu và ý nghĩa của các bước đó?

      – Nghiên cứu về thực trạng quy định của pháp luật về vấn đề pháp lý trên.

      – Đề ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quy trình giải quyết tư vấn pháp luật.

Đối tượng nghiên cứu

Các văn bản pháp luật có liên quan đến vấn đề về tư vấn pháp luật và thực tiễn thực hiện tư vấn pháp luật của luật sư và tư vấn viên pháp luận.

Phương pháp nghiên cứu

Tiểu luận vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, các phương pháp nghiên cứu khoa học khác, như phân tích, tổng hợp, thống kê, khảo cứu thực tiễn nhằm chứng minh cho những lập luận, đánh giá, kết luận của bài tiểu luận.

1. Một số vấn đề lý luận về tư vấn pháp luật

1.1.   Khái niệm tư vấn pháp luật

Theo Từ điển Tiếng Việt “Tư vấn là đóng góp ý kiến cho vấn đề được hỏi nhưng không có quyền ra quyết định”[1]. Tư vấn pháp luật là việc người có chuyên môn về pháp luật được hỏi ý kiến để tham khảo khi cần giải quyết hoặc quyết định một công việc nào đó liên quan đến pháp luật.

Theo Điều 28 Luật luật sự 2006: “Tư vấn pháp luật là việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các  giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của khách hàng.”[2] Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật trong tất cả các lĩnh vực pháp luật.

Theo Điều 28 Luật trợ giúp pháp lý 2006: “Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.”[3]

 Do vậy, tư vấn pháp luật là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn khách hàng sử dụng đúng pháp luật, cung cấp các dịch vụ pháp lý, giúp khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

1.2   Vị trí, vai trò của tư vấn pháp luật

– Cung cấp thông tin pháp lý; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật

– Phòng tránh rủi ro trong việc xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý.

– Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

– Gìn giữ trật tự, ổn định xã hội

– Thúc đẩy sự công bằng xã hội

– Góp phần hoàn thiện xã hội

1.3   Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tư vấn pháp luật

Nguyên tắc tuân thủ pháp luật ( Điều 5 Luật luật sư và Điều 3 Luật trợ giúp pháp lý)

– Tổ chức hành nghề, thực hiện hoạt động tư vấn trên cơ sở quy định của pháp luật. Từ chối yêu cầu trái pháp luật của người yêu cầu tư vấn

– Không gợi ý, khuyên, xúi giục người yêu cầu tư vấn vi phạm pháp luật

Nguyên tắc giữ bí mật thông tin của người yêu cầu tư vấn ( Điều 9, Điều 25 Luật luật sư; Điều 6 Luật trợ giúp pháp lý)

– Luật sư, tư vấn viên phải chịu trách nhiệm giữ kín bí mật của khách hàng

Nguyên tắc tránh xung đột lợi ích (Điều 5, Điều 9 Luật luật sư; Điểm a, mục 2 Điều 25 Luật trợ giúp pháp lý)

– Xung đột, va chạm, chống đối nhau do có mâu thuẫn gay gắt

– Xung đột lợi ích là sự đối lập về quyền và lợi ích vật chất hay tinh thần đã xảy ra hoặc có khả năng xảy ra giữa hai hay những người yêu cầu tư vấn giữa người tư vấn; nhân viên ; vợ chồng; cha mẹ; anh, em người tư vấn với người yêu cầu tư vấn …

Nguyên tắc trung thực, tôn trọng sự thật khách quan

– Người nhận yêu cầu tư vấn cần trung thực, ngay thẳng, thật sự.

1.4  Chủ thể thực hiện tư vấn pháp luật

Theo quy định tại Điều 18 Chương 3 của Nghị định 77/2008/NĐ-CP của Chính phủ về tư vấn pháp luật; Người thực hiện tư vấn pháp luật bao gồm, Tư vấn viên pháp luật; Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm tư vấn pháp luật và Cộng tác viên tư vấn pháp luật phải đạt được những điều kiện theo quy định của pháp luật. Ngoài những chủ thể này ra không ai được quyền tư vấn pháp luật và ký vào văn bản tư vấn pháp luật. Nếu cố tình thực hiện tư vấn xảy ra những tổn thất thì phải chịu hậu quả pháp lý do pháp luật quy định.

