Vai trò của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)

Vai trò của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)

10/11/2010

Sau hơn hai mươi năm đổi mới, nước ta đã ra khỏi nhóm các nước chậm phát triển có mức thu nhập thấp và trở thành nước thu nhập trung bình thấp (MIC). Theo tập quán tài trợ phát triển quốc tế, các nước đang phát triển đạt mức thu nhập trung bình thường nhận được lượng vốn ODA (vốn ODA không hoàn lại và ODA vốn vay) ít hơn so với các nước có thu nhập thấp, song lại được tiếp cận đến các khoản vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ(1).
         Hiện nay, Việt Nam đã được  các nhà tài trợ mở các kênh vốn vay ưu đãi như vốn vay thông thường (OCR) của ADB, vốn vay của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD) thuộc Nhóm WB, vốn vay phát triển của CHLB Đức, Pháp, Nhật Bản…          

         Để hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2020, Việt Nam đang tích cực huy động mọi nguồn lực đa dạng trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn lực tài chính, khoa học, công nghệ… Xét riêng khía cạnh tài chính, cũng như các nước đang phát triển khác, ngoài nguồn lực có thể huy động tại chỗ (từ nguồn vốn tự tích luỹ, từ nguồn vay từ dân chúng thông qua phát hành trái phiếu chính phủ…), nguồn vay từ nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế thì việc huy động nguồn vốn ODA được xem là một trong những chính sách ưu tiên của Chính phủ Việt Nam(2). Với mức cam kết khoảng 4 tỷ USD (xấp xỉ 10% GDP) đạt được mỗi năm thông qua Hội nghị thường niên các nhà tài trợ (hội nghị CG), ODA đã và đang thực sự phát huy vai trò là một trong những công cụ tài chính quan trọng, đóng góp tích cực vào công cuộc đối mới kinh tế tại Việt Nam thông qua các chương trình, dự án rất đa dạng (từ xoá đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng đến hỗ trợ xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực…). Công tác thu hút và sử dụng ODA của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua được cộng đồng quốc tế đánh giá về cơ bản là có hiệu quả. Chỉ tính từ năm 1993 đến năm 2005, cộng đồng tài trợ quốc tế đã cam kết viện trợ cho Việt Nam 32,53 tỷ USD, trên thực tế đã ký kết 22,6 tỷ USD và đã giải ngân 15,9 tỷ USD. Các nhà tài trợ cũng coi Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển sử dụng nguồn vốn ODA có hiệu quả .

 Để có thể tiếp cận với nguồn vốn ODA từ các chính phủ nước ngoài, các tổ chức liên quốc gia hoặc liên chính phủ nước ngoài, Việt Nam và các đối tác này thường tiến hành đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế về ODA. Theo quy định tại điểm 14 Điều 4 Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ODA (sau đây gọi tắt là Nghị định 131/2006/NĐ-CP), thì điều ước quốc tế về ODA là "thoả thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều nhà tài trợ về các vấn đề liên quan đến ODA

Theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sau đây gọi tắt là Luật điều ước quốc tế năm 2005), Nghị định 131/2006/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, thì các Bộ, ngành đều có vai trò nhất định trong việc đàm phán, ký kết và thực thi các điều ước quốc tế về ODA, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu của mình trong vai trò của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế về ODA.

   Theo Điều 1 Nghị định 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp thì "Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ". Trong quy định này, vai trò của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế về ODA rõ ràng chưa được đề cập một cách trực tiếp.

Còn theo Điều 41 Nghị định 131/2006/NĐ-CP thì Bộ Tư pháp có các nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ODA như sau: (i) Thẩm định các điều ước quốc tế về ODA theo quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; (ii) Cung cấp ý kiến pháp lý đối với các điều ước quốc tế về ODA hoặc các vấn đề pháp lý khác theo đề nghị của cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế;  (iii) Thẩm định về nội dung đối với các dự án hợp tác trong lĩnh vực pháp luật theo quy định của pháp luật hiện hành.

