Phân tích và đánh giá việc xác định cha, mẹ con khi cha mẹ có hôn nhân hợp pháp theo pháp luật hiện nay.
Vợ chồng hợp pháp tức là hai người nam và nữ được nhà nước thừa nhận quan hệ hôn nhân theo qui định của Luật Hôn nhân và gia đình. Cũng cần lưu ý, nam nữ chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 không đăng kí kết hôn nhưng vẫn được công nhận là vợ chồng theo Nghị quyết 35/2000/QH10. Đây là điều kiện đầu tiên để xác định cha, mẹ, trong trong hôn nhân hợp pháp.
1. Xác định cha, mẹ, con khi có hôn nhân hợp pháp
1.1. Căn cứ vào thời kì hôn nhân
Con của cặp vợ chồng sinh ra trong thời kì hôn nhân hợp pháp được gọi là con trong giá thú. Vậy, thời kì hôn nhân là khoảng thời gian mà tồn tại quan hệ vợ chồng tính từ ngày đăng kí kết hôn cho đến khi chấm dứt hôn nhân. Căn cứ để chấm dứt hôn nhân có thể do một trong hai bên chết hoặc bị tuyên bố mất tích hoặc li hôn theo bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực. Căn cứ để bắt đầu mối quan hệ hôn nhân là kể từ ngày hai người thực hiện thủ tục đăng kí kết hôn và được trao giấy đăng kí kết hôn. Ngoài ra còn là vợ chồng hợp pháp nếu chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/2987 mà không đăng kí kết hôn.
Con sinh ra mặc nhiên được thừa nhận mối quan hệ giữa mẹ và con. Bởi người mẹ là người trực tiếp mang thai và sẽ phát sinh mối quan hệ huyết thống với con. Trừ trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đối với người cha thì cũng tương tự người mẹ, tuy nhiên khi có sự phản đối của người cha thì có thể chứng minh đó không phải là con mình.
1.2. Căn cứ vào thời kì thụ thai và sự kiện sinh đẻ
Con sinh ra sau thời kì hôn nhân nhưng trong thời hạn 300 ngày sau khi chấm dứt quan hệ hôn nhân vẫn được thừa nhận mối quan hệ pháp lí với người cha. Bởi quá trình mang thai yêu cầu và đòi hỏi một khoảng thời gian đủ dài để cho thai nhi
phát triển về mặt sinh học. Chính vì vậy, nếu người phụ nữ sau khi chấm dứt hôn nhân thì con sinh ra trong khoảng thời gian trên sẽ có cha là người đã li hôn hoặc đã chết, bị tuyên bố mất tích.
Mặc dù sự kiện sinh để xuất hiện sau khi hai bên đã chấm dứt hôn nhân nhưng quan hệ cha và con vẫn được xác lập nếu đứa con sinh trong vòng 300 ngày sau khi hôn nhân chấm dứt. Qui định này có ý nghĩa sâu sắc trong việc góp phần bảo vệ quyền của phụ nữ và nhất là trẻ em.
1.3. Căn cứ vào sự thừa nhận của cha mẹ về con chung của vợ chồng
Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 qui định: “con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Có thể thấy rằng, sự kiện thụ thai và sinh con đã hoàn tất trước khi vợ chồng phát sinh quan hệ hôn nhân hợp pháp.
Trong trường hợp này cũng áp dụng nguyên tắc suy đoán về sự hình thành mối quan hệ giữa cha mẹ và con. Khi thực hiện thủ tục xác định cha, mẹ, con thì không cần thiết phải có bất cứ loại giấy tờ chứng minh mối quan hệ này nếu không có tranh chấp. Tuy nhiên phải có văn bản xác nhận khi làm thủ tục đăng kí khai sinh cho con và ghi thông tin người cha trong giấy khai sinh của người con.1
2. Thủ tục xác định cha, mẹ, con khi có hôn nhân hợp pháp
Về thủ tục xác định cha, mẹ, con trong giá thú theo pháp luật hộ tịch hoặc theo pháp luật tố tụng dân sự. Nếu cha, mẹ thừa nhận con và không có bất cứ tranh chấp gì với nhau về vấn đề trên thì sẽ tiến hành đăng kí khai sinh cho con tại Uỷ ban nhân dân cấp xã theo pháp luật hộ tịch. Trong trường hợp, nếu có tranh chấp hay mâu thuẫn về vấn đề xác định cha của đứa trẻ thì có thể thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu Toà án xác định quan hệ cha con.
Có thể thấy rằng, qui định hiện hành về vấn đề xác định cha, mẹ, con trong hôn nhân hợp pháp đã và đang đáp ứng được nhu cầu cảu các ông bố, bà mẹ, người con mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi của những người yếu thế như mẹ hay trẻ em.
Theo qui định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Điều này cũng được áp dụng để xác định cha, mẹ, con đối với trường hợp sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản trong trường hợp cặp vợ chồng vô sinh) thì tình trạng pháp lí giữa cha, mẹ, con luôn được suy đoán là đã được hình thành nếu con sinh ra trong thời kì hôn nhân hoặc con sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân hoặc con sinh ra trước ngày kết hôn và được thừa nhận là con chung của vợ chồng. Nếu có sự phản đối từ người cha thì cần phải cung cấp chứng cứ và được Toà án xác định.
Con sinh ra tại bất kì thời điểm nào trong thời kì hôn nhân thì quan hệ cha, mẹ, con sẽ được xác định. Trong trường hợp này được suy đoán là con chung bởi nếu suy đoán là con riêng thì phải trải qua thủ tục lằng nhằng, phức tạp đối với người mẹ, người cha.
“Việc xác định cha, mẹ, con cho con trong giá thú dựa trên cơ sở nguyên tắc suy đoán pháp lí, tức là dựa vào sự kiện đăng kí kết hôn và thời kì hôn nhân của cha, mẹ đứa trẻ.”2
Danh mục tài liệu tham khảo
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
- Luật Hộ tịch năm 2015
- Nghị quyết 35/2000/QH10
- Thông tư số 04/2020/TT-BTP qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình, năm 2021