2. Quy trình của hoạt động tư vấn pháp luật

2.1  Tiếp xúc khách hàng; tiếp nhận yêu cầu tư vấn

2.1.1  Mục đích của việc tiếp xúc khách hàng; tiếp nhận yêu cầu tư vấn

Bước đầu tiên của hoạt động tư vấn pháp luật, đó là việc luật sư hay tư vấn viên pháp luật tiếp xúc với khách hàng từ đó khai thác tiếp cận dần với những yêu cầu pháp lý của khách hàng. Mục đích của tiếp xúc khách hàng, tiếp nhận yêu cầu là để nắm bắt được những thông tin ban đầu và bối cảnh câu chuyện của khách hàng; nhận định đáng giá bước đầu về yêu cầu tư vấn của khách hàng từ đó lập hồ sơ tư vấn pháp luật.

2.1.2  Các hình thức làm việc khách hàng

Luật sư, tư vấn viên pháp luật có thể tiếp cận với các thông tin mà khách hàng đem lại qua nhiều hình thức. Phổ biến, nhất vẫn là khách hàng đến trình bày trực tiếp tại văn phòng luật sư; trung tâm tư vấn pháp luật hoặc trao đổi thông tin qua thư tín, điện thoại…Những cách tiếp cận này đều có nhưng ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Gặp gỡ trực tiếp vẫn là cách thức truyền thống và đòi hỏi người luật sư, tư vấn viên pháp luật không chỉ có các  kỹ năng chuyên môn mà cả phong cách giao tiếp. Việc luật sư và tư vấn viên tiếp xúc với khách hàng có yêu cầu tư vấn pháp luật này cũng sẽ ảnh hưởng đến hình thức trả lời tư vấn của họ sau này.

2.1.3  Các kỹ năng cần thiết trong khi tiếp xúc khách hàng

Tiếp xúc khách hàng là bước rất quan trọng, quyết định đến sự thành công của hoạt động tư vấn. Để bước tiếp xúc và tiếp nhận yêu cầu được thành công thì việc tạo ấn tượng tốt đẹp và niềm tin đối với khách hàng là xây dựng tiền đề cơ sở.

Khi tiếp xúc và tìm hiểu yêu cầu của khách hàng luật sư và tư vấn viên pháp luật phải có những kỹ năng nhất định: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng lắng nghe; kỹ năng ghi chép và kỹ năng đặt câu hỏi.

Kỹ năng giao tiếp

Hai phương diện của giao tiếp là ngôn ngữ phải rành mạch, rõ ràng, dứt khoát; có tiết tấu và âm lượng vừa phải. Phi ngôn ngữ là các hình thức, dáng điệu, cử chỉ, cách bắt tay, nét mặt, ánh mắt, thái độ. Khi gặp mặt trực tiếp khách hàng để tư vấn có thể bắt tay với khách hàng trong lúc đó tiện thể chào hỏi. Bắt tay với khách hàng tay cần phải sạch sẽ tránh mồ hôi hay ướt tay; giữ khoảng cách khi bắt, tránh bắt tay quá chặt và hơi cúi người về phía khách hàng thể hiện sự nhiệt tình. Trong khi gặp mặt tư vấn cho khách hàng cần phải có thái độ tôn trọng, thân thiện, đúng mực; có ánh mắt, nét mặt tươi cười; thể hiện sự thông cảm, sẻ chia nếu khách hàng có chuyện buồn.

Kỹ năng lắng nghe

Tuân theo chu trình lắng nghe: Tập trung -> Tham dự -> Hiểu -> Ghi nhớ -> Hỏi đáp -> Phát triển. Khi nghe người yêu cầu nói luật sư cần tập trung, lắng nghe có chọn lọc; đôi khi ngắt lời để dẫn dắt khách hàng nói sát trọng tâm câu chuyện. Khuyến khích khách hàng nói, trường hợp khách hàng không biết diễn đạt thế nào, có thể đề nghị diễn đạt giúp khách hàng bằng việc tóm tắt lại ý của khách hàng.