Việc phân tích vai trò của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế về ODA có thể được tập trung vào những điểm chủ yếu như sau:

1. Thẩm định các điều ước quốc tế về ODA theo quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế:

Theo quy định của Luật điều ước quốc tế năm 2005 và Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24 tháng 7 năm 2006 ban hành Quy chế thẩm định điều ước quốc tế (sau đây gọi tắt là Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP), thì Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì thẩm định các điều ước quốc tế nói chung và các điều ước quốc tế nói riêng.

          Mục đích của việc thẩm định là nhằm bảo đảm tính hợp hiến, mức độ tương thích của điều ước quốc tế với các quy định của pháp luật Việt Nam; xem xét, đánh giá về khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế tại Việt Nam và kiến nghị các biện pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó. Mặc dù chưa đủ cơ sở để khẳng định Việt Nam theo trường phái nhất nguyên luận hay nhị nguyên luận về mối quan hệ giữa điều ước quốc tế với pháp luật quốc gia, song quy định của Luật điều ước quốc tế năm 2005 cho phép hiểu rằng ở Việt Nam, điều ước quốc tế có vị trí thứ bậc chỉ dưới Hiến pháp. Trong quan hệ với luật thì điều ước quốc tế có giá trị ưu tiên áp dụng so với luật trong trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác so với quy định của luật.

           Trước hết, việc thẩm định điều ước quốc tế phải bảo đảm điều ước quốc tế không có điều khoản nào trái Hiến pháp – văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất đối với bất kỳ quốc gia nào. Trong bối cảnh Việt Nam chưa thành lập cơ quan tài phán hiến pháp(3), thì phải nói rằng vai trò của Bộ Tư pháp đảm bảo tính hợp hiến của điều ước quốc tế ở đây là rất quan trọng. Bảo đảm tính hợp hiến chính là bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm nguyên tắc pháp chế – nền tảng cơ bản nhất của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.

           Mặt khác, dù điều ước quốc tế có giá trị ưu tiên áp dụng so với luật, song cũng cần phải tiên lượng được việc thực thi các điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong luật sẽ diễn ra như thế nào trong thực tiễn. Trong trường hợp này, việc thẩm định của Bộ Tư pháp có ý nghĩa không kém phần quan trọng, bởi lẽ, về lý thuyết tưởng như không có vấn đề gì đặt ra, song về dưới giác độ thực tiễn, một điều ước quốc tế có nội dung trái luật chắc chắn sẽ không thể được thực thi một cách dễ dàng và suôn sẻ như trường hợp một điều ước quốc tế có nội dung phù hợp với luật. Không phải ngẫu nhiên mà trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), các đối tác đàm phán thường yêu cầu quốc gia là ứng cử viên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật trong nước cho phù hợp với các quy định của WTO trước khi xem xét việc kết nạp. Thêm vào đó, trong điều kiện Việt Nam hiện nay có thể thấy trình độ nhận thức về điều ước quốc tế của các tổ chức, cá nhân, thậm chí ngay cả các cơ quan nhà nước còn rất hạn chế. Ngay cả các cơ quan xét xử cũng có xu hướng hạn chế áp dụng điều ước quốc tế (viện dẫn một điều ước quốc tế trái luật để tranh tụng trước toà án Việt Nam không phải là một việc dễ dàng trong bối cảnh thẩm phán vốn chỉ quen áp dụng luật trong nước(4).

