Sự cần thiết của việc hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
01/12/2010
Thứ nhất: Về nguyên tắc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại Điều 3 Luật Ban hành văn bản QPPL 2008 đã chỉ rõ: "bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật". Nói cách khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta phải thống nhất trong quá trình xây dựng, ban hành cũng như trong quá trình thực thi, áp dụng. Việc tồn tại hai Luật Ban hành văn bản QPPL của Trung ương và địa phương sẽ phá vỡ tính thống nhất đó.
Thứ hai: Giữa Luật Ban hành văn bản QPPL 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân 2004 đang có những quy định mâu thuẫn lẫn nhau. Ví dụ: Thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của Thủ tướng Chính phủ theo Luật Ban hành văn bản QPPL 2008 chỉ gồm một loại văn bản là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là văn bản áp dụng pháp luật (cá biệt). Trong khi đó, theo Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND 2004 thì Chỉ thị của UBND các cấp vẫn được xem là văn bản QPPL
Thứ ba:Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 có phạm vi điều chỉnh là hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp Trung ương, nhưng trong định nghĩa văn bản về văn bản quy phạm pháp luật của Luật này cũng như việc liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống văn bản pháp luật còn bao gồm cả văn bản QPPL của HĐND các cấp. Cụ thể: Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội”. Như vậy, định nghĩa này không chỉ đề cập tới các văn bản QPPL ở cấp Trung ương mà còn bao hàm cả văn bản QPPL tại địa phương. Tuy nhiên, nội dung Luật này chỉ quy định về trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản QPPL ở cấp Trung ương, còn các văn bản QPPL ở cấp địa phương lại dẫn chiếu đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân 2004. Đây chính là sự mâu thuẫn, không thống nhất ngay trong chính Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008.
Thứ tư, việc hợp nhất 2 Luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc ban hành các văn bản dưới Luật để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao (soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật). Thực tế hiện nay, mặc dù có 2 văn bản Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng việc ban hành các văn bản dưới Luật chỉ thống nhất trong một văn bản (ví dụ: Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 về công tác văn thư lưu trữ; Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của liên bộ Nội vụ- Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản…)
Tóm lại, việc hợp nhất 02 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp là cần thiết, hợp lý, góp phần khắc phục được những bất cập đồng thời nâng cao được tính hiệu lực thực tế, tính khả thi trong quá trình áp dụng. Bên cạnh đó, việc hợp nhất chắc chắn sẽ khắc phục được những mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định giữa văn bản Luật và dưới luật; giữa văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Trung ương và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan địa phương, góp phần hạn chế tình trạng “vượt thẩm quyền, xé rào” trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số bộ, địa phương như hiện nay; đảm bảo tính ổn định, thống nhất, minh bạch của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Hoàng Quốc Long – Sở Tư pháp Quảng Trị