Kỹ năng ghi chép

Đòi hỏi người nhận yêu cầu tư vấn phải vừa ghi chép vừa lắng nghe, có khả năng tốc ký ghi lại một cách chính xác những thông tin quan trọng. Để không bị lỡ những bất kỳ một sự kiến nào, cần xây dụng dòng thời gian sắp xếp sự kiện diễn ra.

Kỹ năng đặt câu hỏi

Để đảm bảo rằng luật sư đã hoàn toàn hiểu bối cảnh của câu chuyện mà khách hàng đem lại, cần phải kiểm tra xem các câu trả lời của khách hàng và những thông tin, tài liệu mà khách hàng cung cấp thực sự đã giải đáp được hết các câu hỏi chưa: Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Như thế nào? Tại sao?

Đôi khi tư vấn cũng có thể phải đọc hồ sơ vụ việc trước do vậy kỹ năng tóm tắt hồ sơ cũng là một kỹ năng quan trọng. Có thể sử dụng các sơ đồ sau để tóm tắt hồ sơ:

– Sơ đồ nội vụ các quan hệ pháp luật phát sinh

– Sơ đồ phả hệ trong các vụ việc về thừa kế

– Sơ đồ hiện trường

– Sơ đồ theo trật tự thời gian

– Bảng tóm tắt sự kiện theo dòng thời gian và dòng sự kiện.

Kỹ năng này giúp người tư vấn nhưng chóng nắm bắt được thông tin đề xuất giải pháp trong trường hợp yêu cầu tư vấn gấp.

2.1.4  Các bước tiếp xúc khách hàng, tiếp nhận tư vấn.

Bước 1: Chuẩn bị về chuyên môn (chuyên gia trong lĩnh vực khách hàng muốn tư vấn), về điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện tư vấn.

Bước 2: Tiếp khách hàng:

– Tạo môi trường giao tiếp thân thiện, nhiệt tình

– Tìm hiểu thông tin khách hàng

– Nghe khách hàng trình bày nội dung vụ việc và hỏi rõ những tình tiết cần thiết

– Yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu có liên quan

– Tóm tắt nội dung vụ việc và chốt lại yêu cầu tư vấn của khách hàng

Bước 3: Ký kết Hợp đồng tư vấn pháp luật.

2.1.5  Một số lưu ý khi tiếp xúc khách hàng, tiếp nhận yêu cầu tư vấn

Trước hết, luật sư phải có cách tiếp xúc phù hợp, không được tỏ ra bi quan hoặc lạc quan thái quá khi biết được những thông tin đầu tiên của khách hàng. Xem xét các mối quan hệ lợi ích nếu có sự đối lập cần khéo léo từ chối. Luật sư cố gắng lắng nghe họ, nếu một lần chưa đủ có thể đề nghị họ trình bày nhiều lần. Luật sư cũng có thể yêu cầu họ cung cấp thêm tài liệu hoặc hẹn gặp để thông qua giao tiếp nắm được một cách cụ thể bản chất của vấn đề mà khách hàng yêu cầu tư vấn. Có những vấn đề khách hàng yêu cầu tư vấn ngay luật sư cần phải thận trọng trước khi đưa ra các kết luận. Một kết luận sau của luật sư có thể làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của khách hàng và làm giảm uy tín của luật sư.

2.2  Thiết lập quan hệ hợp đồng tư vấn (người tư vấn với người nhận tư vấn)

2.2.1  Mục đích của bước thiết lập quan hệ hợp đồng tư vấn

Việc thiết lập hợp đồng tư vấn là cơ sở pháp lý của hoạt động tư vấn; giúp ghi nhận quyền và nghĩa vụ của người tư vấn và người nhận tư vấn.