Do đó, giải pháp được xem là hiệu quả, khả thi và an toàn hơn cả vẫn là cần đảm bảo sự tương thích của điều ước quốc tế với pháp luật trong nước. Về phương diện này, ngoài việc thẩm định tính hợp hiến, Bộ Tư pháp còn phải thẩm định cả sự phù hợp giữa điều ước quốc tế với pháp luật trong nước (thường là luật, pháp lệnh). Đây chính là điểm mới so với quy định của Pháp lệnh điều ước quốc tế năm 1998. Theo tinh thần Pháp lệnh này, việc thẩm định sự phù hợp giữa điều ước quốc tế với pháp luật trong nước chỉ đặt ra trong trường hợp dự thảo điều ước quốc tế có nội dung trái hoặc chưa được quy định trong luật, pháp lệnh. Không ít tác giả đã chỉ trích quy định này mà lập luận chủ đạo là khi chưa tiến hành thẩm định thì làm sao biết được dự thảo điều ước quốc tế có nội dung trái hoặc chưa được quy định trong luật, pháp lệnh hay không. Quy định mới này của Luật điều ước quốc tế năm 2005 đã mở rộng phạm vi thẩm định sự tương thích giữa điều ước quốc tế với pháp luật trong nước đối với mọi trường hợp. Có thể nói rằng đây thực sự là một thách thức đối với Bộ Tư pháp trong quá trình tổ chức thực hiện quy định mới này.

           Ngoài việc thẩm định tính hợp hiến và sự tương thích giữa điều ước quốc tế với pháp luật trong nước, Bộ Tư pháp còn có nhiệm vụ "đánh giá về khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế tại Việt Nam và kiến nghị các biện pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế". Quy định này của Luật điều ước quốc tế năm 2005 cho phép hiểu rằng Việt Nam chấp nhận cả hai phương thức thực hiện điều ước quốc tế: áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế và chuyển hoá điều ước quốc tế vào trong nội luật. Thực tiễn đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế về ODA trong thời gian qua cho thấy, trong hầu hết các trường hợp, điều ước quốc tế về ODA thường được áp dụng một cách trực tiếp. Các nhà tài trợ thường soạn thảo các dự thảo điều ước quốc tế mang tính "khuôn mẫu" và bên thụ hưởng có quyền đưa ra ý kiến bình luận và bày tỏ ý chí chấp nhận hay không chấp nhận việc ký kết điều ước quốc tế đó.

Cùng với quá trình nhất thể hoá thủ tục giữa các nhà tài trợ, không thể phủ nhận một thực tế hiện nay là các điều ước quốc tế về ODA đang ngày càng có khuynh hướng "áp đặt" đối với bên nhận tài trợ và bên nước ngoài thường mong muốn điều ước được thực hiện trực tiếp ngay sau khi ký mà không phải đợi thủ tục nội luật hoá. Trên thực tế, chúng tôi cũng chưa thấy trường hợp nào cần phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện một điều ước quốc tế cụ thể về ODA. Tuy nhiên, một trong những chức năng của thẩm định là "dự phòng" tình huống có thể phát sinh. Do đó, Bộ Tư pháp vẫn phải chỉ ra khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, hoặc trong trường hợp cần nội luật hoá thì phải kiến nghị cụ thể các biện pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật trong nước để thực hiện điều ước quốc tế.

           Để cụ thể hoá các quy định của Luật điều ước quốc tế năm 2005 về thẩm định điều ước quốc tế, Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP đã quy định rõ nội dung thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các điều ước quốc tế, cụ thể bao gồm:

           – Sự cần thiết của việc đàm phán, ký hoặc gia nhập điều ước quốc tế;

          – Tính hợp hiến của điều ước quốc tế;

          – Mức độ tương thích của nội dung điều ước quốc tế với các quy định của pháp luật Việt Nam;

          – Khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế tại Việt Nam;

          – Khả năng phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;

          – Phương án xử lý những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, ngành.

           Đồng thời, Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP cũng đã cụ thể hoá thủ tục, trình tự thẩm định điều ước quốc tế nói chung, với tinh thần cải cách hành chính cao nhất (rút ngắn thời hạn, đơn giản hoá thủ tục hồ sơ, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp…)

           Ở đây cũng cần phân biệt hoạt động thẩm định với hoạt động thẩm tra. Theo quy định của Điều 9 khoản 2 Luật điều ước quốc tế thì trước khi trình Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch nước xin phép ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ hoặc nhân danh Nhà nước, cơ quan đề xuất ký kết phải tổ chức lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến thẩm tra của Bộ Ngoại giao. Như vậy, khác với thẩm định của Bộ Tư pháp tập trung xem xét khía cạnh pháp lý của dự thảo điều ước quốc tế, hoạt động thẩm tra của Bộ Ngoại giao chủ yếu xem xét khía cạnh đường lối đối ngoại (thiên về chính trị), nói cách khác là những vấn đề về đối ngoại đặt ra trong trường hợp ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế.

