Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, phân tích và đánh giá các quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành

Anh (chị) hãy phân tích và đánh giá các quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết? Quan điểm của anh (chị) về việc xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết? Lấy hồ sơ tình huống số 04 bộ môn đã cung cấp hoặc hồ sơ do học viên tự sưu tầm (đính kèm quyết định giải quyết việc dân sự) để phân tích?

Tuyên bố chết đối với một cá nhân lần đầu xuất hiện trong BLDS năm 1995, sau đó các quy định liên quan đến tuyên bố này đã dần được hoàn thiện hơn qua các bộ luật thay thế. Cho đến nay, chương XXVII của BLTTDS năm 2015 đã quy định đầy đủ về thủ tục giải quyết yêu cầu TBMNLĐC. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng để giải quyết yêu cầu này đã và đang đặt ra những vướng mắc cần tháo gỡ cũng như cần có sự hướng dẫn thống nhất. Chính từ thực trạng này, em đã chọn đề tài số 03 để làm bài tiểu luận cuối kỳ:  “Anh (chị) hãy phân tích và đánh giá các quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết? Quan điểm của anh (chị) về việc xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết? Lấy hồ sơ tình huống số 04 bộ môn đã cung cấp hoặc hồ sơ do học viên tự sưu tầm (đính kèm quyết định giải quyết việc dân sự) để phân tích?”

1. Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết

1.1. Hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người là đã chết

Về đơn yêu cầu: Đơn yêu cầu TBMNLĐC phải có các nội dung chính như quy định tại Khoản 2 Điều 362 BLTTDS năm 2015 và mẫu đơn hiện nay là Mẫu số 01-VDS Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Ngoài ra trong đơn yêu cầu, người yêu cầu có thể yêu cầu TA áp dụng các biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt.

Về tài liệu và chứng cứ: Trong việc gửi đơn yêu cầu, người yêu cầu phải có nghĩa vụ gửi kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh về việc người bị yêu cầu đã chết cũng như chứng cứ về việc người yêu cầu đã thực hiện thông báo, tìm kiếm như xác nhận của cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình… Ngoài ra nếu đã có quyết định tuyên bố mất tích thì cần có bản sao quyết định của TA. Việc gửi các tài liệu, chứng cứ này nhằm giúp cho TA có thể dễ dàng xem xét và giải quyết đơn yêu cầu để bảo vệ lợi ích hợp pháp của những người bị ảnh hưởng trong quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản khi một cá nhân vắng mặt mà không rõ còn sống hay không.

1.2. Nhận và xử lý đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết

Theo Điều 363 BLTTDS năm 2015, về cơ bản, thủ tục nhận đơn yêu cầu được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 191 BLTTDS năm 2015. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án TA phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu TBMNLĐC.

Trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Khoản 2 Điều 362 của BLTTDS năm 2015 thì Thẩm phán yêu cầu người yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Nếu hết 07 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu mà người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ. Quy định này đã thể hiện được sự linh hoạt của BLTTDS nói riêng và pháp luật nước ta nói chung. BLTTDS năm 2015 đã đặt ra một khoảng thời gian vừa đủ để người yêu cầu có thể sửa đổi, bổ sung đơn nếu như nội dung vẫn còn thiếu sót. Thay vì gửi lại đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ khi không đủ thì quy định này vừa tạo điều kiện cho người có đơn yêu cầu được xét đơn nhanh chóng, vừa tiết kiệm thời gian cho cơ quan TA mà vẫn đảm bảo được quy trình giải quyết vụ việc.

Trường hợp người yêu cầu thực hiện đầy đủ yêu cầu sửa đổi, bổ sung và TA xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí và thụ lý đơn yêu cầu sau khi người yêu cầu nộp biên lai thu tiền lệ phí.

1.3. Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết

Theo quy định tại Điều 392 BLTTDS năm 2015, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thụ lí đơn yêu cầu TBMNLĐC, TA ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết. Thủ tục này được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 388 BLTTDS năm 2015. So với BLTTDS cũ, BLTTDS năm 2015 đã rút ngắn thời gian từ 30 ngày về 20 ngày trong việc ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết. Xét trên phương diện chủ quan, tâm lý của những người có quyền, nghĩa vụ liên quan, của những người thân xung quanh người bị yêu cầu tuyên bố chết là vô cùng lo lắng, sốt ruột. Thấu hiểu điều này, các nhà làm luật đã thay đổi mốc thời gian ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết. Việc làm này có ý nghĩa lớn trong thủ tục giải quyết yêu cầu TBMNLĐC, không chỉ bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của những cá nhân xung quanh người bị yêu cầu tuyên bố chết mà còn rút ngắn thời gian để mau chóng có được kết luận từ TA.

Trong thời hạn thông báo nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu hoặc người bị yêu cầu tuyên bố chết đã trở về và thông báo cho TA biết thì TA ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.[1] Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn thông báo mà người bị yêu cầu tuyên bố đã chết không trở về và có đủ các điều kiện, căn cứ thì TA ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu TBMNLĐC.

