Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch.

Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch.

15/09/2010

Ngày 27/5/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2006) thay thế Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch. Có thể nói Nghị định số 158/2005/NĐ-CP đã đáp ứng một cách tích cực yêu cầu cải cách hành chính, mà trong đó dặc biệt là yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính.
Những quy định về các thủ tục trong đăng ký hộ tịch đã làm cho hầu hết người dân hài lòng, điều này thể hiện ở việc công khai hóa các thủ tục đăng ký hộ tịch, rút ngắn thời hạn giải quyết, đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ trong đăng ký hộ tịch, bổ sung thêm nhiều loại việc mới phát sinh, mở rộng thẩm quyền đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, trong quá trình thực hiện cũng còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc nhất định cụ thể như sau:

1. Quy định khi đăng ký lại khai sinh cho người không có bản sao Giấy khai sinh đã cấp trước đây thì chưa chặt chẽ. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp có sự sai lệch về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh giữa Giấy khai sinh và các bằng cấp sau này, công dân sẽ xuất trình những hồ sơ có sự trùng khớp về các thông tin mà cố tình không xuất trình các giấy tờ có sự sai lệch (với lý do không giữ được), với mục đích đăng ký lại khai sinh theo thông tin của giấy tờ sau này. Như vậy nếu thực hiện đăng ký lại trong trường hợp này là hợp thức hóa giấy tờ cho công dân.

2. Trước khi đăng ký việc nuôi con nuôi có quy định phải xác minh mục đích nhận con nuôi, điều kiện cho và nhận nuôi con nuôi. Thực tế có trường hợp đáp ứng đủ các yêu cầu, điều kiện cho và nhận nuôi con nuôi nhưng người nhận nuôi con nuôi là đối tượng được hưởng chính sách của Nhà nước. Có nhiều ý kiến cho rằng đây là việc lợi dụng việc cho và nhận nuôi con nuôi để hưởng chế độ chính sách của Nhà nước, nhưng không đủ cơ sở để hủy bỏ quyết định công nhận nuôi con nuôi.

3. Theo quy định tại Thông tư số 01 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà UBND cấp xã nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ (ở những nơi đó) thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan đó. Đây là một quy định tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tuy nhiên, nếu lợi dụng kẽ hở của quy định này, công dân không trung thực trong quá trình cam đoan sẽ dẫn đến trường hợp một người có nhiều giấy đăng ký kết hôn.

4. Để xác định việc như thế nào là sai sót trong đăng ký khai sinh và như thế nào là gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong việc thay đổi, cải chính hộ tịch là rất khó khăn. Trong khi đó, Điều 27 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định căn cứ giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính có căn cứ vào các trường hợp khác do pháp luật quy định về hộ tịch, nhưng không có văn bản nào quy định những trường hợp khác là những trường hợp nào.

5. Nghị định 158/2005/NĐ-CP chưa quy định rõ việc cấp bản sao từ sổ hộ tịch có phải ghi vào sổ theo dõi hay không, việc ghi chép bao gồm những nội dung gì. Trên thực tế cơ sở thực hiện cấp rất nhiều bản sao nhưng không có sổ sách theo dõi.

Để phát huy những điểm tích cực của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, đồng thời có giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cần có quy định chặt chẽ hơn đối với những trường hợp đăng ký lại việc sinh; thay đổi, cải chính hộ tịch; đăng ký việc nuôi con nuôi, tránh tình trạng lợi dụng hợp pháp hóa giấy tờ cá nhân và lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước thì cần có sự phối hợp giữa một số bộ ngành hữu quan ở Trung ương để ban hành thông tư tháo gỡ những khó khăn mà người dân gặp phải trong việc điều chỉnh sự khác về một số nội dung giữa giấy tờ hộ tịch với các giấy tờ cá nhân khác. Cụ thể như: sự không thống nhất về nội dung giữa Giấy khai sinh và văn bằng, chứng chỉ của học sinh, sinh viên, sự không thống nhất giữa Giấy khai sinh và sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giữa giấy khai sinh và hồ sơ xin việc.

Bùi Thị Huế – Phòng Tư pháp huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

1900.0191