2.2.2  Nội dung chính

Kết thúc giai đoạn tìm hiểu yêu cần khách hàng, luật sư đã có thể tự mình có được nhận định và kết luận sơ bộ về sự việc; đánh giá được tính chất và dự kiến được khối lượng công việc, thời gian và nhân sự để xử lý công việc, từ đó có cơ sở để chào phí dịch vụ tư vấn:

Luật sư cần đảm bảo mình có đủ năng lực xử lý công việc của khách hàng trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng. Người nhận yêu cầu tư vấn cần có kỹ năng giao tiếp, thương lượng; thoả thuận giữa trên nguyên tắc hài hoà lợi của các bên. Kỹ năng soạn thảo hợp đồng tư vấn và có kỹ năng ký kết hợp đồng tư vấn theo quy định của pháp luật. Xác định các phương thức tính phí, cách vận dụng trong một số vụ việc cụ thể; “Để chuẩn bị cho bước này Luật sư nên chuẩn bị những mẫu hợp đồng dịch vụ pháp lý với điều khoản cơ bản để khách hàng dễ dàng hình dung về phương thức làm việc của Luật sư. Những biểu giá, quy trinhg thực hiện một sô loại công việc nhất định có ý nghĩa đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý của khách hàng sẽ giúp khách hàng hiểu rõ hơn vè các công việc mà luật sư sẽ tiến hành.”[4]

3. Nội dung quan hệ cần tư vấn

3.1  Mục đích của bước nội dung quan hệ tư vấn

Đây là bước xác định vấn đề pháp lý của vụ việc; nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và thấu đáo hồ sư của khách hàng và tìm ra những vấn đề mấu chốt cần giải quyết.

3.2 Nội dung chính

Trong giai đoạn tìm hiểu yêu cầu khách hàng, chúng ta đã ít nhiều nắm bắt được sự việc và đã có những nhận định đánh giá sơ bộ về hướng giải quyết của hồ sơ. Tuy nhiên việc đọc kỹ lại toàn bộ hồ sơ là điều cần thiết. Quá trình tìm ra vấn đề pháp lý là quá trình luật sư đặt ra một chuỗi các câu hỏi pháp lý có tính liên kết với nhau, câu hỏi pháp lý này sẽ làm nảy sinh câu hỏi pháp lý kế tiếp.

Khi xác định vấn đề pháp lý, nên xuất pháp từ câu hỏi mà khách hàng muốn luật sư giải đáp. Vấn đề pháp lý của hồ sơ thường là những câu hỏi pháp lý mà câu trả lời sẽ giúp giải đáp được nguyện vọng của khách hàng.

4. Lựa chọn nguồn quy phạm pháp luật để áp dụng

4.1  Mục đích

Đầu tiên luật sư hay tư vấn viên pháp luật cần xác định vấn đề được yêu cầu tư vấn là lĩnh vực công hay tư. Việc xác định vấn đề pháp lý chính là việc tìm ra các câu hỏi pháp lý của hồ sơ. Quy trình của pháp luật là nơi tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi pháp lý đó. Vì vậy, công việc tiếp theo của luật sư là tra cứu các văn bản pháp luật có liên quan đến tình huống của khách hàng.

4.2  Nội dung chính

        Xác định được yêu cầu tư vấn là về bảo vệ quyền và lợi ích của người yêu cầu hay chỉ là yêu cầu về việc thực hiện thủ tục hành chính; thủ tục tố tụng nào đó. Khi tra cứu văn bản pháp luật, cần lưu ý mấy vấn đề sau:

– Xác định hiệu lực về không gian và thời gian của văn bản pháp luật áp dụng. Nếu tình huống có yêu tố nước ngoài, cần phải xem xét liệu tình huống có bị điều chỉnh bởi pháp luật nước ngoài hay không? Điều khoản lựa chọn luật áp dụng có giá trị hay không? Cũng cần lưu ý rằng về nguyên tắc không áp dụng hiệu lực trở về trước trong quan hệ dân sự, ngoại trừ luật pháp có quy định rõ ràng về vấn đề áp dụng trở về trước.