1.4. Phiên họp xét đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết

Thủ tục tiến hành phiên họp xét đơn yêu cầu TBMNLĐC được thực hiện theo quy định tại Điều 369 BLTTDS năm 2015. Cuối cùng, Thẩm phán, Hội đồng giải quyết VDS xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu TBMNLĐC. Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì TA ra quyết định TBMNLĐC đồng thời trong quyết định phải xác định ngày chết và hậu quả pháp lý của việc TBMNLĐC theo BLDS. Về hậu quả pháp lý của việc TBMNLĐC được quy định rõ tại Điều 72 BLDS năm 2015.

Qua nhiều lần sửa đổi, các quy định trong BLTTDS đã dần được hoàn thiện qua các năm. BLTTDS năm 2015 đã bổ sung những quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu TBMNLĐC sao cho vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của những người có liên quan đến người bị yêu cầu tuyên bố chết không bị xâm phạm, vừa đảm bảo  tính giản lược cho các vụ việc mang tính chất đặc trưng là không có tranh chấp. Bản chất của pháp luật vừa có tính xã hội vừa có tính giai cấp vì nó chứa đựng những chuẩn mực chung được xã hội ủng hộ mà vẫn duy trì, phản ánh được bản chất của Nhà nước đặt ra nó. Do đó, khi sửa đổi luật, các nhà làm luật đã cân nhắc rất kĩ đến yếu tố trên. Có thể nói, những quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu TBMNLĐC trong BLTTDS hiện hành là kết quả của một quá trình làm việc thấu tình đạt lý.

Tuy nhiên, pháp luật cần có quy định cụ thể hơn đối với những vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng thủ tục giải quyết, điển hình là việc xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết.

2. Bất cập trong xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết

Việc xác định ngày chết của người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết còn nhiều cách hiểu khác nhau, chưa có sự thống nhất. Việc xác định ngày chết thuộc quy định của BLDS[2], tuy nhiên theo Điều 393 BLTTDS năm 2015 thì việc xác định và tuyên bố ngày chết của người bị yêu cầu được thực hiện thông qua thủ tục giải quyết yêu cầu TBMNLĐC.[3] Những quan điểm khác nhau về vấn để này cụ thể như sau:

Theo quan điểm thứ nhất, thời điểm chết được xác định là thời điểm ngay sau khi có đầy đủ các điều kiện để được tuyên bố là đã chết.[4]Trường hợp đã có quyết định tuyên bố mất tích của TA có hiệu lực pháp luật thì ngày chết được xác định là ngày đầu tiên kế tiếp ngày kết thúc thời hạn 3 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của TA có hiệu lực pháp luật.

Theo quan điểm thứ hai, tùy từng trường hợp cụ thể mà TA xác định ngày chết. Trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 71 BLDS năm 2015 thì ngày chết là ngày có quyết định tuyên bố mất tích của TA đối với người đó có hiệu lực pháp luật.

Ngoài hai quan điểm đã nêu, thậm chí còn có quan điểm cho rằng thời điểm chết được xác định là ngày mà quyết định TBMNLĐC của TA có hiệu lực pháp luật.[5] Như vậy, trong thực tiễn xét xử, việc áp dụng pháp luật để xác định ngày chết của một người bị tuyên bố là đã chết chưa có sự thống nhất và cũng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.[6]

Trong số các quan điểm hiện nay, theo em, pháp luật nên quy định thời điểm chết theo hướng là thời điểm ngay sau khi có đầy đủ các điều kiện để được tuyên bố là đã chết, tức là theo như quan điểm thứ nhất. Việc một người bị TA tuyên bố là đã chết phải được hiểu là “chết về mặt pháp lý”, không phải “chết về mặt sinh học”, do đó, chỉ khi có đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định thì mới được xác định là đã chết. Thời điểm chết phải được xác định là thời điểm ngay sau khi có đầy đủ các điều kiện để được tuyên bố là đã chết. Việc quy định thời điểm chết theo quan điểm thứ nhất là hợp lý, bởi Khoản 1 Điều 71 BLDS năm 2015 đã dự liệu những khoảng thời gian cần thiết đối với từng trường hợp để có cơ sở nhất định cho việc tin rằng sau khoảng thời gian đó, người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết khó có tin tức xác thực là còn sống. Mà việc TBMNLĐC là tuyên bố về mặt pháp lý nên ngày chết cần được xác định là ngày ngay sau khi “đáp ứng” những khoảng thời gian mà pháp luật đã dự liệu.