          Một vấn đề khác cũng cần phải làm rõ ở đây là giá trị ràng buộc của văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp đến đâu? Trả lời câu hỏi này không đơn giản bởi lẽ nếu xem xét kỹ, pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định nào cụ thể và rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên, dưới giác độ khoa học pháp lý, có thể đặt ra các trường hợp sau:

         Thứ nhất, trong trường hợp văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp kết luận rằng dự thảo điều ước quốc tế đảm bảo tính hợp hiến, sự tương thích với luật trong nước, thì chắc chắn việc ký kết sẽ dễ dàng được các cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện mà không có vấn đề nào đặt ra;

          Thứ hai, trong trường hợp văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp kết luận rằng dự thảo điều ước quốc tế có điều khoản trái Hiến pháp hoặc không tương thích với luật trong nước, ở đây tiếp tục có hai trường hợp cần xem xét đó là (i) dự thảo điều ước quốc tế không đảm bảo tính hợp hiến; (ii) dự thảo điều ước quốc tế không đảm bảo tính tương thích với luật trong nước.

Trước hết, nếu dự thảo điều ước quốc tế bị Bộ Tư pháp khẳng định là có điều khoản trái Hiến pháp, thì với thứ bậc giá trị pháp lý của điều ước quốc tế như đã phân tích ở trên, dự thảo đó sẽ không thể được phép ký kết nếu quy định trái Hiến pháp trong dự thảo không bị loại bỏ hoặc sửa đổi. Còn trong trường hợp dự thảo điều ước quốc tế có điều khoản trái với luật trong nước thì cũng với thứ bậc giá trị pháp lý của điều ước quốc tế như đã phân tích ở trên, dự thảo điều ước quốc tế đó vẫn có thể được cho phép ký kết. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phương án xử lý vấn đề này phải được đặt ra, cụ thể là khả năng sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật trong nước để thực thi điều ước quốc tế đó trong trường hợp được ký kết.

           Theo thống kê của Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Tư pháp thì trung bình trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay Bộ Tư pháp thẩm định khoảng vài chục điều ước quốc tế về ODA mỗi năm. Trong thời gian gần đây, số lượng đề nghị thẩm định đang có xu hướng giảm xuống vì lý do quy định mới của Luật điều ước quốc tế năm 2005 đã giới hạn định nghĩa điều ước quốc tế, theo đó các thoả thuận cấp Bộ, ngành, của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao không còn được coi là điều ước quốc tế (chuyển xuống gọi là thoả thuận quốc tế). Luật điều ước quốc tế năm 2005 chỉ giữ lại hai loại điều ước quốc tế là điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

           Tóm lại, thẩm định điều ước quốc tế nói chung, điều ước quốc tế về ODA nói riêng là một hoạt động đặc biệt nhằm nghiên cứu, xem xét, đánh giá tính hợp hiến, tính tương thích của dự thảo điều ước quốc tế với luật trong nước và cách thức thực hiện điều ước quốc tế đó trong trường hợp được ký kết. Ở phương diện này, vai trò của Bộ Tư pháp thể hiện rất rõ ở việc Bộ Tư pháp là cơ quan duy nhất có thẩm quyền thẩm định dự thảo điều ước quốc tế.