– Dựa vào tính chất pháp lý của các dữ kiện để xác định lĩnh vực pháp luật và các văn bản pháp luật cần nghiên cứu.

– Dựa vào các câu hỏi pháp lý đã được mổ xẻ khi nghiên cứu hồ sơ để tìm điều luật liên quan.

–  Luật sư cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn như Nghị định, Thông tư. Đặc biệt, cần phải nghiên cứu kỹ các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng luật nhằm nắm rõ thực tiễn áp dụng pháp luật của Tòa án.

5. Xây dựng phương án tư vấn

5.1  Mục đích

Lựa chọn được giải pháp phù hợp nhất có thể áp dụng trong trường hợp của khách hàng; bảo vệ tốt nhất lợi ích của họ.

5.2  Các bước tiến hành

       – Xác định các giải pháp lý phù hợp

       – Đánh giá lại ưu điểm và nhược điểm của phương pháp

       – Lựa chọn giải pháp phù hợp nhất

6. Trả lời yêu cầu tư vấn

6.1 Các bước tiến hành

Sau khi đã hoàn thành tất cả các bước trên, đã xác định được luật cũng như những phương án giải quyết cho vấn đề pháp lý. Nhiệm vụ của luật sư là trả lời yêu cầu tư vấn; Việc này có thể thực hiện qua:

Mô tả giải pháp

Điều quan trọng khi tìm kiếm giải pháp đó là đánh giá chúng dưới góc độ pháp lý và thực tiễn khả năng có thể xảy ra. Dự đoán những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài của từng giải pháp, đối chiếu với những mong muốn của khách hàng.

Định hướng cho khách hàng

Nhiệm vụ tiếp theo của luật sư là định hướng và thuyết phục khách hàng lựa chọn giải pháp, tức là tìm cách đàm phán và thuyết phục khách hàng. Luật sư cần phải giải thích cho khách hàng một cách rõ ràng, bằng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu, những khía cạnh pháp lý phức tạp hồ sơ. Khi lựa chọn phương án cần sự hợp tác tích cực của khách hàng.   

Lựa chọn giải pháp

Sau khi đã lựa chọn được giải pháp. Luật sư cũng cần phải làm rõ với khách hàng cách thức tiến hành giải pháp đó, các chiến thuật có thể được áp dụng. Chẳng hạn, sau khi đưa ra bình luận cho một điều khoản trong dự thảo hợp đồng, luật sự cần hướng dẫn khách hàng cách thức để đảm phán lại điều khoản đó hay cách thực chính sửa lại nội dung điều khoản đó.

 “Mặt khác, cũng không hiếm những trưởng hợp khách hằng cần tiền hành ngay một số thủ tục trong một thời hạn nhất định, chẳng hạn, cần phải làm đơn khởi kiện hay đơn phản tố trong thời hạn nhất định nếu không thì hết thời hiệu khởi kiện. Trong những trường hợp này, luật sư cần nhấn mạnh để khách hàng không quên. Không nên diễn đạt một cách chung chung. Trong một số trường hợp cần thời gian để soạn thảo một số văn bản thay thực hiện một thủ tục, luật sư cần tính toán thời gian tối thiểu để hoàn thành việc này và nhắc nhở khách hàng. Tránh tình trạng khách hàng liên lạc với luật sư vào ngày chót khiến công việc không thể hoàn thành hoặc không được ưng ý.”[5]

Có thể thấy tất cả các bước trong quy trình tiến hành hoạt động tư vấn pháp luật có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Các hoạt động trước đều là tiền để cho các hoạt động sau này. Để tiến hành tư vấn pháp luật thì luật sư, tư vấn viên pháp luật đều phải tuân theo quy như vậy, nhằm đảm bảo hoạt động tư vấn diễn ra thuận lời bảo vệ được quyền và lợi ích cho người yêu cầu tư vấn pháp luật.