Trên thực tế, khi xét xử, hầu hết các Thẩm phán cũng đều dựa theo quan điểm thứ nhất để ra quyết định TBMNLĐC. Dẫn chứng cho điều này có thể kể đến Quyết định số 251/2021/QĐST-DS ngày 19 tháng 8 năm 2021 của TAND thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.[7] Theo đó, ông T đã rời khỏi địa phương để đi làm ăn vào ngày 10/01/2001 và từ đó đến nay ông T biệt tích không liên lạc với gia đình. Gia đình cũng đã tìm kiếm nhưng không có tin tức gì về ông T.  Nay vợ ông T – bà S, yêu cầu tuyên bố ông T là đã chết. Theo điểm d Khoản 1 Điều 71 BLDS năm 2015 thì người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu TA ra quyết định TBMNLĐC trong trường hợp biệt tích 5 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống. Vì vậy, việc bà S yêu cầu tuyên bố ông T là đã chết là phù hợp thực tế, đúng quy định của pháp luật nên yêu cầu của bà được chấp nhận.

Về ngày chết của ông T, cả VKS và TA đều xác định là ngày 11/01/2006. Do đó, Thẩm phán đã ra quyết định cuối cùng ngày chết của ông T là ngày 11/01/2006, tức ngày đầu tiên kế tiếp ngày kết thúc thời hạn 5 năm kể từ ngày có tin tức cuối cùng của ông T. Ngoài ra còn trường hợp đã có quyết định tuyên bố mất tích của TA có hiệu lực pháp luật thì ngày chết được xác định là ngày đầu tiên kế tiếp ngày kết thúc thời hạn 3 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của TA có hiệu lực pháp luật. Dẫn chứng cho điều này có thể để kể đến Quyết định số 33/2021/QĐST-DS ngày 22 tháng 3 năm 2021 của TAND Quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh.[8] Theo đó, ông Tào Thiếu K bỏ nhà đi từ lâu, gia đình đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không có tin tức. Do đó, đến năm 2005 bà M đã làm thủ tục tuyên bố một người là mất tích đối với ông Tào Thiếu K và đã được TAND Quận 11 chấp nhận. Từ đó đến nay, gia đình tiếp tục tìm kiếm nhưng vẫn không có bất kỳ tin tức nào của ông K, đã đăng thông báo tìm kiếm theo quy định pháp luật nhưng vẫn không có kết quả. Vì vậy, vợ ông K – bà M, yêu cầu TBMNLĐC đối với ông Tào Thiếu K. Thẩm phán đã căn cứ vào điểm a Khoản 1 Điều 71 BLDS năm 2015: “Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống” để xác định ngày chết của ông Tào Thiếu K là ngày sau 3 năm kể từ ngày Quyết định tuyên bố một người mất tích ngày 04/03/2005 có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, ngày chết của ông K là ngày 20/3/2008.

TBMNLĐC là một yêu cầu đặc biệt trong hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam. Việc áp dụng các yêu cầu này mang một ý nghĩa thiết thực đối với đời sống xã hội, làm tiền đề cho hoạt động giải quyết VDS được diễn ra thông suốt. Tuy nhiên, việc TBMNLĐC vẫn rất cần có sự quan tâm từ các nhà làm luật để đưa ra sự thống nhất cụ thể về các quan điểm khác nhau, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của những cá nhân liên quan.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

I/ Tài liệu tham khảo là sách

1. Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Lao Động, Hà Nội;

2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Nxb. Lao Động, Hà Nội;

3. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Nxb. Lao Động, Hà Nội;

4. Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam (2019), Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công An Nhân Dân, Hà Nội;

5. Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09 tháng 08 năm 2018 ban hành một số biểu mẫu trong giải quyết việc dân sự của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

II/ Tài liệu tham khảo là luận văn

Hoàng Xuân Hiếu (2015), Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích, tuyên bố chết đối với một cá nhân theo pháp luật TTDS Việt Nam và thực tiễn thực hiện tại TAND huyện Đông Anh, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.

III/ Tài liệu tham khảo là ấn phẩm điện tử

1. Hoàng Yến (2010), “Thủ tục tuyên bố chết: Rối chuyện xác định ngày chết”, Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, 23/4/2010,

2. Kim Quỳnh (2018), “Xác định ngày chết của người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, 2018,

3. Phương Loan (2012), “Sửa quyết định vì xác định sai ngày chết”, Báo điện tử Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh,

IV/ Các quyết định của Toà án

1. Quyết định số 251/2021/QĐST-VDS ngày 19/08/2020 của TAND thị xã Hoài Nhơn tỉnh Bình Định về yêu cầu tuyên bố một người là đã chết,

2. Quyết định số 33/2021/QĐST-VDS ngày 22/03/2021 của TAND Quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh về yêu cầu tuyên bố một người là đã chết,


[1] Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam (2019), Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công An Nhân Dân, tr.429.

[2] Xem Điều 71 BLDS năm 2015.

[3] Hoàng Xuân Hiếu (2015), Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích, tuyên bố chết đối với một cá nhân theo pháp luật TTDS Việt Nam và thực tiễn thực hiện tại TAND huyện Đông Anh, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 53.

[4] Hoàng Yến (2010), “Thủ tục tuyên bố chết: Rối chuyện xác định ngày chết”, Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, 23/4/2010,

[5] Phương Loan (2012), “Sửa quyết định vì xác định sai ngày chết”, Báo điện tử Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh,

[6] Kim Quỳnh (2018), “Xác định ngày chết của người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, 2018,

1900.0191