2. Cung cấp ý kiến pháp lý đối với các điều ước quốc tế về ODA hoặc các vấn đề pháp lý khác theo đề nghị của cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế:

Như chúng ta đều biết, ODA không chỉ có loại ODA không hoàn lại mà còn bao gồm cả loại ODA vay ưu đãi. Đối với các điều ước ODA vay vốn nước ngoài, vai trò của Bộ Tư pháp cũng được quy định rất rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Theo quy định của Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài (sau đây gọi tắt là Nghị định số 134/2005/NĐ-CP), thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

– Tham gia ý kiến về những vấn đề pháp lý trong các thoả thuận về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, các thoả thuận về bảo lãnh của Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; tham gia ý kiến trong trường hợp cần thiết về những vấn đề pháp lý khác có liên quan đến các văn kiện vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong nước theo đề nghị của người vay và của cơ quan bảo lãnh;

– Thẩm định những vấn đề khác nhau giữa các thoả thuận về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ và pháp luật trong nước; theo dõi việc xử lý các vấn đề này trong quá trình thực hiện các cam kết về vay và trả nợ nước ngoài;

– Trong các trường hợp cần thiết, cấp ý kiến pháp lý đối với các thoả thuận vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, các thoả thuận vay được Chính phủ bảo lãnh và cấp ý kiến pháp lý về tư cách pháp lý của người vay và của cơ quan bảo lãnh theo đề nghị của các cơ quan này.

Khái quát lại, vai trò của Bộ Tư pháp trong các điều ước quốc tế về ODA vay ưu đãi được thể hiện trên những khía cạnh sau:

– Góp ý kiến pháp lý đối với thoả thuận về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, các thoả thuận về bảo lãnh của Chính phủ; góp ý kiến pháp lý đối với văn kiện vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong nước khi có yêu cầu;

– Thẩm định về những vấn đề khác nhau giữa các thoả thuận về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ và pháp luật trong nước;

– Cấp ý kiến pháp lý đối với các thoả thuận vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, các thoả thuận vay được Chính phủ bảo lãnh và cấp ý kiến pháp lý về tư cách pháp lý của người vay và của cơ quan bảo lãnh khi có yêu cầu.

Thứ nhất, đối với chức năng góp ý kiến pháp lý: ở đây không có nhiều vấn đề đặt ra, bởi lẽ việc góp ý dự thảo thoả thuận vay vốn nước ngoài chỉ là tùy nghi và không có giá trị ràng buộc đối với cơ quan đề xuất ký kết. Cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về nội dung góp ý của Bộ Tư pháp trong trường hợp này. Tuy nhiên, qua thực tiễn làm công tác góp ý dự thảo thoả thuận vay vốn nước ngoài, chúng tôi thấy nội dung văn bản góp ý của Bộ Tư pháp thường tập trung vào các điểm sau:

– Sự cần thiết ký kết thoả thuận

– Khía cạnh pháp lý của thoả thuận (tính hợp hiến, sự tương thích…);

– Tiên lượng những vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình thực thi thoả thuận;

– Kỹ thuật soạn thảo, ngôn ngữ pháp lý…

Thứ hai, đối với chức năng thẩm định về những vấn đề khác nhau giữa các thoả thuận về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ và pháp luật trong nước: trên thực tế có thể khẳng định 100% thoả thuận vay vốn nước ngoài đều là các điều ước quốc tế. Lý do rất đơn giản là chính các đối tác nước ngoài đều hết sức quan tâm đến việc ràng buộc nghĩa vụ của quốc gia trong việc thực thi thoả thuận đó (nghĩa vụ trả nợ) và do đó họ đều mong muốn ký kết các văn kiện này dưới hình thức điều ước quốc tế. Mặt khác, Luật ngân sách của Việt Nam cũng quy định các nguồn viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước(5). Do không có điểm gì đặc thù so với thẩm định điều ước quốc tế về ODA như đã đề cập ở mục 1 nên chúng tôi không phân tích lại nội dung này.