7. Thực trạng quy định pháp luật về quy trình tư vấn pháp luật

Tư vấn pháp luật đang dần là lĩnh vực ngành nghề quan trọng; đặc biệt trong điều kiện hiện nay nhu cầu sử dụng pháp luật ngày càng gia tăng. Hoạt động tư vấn diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực: hình sự; dân sự; hôn nhân gia đình; đất đai; các lĩnh vực kinh tế….Việc quy định quy trình tư vấn còn chưa được rõ ràng, không có quy định cụ thể trong văn bản pháp luật hay tài liệu nào cả mà chỉ có trong các lý luận dạy tại trường lớp đào tạo luật hay một vài tác phẩm của các tác giả nghiên cứu chuyên sâu ngành luật.

Quy định chung được quy định rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau về chủ thể có quyền tư vấn theo quy định tại Điều 18, Chương III Nghị định 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật: Chỉ những chủ thể này mới có thẩm quyền tư vấn pháp luật và ký vào văn bản tư vấn pháp luật. Ngoài ra không chủ thể nao được quyền tư vấn nếu cố tình tư vấn gây ra tổn thất sẽ phải chịu hậu quả pháp lý. Ngoài ra, cũng quy định điều kiện đối với các chủ thể được quyền tư vấn tại Điều 19; Điều 20 và Điều 22 tại nghị định trên.

“ Điều 18. Người thực hiện tư vấn pháp luật

Người thực hiện tư vấn pháp luật bao gồm:

  1. Tư vấn viên pháp luật;

   2. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm tư vấn pháp luật;

3. Cộng tác viên tư vấn pháp luật.”[6]

Người tư vấn cũng cần soạn thảo hợp đồng tư vấn pháp luật. Đây thực chất là hợp đồng dịch vụ, theo Luật luật sư: “Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức.”[7] Hoạt động tư vấn thường sẽ được thực hiện bằng hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý giữa hai bên chủ thể; người có yêu cầu tư vấn và người tư vấn. Có thể là hợp đồng vụ việc là hợp đồng sẽ kết thúc khi hoàn thành phạm vi vụ việc đã thỏa thuận; cũng có thể dựa vào thời hạn kể phân tích đó sẽ là hợp đồng tư vấn pháp luạt thường xuyên. Nội dung của hợp đồng: Nội dung tư vấn; quyền và nghĩa vụ của các bên; thời gian thực hiện nghĩa vụ; phương thức tính và mức thù lao cụ thể, các khoản chi phí nếu có; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và các điều khoản khác….

Quy định về thanh toán thù lao và chi phí tư vấn pháp lý. “Thù lao là một khái niệm để xác định công sức và kết quả làm việc của Luật sư về hoạt động pháp lý được thỏa thuận giữa Luật sư và khách hàng ở góc độ nào đó có thể hiểu là khách hàng trả công cho luật sư khi họ nhờ Luật sư trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý.”[8] Ngoài ra để đảm bảo quyền lợi hai bên trong thỏa thuận mức thù lao pháp luật quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 191/2014/TTLT-BTC-BTP: “Mức thù lao chi trả cho 01 ngày làm việc của luật sư tham gia tố tụng trong vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu là 0,4 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. Ngày làm việc của luật sư được tính trên cơ sở 08 giờ làm việc.”[9] Căn cứ để tính phí tư vấn dựa vào: nội dung, tính chất của dịch vụ; thời gian người tư vấn thực hiện công việc tư vấn; trình độ; kinh nghiệm và uy tín. Hai bên cũng có thể tự thỏa thuận về phương thức tính phí: tính theo giờ làm việc – phương thức được áp dụng cho những vụ khó, cần nhiều thời gian tìm kiếm tài liệu; tính theo vụ, việc với mức thù lao trọn gói – áp dụng cho vụ việc có thông tin rõ ràng, có thể dự liệu thời gian tư vấn; tính theo vụ, việc với mức thù lao cố định – áp dụng cho hợp đồng pháp lý thường xuyên; tính theo vụ, việc với mức tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng; giá trị dự án – áp dụng cho các vụ kiện hoặc hợp đồng, dự án.

8. Kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình tư vấn pháp luật

– Có quy định cụ thể về quy trình tư vấn trong văn bản pháp luật, nhằm đảm bảo tính thống nhất. Nếu không có quy trình cụ thể có thể dẫn tới thủ tục không hợp lý, kéo dài làm ảnh hưởng đến thời gian tư vấn chậm trễ giải quyết vụ việc.

– Ngoài ra quy định  quy trình cũng cần quy định cụ thể hơn về chủ thể thực hiện tư vấn; bồi dưỡng để có được đội ngũ những người tư vấn có kinh nghiệm, uy tín cao nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của người yêu cầu tư vấn.

– Các quy định về chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp rõ ràng; để đảm bảo luật sư, tư vấn viên pháp luật; công tác viên không bị xao động với những lợi ích cá nhân; công tâm trong việc tư vấn đảm bảo lợi ích khách hàng.

– Có quy định cụ thể giúp mọi người biết đến nhiều hơn, tin tưởng để sử dụng dịch vụ tư vấn; tuyên truyền được pháp luật, nâng cao hiểu biết của mỗi người; tránh những tranh chấp; rủi rỏ.

– Xây dựng cơ quan; quản lý kiểm tra hoạt động tư vấn, quy trình tư vấn đúng thủ tục; phù hợp pháp luật. Tránh việc người có nhu cầu tư vấn do thiếu hiểu biết; chưa tìm hiểu kỹ bị các tổ chức lừa đảo; xúi giục dẫn đến không giải quyết được vấn đề của mình mà còn bị ảnh hưởng; tổn thất do nghe tư vấn sai.

Từ những phân tích đáng giá quy định thực tiễn của pháp luật đã đưa ra những giải pháp để nhằm nâng cao hơn nữa những chất lượng thực hiện quy trình tự vấn cũng kết quả của toàn bộ quá trình tự vấn pháp luật. Không chỉ có quy định cụ thể về quy trình tư vấn đã có; nghiên cứu hoàn thiện hơn các vấn đề khác của quy trình tư vấn. Nâng cao chất lượng người tư vấn và các cơ quan quản lý hoạt động tư vấn. Giúp cho mọi người biết nhiều; tiếp cận nhiều hơn đến hoạt động tư vấn từ đó nâng cao hiểu biết của người dân; ổn định xã hội. Tạo điều kiện cho ngành dịch vụ pháp lý pháp triển; nâng cao hiểu của giải quyết của pháp luật; không những thế có thể tìm ra được những vấn đề mà pháp luật quy định còn thiếu; làm cở sở để nghiên cứu, bổ sung thêm để ngày một hoàn thiện hệ thống pháp luật

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quốc hội (2005), Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11, Hà Nội.
  2. Quốc hội (2006, 2012), Luật Luật sư năm 2006 số 65/2006/QH11 và Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Luật sư số 20/2012/QH13, Hà Nội.
  3. Học viện Tư pháp (2012),  Giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật, NXB CAND, Hà Nội.
  4. Sổ tay Luật sư
  5. Hoàng Phê chủ biên (1999), Từ điển Tiếng Việt, NXB Văn hóa Thông tin
  6. Nghị định 77/2008/NĐ-CP về Tư vấn pháp luật
  7. Thông tư liên tịch 191/2014/TTLT-BTC-BTP

[1]  Từ điển Tiếng Việt – Hoàng Phê chủ biên – NXB  Văn hóa thông tin 1999

[2]  Khoản 1 Điều 28 Luật luật sư

[3]  Điều 28 Luật trợ giúp pháp lý

[4]  Giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật – Học viện tư pháp, tr.50

[5]  Giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật – Học viện Tư pháp

[6]  Điều 18 Nghị định 77/2008/NĐ-CP về Tư vấn pháp luật

[7]  Khoản 1 Điều 26 Luật luật sư

[8]  Sổ tay luật sư

[9]  Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 191/2014/TTLT-BTC-BTP

1900.0191