Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở
Hòa giải từ lâu vốn đã được xem là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng, mang đậm tính nhân văn, hoạt động vì mọi người trên cơ sở đạo đức xã hội và nền tảng pháp luật, nếu thực hiện tốt công tác này sẽ giúp ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Trong bối cảnh đời sống hiện nay, khi những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp về quyền lợi phát sinh một cách thường xuyên hơn, công tác hòa giải càng đóng vai trò quan trọng, giúp hạn chế một phần tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu kiện do thiếu hiểu biết.
Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã tăng cường tổ chức, hoạt động hoà giải ở cơ sở. Qua đó hoạt động hòa giải trên địa bàn tỉnh trong những năm qua từng bước chuyển biến tích cực. Các tổ hoà giải được kiện toàn, chất lượng và số lượng hoà giải viên có trình độ chuyên môn trung cấp, đại học ngày càng nhiều, số vụ việc hoà giải thành năm sau cao hơn năm trước, hạn chế được rất nhiều vụ việc tranh chấp khiếu kiện.
Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 2.159 thôn, làng, tổ dân phố với 2.146 tổ hòa giải và 11.207 hòa giải viên. Các thành viên tổ hoà giải là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ Mặt trận, già làng. Hòa giải viên tham gia vào tổ hoà giải là những người có phẩm chất đạo đức, uy tín, đại diện cho nhân dân, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tự nguyện tham gia làm công tác hòa giải. Chất lượng đội ngũ hòa giải viên ngày càng được nâng cao, góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, góp phần ổn định trật tự, an ninh xã hội trên địa bàn.
Trong những năm qua, Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai đã thực hiện tốt công tác tham mưu giúp UBND tỉnh theo dõi, quản lý về tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải ở cơ sở. Tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo UBND các cấp tạo điều kiện để các hoà giải viên hoạt động hiệu quả; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình hoạt động của các tổ hoà giải, kịp thời biểu dương khen thưởng những hoà giải viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động hoà giải. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp huyện, thành phố và UBND cấp xã theo dõi, chỉ đạo hoạt động của các tổ hoà giải và hoà giải viên. Đặc biệt, ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở (sau đây gọi là Luật) được ban hành, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Luật trên địa bàn tỉnh, có văn bản đề nghị UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật ở địa phương, đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã biên soạn các đề cương, tài liệu, chỉ đạo tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tổ trưởng tổ hoà giải, nội dung tập huấn gồm các lĩnh vực: Luật Hòa giải ở cơ sở, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân – gia đình, khiếu nại – tố cáo, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở,… Thường xuyên cử cán bộ, công chức tiến hành kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở nhằm kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo những khó khăn vướng mắc phát sinh ở cơ sở.
Năm 2013, các tổ hoà giải đã thụ lý 1.485 vụ việc, trong đó hòa giải thành 1.134 vụ việc, hòa giải không thành 209 vụ việc và đang hòa giải 142 vụ việc. Số lượng vụ việc hoà giải qua các năm giảm. Số vụ việc tiếp nhận hòa giải giảm cho thấy công tác hòa giải đã góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, hạn chế khiếu kiện vượt cấp góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nên hoạt động hoà giải ở cơ sở đã được củng cố về tổ chức và hoạt động, trình tự thủ tục bầu tổ trưởng và thành viên tổ hòa giải được thực hiện theo quy định của Luật. Việc thanh toán thù lao cho hòa giải viên đã được Ủy ban nhân dân cấp xã quan tâm. Do đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần giữ gìn khối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, các tổ hoà giải thông qua việc hoà giải đã góp phần tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Đảng đến nhân dân sâu rộng và toàn diện.
Bên cạnh đó, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như:
Thứ nhất, một số địa phương chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải, chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở (chưa thực hiện tốt chế độ thống kê, kiểm tra, báo cáo, theo dõi tình hình biến động về tổ chức cũng như chất lượng hòa giải cơ sở; công tác sơ kết, tổng kết, tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật có liên quan cho hòa giải viên chưa được thực hiện thường xuyên; việc khen thưởng, chi thù lao cho hoà giải viên chưa thực hiện kịp thời; một số cán bộ tư pháp – hộ tịch chưa làm tốt vai trò tham mưu trong quản lý công tác hòa giải ở cơ sở…).
Thứ hai, hoạt động hoà giải còn mang tính hình thức chưa chú trọng chiều sâu, chưa thể hiện đầy đủ và đúng nghĩa của công tác hoà giải cơ sở.
Thứ ba, việc huy động nguồn lực cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa được tiến hành một cách đồng bộ và thống nhất. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải phải kiêm nhiệm nhiều việc; các hoà giải viên chưa được quan tâm trang bị kiến thức pháp lý và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ; một số tổ hoà giải ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn vận dụng những tập tục lạc hậu trái quy định của pháp luật để hoà giải làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân. Mạng lưới hòa giải chưa đồng đều; tổ hòa giải ở một số nơi hoạt động chưa hiệu quả; tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; một bộ phận hòa giải còn hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải…
Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, cần thực hiện một số công tác sau:
Một là, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị tí, vai trò và tầm quan trọng cua công tác này đối với đời sống xã hội.
Hai là, các cấp, các ngành cần xác định công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội nhằm tăng cường trách nhiệm, tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
Ba là, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên.
Bốn là, cung cấp các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Năm là, tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hoà giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động.
Sáu là, tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động hòa giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải.
Bảy là, bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngày 27/01/2014, liên Bộ Tài chính và Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, thay thế Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, đối với các quy định về nội dung chi, mức chi phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP cho đến khi có văn bản thay thế. Vì vậy, đối với địa bàn tỉnh Gia Lai, các mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở sẽ vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND ngày 02/8/2010 về việc ban hành quy định về mức chi thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Gia Lai, theo đó mức thù lao hòa giải là 150.000 đồng/vụ việc/tổ (căn cứ vào xác nhận của UBND cấp xã về số vụ việc nhận hòa giải của tổ hòa giải ở cơ sở)
Thanh Hiếu
Tham khảo thêm:
- Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật
- Giải pháp nhằm hạn chế vi phạm pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất
- Pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trước yêu cầu hội nhập
- Nhận diện về lao động cưỡng bức trong pháp luật lao động Việt Nam hiện hành
- Bàn về điều kiện trong hợp đồng tặng cho tài sản
- Bàn về hậu quả pháp lý việc đình chỉ thi hành án theo thỏa thuận của đương sự
- Ngành Thi hành án dân sự Bắc Kạn 17 năm xây dựng và trưởng thành
- Thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự phục vụ công tác đặc xá và xét giảm án
- Thực tiễn áp dụng chế định tài sản và quyền sở hữu trong Bộ luật Dân sự năm 2005
- Việc xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu, sung công quỹ Nhà nước