Thứ ba, đối với chức năng cấp ý kiến pháp lý, mặc dù Bộ Tư pháp chưa ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này, song qua thực tiễn có thể thấy việc cấp ý kiến được đặt ra đối với các điều ước quốc tế vay vốn nước ngoài. Yêu cầu cấp ý kiến pháp lý trong trường hợp này chủ yếu do chính phía đối tác nước ngoài đặt ra với mục đích nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các khoản vay, tránh các rủi ro có thể xảy ra đối với nghĩa vụ trả nợ. Ý kiến pháp lý được cấp vào giai đoạn điều ước quốc tế về vay vốn nước ngoài đã được ký kết xong và việc cấp ý kiến này làm cho điều ước đó có giá trị pháp lý đối với các Bên liên quan. Nội dung của ý kiến pháp lý thường tập trung vào:

– Quy định trong hợp đồng vay: đánh giá sự tương thích nội dung của hợp đồng với quy định của pháp luật trong nước; trình tự, thủ tục ký kết hợp đồng; quy trình phê duyệt, phê chuẩn;

– Trách nhiệm bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay.

Kết luận

Tóm lại, Bộ Tư pháp có vai trò rất quan trọng trong các điều ước quốc tế về ODA nói chung, đặc biệt là trong khâu thẩm định. Qua phân tích trên có thể rút ra nhận xét việc thẩm định của Bộ Tư pháp không chỉ dừng lại ở khía cạnh pháp lý (như thẩm định văn bản quy phạm pháp luật trong nước) mà trong nhiều trường hợp còn đánh giá cả về khía cạnh kinh tế- xã hội (trường hợp thẩm định chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật). Qua bài viết này, tác giả xin có một số kiến nghị như sau:

 Thứ nhất, cần nâng tầm hiệu lực pháp lý của văn bản quy định về thẩm định điều ước quốc tế: trong khi quy trình thẩm định VBQPPL trong nước được quy định ở một văn bản cấp Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 05/2007/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật) thì quy trình thẩm định điều ước quốc tế lại chỉ được quy định ở một Quyết định của Bộ trưởng (Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24 tháng 7 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế thẩm định điều ước quốc tế). Chúng tôi cho rằng cần thiết phải nâng cấp Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP lên ít nhất ở tầm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

 Thứ hai, Bộ Tư pháp cần sớm ban hành Thông tư về cấp ý kiến pháp lý, vì cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cấp ý kiến pháp lý đối với các điều ước quốc tế về ODA./.

TS. Nguyễn Hữu Huyên – Vụ Hợp tác quốc tế

 _________________________________

[1] Các khoản vốn vay ưu đãi là các khoản vay có các điều kiện tài chính kém hơn vốn vay ODA song tốt hơn so với vốn vay thương mại trên thị trường.

 [2]Chỉ tính trong thời gian từ năm 1997 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định về quản lý và sử dụng ODA (Nghị định 87/CP năm 1997; Nghị định 17/2001/NĐ-CP; Nghị định 131/2006/NĐ-CP). Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Đề án "Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thời kỳ 2006 – 2010" (kèm theo Quyết định số 290/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2006).

 [3]Ở các nước thường là Toà án Hiến pháp (Anh, Mỹ) hoặc Hội đồng bảo hiến (Pháp)

 [4]Xem Nguyễn Công Khanh, "Cơ sở lý luận và thực tiễn về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài"-Luận án tiến sỹ luật học năm 2005.

 [5]Điều 30 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002:

Nguồn thu của ngân sách trung ương gồm:

1. Các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%:

a) Thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu;

b) Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

c) Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hoá nhập khẩu;

d) Thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị hạch toán toàn ngành;

đ) Các khoản thuế và thu khác từ dầu, khí theo quy định của Chính phủ;

e) Tiền thu hồi vốn của ngân sách trung ương tại các tổ chức kinh tế, thu hồi tiền cho vay của ngân sách trung ương (cả gốc và lãi), thu từ quỹ dự trữ tài chính của trung ương, thu nhập từ vốn góp của Nhà nước;

g) Viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam;

h) Các khoản phí, lệ phí nộp vào ngân sách trung ương;

i) Thu kết dư ngân sách trung ương;

k) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

 

1900.0191